Định nghĩa
Hội chứng mệt mỏi kinh niên (suy nhược mạn tính) là bệnh gì?
Hội chứng mệt mỏi kinh niên (CFS), hay còn gọi là suy nhược mạn tính, là tình trạng suy nhược, đau cơ, khó tập trung và mệt mỏi kéo dài ít nhất 6 tháng, gây ảnh hưởng xấu tới các sinh hoạt hàng ngày. Hội chứng mệt mỏi kinh niên có thể xảy ra đột ngột và kéo dài nhiều tuần, nhiều tháng, thâm chí là nhiều năm. Với người bệnh có lối sống tốt và lành mạnh có thể cải thiện hoặc khỏi bệnh sau 2 đến 3 năm.
Những ai thường mắc phải hội chứng mệt mỏi kinh niên (suy nhược mạn tính)?
Những người thường mắc phải hội chứng mệt mỏi kinh niên chủ yếu là ở phụ nữ, tầm từ 25 đến 45 tuổi.
Hội chứng mệt mỏi kinh niên hiếm gặp ở trẻ em. Nó vẫn có thể xảy ra ở thiếu niên, đặc biệt là nữ. Không giống như người lớn, trẻ có thể mắc hội chứng mệt mỏi kinh niên sau khi bị cúm hoặc một số bệnh tương tự.
Triệu chứng và dấu hiệu
Những dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng mệt mỏi kinh niên (suy nhược mạn tính) là gì?
Hội chứng mệt mỏi kinh niên thường có các triệu chứng phổ biến như:
- Mệt mỏi rã rời suốt ngày;
- Mất trí nhớ ngắn hạn, kém tập trung;
- Nhức đầu trầm trọng;
- Đau nhức cơ bắp;
- Đau khớp xương;
- Đau họng, nổi hạch ở cổ;
- Ngủ không ngon giấc hoặc muốn ngủ nhiều hơn bình thường.
Có thể có các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Mệt mỏi có thể là triệu chứng của một vài bệnh như là nhiễm trùng hoặc rối loạn tâm lý. Bạn nên đi gặp bác sĩ khi bạn quá mệt mỏi, khó tập trung, mệt mỏi kéo dài hoặc gặp các triệu chứng trên.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây ra hội chứng mệt mỏi kinh niên (suy nhược mạn tính) là gì?
Hiện vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây hội chứng mệt mỏi kinh niên. Một vài trường hợp hệ miễn dịch có vấn đề (hệ thống phòng thủ của cơ thể trước các bệnh nhiễm trùng) hoặc stress có thể gây ra hội chứng này.
Nguy cơ mắc bệnh
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc phải hội chứng mệt mỏi kinh niên (suy nhược mạn tính)?
Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ của hội chứng mệt mỏi kinh niên bao gồm:
- Độ tuổi: hội chứng mệt mỏi mãn tính phổ biến nhất ở độ tuổi 40-50 tuổi;
- Giới tính: phụ nữ thường được chẩn đoán mắc hội chứng mệt mỏi mãn tính nhiều hơn nam giới;
- Căng thẳng: khó khăn trong giải tỏa căng thẳng cũng là một trong những nguyên nhân gây ra hội chứng mệt mỏi mãn tính.
Không có các yếu tố nguy cơ bệnh không có nghĩa là bạn không thể mắc bệnh. Những dấu hiệu trên chỉ mang tính tham khảo. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa để biết thêm chi tiết.
Điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những phương pháp nào dùng để điều trị hội chứng mệt mỏi kinh niên (suy nhược mạn tính)?
Những phương pháp chăm sóc từ bác sĩ và gia đình rất quan trọng để điều trị hội chứng mệt mỏi kinh niên. Bác sĩ có thể chỉ định những loại thuốc kháng viêm để giúp cải thiện tình trạng đau cơ và thuốc chống trầm cảm. Bác sĩ sẽ đề nghị người bệnh tập thể dục thường xuyên hơn và thực hiện một chế độ ăn uống cân bằng và hợp lý hơn. Tư vấn và liệu pháp hành vi có thể giúp làm giảm các triệu chứng của hội chứng suy nhược mạn tính.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán hội chứng mệt mỏi kinh niên (suy nhược mạn tính)?
Không có xét nghiệm cụ thể nào để chẩn đoán bệnh CFS. Bác sĩ chẩn đoán bệnh trên những triệu chứng của người bệnh đã xuất hiện trong ít nhất 6 tháng bao gồm: các vấn đề về trí nhớ hoặc tập trung, đau cổ họng, sưng hạch bạch huyết, đau cơ, đau đầu, đau khớp và ngủ không ngon giấc, mệt mỏi không rõ lí do, không khá hơn khi nghỉ ngơi, các triệu chứng kéo dài.
Phong cách sống và thói quen sinh hoạt
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của hội chứng mệt mỏi kinh niên (suy nhược mạn tính)?
Bạn có thể dễ dàng kiểm soát hội chứng mệt mỏi kinh niên nếu bạn:
- Làm theo các hướng dẫn của bác sĩ và uống thuốc đều đặn;
- Luôn giữ tinh thần thật tốt;
- Bắt đầu chương trình tập thể dục dựa trên lời khuyên của bác sĩ;
- Không tập thể dục quá sức;
- Ăn chế độ ăn cân bằng, ít chất béo, nhiều chất xơ;
- Không nản chí nếu việc điều trị không hiệu quả;
- Gọi cho bác sĩ nếu các triệu chứng trở nên xấu đi sau khi bắt đầu quá trình điều trị.
Nếu có bất kỳ thắc mắc hay đề nghị nào, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được có giải đáp tốt nhất.