Bạn thấy con gãi đầu dữ dội, vạch tóc ra thấy chấy trên đầu trẻ? Lúc này, bạn hãy áp dụng nhanh cách diệt cháy để tránh lây lan cho người khác.
Chấy là những con côn trùng nhỏ có sáu chân bám vào da đầu, cổ và hút máu người. Chúng có kích thước bằng một hạt vừng nên khiến nhiều người không chú ý. Thêm vào đó, trứng chấy thường bám chặt trên tóc và khó nhìn thấy. Nhiễm chấy là một trong những loại bệnh khá phổ biến khiến trẻ có cảm giác ngứa và không thoải mái. Vậy cách nhận diện chấy cùng biện pháp điều trị và ngăn ngừa chấy thế nào? Chúng tôi sẽ giúp bạn giải đáp.
Đối tượng nào sẽ bị chấy?
Chấy thường xuất hiện phổ biến ở các bé học mẫu giáo hoặc tiểu học. Trẻ ở độ tuổi này thường chơi đùa, ngủ chung với nhau ở trường nên có nhiều tiếp xúc với tóc và bị lây. Ngoài ra, người lớn sống chung nhà cũng có nguy cơ bị lây chấy.
Làm thế nào để nhận ra chấy?
Mặc dù chấy và trứng khá nhỏ nhưng bạn vẫn có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Chúng thường được bắt gặp trên tóc ở phần sau cổ hoặc phía sau tai. Trứng chấy có màu trắng, nâu hoặc xám đậm, có hình tròn hay hình bầu dục và bám chặt vào tóc ở gần da đầu.
Chấy lây lan như thế nào?
Chấy lây lan qua các tiếp xúc trực tiếp của da đầu và có khả năng tồn tại trong một khoảng thời gian ngắn trên quần áo hoặc các vật dụng cá nhân. Do đó, nếu các thành viên trong gia đình dùng chung lược chải đầu thì đây sẽ là hành động tạo điều kiện để chấy tìm được vật chủ mới. Tuy nhiên, loại côn trùng sống ký sinh này không thể nhảy hoặc bay từ người này sang người khác.
Dấu hiệu bị nhiễm chấy
Khi thấy chấy hoặc trứng xuất hiện trên tóc, đây là dấu hiệu của tình trạng nhiễm chấy. Tuy nhiên, nếu chỉ thấy một vài trứng hiện diện trên tóc con thì chưa hẳn con gặp vấn đề về chấy. Ở nhiều trẻ em, chấy không gây bất kỳ tình trạng khó chịu nào. Triệu chứng phổ biến khác của nhiễm chấy là ngứa da đầu. Hiện tượng này có thể bắt đầu vài tuần hoặc thậm chí vài tháng sau khi chấy làm tổ trên tóc bé.
Dị ứng do chấy gây ra
Nếu con bị ngứa dữ dội thì có thể con bị chấy cắn và dẫn đến phản ứng dị ứng ở trẻ. Gãi quá nhiều sẽ khiến da đầu của bé bị trầy xước, tạo ra vết loét hoặc đóng vảy. Tuy tình trạng này không phổ biến nhưng bố mẹ cũng nên chú ý vì các vết thương có thể bị nhiễm trùng. Hãy đưa con đến bệnh viện khám nếu da đầu con trở nên đỏ, sưng và đau. Đây có thể là dấu hiệu của tình trạng nhiễm trùng da.
Kiểm soát tình trạng nhiễm chấy tại nhà
Dù chấy không tồn tại được lâu khi không bám trên da người nhưng cách tốt nhất để phòng ngừa là vệ sinh drap trải giường và khu vực xung quanh mỗi 48 giờ đối với những người đang điều trị chấy. Quần áo mặc trong 2 ngày cũng nên được giặt bằng nước nóng. Nếu con yêu có thói quen ôm gấu bông mới có thể ngủ thì bạn chỉ cần sấy nóng chúng trong 30 phút cũng giúp tiêu diệt chấy đang ẩn nấp.
Làm gì khi nghi ngờ con bị nhiễm chấy?
Chấy sẽ không tự biến mất. Nếu nghi ngờ con bị nhiễm chấy, bạn có thể làm theo một số gợi ý sau:
- Kiểm tra da đầu của tất cả thành viên trong gia đình nhằm phát hiện tình trạng nhiễm chấy.
- Khi xác định con bị nhiễm chấy, bạn thông báo cho giáo viên ở trường để kiểm tra tình trạng của những trẻ khác nhằm có biện pháp phòng tránh lây lan chấy.
- Nếu người thân trong nhà cũng bị chấy, hãy chữa trị cùng lúc với con.
Biện pháp điều trị tại nhà
Một số phụ huynh cho rằng mayonnaise, giấm trắng hoặc dầu cây tràm trà là những phương thuốc tự nhiên có hiệu quả trừ khử chấy. Trong đó, mayonnaise có công dụng giúp bố mẹ dễ diệt chấy ra khỏi da đầu và tóc con yêu. Giấm được dùng để hòa tan chất keo mà trứng chấy tiết ra để bám chặt vào tóc. Tuy nhiên, dù bạn có áp dụng phương pháp nào thì hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện để không làm tình trạng da đầu trở nên nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, bạn có thể diệt chấy bằng các cách sau:
1. Chải tóc bằng lược dày
Chải tóc bằng lược dày là một trong nhưng phương pháp thông dụng để thoát khỏi chấy trên đầu. Loại lược này có răng nhỏ và khít vào nhau, mang lại tác dụng tốt trong việc kéo chấy hoặc trứng ra khỏi tóc. Thời xa xưa, những người Ai Cập cổ đại đã biết sử dụng biện pháp này cho việc chữa trị chấy ở đầu. Tuy nhiên, hạn chế của lược dày là phải mất nhiều thời gian và kiên nhẫn để loại bỏ hết trứng chấy ra khỏi tóc. Để dùng lược hiệu quả, bạn nên chải tóc sau khi bé gội đầu.
2. Dùng thuốc hỗ trợ tiêu diệt chấy
Hiện nay, trên thị trường có bán các loại thuốc hỗ trợ tiêu diệt chấy. Bạn có thể dễ dàng tìm mua tại các hiệu thuốc. Chúng được làm từ chất chiết xuất hoa cúc hoặc thành phần tương tự. Bạn nên làm theo các hướng dẫn trên bao bì sản phẩm để việc trị chấy hiệu quả hơn.
Trong trường hợp bị chấy nặng như ngứa, sưng, đau da đầu hoặc đã dùng các phương pháp trị liệu chữa chấy một thời gian không hết, bạn đưa bé đến phòng khám da liễu để được bác sĩ chẩn đoán và tư vấn cách điều trị hợp lý hơn.
Có nên cho con nghỉ học để điều trị chấy?
Theo các chuyên gia, không nên giữ trẻ ở nhà nếu bé bị chấy. Con vẫn có thể đến lớp bình thường nhưng cần tránh tiếp xúc da đầu với bạn học. Sau khi điều trị, trứng chấy có thể vẫn còn trên tóc của bé cho đến khi bạn giúp con loại bỏ.
Có thể bảo vệ con yêu khỏi chấy?
Nếu trẻ còn nhỏ thì có ít biện pháp phòng ngừa chấy tấn công. Con không hiểu hết những lời bạn dặn dò về cách phòng lây chấy. Bé vẫn cụng đầu hoặc để tóc tiếp xúc gần mỗi khi chơi đùa, từ đó tạo điều kiện chấy lây lan. Tốt nhất, bạn nên thường xuyên kiểm tra tóc và da đầu của bé để sớm phát hiện tình trạng chấy của con. Điều trị sớm để tránh loài côn trùng này tấn công sang những thành viên khác trong gia đình.