Bệnh thiếu hụt men Alpha-1-Antitripsin

(4.4) - 19 đánh giá

Alpha-1-Antitripsin là gì?

Alpha-1 antitrypsin (A1AT) là một loại protein do tế bào gan sản xuất. A1AT di chuyển từ gan vào máu và có thể đi đến phổi. Chức năng của A1AT là nhằm bảo vệ phổi không bị tổn thương bởi các loại men (enzyme) khác. Trong điều kiện bình thường, các men cần thiết cho sự hoạt động và phát triển bình thường của cơ thể. Trong phổi, một vài loại men – gọi là proteases – giúp chống lại nhiễm trùng bằng cách loại bỏ vi khuẩn, và được phóng thích nhằm bảo vệ phổi khỏi tổn thương gây ra do khói thuốc lá. Tuy nhiên, hoạt động của các proteases cần phải được cân bằng. Nếu tình trạng cân bằng mất đi và các men hoạt động quá mức, phổi có thể bị tổn thương. A1AT giúp cân bằng các proteases trong phổi và ngăn chặn tổn thương phổi.

Bệnh thiếu men A1AT là gì?

Bệnh thiếu men A1AT là một bệnh lý di truyền, có thể được truyền từ cha mẹ sang con cái thông qua gene. Bệnh có thể dẫn đến tổn thương ở phổi và gan. Triệu chứng tại phổi thường gặp nhất, bao gồm khó thở, hokhò khè. Các triệu chứng có thể xấu đi theo thời gian. Tuy nhiên, hiện nay bệnh vẫn chưa có cách điều trị, các phương pháp hiện tại chỉ giúp làm chậm tiến triển bệnh. Bệnh được mô tả lần đầu tiên vào năm 1963 bởi bác sĩ Sten Eriksson, một bác sĩ người Đan Mạch.

Trong nhân của tế bào có 46 nhiễm sắc thể, tạo thành 23 cặp nhiễm sắc thể (NST). Một cặp NST được cấu thành từ một NST di truyền từ cha và một NST di truyền từ mẹ. NST được cấu tạo từ acid deoxyribonucleic (DNA). Một chuỗi (hoặc mảnh) của DNA tạo thành gene – đơn vị cơ bản của vật chất di truyền. Các gene được sắp xếp tại một vị trí đặc biệt trên NST. Gene là một phần nhỏ của một NST, mỗi gene điều khiển một tính năng đặc biệt hoặc có một chức năng cụ thể trong cơ thể.

Bệnh thiếu A1AT gây ra do một khiếm khuyết trên NST số 14, tạo ra men A1AT bất thường. A1AT bất thường bị tắc nghẽn trong gan, và không thể vận chuyển vào mạch máu hay phổi. A1AT ở phổi bị giảm sút, gây mất cân bằng men protease và khiến phổi bị tổn thương do các men. Thành túi khí (phế nang) bị phá hủy bởi các men, gây ra tình trạng khí phế thũng. Bình thường, khi chúng ta hít thở, phế nang được cung cấp máu và oxy đầy đủ, hỗ trợ vận chuyển khí từ phế nang vào mạch máu. Trong bệnh khí phế thũng, các phế nang bị phá hủy, cản trở quá trình vận chuyển oxy.

Bệnh khí phế thũng thuộc nhóm bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). COPD bao gồm 2 dạng bệnh: viêm phế quản mạn tính và khí phế thũng. Bệnh nhân bị COPD có thể bị viêm phế quản, hoặc khí phế thũng, hoặc cả hai.

Ở một số người, men A1AT bất thường bị tắc nghẽn ở gan có thể gây tổn hại tế bào gan, tạo mô sẹo ở gan. Tuy nhiên, triệu chứng tại gan chỉ gặp ở một số bệnh nhân thiếu men A1AT, nguyên nhân vẫn chưa được hiểu rõ.

Bệnh thiếu hụt A1AT di truyền như thế nào?

Bệnh nhân biểu hiện bệnh thiếu men A1AT khi bệnh nhân cùng nhận hai NST 14 bất thường từ cả cha lẫn mẹ.

Nếu một người chỉ nhận một NST bất thường từ bố hoặc mẹ, người đó sẽ không biểu hiện bệnh thiếu men A1AT, họ vẫn có đủ A1AT để bảo vệ phổi không bị tổn thương. Thay vào đó, họ sẽ được gọi là “người lành mang bệnh”, và có thể truyền lại gene gây bệnh cho thế hệ sau. Các bằng chứng gần đây cho thấy người lành mang bệnh có kèm theo tăng nguy cơ mắc bệnh gan và hô hấp.

Có nhiều biến thể của gene A1AT bất thường. Một số bất thường gene sẽ gây nên tình trạng bệnh lý trầm trọng hơn những bất thường khác, liên quan đến lượng A1AT bình thường mà cơ thể bệnh nhân có thể tạo ra. Chỉ những người với hàm lượng A1AT thấp nhất trong máu sẽ biểu hiện triệu chứng. Phenotype test – xét nghiệm kiểu hình gene gây bệnh có thể cho thấy loại bất thường gene mà bệnh nhân mắc phải. Loại gene gây bệnh được ký hiệu như là gene Z, những bệnh nhân mang hai gene Z (kiểu hình ZZ) sản xuất được men A1AT ít nhất, và do đó bị ảnh hưởng trầm trọng nhất.

Bệnh thiếu hụt A1AT phổ biến như thế nào?

Bệnh thiếu hụt A1AT là một trong số các bệnh lý di truyền phổ biến nhất tại Anh. Tần suất mắc bệnh là 1 trong số 3.000 đến 5.000 người. Cứ 30 người thì sẽ có 1 người mang gene gây bệnh A1AT.

Triệu chứng

Bệnh thiếu men A1AT có nhiều biến thể di truyền, vì vậy, bệnh nhân thiếu men A1AT có thể có nhiều triệu chứng đa dạng. Một số bệnh nhân thiếu men A1AT có thể có rất ít hoặc không có triệu chứng, trong khi một số lại có triệu chứng trầm trọng. Tương tự, một số bệnh nhân mang kiểu gene gây bệnh A1AT khiến cho triệu chứng tiến triển nhanh hơn. Một số bệnh nhân có thể biểu hiện triệu chứng ở phổi, hoặc gan, hoặc cả hai.

Triệu chứng ở phổi

  • Thường gặp nhất, thường khởi phát khi bệnh nhân khoảng 40 tuổi. Tuy nhiên, triệu chứng có xu hướng khởi phát sớm hơn ở những bệnh nhân có hút thuốc lá, đôi khi có thể gặp khi bệnh nhân khoảng 20 tuổi.
  • Triệu chứng bao gồm:
    • Khó thở: ban đầu, bệnh nhân chỉ có cảm giác khó thở khi gắng sức. Tuy nhiên, khó thở có thể diễn tiến nặng hơn sau vài năm và một số bệnh nhân có thể bị khó thở trầm trọng.
    • Ho: thường gặp, có thể kèm đàm.
    • Khò khè
    • Nhiễm trùng hô hấp: thường gặp ở bệnh nhân có kèm theo bệnh khí phế thũng. Khi tình trạng nhiễm trùng bộc phát, các triệu chứng kèm theo (khó thở, ho, khò khè) có thể trở nặng hơn.

Triệu chứng ở gan

Trẻ sơ sinh bị thiếu men A1AT hiếm khi biểu hiện vàng da (trẻ vàng da nhưng không vàng mắt), và viêm gan sau khi sinh. Nguyên nhân có thể do một lượng men A1AT tích tụ tại gan trẻ trong giai đoạn bào thai. Trong đa số các trường hợp, trẻ lớn lên mà không có vấn đề về gan, do đó, cho đến tuổi dậy thì, trẻ có thể chỉ có bất thường nhẹ về gan. Tuy nhiên, trong một số hiếm trường hợp, trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ có thể biểu hiện suy tế bào gan.

Ở người lớn, một số bệnh nhân thiếu men A1AT có thể có hội chứng suy tế bào gan nhẹ. Một số ít bệnh nhân tiến triển hội chứng suy tế bào gan nặng, gây nên bệnh xơ gan hoặc bệnh lý gan mạn tính.

Bệnh thiếu hụt A1AT được chẩn đoán như thế nào?

  • Xét nghiệm máu: nồng độ A1AT trong máu bị suy giảm gợi ý bệnh nhân có thiếu men A1AT.
  • Xét nghiệm kiểu hình gây bệnh: xét nghiệm được đề nghị tiếp theo sau khi bệnh nhân cho thấy nồng độ men A1AT trong máu thấp. Xét nghiệm giúp phát hiện bệnh nhân mang loại kiểu hình gene A1AT bất thường nào, qua đó, bác sĩ có thể tiên đoán mức độ nặng của bệnh.

Bệnh thiếu men A1AT thường được di truyền trong gia đình, do đó khi một bệnh nhân được chẩn đoán thiếu men A1AT, các thành viên khác trong gia đình nên được tầm soát bệnh.

Một số xét nghiệm khác giúp chẩn đoán độ nặng của bệnh, thường được đề nghị lặp lại sau một khoảng thời gian để theo dõi tiến triển của bệnh, bao gồm:

  • Xét nghiệm chức năng phổi: đánh giá hoạt động của phổi. Hô hấp ký là xét nghiệm đánh giá chức năng phổi phổ biến nhất, giúp đo lường thể tích không khí và/hoặc tốc độ lưu chuyển khí (lưu lượng) mà bệnh nhân có thể hít thở được.
  • X quang ngực thẳng: giúp phát hiện bệnh khí phế thũng.
  • CT scan lồng ngực: giúp đánh giá mức độ trầm trọng của tổn thương phổi.
  • Xét nghiệm máu: đánh giá chức năng gan.

Điều trị

Hiện tại vẫn chưa có phương pháp điều trị cho bệnh thiếu men A1AT. Đa phần bệnh nhân được chẩn đoán ra bệnh sau khi đã biểu hiện các triệu chứng tại phổi và gan. Trong trường hợp đó, việc điều trị chỉ nhằm làm giới hạn tiến triển của bệnh.

Ở những bệnh nhân có kèm khí phế thũng, việc điều trị tương tự như điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) dù nguyên nhân không phải do thiếu men A1AT.

Việc điều trị cho bệnh thiếu men A1AT có thể bao gồm:

  • Ngưng hút thuốc lá: rất quan trọng do thuốc lá thúc đẩy tiến triển bệnh phổi ở những bệnh nhân thiếu men A1AT.
  • Thuốc:
    • Thuốc dùng đường hít: thuốc dạng bột được đưa vào trong cơ thể khi bệnh nhân hít vào, bao gồm:
      • Thuốc dãn phế quản: giúp làm giãn cơ trơn đường dẫn khí, giúp mở rộng đường dẫn khí bị co thắt.
      • Steroid: giúp làm giảm viêm. Steroid phun khí dung có thể không có nhiều tác dụng giảm triệu chứng bệnh khí phế thũng, nhưng giúp ngăn ngừa đợt kịch phát.
    • Steroid dạng viên: đôi khi, bệnh nhân được chỉ định dùng steroid dạng viên (prednisolone) trong đợt kịch phát nặng khò khè và khó thở (thường trong một đợt nhiễm trùng hô hấp). Steroids giúp làm giảm tình trạng nhiễm trùng ở đường dẫn khí.
    • Kháng sinh: được chỉ định khi có nhiễm trùng hô hấp, hoặc trong đợt kịch phát nhiễm trùng hô hấp.
    • Theophylline dạng viên: có tác dụng giãn phế quản.
  • Phẫu thuật: trong một số trường hợp hiếm gặp, bệnh nhân COPD có thể có các túi khí lớn (kén khí) trong phổi. Phẫu thuật giúp loại bỏ một kén khí lớn, đơn độc, giúp cải thiện triệu chứng. Một số trường hợp khác, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật ghép phổi.
  • Các phương pháp điều trị khác:
    • Cai rượu, bia: do việc tiêu thụ rượu bia quá mức gây thúc đẩy tổn thương gan ở bệnh nhân thiếu men A1AT.
    • Tiêm chủng: bệnh nhân khí phế thũng nên được chủng ngừa với 2 loại vaccine sau:
      • Chủng ngừa cúm hàng năm: vào mỗi mùa thu, giúp bảo vệ người bệnh chống lại bệnh nhiễm trùng hô hấp gây ra bởi virus Influenza.
      • Chủng ngừa phế cầu pneumococcus: phế cầu khuẩn có thể gây ra nhiễm trùng hô hấp nặng. Tiêm chủng thực hiện một lần và không cần phải chích nhắc lại mỗi năm như chủng ngừa cúm
      • Chương trình phục hồi chức năng hô hấp (CNHH): bệnh nhân có khí phế thũng và COPD có thể tham gia các chương trình phục hồi chức năng hô hấp, kèm hỗ trợ nâng đỡ tâm lý. Các nghiên cứu cho thấy bệnh nhân COPD tập thể dục đều đặn có xu hướng cải thiện hô hấp, giảm triệu chứng và có chất lượng sống tốt hơn. Chương trình phục hồi CNHH tiêu chuẩn sẽ bao gồm các bài tập thể dục và lời khuyên giúp bệnh nhân giữ cân nặng phù hợp.
      • Liệu pháp điều trị oxy tại nhà: hữu ích cho các bệnh nhân khí phế thũng nặng do thiếu men A1AT. Bệnh nhân nhận oxy thông qua mặt nạ hoặc qua các ống thông mũi. Bệnh nhân có thể sử dụng oxy qua một bình oxy di động, hoặc sử dụng máy tạo oxy (oxygen concentrator) nếu cần sử dụng liệu pháp cung cấp oxy dài hạn. Đây là một loại dụng cụ khá lớn (ước lượng chiều dài x rộng x cao khoảng 35 cm x 50 cm x 75 cm), được nối với ổ điện mỗi khi sử dụng. Máy tạo oxy lấy oxy từ khí trời và cô đặc, tách oxy ra khởi các loại khí khác trong không khí, vì vậy người sử dụng có thể nhận được oxy nguyên chất.
    • Truyền A1AT thay thế cho lượng men bị thiếu hụt
      • Bệnh nhân được truyền lượng men A1AT mà bệnh nhân bị thiếu hụt thông qua đường tĩnh mạch. Tuy nhiên, lợi ích của phương pháp điều trị này còn đang được nghiên cứu. Hiện nay vẫn chưa có nghiên cứu nào với thiết kế nghiên cứu tốt chứng tỏ phương pháp này giúp cải thiện tỉ lệ sống còn hay làm chậm tiến triển bệnh hô hấp. Viện nghiên cứu sức khỏe và chăm sóc Anh (National Institue for Health and Care Excellence – NICE) không khuyến cáo điều trị bằng liệu pháp thay thế A1AT do chưa đủ bằng chứng có lợi. Tuy nhiên, quyết định này hiện đang bị chỉ trích. Phương pháp này hiện đã được sử dụng ở một số quốc gia.

Tiên lượng

Tiên lượng thay đổi tùy thuộc vào độ nặng các triệu chứng, và tùy theo mỗi người, một số người sẽ có diễn tiến bệnh nhanh hơn những người khác. Một số bệnh nhân thiếu hụt men A1AT có thể chỉ khò khè, khó thở nhẹ vào khoảng 70 tuổi, trong khi một số khác có thể có các bệnh lý phổi trầm trọng vào khoảng 20 hoặc 30 tuổi.

Mặc dầu hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị cho bệnh thiếu men A1AT, việc chẩn đoán và điều trị sớm có thể giúp làm giảm mức độ tiến triển của bệnh. Nhờ việc theo dõi định kỳ và quản lý cẩn thận tình trạng bệnh, nhiều bệnh nhân thiếu men A1AT có thể vẫn sống khỏe mạnh.

Tài liệu tham khảo

http://patient.info/health/alpha-1-antitrypsin-deficiency-leaflet

Biên dịch - Hiệu đính

BS. Trịnh Hoàng Kim Tú - BS. Bùi Diễm Khuê
Đánh giá:

Bài viết liên quan

Viêm sụn sườn

(38)
Viêm sụn sườn (hay còn gọi là viêm khớp sụn sườn) là một tình trạng đau của thành ngực. Nguyên nhân là do viêm các khớp nối giữa sụn xương sườn với ... [xem thêm]

Tràn dịch màng phổi

(74)
Tác giả: Bác sĩ Colin Tidy, hiệu đính: Giáo sư Cathy Jackson. Chỉnh sửa lần cuối ngày 5 tháng 5 năm 2016. Được chứng nhận bởi The information standard. Người ... [xem thêm]

Một số bệnh liên quan đến viêm nhiễm đường hô hấp dưới

(10)
Bệnh lý viêm nhiễm đường hô hấp rất thường gặp, có thể xảy ra quanh năm nhưng thường vào thời điểm thời tiết giao mùa như mùa mưa của các tỉnh thành ... [xem thêm]

Viêm màng phổi

(39)
Viêm màng phổi là tình trạng viêm của lớp màng phổi bao quanh phổi, thường do nguyên nhân nhiễm trùng, ví dụ như virus. Bệnh có thể gây đau ngực rất nhiều ... [xem thêm]

COPD – Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

(86)
Tổng quan Phổi có 2 phần chính là hệ thống phế quản (đường hô hấp) và phế nang (các túi khí). Khi chúng ta hít vào, không khí di chuyển xuống khí quản qua ... [xem thêm]

Ho và cảm lạnh ở trẻ em

(81)
Ho và cảm lạnh thường do virus gây ra và bệnh thường tự khỏi mà không cần phải sử dụng kháng sinh. Paracetamol hay ibuprofen có thể giúp giảm bớt một số ... [xem thêm]

Ho ra máu

(45)
Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ho ra máu. Nếu bạn ho ra nhiều máu thì phải gọi cấp cứu ngay lập tức. Nếu bạn ho ra lượng máu ít hơn và ... [xem thêm]

Giãn phế quản

(35)
Giãn phế quản là một tình trạng biến dạng phế quản bất thường của đường hô hấp. Tình trạng này thường gây tăng tiết nhiều đờm (đàm) nhầy dẫn ... [xem thêm]

DANH SÁCH PHÒNG KHÁM BỆNH VIỆN