Bệnh suy giãn tĩnh mạch là những tĩnh mạch có màu xanh, đỏ hay hồng đỏ trở nên lớn hơn, thường có hình dây, dạng xoắn và phình ra. Chúng có thể sưng và lồi lên trên bề mặt da. Suy giãn tĩnh mạch thường thấy ở đùi, phía sau bắp chân hoặc trong chân. Trong thời kỳ mang thai, suy giãn tĩnh mạch có thể hình thành xung quanh âm đạo và mông.
Tĩnh mạch mạng nhện cũng giống như suy tĩnh mạch nhưng nhỏ hơn. Chúng thường gần bề mặt da hơn so với suy giãn tĩnh mạch. Chúng thường có màu đỏ hoặc xanh, trông giống nhánh cây hoặc mạng nhện với những đường ngắn và có ngạnh. Chúng có thể được tìm thấy trên chân và mặt và có thể bao phủ một vùng nhỏ hoặc rộng trên da.
Suy giãn tĩnh mạch có thể bị gây ra do cấu trúc các van trong tĩnh mạch trở nên suy yếu hoặc bị tổn thương. Tim bơm máu chứa oxy và chất dinh dưỡng tới toàn bộ cơ thể thông qua động mạch. Tĩnh mạch đưa máu từ cơ thể về lại tim. Khi cơ chân của bạn co thắt lại, chúng sẽ đẩy máu từ phần cơ thể bên dưới, chống lại trọng lực, để về lại tim. Tĩnh mạch có van – hoạt động như những đập nước một chiều – để ngăn chặn máu chảy về hướng ngược lại (về lại chân). Vì vậy, nếu van yếu đi, máu có thể rỉ ngược về tĩnh mạch và tích tụ tại đó. Máu tích tụ khiến tĩnh mạch trở nên lớn hơn, tạo thành chứng suy giãn tĩnh mạch.
Làm thế nào biết được bạn bị bệnh suy giãn tĩnh mạch hay tĩnh mạch mạng nhện?
Suy giãn tĩnh mạch có thể nhìn thấy trên da. Những triệu chứng thông thường của suy giãn tĩnh mạch ở chân bao gồm:
- Đau hơn sau khi ngồi hoặc đứng trong một thời gian dài;
- Run và chuột rút;
- Nặng nề;
- Sưng;
- Phát ban gây ngứa và đau rát;
- Da sẫm màu (trong những trường hợp nặng);
- Chân đứng không yên.
Trong khi đó, triệu chứng tĩnh mạch mạng nhện thường là những đường nhỏ, mỏng có thể bằng phẳng hoặc chỉ hơi nhô lên, thường có màu xanh, đỏ hoặc tím.
Có thể có các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.
Làm sao để tránh bị bệnh suy giãn tĩnh mạch và tĩnh mạch mạng nhện?
Không có cách nào để phòng ngừa hoàn toàn suy giãn tĩnh mạch và tĩnh mạch mạng nhện. Nhưng cải thiện chức năng tuần hoàn máu và cơ có thể giúp bạn giảm nguy cơ mắc phải suy giãn tĩnh mạch. Bạn cũng có thể áp dụng những cách sau để phòng ngừa bệnh và hạn chế bệnh diễn tiến nặng hơn:
- Tập thể dục;
- Kiểm soát cân nặng;
- Ăn nhiều chất xơ, ít muối;
- Tránh đi giày cao gót;
- Nâng chân cao hơn tim;
- Thay đổi tư thế đứng hoặc ngồi.