Tìm hiểu chung
Viêm hậu môn là bệnh gì?
Viêm hậu môn là tình trạng viêm ở vùng hậu môn và trực tràng (ống cơ nối giữa ruột già và hậu môn). Trực tràng làm nhiệm vụ đẩy phân ra khỏi cơ thể qua hậu môn.
Viêm hậu môn gây đau trực tràng và tạo cảm giác mót dù không có nhu cầu đi tiêu. Những triệu chứng này có thể chỉ xảy ra trong thời gian ngắn hoặc tiến triển thành mạn tính.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh viêm hậu môn?
Những triệu chứng của viêm hậu môn là:
- Cảm giác mót thường xuyên hoặc liên tục;
- Chảy máu trực tràng;
- Có các chất nhầy ở trực tràng;
- Đau trực tràng;
- Đau ở phía bên trái của bụng;
- Cảm giác đầy ở trực tràng;
- Bị tiêu chảy;
- Đau khi đi vệ sinh.
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau. Vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân nào gây ra bệnh viêm hậu môn?
Nguyên nhân gây viêm hậu môn thường là những bệnh tiềm ẩn, ví dụ như:
- Viêm đường ruột: khoảng 30% người mắc viêm ruột (bệnh Crohn hoặc viêm loét đại tràng) bị viêm trực tràng;
- Nhiễm trùng qua đường tình dục: đặc biệt ở những người quan hệ qua đường hậu môn có thể bị viêm. Những bệnh lây qua đường tình dục có thể dẫn đến viêm hậu môn bao gồm: bệnh lậu, herpes sinh dục và chlamydia, truyền nhiễm cũng liên quan với HIV. Nhiễm khuẩn liên quan đến thực phẩm như: nhiễm trùng Salmonella, Shigella và Campylobacter cũng có thể gây viêm trực tràng;
- Xạ trị ung thư: xạ trị trực tràng hoặc vùng lân cận như tuyến tiền liệt có thể gây viêm niêm mạc trực tràng. Viêm do bức xạ có thể bắt đầu trong thời gian xạ trị và kéo dài một vài tháng sau khi điều trị hoặc xảy ra nhiều năm sau điều trị;
- Dùng kháng sinh: đôi khi thuốc kháng sinh dùng để điều trị nhiễm trùng có thể giết chết vi khuẩn hữu ích trong ruột, cho phép các vi khuẩn có hại như Clostridium difficile phát triển trong trực tràng gây viêm;
- Viêm trực tràng do can thiệp làm chệch hướng trực tràng: viêm có thể xảy ra ở những người vừa trải qua phẫu thuật ruột kết, khi đó đường di chuyển của phân chệch hướng từ trực tràng;
- Dùng thực phẩm protein gây viêm: điều này có thể xảy ra ở những trẻ uống sữa bò hoặc có nguồn gốc từ đậu nành hay sữa từ các bà mẹ ăn các chế phẩm từ sữa;
- Viêm do bạch cầu ái toan: gây ra bởi sự tích lũy của tế bào bạch cầu ái toan trong niêm mạc trực tràng, chỉ ảnh hưởng đến trẻ dưới 2 tuổi.
Nguy cơ mắc phải
Những ai thường mắc phải bệnh viêm hậu môn?
Viêm hậu môn có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi. Bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm hậu môn?
Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh này, chẳng hạn như:
- Quan hệ tình dục không an toàn: nếu bạn có nhiều bạn tình, không sử dụng bao cao su và quan hệ tình dục với người bị nhiễm trùng có thể tăng nguy cơ viêm;
- Viêm đường ruột: bệnh viêm ruột (viêm loét đại tràng hoặc bệnh Crohn) làm tăng nguy cơ gây viêm;
- Xạ trị ung thư: gần trực tràng, buồng trứng hoặc tuyến tiền liệt.
Điều trị hiệu quả
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế, vậy nên tốt nhất là bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán viêm hậu môn?
Các xét nghiệm được sử dụng để chẩn đoán bệnh bao gồm:
- Xét nghiệm máu có thể phát hiện mất máu hoặc nhiễm trùng;
- Xét nghiệm phân giúp xác định nguyên nhân viêm là do nhiễm vi khuẩn nào;
- Nội soi phần cuối của ruột già. Trong soi đại tràng sigma linh hoạt, bác sĩ sử dụng một thanh mảnh, linh hoạt, có thắp sáng để kiểm tra vùng sigma, phần cuối của ruột già – bao gồm cả trực tràng. Trong thủ thuật này, bác sĩ cũng có thể lấy các mẫu mô nhỏ (sinh thiết) để phân tích trong phòng thí nghiệm;
- Nội soi toàn bộ đại tràng, tương tự với nội soi vùng sigma nhưng với cả phần ruột già;
- Kiểm tra các bệnh lây truyền qua đường tình dục từ mẫu dịch tiết trực tràng hoặc từ các ống dẫn nước tiểu từ bàng quang (niệu đạo).
Nếu nguyên nhân của viêm hậu môn là nhiễm trùng qua đường tình dục, bác sĩ sẽ chèn tăm nhỏ vào cuối niệu đạo hoặc hậu môn để lấy mẫu, sau đó kiểm tra vi khuẩn hoặc sinh vật gây bệnh. Các kết quả có thể sử dụng để đưa ra cách điều trị hiệu quả nhất.
Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh viêm hậu môn?
Có nhiều phương pháp dùng để điều trị bệnh này, chẳng hạn như:
Điều trị viêm do nhiễm trùng: bác sĩ sẽ kê đơn một số loại thuốc để điều trị dựa theo nguyên nhân gây viêm bao gồm:
- Kháng sinh: đối với viêm do nhiễm vi khuẩn, chẳng hạn như doxycycline (Periostat®, Vibramycin®);
- Dùng thuốc kháng virus: đối với viêm do nhiễm virus, chẳng hạn như virus herpes qua đường tình dục, bác sĩ có thể kê toa một loại thuốc kháng virus, như acyclovir (Sitavig®, Zovirax®).
Điều trị viêm do xạ trị: những trường hợp viêm nhẹ do bức xạ có thể không cần điều trị. Trong trường hợp khác, viêm có thể gây đau dữ dội và chảy máu cần phải can thiệp. Bác sĩ có thể điều trị như sau:
- Dùng thuốc: dạng thuốc viên, thuốc đạn hoặc thuốc xổ, bao gồm: sucralfat (CARAFATE®), mesalamine (Tidocol®, Canasa®), sulfasalazine (Azulfidine®) và metronidazole (Flagyl®). Các loại thuốc này có thể giúp kiểm soát tình trạng viêm và giảm chảy máu;
- Làm mềm và giãn nở phân: giúp dễ tống các chướng ngại vật trong ruột ra ngoài;
- Điều trị tiêu diệt các mô bị hư hỏng: cải thiện các triệu chứng viêm bằng cách tiêu diệt mô bất thường chảy máu, đông huyết tương, đốt điện và phương pháp điều trị khác.
Viêm hậu môn do bệnh viêm ruột: điều trị liên quan đến bệnh Crohn hoặc viêm loét đại tràng nhằm mục đích làm giảm viêm trong trực tràng.
- Dùng thuốc để kiểm soát tình trạng viêm trực tràng: bác sĩ có thể kê toa thuốc chống viêm đường uống, thuốc đạn hoặc thuốc xổ như mesalamine (Tidocol®, Canasa®, những biệt dược khác)- hoặc corticosteroid – chẳng hạn như prednisone (Rayos®) hoặc budesonide (Entocort EC®, Uceris®). Viêm ở người bị bệnh Crohn thường phải điều trị bằng một loại thuốc ức chế hệ miễn dịch như azathioprine (Azasan®, Imuran®) hoặc infliximab (Remicade®);
- Phẫu thuật: nếu điều trị bằng thuốc không làm giảm các dấu hiệu và triệu chứng, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để loại bỏ phần hư hỏng của đường tiêu hóa.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm hậu môn?
Bạn sẽ có thể kiểm soát bệnh này nếu áp dụng các biện pháp sau:
- Hỏi bác sĩ trước khi sử dụng các loại thuốc tiêu chảy không kê đơn: đừng dùng những thuốc như loperamide (Imodium A-D®) khi không có sự cho phép của bác sĩ;
- Tránh ăn ngay trước khi đi ngủ: có thể kích thích hệ thống tiêu hóa và khiến bạn tăng nhu động ruột gây khó chịu vào ban đêm;
- Dùng thuốc giảm đau không kê đơn: acetaminophen (Tylenol®) có thể hữu ích nhưng hãy hỏi bác sĩ trước khi dùng aspirin hoặc ibuprofen (Advil®, Motrin IB®) vì trong một số trường hợp có thể làm cho viêm hậu môn nặng hơn;
- Tắm bồn tắm ngồi với nước ấm: bạn có thể mua bồn tắm ngồi phù hợp trong nhà vệ sinh tại cửa hàng bán dụng cụ y tế hoặc nhà thuốc. Chúng giúp bạn tắm thoải mái hơn khi bị viêm trực tràng.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.