Viêm VA mạn tính là tình trạng viêm kéo dài ở tổ chức lympho nằm trên vòm họng, sau cửa mũi sau. Tình trạng này thường xảy ra ở trẻ em khi bị viêm VA cấp nhưng không được phát hiện và điều trị dứt điểm. Để tìm hiểu rõ hơn về bệnh lý này, mời bạn đọc tiếp bài viết sau.
Viêm VA mạn tính là gì?
VA và amidan là tuyến phòng thủ đầu tiên của cơ thể, là một phần của hệ thống miễn dịch chống lại tình trạng nhiễm trùng. Chúng có nhiệm vụ bẫy và tiêu diệt vi khuẩn hay virus xâm nhập vào bên trong qua đường miệng, mũi. Tuy nhiên, đôi khi chúng không thể chống lại được tất cả tác nhân gây bệnh và bị viêm nhiễm.
Tổ chức lympho (bạch huyết) VA có từ khi mới sinh ra, có kích thước nhỏ. Từ 6 tháng tuổi trở lên, chức năng miễn dịch của VA dần được hoàn thiện, giúp chống lại các vi sinh vật gây bệnh. Cho đến khoảng 6–7 tuổi, VA teo lại và chỉ để lại dấu vết ở tuổi dậy thì. Do đó, tình trạng viêm VA thường xảy ra ở trẻ nhỏ.
Cũng như các tình trạng viêm nhiễm khác, viêm VA được chia thành hai dạng là cấp tính và mạn tính. Khi tình trạng viêm cấp tính không được phát hiện và điều trị sớm sẽ dễ phát triển thành viêm VA mạn tính (viêm VA quá phát). Ngoài ra, viêm mạn tính thường là do nhiễm nhiều vi khuẩn gây bệnh (bội nhiễm).
Dấu hiệu và triệu chứng viêm VA mạn tính
Khi VA bắt đầu bị viêm, chúng sẽ sưng dần lên, theo thời gian có thể gây hẹp đường thở. Khi đó, trẻ có biểu hiện khó thở bằng mũi. Khi tình trạng này kéo dài hơn 3 tháng (mạn tính) thường gây ra các triệu chứng:
- Nghẹt mũi và chảy nước mũi dai dẳng
- Đau hoặc khô họng do thở bằng miệng
- Ngủ ngáy to, thỉnh thoảng có thể bị ngưng thở khi ngủ
- Có dấu hiệu nhiễm trùng, như nước mũi đặc hơn và có màu (như vàng, xanh lá hay màu sắc khác), có thể có mùi
Nguyên nhân viêm VA là gì?
Viêm VA thường xảy ra sau khi trẻ bị nhiễm trùng đường hô hấp trên. Khi mầm bệnh (vi khuẩn hoặc virus) sinh sôi, nảy nở, lây nhiễm VA và các mô xung quanh gây ra viêm và tăng sản xuất dịch nhầy. Vi khuẩn gây viêm VA thường gặp là Streptococcus, Staphylococcus. Nếu viêm do virus thì thường được gây ra bởi một số loại như virus Epstein-Barr, adenovirus và rhinovirus.
Chẩn đoán viêm VA mạn tính
Để xác định được các triệu chứng đang có là do viêm VA, bạn cần đến gặp bác sĩ tai mũi họng kiểm tra. Họ sẽ xem xét các triệu chứng và hỏi những câu hỏi cần thiết để đưa ra chẩn đoán ban đầu. Một số xét nghiệm có thể được tiến hành trước khi ra chẩn đoán bệnh cuối cùng:
- Lấy mẫu niêm mạc trong cổ họng đem đi nuôi cây để xác định vi khuẩn hay tác nhân gây bệnh
- Xét nghiệm máu có thể giúp kiểm tra sự hiện diện của vi sinh vật
- Chụp X-quang phần đầu và cổ để xác định kích thước của VA bị viêm, đồng thời đánh giá mức độ nhiễm trùng
Điều trị viêm VA mạn tính
Sau khi đánh mức độ viêm và tìm được nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị viêm VA mạn tính phù hợp cho từng trường hợp. Nếu tác nhân gây bệnh là vi khuẩn thì bạn sẽ được kê một toa thuốc kháng sinh. Trường hợp viêm do virus gây ra thì bạn sẽ có một kế hoạch điều trị khác biệt.
Khi VA bị sưng to hoặc người bệnh không đáp ứng với phương pháp điều trị, bác sĩ có thể đề nghị tiến hành nạo VA. Nếu không điều trị, tình trạng sưng viêm khiến cho VA phì đại có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Viêm VA mạn tính có nguy hiểm không?
Khi VA bị viêm mạn tính do nhiễm trùng có khả năng sẽ gây ra nhiều biến chứng, như:
- Viêm tai giữa gây ảnh hưởng đến thính giác
- Viêm tai giữa ứ dịch (glue ear)
- Viêm xoang
- Nhiễm trùng ở lồng ngực dẫn đến viêm phế quản, viêm phổi
- Nôn mửa nhiều vào buổi sáng do nuốt phải nhiều dịch tiết trong lúc ngủ ban đêm
Trường hợp viêm VA mạn tính ở trẻ nhỏ gây ra khó thở trong thời gian dài có thể làm cho não bộ thiếu oxy. Đồng thời, đường mũi bị hẹp do VA sưng to làm cho trẻ phải thở bằng miệng dẫn đến thay đổi cấu trúc gương mặt như răng hô, răng mọc lệnh và chức năng mũi bị ảnh hưởng…
Phòng ngừa viêm VA mạn tính
Để tránh viêm nhiễm VA, trẻ nhỏ cần được hướng dẫn giữ vệ sinh khoang miệng tốt. Bên cạnh đó, ăn chế độ ăn lành mạnh và uống nhiều nước, ngủ đủ giấc sẽ giúp cho cơ thể khỏe mạnh, có sức đề kháng chống lại vi sinh vật gây bệnh.
Khi thấy trẻ nhỏ có các dấu hiệu và triệu chứng viêm VA, bạn nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ sớm để kiểm tra và điều trị kịp thời, tránh để tình trạng này kéo dài hay tái phát nhiều lần dẫn đến viêm VA mạn tính.