Viêm tai giữa mạn tính nếu không được điều trị sẽ dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu hiểu rõ, bạn vẫn có thể phòng bệnh dễ dàng.
Viêm tai giữa là một tình trạng khá phổ biến, có thể xảy ra ở bất kỳ ai. Bệnh có rất nhiều loại, trong đó viêm tai giữa mạn tính là tình trạng khá nghiêm trọng vì khiến người bệnh khó chịu trong thời gian dài, thậm chí có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng. Vậy làm sao để điều trị hoặc phòng ngừa bệnh này? Mời bạn tham khảo bài viết sau đây nhé.
Viêm tai giữa mạn tính là gì?
Viêm tai giữa mạn tính là tình trạng nhiễm trùng tai trong thời gian dài hoặc tái đi tái lại. Tình trạng nhiễm trùng thường xuất hiện phía sau màng nhĩ.
Ống Ot – tát (eustachian) giúp thoát dịch từ tai giữa có thể bị tắc và dẫn đến nhiễm trùng. Dịch tích tụ trong tai giữa sẽ tạo áp lực lên màng nhĩ và gây đau. Nếu nhiễm trùng tiến triển nhanh hoặc không được điều trị, bạn có thể bị thủng màng nhĩ.
Ở trẻ em, tình trạng viêm tai giữa xảy ra phổ biến hơn vì ống Ot – tát của trẻ nhỏ và ngang hơn, nên nó dễ bị tắc.
Triệu chứng viêm tai giữa mạn tính
Viêm tai giữa mạn tính có thể gây ra các triệu chứng nhẹ hơn viêm tai giữa cấp tính. Các dấu hiệu viêm tai giữa có thể ảnh hưởng đến một hoặc cả hai tai, xuất hiện trong thời gian dài hoặc lặp đi lặp lại trong một khoảng thời gian.
Các triệu chứng viêm tai giữa mãn tính bao gồm:
- Cảm giác áp lực trong
- Đau tai nhẹ
- Chảy dịch từ tai
- Sốt nhẹ
- Mất thính lực
- Khó ngủ
Trẻ sơ sinh bị viêm tai giữa có thể quấy khóc hơn bình thường, đặc biệt là khi nằm, vì dịch sẽ gây áp lực lên tai. Ngoài ra, bé cũng có thể thay đổi thói quen ăn và ngủ.
Một dấu hiệu khác của viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh là kéo và giật mạnh tai. Tuy nhiên, biểu hiện này cũng có thể do các tình trạng sức khỏe gây ra, ví dụ như mọc răng.
Nếu bạn hoặc con có dấu hiệu viêm tai giữa cấp tính, như đau tai, sốt và khó nghe, bạn nên đi gặp bác sĩ. Điều trị viêm tai giữa cấp tính kịp thời có thể giúp ngăn ngừa viêm tai giữa mạn tính.
Bạn cũng nên đi gặp bác sĩ nếu:
- Đã được chẩn đoán bị viêm tai giữa cấp tính nhưng không đáp ứng với điều trị
- Đã được chẩn đoán viêm tai giữa cấp tính và có các triệu chứng mới hoặc nếu các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn
Vì sao bạn bị viêm tai giữa mạn tính?
Viêm tai giữa mạn tính phát triển từ viêm tai giữa cấp tính kéo dài hoặc tái phát. Viêm tai giữa cấp tính xảy ra khi ống Ot – tát, nối từ tai giữa đến cổ họng, bị tắc.
Dịch tích tụ trong tai giữa có thể gây nhiễm trùng, khiến bạn đau cùng các triệu chứng khác.
Nguyên nhân gây nhiễm trùng tai bao gồm:
- Nhiễm khuẩn
- Cảm lạnh
- Bệnh cúm
Một số yếu tố nguy cơ khiến bạn dễ mắc viêm tai giữa mạn tính như:
- Từng mắc bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên
- Hội chứng Down
- Người bị hở hàm ếch
- Tiền sử gia đình bị nhiễm trùng tai
Ngoài ra, nhà trẻ cũng là nơi khiến trẻ em tăng nguy cơ mắc viêm tai giữa vì trẻ dễ mắc vi khuẩn hoặc virus gây bệnh hơn.
Các cách điều trị viêm tai giữa mạn tính
Khi bị viêm tai giữa mạn tính, bạn cần được điều trị y tế. Tuy nhiên, các phương pháp điều trị tại nhà cũng có thể giúp làm giảm các triệu chứng bệnh. Các phương pháp điều trị viêm tai giữa tại nhà bao gồm:
- Chườm khăn ấm hoặc mát vào khu vực đau
- Sử dụng thuốc nhỏ tai gây tê
- Sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn như paracetamol hoặc thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) như ibuprofen.
Nếu các cách điều trị viêm tai giữa tại nhà không hiệu quả, bác sĩ sẽ đưa ra các lựa chọn y tế.
Thuốc
Nếu bạn bị nhiễm trùng tai mạn tính, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh dạng uống. Trong một số trường hợp hiếm, bác sĩ sẽ yêu cầu tiêm tĩnh mạch nếu nhiễm trùng nặng.
Bác sĩ có thể đề nghị thuốc nhỏ tai nếu bạn có một lỗ (thủng) trong màng nhĩ. Tuy nhiên, bạn không nên tự ý sử dụng một số loại thuốc nhỏ tai nếu bị thủng màng nhĩ.
Một điều bạn cần lưu ý là thuốc kháng sinh có thể gây ra nhiều tác dụng phụ, vì vậy nếu dùng thuốc không đúng cách có thể khiến tình trạng nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, theo thời gian, vi khuẩn gây ra một số bệnh nhiễm trùng tai có thể trở nên kháng kháng sinh. Để tránh tình trạng này, bạn cần dùng kháng sinh theo đúng liệu trình điều trị của bác sĩ.
Phẫu thuật
Nếu tình trạng viêm tai giữa mãn tính không đáp ứng với các điều trị trên, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật. Ở trẻ em, việc điều trị viêm tai giữa mạn tính là việc hết sức quan trọng vì vấn đề về thính giác có thể gây khó khăn về ngôn ngữ tại một thời điểm quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ.
Để điều trị, bác sĩ có thể chèn một ống nhỏ qua màng nhĩ để nối tai giữa và tai ngoài. Ống thông tai này sẽ giúp dẫn lưu dịch từ tai giữa, từ đó làm giảm số lượng nhiễm trùng và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Bác sĩ sẽ đặt ống thông tai ở cả hai tai.
Các ống thông tai thường tự rơi ra, khoảng 6 – 18 tháng sau khi được gắn vào. Bạn có thể cần phải được phẫu thuật cắt bỏ ống nếu chúng không rơi ra.
Ngoài ra, bác sĩ có thể yêu cầu các loại phẫu thuật khác nếu nhiễm trùng đã lan rộng, chẳng hạn như phẫu thuật để sửa chữa hoặc thay thế các xương nhỏ trong tai bị nhiễm trùng.
Viêm tai giữa mãn tính cũng có thể làm hỏng màng nhĩ. Nếu màng nhĩ không lành đúng cách, bạn có thể cần phẫu thuật để sửa chữa tổn thương. Trong một số trường hợp hiếm, nhiễm trùng có thể lan đến xương chũm nằm phía sau tai. Lúc này, phẫu thuật là biện pháp cần thiết để làm sạch nhiễm trùng.
Viêm tai giữa mạn tính có nguy hiểm không?
Nếu không được điều trị, viêm tai giữa mạn tính có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng, bao gồm:
- Mất thị lực
- Tổn thương các xương trong tai giữa
- Nhiễm trùng xương chũm
- Tổn thương chức năng cân bằng của tai
- Chảy dịch từ lỗ màng nhĩ
- Xơ nhĩ: mô nhĩ bị thoái hóa do canxi tích tụ trong tai
- Cholesteatoma: một khối u trong tai giữa
- Liệt mặt
- Viêm xung quanh hoặc trong não
Làm thế nào để phòng ngừa viêm tai giữa mạn tính?
Một số cách có thể giúp bạn giảm nguy cơ bị viêm tai giữa mãn tính.
Nếu có các triệu chứng viêm tai giữa cấp tính, bạn hãy nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được điều trị kịp thời, từ đó có thể phòng ngừa viêm tai giữa mạn tính.
Ngoài ra, bạn cũng cần tiêm phòng cúm, viêm phổi và viêm màng não. Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC), vi khuẩn phế cầu khuẩn (nguyên nhân gây viêm phổi và viêm màng não do phế cầu) cũng có khả năng gây viêm tai giữa.
Các mẹo khác để ngăn ngừa viêm tai giữa bao gồm:
- Bỏ hút thuốc lá và tránh hút thuốc thụ động
- Cho trẻ bú sữa mẹ trong vòng một năm đầu đời
- Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch
Viêm tai giữa mạn tính là tình trạng nguy hiểm, ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh trong thời gian dài. Để phòng tránh bệnh, bạn cần tích cực điều trị viêm tai giữa khi bệnh còn ở giai đoạn cấp tính. Ngoài ra, việc thay đổi lối sống cũng góp phần không nhỏ trong việc phòng bệnh.