Nhiều loại dược phẩm, bao gồm cả vitamin, chất khoáng và thảo mộc, có thể có ảnh hưởng xấu lên sức khỏe răng miệng của bạn. Hãy cho nha sĩ biết tiền sử dùng thuốc gần đây nhất của bạn, bao gồm danh sách tất cả các thuốc (được hoặc không được kê toa) mà bạn dùng, cũng như các viên vitamin dạng nhai, thảo mộc và các sản phẩm tương tự. Sau đây là một vài tác dụng phụ thường gặp của việc dùng thuốc:
Chảy máu bất thường
Giảm đông máu là tác dụng phụ của aspirin và các thuốc kháng đông như heparin hay warfarin. Những thuốc này giúp ngăn ngừa đột quỵ hay bệnh tim mạch, nhưng cũng có thể gây ra những vấn đề chảy máu trong quá trình phẫu thuật miệng hoặc điều trị bệnh nha chu. Bạn nên cho nha sĩ biết những thuốc bạn đang dùng, nhất là khi kế hoạch điều trị có thể gây chảy máu.
Thay đổi vị giác
Một số thuốc có thể gây vị đắng, vị kim loại hoặc ảnh hưởng đến khả năng vị giác của bạn. Trong số này có thuốc tim mạch, chất kích thích thần kinh trung ương, thuốc kháng viêm không steroid, chất xông hô hấp và các sản phẩm giúp bỏ thuốc lá như miếng dán da nicotine.
Phản ứng của mô mềm
Một số thuốc có liên quan đến cảm giác đau trong miệng, viêm hoặc sự đổi màu của mô mềm miệng. Những thuốc này bao gồm các thuốc kiểm soát huyết áp, ức chế miễn dịch, thuốc tránh thai dùng đường uống và một vài tác nhân hóa trị. Nếu bạn có dùng một trong các dạng thuốc này và gặp những phản ứng của mô mềm miệng, nha sĩ có thể chỉ định một chế độ vệ sinh răng miệng đặc biệt để hạn chế những khó chịu do viêm hay loét miệng.
Mô nướu triển dưỡng
Mô nướu phát triển quá mức hay mở rộng được gọi là nướu triển dưỡng. Đôi khi tình trạng này liên quan đến các thuốc chống co giật như phenytoin, thuốc ức chế miễn dịch dùng cho những bệnh nhân sau khi ghép cơ quan và các thuốc ức chế kênh Canxi (bao gồm nifedipine, verapamil, diltiazem và amlodipine) dùng cho người bị bệnh tim. Việc vệ sinh thật sạch răng và nướu là rất quan trọng đối với những bệnh nhân thuộc dạng này.
Các thuốc và những tình trạng khác
Khô miệng là một tác dụng phụ có thể gặp khi dùng một số thuốc (được hoặc không được kê toa) như thuốc kháng histamine, thuốc làm thông mũi, thuốc giảm đau, thuốc cao huyết áp, thuốc giãn cơ, thuốc điều trị tiểu tiện không tự chủ, thuốc chữa bệnh Parkinson, thuốc chống trầm cảm và nhiều thuốc khác. Tình trạng khô kích thích mô mềm miệng, có thể làm chúng viêm và dễ nhiễm trùng hơn. Thiếu tác dụng làm sạch của nước bọt làm sâu răng và những vấn đề răng miệng khác dễ tiến triển hơn. Bệnh nhân hen suyễn dùng thuốc xịt đường miệng thường bị nấm miệng. Những bệnh nhân này nên súc miệng với nước sau khi dùng thuốc xịt.
Đường thường là một thành phần thường gặp trong các thuốc dạng lỏng, kẹo ho, vitamin, thuốc kháng a-xít và thuốc kháng nấm. Người dùng các thuốc có chất ngọt này dài hạn sẽ tăng nguy cơ bị sâu răng. Hãy cân nhắc chọn lựa những thuốc thay thế không đường (nếu có thể) và dùng thuốc cùng với bữa ăn (nếu thuốc được phép dùng với thức ăn). Trẻ em uống thuốc dạng xi-rô, như thuốc ho, sẽ đọng lại 1 lớp chất dính và ngọt trong miệng chúng. Trẻ cũng nên súc miệng với nước sau mỗi lần uống thuốc.
Nếu bạn đang, hoặc sẽ điều trị ung thư, hãy cho nha sĩ biết càng sớm càng tốt để có các điều trị nha khoa cần thiết trước khi bạn bắt đầu dùng các thuốc có thể ảnh hưởng lên răng, nướu và xương hàm của bạn.
Tài liệu tham khảo
http://www.ada.org/sections/scienceAndResearch/pdfs/patient_51.pdf