Để chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị dụng cụ thể thao trong quá trình luyện tập và thi đấu, đừng quên trang bị dụng cụ bảo vệ hàm. Bất cứ khi nào bạn tham gia các hoạt động thể thao, bạn nên nghĩ tới vấn đề rất quan trọng là bảo vệ răng miệng của bạn.
Một dụng cụ bảo vệ hàm ôm khít miệng ( fitted mouthguard ) hay còn gọi là dụng cụ (máng) bảo vệ hàm ( mouth protector ) là một phần chìa khóa quan trọng trong các trang thiết bị thể thao, có thể giúp bảo vệ nụ cười của bạn. Người ta thường nghĩ đeo dụng cụ bảo vệ hàm khi tham gia chơi các môn thể thao tiếp xúc (contact sports) như bóng đá ( football ), bóng rổ (basketball), quyền anh ( boxing ), bóng vợt ( lacrosse ) hay khúc côn cầu ( hockey ), nhưng vẫn có nguy cơ xảy ra chấn thương lên răng miệng khi bạn tham gia chơi ở các môn thể thao không tiếp xúc ( noncontact sports ) như thể dục dụng cụ ( gymnastics ), bóng chày ( baseball ) hay trượt ván ( skateboarding ). Dụng cụ bảo vệ hàm làm giảm tác động của ngoại lực tác dụng lên răng miệng (như lực từ cú đấm), ngược lại, nếu không có nó, ngoại lực này có thể làm gãy răng và chấn thương lên môi, lưỡi, mặt và xương hàm.
Các loại của dụng cụ bảo vệ hàm
Có 3 loại dụng cụ bảo vệ hàm:
– Loại dụng cụ bảo vệ hàm làm sẳn ( ready-made mouthguard );
-Loại dụng cụ bảo vệ hàm nhiệt tự khít theo dạng của miệng ( mouth-formed “boil-and-bite” mouthguard );
-Loại dụng cụ bảo vệ hàm thiết kế theo ý ( custom-made mouthguard ) được thực hiện bởi Nha sĩ.
Toàn bộ ba loại dụng cụ bảo vệ hàm đều giúp bảo vệ răng miệng khi chơi thể thao, nhưng chúng khác nhau về giá thành, sự dễ chịu, thoải mái khi đeo và sự chắc chắn của dụng cụ. Dụng cụ bảo vệ hàm làm sẳn có thể được bày bán ở trong hầu hết các cửa hàng bán đồ dụng cụ trang thiết bị thể thao, nhưng kích cỡ của chúng không phong phú (thường có 3 loại kích cỡ, nhỏ, trung bình và lớn). Cũng tương tự như dụng cụ bảo vệ hàm làm sẳn, dụng cụ bảo vệ hàm nhiệt tự khít cũng có thể tìm thấy tại những cửa hàng thể thao, và không có đa dạng về kích cỡ. Loại dụng cụ bảo vệ hàm nhiệt tự khít ôm sát vào răng miệng nhiều hơn so với dụng cụ bảo vệ hàm làm sẳn nhờ vào việc in được dấu bề mặt răng của bạn lên dụng cụ bằng cách làm mềm nó trong nước sôi sau đó đưa vào miệng cắn lại để in dấu bề mặt răng của bạn. Nha sĩ có thể làm riêng cho bạn một dụng cụ bảo vệ hàm thiết kế theo ý, khi đeo nó vào, bạn sẽ cảm thấy thoải mái và dễ chịu hơn, ôm khít sát vào răng miệng hơn so với những loại dụng cụ bảo vệ hàm khác.
Dụng cụ bảo vệ hàm mua tại cửa hàng có giá thành rẻ do nó được sản xuất đại trà, cho số đông người sử dụng, nên khi đeo thường không dễ chịu lắm, so với khi đeo dụng cụ bảo vệ hàm tự thiết kế. Hơn nữa, chất liệu làm dụng cụ bảo vệ hàm bày bán ở trong các cửa hàng thể thao cũng không tốt và chắc chắn so với những dụng cụ bảo vệ hàm do Nha sĩ làm.
Dụng cụ bảo vệ hàm được xem là có hiệu quả tốt nhất khi nó kháng rách và thoải mái dễ chịu khi đeo. Nó nên ôm khít sát miệng và không gây ảnh hưởng tới nói và thở. Dụng cụ bảo vệ hàm tốt dễ dàng làm vệ sinh hơn và bền chắc hơn.
Thông thường, dụng cụ bảo vệ hàm chỉ che phủ lên phần răng hàm trên, tuy nhiên trong mộ số trường hợp, nó có thể che phủ lên các răng hàm dưới. Bạn nên trao đổi với Nha sĩ về nhu cầu cá nhân của bạn để chọn lựa dụng cụ bảo vệ hàm thích hợp.
Lựa chọn dụng cụ bảo vệ hàm
Khi bạn tìm kiếm một dụng cụ bảo vệ hàm, bạn có thể phải cân nhắc vài yếu tố cần thiết sau:
-Răng của bạn có trong thời kỳ thay răng hay không? Bạn vẫn còn răng sữa không? Bạn đang chờ răng vĩnh viễn mọc lên hết?
-Môn thể thao nào bạn đang chơi? Ở mức độ nào, chuyên nghiệp hay nghiệp dư? Bạn có phải ném & chụp bóng với những bạn khác hay chơi những trò chơi cần phải tranh giành nhau không?
-Bạn có những điều trị Nha khoa đặc biệt nào không, như chỉnh hình răng bằng mắc cài hay bọc mão răng, vì những điều trị này có thể cần được bảo vệ thêm?
Nha sĩ sẽ giúp bạn đưa ra những gợi ý trong từng trường hợp cụ thể và là nơi đáng tin cậy để bạn tham khảo và lựa chọn một dụng cụ bảo vệ hàm thích hợp nhất.
Bảo quản dụng cụ bảo vệ hàm
Cho dù dụng cụ bảo vệ hàm của bạn được mua ở cửa hàng hay được làm tại phòng Nha, bạn cần phải biết cách bảo quản nó cho phù hợp:
-Trước và sau khi đeo dụng cụ, bạn cần vệ sinh sạch dụng cụ với nước lạnh, hay với nước súc miệng. Bạn cũng có thể rửa sạch nó bằng kem đánh răng và bàn chải đánh răng.
-Khi không sử dụng, nên để dụng cụ bảo vệ hàm vào một hộp chứa chắc chắn và có lổ thông hơi. Những lổ thông hơi này giúp không khí tuần hoàn tốt và giúp tránh làm hư dụng cụ.
– Tránh để dụng cụ tiếp xúc với nguồn nhiệt nóng, như ngâm vào nước nóng, để trên bề mặt nóng, hay để trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời, vì nhiệt nóng có thể làm biến dạng dụng cụ.
-Không được nhai trên dụng cụ hay cắt nhỏ dụng cụ.
-Kiểm tra dụng cụ đều đặn, xem nó có bị rách, lủng hay xem nó có lỏng lẻo khi đeo hay không. Khi dụng cụ bảo vệ hàm bị rách, hay bị biến dạng, nó có thể kích thích lên nướu, môi, má và làm giảm hiệu quả bảo vệ miệng trong lúc chơi thể thao.
-Bạn cần phải lên lịch khám răng miệng đều đặn và mang theo dụng cụ bảo vệ hàm khi tới khám, Nha sĩ có thể kiểm tra dụng cụ bảo vệ hàm của bạn còn tốt hay không.
Không bao giờ là quá sớm khi bắt đầu đeo dụng cụ bảo vệ hàm khi tham gia chơi thể thao. Bạn nên trao đổi với Nha sĩ ngay khi bạn bắt đầu khám phá môn thể thao cho bạn và cho con cái của bạn. Những thói quen tốt này nên bắt đầu càng sớm càng tốt, và tập đeo dụng cụ bảo vệ hàm khi tham gia chơi thể thao từ lúc tuổi còn nhỏ, điều này sẽ giúp tăng cường và củng cố tính tự giác sử dụng những dụng cụ này khi lớn lên.
Tài liệu tham khảo
http://www.ada.org/sections/scienceAndResearch/pdfs/patient_40.pdf