Các biện pháp tránh thai nội tiết: cấy que, tiêm, đặt vòng và miếng dán

(4.12) - 61 đánh giá

Phương pháp tránh thai nội tiết là gì?

Bên cạnh phương pháp uống thuốc tránh thai và sử dụng dụng cụ tử cung có chứa nội tiết, còn có một số phương pháp tránh thai khác: cấy, tiêm, đặt vòng và miếng dán.

Phương pháp tránh thai nội tiết hoạt động như thế nào?

Các phương pháp tránh thai nội tiết hoạt động bằng cách giải phóng các hormone để ngăn chặn sự rụng trứng. Các chất nhầy ở cổ tử cung dày lên, làm cho tinh trùng khó gặp được trứng. Lớp nội mạc tử cung mỏng đi khó giữ được trứng đã thụ tinh bám vào nội mạc.

Các phương pháp này có hiệu quả như thế nào?

Tiến hành khảo sát, cứ 100 phụ nữ sử dụng đúng biện pháp tránh thai nội tiết này thì số người mang thai trong năm đầu tiên là (khảo sát này không tính khi một người thực hiện không đúng cách hoặc không liên tục một phương pháp tránh thai nội tiết):

  • Cấy que tránh thai: ít hơn 1 người mang thai.
  • Tiêm thuốc tránh thai: 3 người mang thai.
  • Đặt vòng âm đạo tránh thai: 8 người mang thai.
  • Miếng dán tránh thai: 8 người mang thai.

Các phương pháp tránh thai nội tiết có giúp ngăn ngừa các bệnh lây lan qua đường tình dục không?

Tránh thai nội tiết không giúp ngăn ngừa các bệnh lây lan qua đường tình dục, bao gồm cả HIV (tham khảo bài “Phòng ngừa bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs)”). Nam giới hay nữ giới nên sử dụng bao bao su để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh.

Cấy tránh thai là gì?

Que cấy tránh thai là một thanh đơn có kích thước bằng một que diêm. Bác sĩ sẽ đưa que cấy này xuống dưới da bệnh nhân bằng một phương thức chuyên dụng.

Những lợi ích, rủi ro và tác dụng phụ của phương pháp cấy tránh thai là gì?

  • Lợi ích
    • Que cấy tránh thai có tác dụng ngừa thai trong 3 năm.
    • Trường hợp muốn mang thai lại, que cấy có thể được lấy ra khỏi cơ thể một cách dễ dàng và khả năng sinh sản có thể bình thường lại ngay lập tức.
    • Que cấy có thể được sử dụng cho cả trường hợp phụ nữ đang cho con bú.
  • Rủi ro
    • Mặc dù hiếm nhưng trường hợp mang thai trong khi đang sử dụng que cấy tránh thai sẽ làm tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung.
    • Các rủi ro trong thao tác cấy, ví dụ như cấy quá sâu.
  • Tác dụng phụ
    • Chảy máu bất thường.
    • Tăng cân.
    • Tâm trạng bất ổn.
    • Nhức đầu.
    • Mụn.
    • Trầm cảm.

Tiêm ngừa thai là gì?

Một mũi tiêm medroxyprogesterone acetate (DMPA) có tác dụng tránh thai trong 3 tháng. Medroxyprogesterone acetate là một loại progestin .

Tần suất tiêm thực hiện như thế nào?

Tiêm tránh thai phải được thực hiện mỗi 3 tháng một lần bởi cơ sở y tế, và bạn nên tiêm đúng theo lịch đã định. Mũi tiêm đầu tiên thường được thực hiện trong vòng 5 ngày đầu của chu kỳ kinh nguyệt của bạn.

Những lợi ích, rủi ro và tác dụng phụ của tiêm tránh thai là gì?

  • Lợi ích
    • Tiêm tránh thai có thể làm giảm nguy cơ ung thư nội mạc tử cung.
    • Tiêm tránh thai có thể làm giảm chứng đau nửa đầu vào kỳ kinh nguyệt.
    • Tiêm tránh thai có thể áp dụng cho phụ nữ đang cho con bú.
  • Rủi ro
    • Nhiều phụ nữ và thanh thiếu niên có hiện tượng bị loãng xương khi sử dụng thuốc tiêm hormon. Hiện tượng này biến mất khi dừng tiêm.
    • Tiêm DMPA có thể làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch, giống như việc có hút thuốc, phụ nữ có tuổi hoặc phụ nữ mắc bệnh tiểu đường, đều làm nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch sau tiêm thuốc DMPA. Rủi ro này có thể kéo dài một thời gian ngay cả sau khi ngừng tiêm. Phụ nữ có tiền sử đột quỵ, bệnh về máu, hoặc huyết áp cao cũng có thể có nguy cơ bệnh tim mạch trong khi sử dụng phương pháp này.
  • Tác dụng phụ
    • Sau khi ngừng tiêm DMPA, phải mất khoảng 10 tháng hoặc hơn để có thể có thai trở lại.
    • Có thể có hiện tượng chảy máu bất thường trong 6-9 tháng áp dụng phương pháp này.
    • Tăng cân.
    • Đau đầu.
    • Căng thẳng.
    • Chóng mặt.
    • Yếu người hoặc bị mệt mỏi.

Vòng âm đạo là gì?

Vòng âm đạo là một vòng nhựa, dẻo được đưa vào phía trên âm đạo. Vòng âm đạo giải phóng estrogen progestin. Bạn không cần phải đến cơ sở y tế để đặt vòng âm đạo, tuy nhiên vẫn cần có sự chỉ định của bác sĩ. Trong vòng 7 ngày đầu tiên sau khi đặt vòng âm đạo, bạn nên sử dụng thêm một biện pháp tránh thai dự phòng khác, ví dụ như bao cao su.

Sử dụng vòng âm đạo như thế nào?

Vòng âm đạo được đặt trong 21 ngày, lấy ra trong 7 ngày và tiếp tục đặt vòng mới. Kinh nguyệt sẽ xuất hiện trong 7 ngày không đặt vòng này. Để có tác dụng tránh thai liên tục, cứ 3 tuần thay một vòng mới.

Điều gì xảy ra nếu bị tuột vòng âm đạo?

Nếu vòng âm đạo bị tuột ra ngoài, bạn nên sử dụng một biện pháp tránh thai khác trong vòng 7 ngày. Nếu nó thường xuyên bị tuột ra, bạn nên chuyển sang biện pháp tránh thai khác.

Những lợi ích, rủi ro và tác dụng phụ của vòng là gì?

  • Lợi ích
    • Có thể giúp làm giảm đau trong thời gian có kinh.
    • Nó có thể cải thiện tình trạng mụn trứng cá và làm giảm hiện tượng mọc tóc quá nhanh.
    • Khi sử dụng liên tục (tức là cứ 3 tuần thay một vòng mới) có thể giúp giảm chứng đau nửa đầu kinh nguyệt.
  • Rủi ro
    • Có khả năng, tuy hiếm, gây huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT), nhồi máu cơ tim và đột quỵ (phụ nữ có hút thuốc lá làm tăng đáng kể các nguy cơ xuất hiện biến chứng này), sỏi túi mật và u gan.
    • Nguy cơ này cao hơn ở một số trường hợp, gồm phụ nữ trên 35 tuổi hút thuốc lá hơn 15 điếu thuốc một ngày hoặc những phụ nữ có những yếu tố gây nguy cơ đối với bệnh tim mạch.
    • Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ của mình về những rủi ro khác riêng đối với trường hợp của bạn.
  • Tác dụng phụ
    • Nhiễm khuẩn và ngứa âm đạo.
    • Khí hư âm đạo.
    • Nhức đầu.
    • Tăng cân.
    • Buồn nôn.

Miếng dán tránh thai là gì?

Là một miếng dán nhỏ, kích cỡ khoảng 1.75 inch vuông, được dán dính vào da và giải phóng estrogen và progestin vào máu. Không nên tháo miếng dán trong khi hoạt động thường ngày, chẳng hạn như tắm rửa, tập thể dục, hoặc bơi lội.

Sử dụng miếng dán tránh thai như thế nào?

Các miếng dán được sử dụng theo chu kỳ 4 tuần hoặc 28 ngày. Trong thời gian 3 tuần, cứ một tuần thay miếng dán một lần. Trong tuần thứ tư không sử dụng miếng dán và kinh nguyệt xảy ra. Sau tuần thứ 4, dán miếng dán mới sử dụng miếng dán mới và lặp lại quy trình đó. Để miếng dán có tác dụng tránh thai liên tục, cứ sau một tuần lại thay một miếng dán mới.

Những lợi ích, rủi ro và tác dụng phụ của các miếng dán tránh thai là gì?

  • Lợi ích
    • Các miếng dán có thể giúp cải thiện tình trạng mụn trứng cá và làm giảm hiện tượng tóc mọc quá nhanh.
    • Được sử dụng liên tục có thể giúp giảm hiện tượng đau nửa đầu kinh nguyệt.
  • Rủi ro
    • Có khả năng, tuy hiếm, gây cục máu đông ở chân, nhồi máu cơ tim và đột quỵ (phụ nữ có hút thuốc lá làm tăng đáng kể các nguy cơ xuất hiện biến chứng này), sỏi túi mật và u gan.
    • Nguy cơ này cao hơn ở một số trường hợp, gồm phụ nữ trên 35 tuổi hút thuốc lá hơn 15 điếu thuốc một ngày hoặc những phụ nữ có những yếu tố gây nguy cơ đối với bệnh tim mạch.
    • Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ của mình về những rủi ro khác riêng đối với trường hợp của bạn.
  • Tác dụng phụ
    • Buồn nôn.
    • Nhức đầu.
    • Ngứa da.

Giải thích thuật ngữ

Bệnh tim mạch: Bệnh liên quan đến tim và mạch máu.

Huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT): Tình trạng máu đóng ở mạch máu chân hoặc các điểm khác trong cơ thể.

Mang thai ngoài tử cung: mang thai nhưng trứng đã thụ tinh bắt đầu lớn lên không ở trong tử cung, thường là trong ống dẫn trứng.

Nội mạc tử cung: Các lớp niêm mạc của tử cung.

Estrogen: hormone nữ được sản xuất trong buồng trứng.

Hormone: chất được sản xuất bởi cơ thể để điều khiển các chức năng của các cơ quan khác nhau.

Virus suy giảm miễn dịch ở người (HIV): Một loại virus tấn công các tế bào nhất định của hệ thống miễn dịch của cơ thể và gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS).

Thiết bị dụng cụ tử cung: Một thiết bị nhỏ được chèn vào và để lại trong tử cung để tránh thai.

Sự rụng trứng: Việc trứng rụng ở buồng trứng.

Progestin: Một dạng tổng hợp của progesterone tương tự như hormone được cơ thể sản xuất tự nhiên.

Bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs): Những bệnh lây truyền qua đường tình dục, bao gồm chlamydia, lậu, nhiễm trùng u nhú ở người, herpes, giang mai và nhiễm vi rút suy giảm miễn dịch ở người (HIV, nguyên nhân của hội chứng suy giảm miễn dịch [AIDS]).

Xem thêm bài Phương pháp ngừa thai nội tiết phối hợp của Bác sĩ Ths. Trần Mạnh Linh

Tài liệu tham khảo

http://womenshealthfremont.com/wordpress/wpcontent/uploads/2014/01/broch-Implants-Injections-Rings-Patches-Hormonal-Birth-Control-Options-ACOG.pdf

Biên dịch - Hiệu đính

Nguyễn Thùy Dung - PGS.TS.BS. Tô Mai Xuân Hồng
Đánh giá:

Bài viết liên quan

Rối loạn di truyền

(39)
Gen là gì? Gen là một đơn vị vật chất di truyền nhỏ bé được gọi là DNA, điều khiển một số khía cạnh của cấu tạo vật chất con người hay một quá ... [xem thêm]

Du lịch trong thai kỳ

(37)
Thời gian nào tốt nhất để đi du lịch trong thai kỳ? Thời gian tốt nhất để đi du lịch có lẽ là giữa thai kỳ của bạn, trong khoảng tuần thứ 14 đến tuần ... [xem thêm]

Liên cầu khuẩn nhóm B và mang thai

(66)
Liên cầu khuẩn nhóm B là gì? Liên cầu khuẩn nhóm B là một trong nhiều loại vi khuẩn sinh sống trong cơ thể và thường không gây bệnh nghiêm trọng. Vi khuẩn ... [xem thêm]

Những điều cơ bản cho cặp vợ chồng vô sinh – hiếm muộn

(61)
Tại sao chúng tôi gặp khó khăn khi mang thai? Nguyên nhân không thể mang thai có thể đến từ người chồng, người vợ hoặc cả hai. Khi một cặp vợ chồng gặp ... [xem thêm]

Bài 42 – Hỏi ngắn đáp nhanh cùng người sắp thành “Bố trẻ con”

(30)
Tại sao phải luôn “bên cạnh” vợ mình khi cô ấy có thai? Phụ nữ mang thai có người quan tâm, lo lắng, chăm sóc sẽ có khuynh hướng sống tích cực hay tốt ... [xem thêm]

Bài 28 – Làm gì khi bị chấn thương trong thai kỳ

(82)
Những loại chấn thương hay gặp Bị đánh: do mâu thuẫn va chạm, và người “ra tay” đâu còn tâm sức để ý bạn có bầu hay không. Phụ nữ chân yếu tay mềm, ... [xem thêm]

Đau bụng dưới kinh niên

(32)
Hình mô tả đau bụng dưới kinh niên Thế nào là đau bụng dưới kinh niên? Đau bụng dưới kinh niên, còn gọi là đau vùng chậu mãn tính (chronic pelvic pain). Là ... [xem thêm]

Sẩy thai liên tiếp

(85)
Thế nào là sẩy thai liên tiếp Sẩy thai liên tiếp được định nghĩa là khi bị sẩy thai hơn 2 lần. Phụ nữ sau 3 lần sẩy thai nên đi khám toàn diện. Tỉ lệ ... [xem thêm]

DANH SÁCH PHÒNG KHÁM BỆNH VIỆN