Nếu bị hội chứng ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn đường thở, bạn có nhiều giai đoạn ngừng thở khi ngủ khoảng 10 giây hoặc hơn. Bạn choàng tỉnh giấc sau mỗi giai đoạn ngừng thở để có thể thở tiếp. Bạn có thể sẽ không nhớ khoảng thời điểm bạn choàng tỉnh giấc nhưng bạn thật sự đã có rối loạn vê giấc ngủ đêm qua. Và kết quả là bạn cảm thấy buồn ngủ suốt cả ngày. Týp người hay bị tình trạng này thường là những người thừa cân, nam giới ở độ tuổi trung niên và ngáy to. Tuy nhiên tình trạng này cũng có thể gặp ở bất kì ai. Điều trị thường cho kết quả tốt.
Hội chứng ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn là gì?
Hội chứng ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn (Obstructive sleep apnea syndrome – OSAS) là tình trạng ngừng thở trong một thời gian ngắn khi đang ngủ. Trong trường hợp bị hội chứng ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn, hơi thở bị ngừng lại là do có sự tắc nghẽn đường dẫn khí. Phân biệt với hội chứng ngưng thở do nguyên nhân trung ương – không có sự tắc nghẽn tại đường dẫn khí. Tình trạng tắc nghẽn thường xảy ra hầu họng hoặc vùng mũi.
Bạn có những lúc hơi thở trở nên chậm và nông một cách bất thường. Tình trạng này gọi là giảm thở. Bởi vì có những đợt giảm thở như vầy mà bác sĩ cũng sử dụng thuật ngữ hội chứng ngừng thở/ giảm thở khi ngủ.
Ngừng thở khi ngủ do nguyên nhân trung ương là do bất thường trong kiểm soát hơi thở và nhịp điệu thở. Ngừng thở khi ngủ là một tình trạng nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến khả năng của hoạt động bình thường hàng ngày và có thể ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài.
Điều gì xảy ra ở những người bị hội chứng ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn?
Khi chúng ta ngủ, các cơ vùng cổ họng thư giãn và trở nên khó kiểm soát (giống các cơ khác). Hầu hết với mọi người, thường không ảnh hưởng đến vấn đề hô hấp. Tuy nhiên nếu bạn bị OSAS, cơ cổ họng giãn ra và mất kiểm soát trong suốt thời gian ngủ gây ra hẹp hoặc tắc hoàn toàn đường dẫn khí.
Khi đường thở bị hẹp lại và luồng không khí bị hạn chế, ban đầu nó gây nên tiếng ngáy. Nếu có sự tắc nghẽn hoàn toàn, bạn không thở nữa (ngừng thở) trong khoảng 10 giây. Nồng độ oxy trong máu lúc này xuống thấp và được phát hiện bởi não bộ. Lúc này não bộ sẽ kích thích bạn thức dậy và giúp bạn kiểm soát lại việc thở. Do đó bạn bắt đầu thở lại với vài hơi thở hổn hển. Rồi bạn sẽ dần chìm lại vào giấc ngủ và thậm chí không biết mình đã thức dậy lúc đó.
Đôi khi, đường dẫn khí có thể chỉ hẹp một phần và có thể dẫn tới việc giảm thở. Hơi thở trở nên chậm và nông bất thường. Nếu xảy ra, lượng oxy đưa vào cơ thể có thể giảm đi một nửa. Giai đoạn giảm thở cũng thường kéo dài khoảng 10 giây.
Nếu ai đó nhìn bạn lúc này, họ sẽ nhận ra rằng bạn ngừng thở trong một thời gian ngắn và sau đó thở phì phò, thở hổn hển khi cố hít vào. Tiếng thở lớn như bạn đang nghẹt thở, choàng tỉnh và quay trở lại nhanh vào giấc ngủ.
Tình trạng ngừng thở từng nhịp khá phổ biến với nhiều người trong chúng ta khi đang ngủ, thường kết thúc với tiếng nấc ngắn. Tuy nhiên điều này không cần lo lắng. Trong thực tế, vài người khi ngủ có thời gian ngừng thở khoảng 10 – 20 giây. Tuy nhiên, những người có hội chứng ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn có nhiều nhịp ngừng thở trong đêm. Để chẩn đoán OSAS bạn cần có ít nhất 5 nhịp ngừng thở, dừng thở hoặc cả hai trong 1 giờ ngủ. Tuy nhiên có nhiều mức độ khác nhau về mức độ nghiêm trọng của OSAS (nhẹ, trung bình, nặng). Người bị OSAS nặng có thể có hơn 100 nhịp ngừng thở mỗi đêm.
OSAS thường được phân loại thành:
- Nhẹ: khoảng 5 – 14 nhịp ngừng thở mỗi giờ
- Trung bình: khoảng 15 -30 nhịp ngừng thở mỗi giờ
- Nặng: khoảng > 30 nhịp ngừng thở mỗi giờ.
Vì vậy nếu bạn bị OSAS, bạn thường phải tỉnh giấc nhiều lần trong đêm. Bạn sẽ không nhớ hết những lần đó nhưng giấc ngủ của bạn bị xáo trộn rất nhiều. Như là hậu quả tất yếu, bạn sẽ thấy buồn ngủ vào ban ngày. Buồn ngủ ban ngày ở những người ngủ ngáy thường là dấu hiệu điển hình của người bị OSAS.
Ai có thể bị mắc hội chứng ngừng thở khi ngủ (OSAS)?
OSAS có thể mắc ở mọi lứa tuổi kể cả trẻ em. Tuy nhiên nó thường gặp ở nam giới tuổi trung niên, thừa cân hoặc béo phì. Người ta cho rằng có 4/100 nam giới trung niên và 2/100 nữ trung niên có OSAS.
Yếu tố làm tăng nguy cơ OSAS hoặc có thể làm tệ hơn bao gồm những yếu tố dưới đây. Chúng làm tăng nguy cơ hẹp lại đường hầu họng vào ban đêm.
- Thừa cân và béo phì, đặc biệt nếu bạn có cổ bạnh, do mỡ dư thừa ở vùng cổ đè ép đường thở của bạn.
- Uống rượu vào buổi tối: rượu làm giãn cơ hơn bình thường và làm cho não bộ giảm đáp ứng với hiện tượng ngừng thở. Nó có thể dẫn đến tình trạng ngừng thở nặng hơn ở người có OSAS mức độ trung bình.
- Amydal quá phát
- Uống thuốc an thần như thuốc ngủ hoặc thuốc an thần
- Nằm ngửa thay vì nằm nghiêng.
- Có hàm dưới nhỏ hoặc tụt hàm (receding lower jaw)
- Hút thuốc lá
Có thể có tiền sử gia đình bị OSAS.
Các triệu chứng của hội chứng ngừng thở khi ngủ (OSAS)?
Người bị OSAS có thể không biết vấn đề này của họ, vì họ thường không nhớ những lần tỉnh dậy giữa đêm. Thường người ngủ cùng hoặc bố mẹ của trẻ bị OSAS lo ngại về chứng ngáy to và nhịp ngừng thở khi họ chú ý. Một hoặc vài điều sau đây có thể xảy ra:
- Buồn ngủ ban ngày. Điều này khác với mệt mỏi. Người bị OSAS nặng có thể buồn ngủ cả ngày và có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Ví dụ, khi lái xe đặc biệt là trong những chuyến đi dài như đi trên đường cao tốc. Điều đáng lo là sự gia tăng số tai nạn xe hơi ở những lái xe bị OSAS. Người lái xe bị OSAS tăng 7-12% nguy cơ tai nạn xe hơi so với dân số trung bình. Bạn không nên vận hành máy móc nếu cảm thấy buồn ngủ.
- Kém tập trung và giảm tiếp xúc xã hội, dễ kích thích. Điều này có thể ảnh hưởng đến công việc.
- Không có cảm giác sảng khoái sau khi thức dậy vào buổi sáng
- Đau đầu buổi sáng
- Trầm cảm
- Dễ cáu gắt
Một vài người bị OSAS thường thức dậy đi tiểu thường xuyên trong đêm. Triệu chứng ít gặp hơn bao gồm đổ mồ hôi ban đêm và giảm ham muốn tình dục.
Người không điều trị OSAS cũng gia tăng nguy cơ tăng huyết áp. Huyết áp cao có thể làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Người không điều trị OSAS có thể tăng nồng độ đường máu và bệnh tiểu đường týp 2.
Chẩn đoán OSAS như thế nào?
Thang điểm buồn ngủ Epworth
Thang điểm buồn ngủ Epworth là bộ câu hỏi tự thực hiện với 8 câu hỏi. Nó cung cấp thước đo mức độ chung của người bị buồn ngủ ban ngày hoặc xu hướng ngủ trung bình của họ trong cuộc sống hàng ngày.
Thang điểm buồn ngủ Epworth hỏi người đánh giá dựa trên thang điểm 4 (từ 0-3 điểm) về khả năng họ ngủ gật hoặc buồn ngủ trong 8 tình huống khác nhau, về hầu hết sinh hoạt trong cuộc sống hàng ngày, những không nhất thiết phải hàng ngày. Hầu hết mọi người đều có thể trả lời các câu hỏi mà không cần sự trợ giúp trong khoảng 2-3 phút. Thang điểm được đánh giá như sau:
- 0 điểm: không bao giờ ngủ gật
- 1 điểm: hiếm khi buồn ngủ
- 2 điểm: đôi khi buồn ngủ
- 3 điểm: rất dễ buồn ngủ
Các câu hỏi bao gồm:
- Ngồi đọc sách.
- Xem ti vi.
- Ngồi yên ở nơi công cộng (rạp hát, trong cuộc họp…).
- Đang ngồi trên chuyến xe chạy liên tục 1 giờ mà không có nghỉ.
- Nằm nghỉ trưa
- Ngồi nói chuyện với ai đó.
- Ngồi nghỉ ngơi sau bữa ăn không có rượu bia.
- Ngồi trong xe ô tô, khi xe dừng lại vài phút trong quá trình lưu thông.
Các điểm số của mỗi câu sẽ được cộng lại để cho ra một tổng điểm duy nhất.
- 0 – 9 điểm: bình thường
- 10 – 24 điểm: cần có lời khuyên của chuyên gia
- 11 – 15 điểm: khả năng có hội chứng ngừng thở khi ngủ mức độ vừa.
Điểm số càng cao càng gợi ý có rối loạn giấc ngủ như OSAS nhưng các xét nghiệm kiểm tra chuyên sâu hơn vẫn được thực hiện để có được chẩn đoán chính xác.
Các xét nghiệm chẩn đoán OSAS
Nếu có triệu chứng gợi ý OSAS hoặc điểm cao trong thang điểm buồn ngủ Epworth, bác sỹ sẽ giới thiệu bạn đến một chuyên gia về giấc ngủ để kiểm tra. Có nhiều loại xét nghiệm khác nhau để đánh giá và được thực hiện khi bạn đang ngủ.
Đo đa ký giấc ngủ được xem là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán OSAS, xác định mức độ nghiêm trọng của bệnh và đánh giá các rối loạn khác kèm theo (như hội chứng chân không yên,…). Trong quá trình đo, bệnh nhân được kết nối với các thiết bị giám sát có khả năng ghi lại các diễn biến sinh lý bao gồm: điện não, điện mắt, điện cơ, điện tâm đồ, lưu lượng khí ở mũi, gắng sức hô hấp, độ bão hòa oxy, vị trí cơ thể. Đo đa kí giấc ngủ cần được tiến hành tại bệnh viện, hoặc cơ sở chuyên khoa có camera giám sát tại phòng bệnh, các tín hiệu thu được sẽ được truyền về phòng kỹ thuật viên. Dựa vào các tiêu chuẩn cụ thể bác sĩ sẽ đánh giá khả năng và mức độ bệnh cụ thể của bạn.
Đa ký hô hấp hay còn gọi là thử nghiệm ngừng thở khi ngủ tại nhà cũng là một xét nghiệm dùng để chẩn đoán ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn. Nó phát triển như là một thử nghiệm thay thế việc ngủ qua đêm, sự chờ đợi trong phòng đo đa kí giấc ngủ ở những bệnh nhân được chọn. Ưu điểm của phương pháp này bao gồm sự tiện lợi của nó cũng như có thể được thực hiện tại nhà hoặc phòng bệnh và khả năng giảm chi phí vì các thiết bị tại nhà không tốn kém bằng đo đa ký giấc ngủ đầy đủ và không bắt buộc có kĩ thuật viên. Tuy nhiên, điều bất lợi của các thử nghiệm này là quan sát được ít biến hơn (không xem được điện cực não) và có thể dẫn đến diễn giải sai kết quả.
Ngoài ra còn một số phương pháp khác như:
- Sử dụng một đầu cảm biến được đặt dưới mũi để đo lưu lượng không khí qua mũi khi ngủ.
- Một cảm biến có thể ghi lại tiếng ngáy sự chuyển động của bạn khi ngủ.
- Nồng độ oxy trong máu có thể được theo dõi bởi một kẹp trên đầu ngón tay (oximeter)
- Theo dõi hơi thở và ghi lại khi sử dụng đai dây đặc biệt xung quanh ngực và bụng.
- Một đoạn video ghi lại khi bạn ngủ.
Họ cũng đề nghị các xét nghiệm khác để loại trừ các nguyên nhân khác gây buồn ngủ. Ví dụ xét nghiệm máu để kiểm tra suy giáp.
Điều trị hội chứng ngừng thở khi ngủ (OSAS) như thế nào?
Biện pháp chung: thay đổi lối sống
Tạo ra hiệu quả khác biệt lớn bao gồm:
- Giảm cân nếu bạn thừa cân hay béo phì
- Không uống rượu 4 – 6 giờ trước khi ngủ.
- Không sử dụng các loại thuốc an thần
- Dừng thuốc lá nếu bạn hút thuốc
- Ngủ tư thế nằm nghiêng hoặc kê cao vai ngực và cổ 30 – 45 độ.
Thở áp lực dương liên tục (CPAP)
Đây là biện pháp điều trị hiệu quả nhất cho OSAS vừa và nặng. Có thể điều trị OSAS nhẹ nếu các biện pháp khác không thành công. Điều trị này liên quan đến đeo mặt nạ khi ngủ. Một máy thở được nối với các mặt nạ để bơm không khí trong phòng vào mũi ở một áp lực nhẹ. Áp lực này làm tăng áp suất không khí giữ cho cổ họng luôn mở khi bạn hít thở vào ban đêm và ngăn ngừa tắc nghẽn đường thở. Đáp ứng điều trị và cải thiện chất lượng sống thường là tốt.
Nếu CPAP hoạt động tốt (như hầu hết trường hợp) nó sẽ cải thiện giấc ngủ ngay lập tức. Ngoài ra, sự cải thiện chất lượng sống về ban ngày, như không còn buồn ngủ vào ngày hôm sau. Ngáy cũng giảm hoặc mất hẳn. Thiết bị này có thể cồng kềnh khi đeo mặt nạ vào buổi tối nhưng hiệu quả thường tốt.
Một số nhận xét như: “bác sĩ, 10 năm trước tôi đã có một tai nạn xe hơi, tôi ngủ thiếp đi khi đang lái xe. Tôi đã được đo đa kí giấc ngủ và điểm số AHI* của tôi là 18/h. Hồi tháng trước tôi ngủ ở nhà anh trai tôi, anh tôi đang điều trị bằng máy thở, thế là tôi thử máy của anh tôi và ngủ như chưa bao giờ được ngủ như vậy…”; nhưng cũng có một số phàn nàn như “Tôi không còn ngủ ngon như những năm trước” (có thể do tiếng động khi vận hành máy) đã được báo cáo từ những người đã điều trị bằng CPAP.
Điều trị suốt đời là cần thiết. Đôi khi bạn có vấn đề như cổ họng bị kích thích, khô hoặc chảy nước mũi. Tuy nhiên, các máy CPAP mới hơn có trang bị thiết bị tạo độ ẩm có thể làm giảm vấn đề này.
* AHI: chỉ số ngưng thở giảm thở = số lần ngưng thở + giảm thở trong 1 giờ ngủ
Thiết bị tiến hàm dưới hay dụng cụ nâng hàm dưới
Các thiết bị gọi là thiết bị tiến hàm dưới, bạn có thể mang trong miệng khi ngủ. Nó giúp định vị hàm dưới, đưa lưỡi và vòm miệng ra phía trước giúp giảm tắc nghẽn do gốc lưỡi tụt ra sau. Điều trị này rất tuyệt vời để giảm ngáy. Cho dù bạn có thể mua những thiết bị này không cần kê đơn nhưng tốt nhất là nên được đánh giá và theo dõi bởi bác sĩ răng hàm mặt. Áp dụng cho OSAS nhẹ (mặc dù hiện nay một số báo cáo cho thấy hiệu quả thành công trên OSAS trung bình) hoặc những người không dung nạp với thở CPAP.
Phẫu thuật
Phẫu thuật thường không được dùng để điều trị OSAS người trưởng thành. Tuy nhiên một vài cuộc phẫu thuật có thể có ích để đảm bảo lưu thông luồng không khí. Ví dụ: nếu bạn có amydal to hoặc amydal vòm quá phát, phẫu thuật có thể giúp điều trị OSAS nếu loại bỏ chúng. Có nhiều cách điều trị khác nếu trẻ em bị OSAS. Nếu bạn có tắc mũi do cuốn mũi phì đại, phẫu thuật có thể làm thông thoáng ngã mũi. Hiện này, nhiều kỹ thuật phẫu thuật mới ra đời nhằm cải thiện hiệu quả điều trị cho những người bị OSAS.
Hội chứng ngừng thở khi ngủ (OSAS) – lái xe và vận hành máy móc
Nếu bạn bị OSAS và bạn là tài xế, cần thông báo cho cơ quan Điều khiển và lái xe đường dài (DVLA) nếu bạn có triệu chứng buồn ngủ ban ngày quá mức. Thường thì bạn vẫn được tiếp tục lái xe sau khi bạn đã điều trị để không có triệu chứng buồn ngủ ban ngày. Bạn không cần phải dừng lái xe hoặc thông báo cho DVLA nếu bạn đang được theo dõi để chẩn đoán hoặc được chẩn đoán OSAS nhưng không có triệu chứng buồn ngủ ban ngày, vốn có khả năng ảnh hưởng đến khả năng lái xe.
Tuy nhiên, bạn vẫn có thể tiếp tục lái hoặc không phải thông báo đến cơ quan DVLA nếu chỉ nghi ngờ, hoặc có chẩn đoán OSAS nhưng không có triệu chứng buồn ngủ ban ngày vốn dĩ có thể gây hậu quả nghiêm trọng
Cũng có khuyến cáo rằng bạn nên thông báo cho DVLA (nhưng không ngừng lái xe) nếu bạn điều trị thành công với CPAP hoặc sử dụng dụng cụ nâng hàm. Nếu bạn kiểm soát được triệu chứng và không có triệu chứng buồn ngủ ban ngày quá mức hoặc phải thức giấc trong giấc ngủ thì giấy phép lái xe của bạn cũng không bị ảnh hưởng.
Tương tự, nếu bạn có biểu hiện buồn ngủ quá mức ban ngày, bạn cũng không nên vận hành máy móc, vì điều này rất nguy hiểm.