Tìm hiểu về viêm màng ngoài tim
Bệnh viêm màng ngoài tim là gì?
Viêm màng ngoài tim là bệnh lý trong đó màng ngoài tim bị viêm và sưng. Màng ngoài tim là lớp bao sợi mỏng bao bọc quanh trái tim. Lớp sợi mỏng này như một tấm màng giữ tim cố định trong lồng ngực và bôi trơn cho tim. Viêm màng ngoài tim có thể cấp tính (bất thình lình) hoặc mãn tính (kéo dài lâu).
Chứng viêm này có thể khiến màng ngoài tim hóa sẹo, mỏng đi và tim có thể bị siết lại. Nó có thể gây ra những triệu chứng khác như giảm dòng máu đi ra từ tim. Điều này có thể xảy ra khi mà có quá nhiều dịch đọng lại trong màng gây ra áp lực quá mức lên trái tim làm cho tim không bơm đầy máu như bình thường. Trong trường hợp nặng, huyết áp có thể giảm ở mức nguy hiểm và có thể gây ra tử vong.
Triệu chứng viêm màng ngoài tim
Những dấu hiệu và triệu chứng viêm màng ngoài tim là gì?
Triệu chứng thông thường của viêm màng ngoài tim là đau ngực, vị trí đau đằng sau xương ức và có thể lan đến vai và cổ. Một số trường hợp sẽ có triệu chứng như cảm thấy lơ mơ, bị đau nhức hoặc cảm giác bị đè ép. Thay đổi tư thế hoặc hít thở sâu có thể làm đau nhiều hơn. Ngồi nghiêng về phía trước có thể giảm đau.
Các triệu chứng khác có thể bao gồm:
- Sốt nếu vết nhiễm trùng gây ra viêm ngoại tâm mạc;
- Tim đập nhanh;
- Khó thở.
Ngoài ra, lượng máu đi qua tim bị giảm xuống có thể gây ra các triệu chứng của suy tim bao gồm:
- Khó thở;
- Phù cẳng chân, ngón chân, bụng;
- Tĩnh mạch cổ có thể sưng to hoặc nhô lên.
Bạn có thể gặp các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Gọi cấp cứu ngay lập tức nếu bạn có những triệu chứng đau ngực vì đây cũng có thể là triệu chứng của nhồi máu cơ tim hoặc ung thư máu.
Ngoài ra, nếu bạn có các dấu hiệu và triệu chứng khác của viêm màng ngoài tim hoặc có bất kỳ câu hỏi hoặc thắc mắc nào, bạn cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa và tình trạng bệnh lý có thể khác nhau ở nhiều người. Hãy luôn thảo luận với bác sĩ để được chỉ định phương pháp chẩn đoán, điều trị và xử lý tốt nhất dành cho bạn.
Nguyên nhân gây bệnh viêm màng ngoài tim
Nguyên nhân nào gây ra viêm màng ngoài tim?
Nguyên nhân thông thường của viêm màng ngoài tim là nhiễm trùng do virus. Viêm màng ngoài tim thường xảy ra sau một ca nhiễm trùng đường hô hấp. Ngoài ra, vi khuẩn, nấm và các nhiễm trùng khác cũng có thể gây viêm màng ngoài tim.
Hầu hết các trường hợp viêm màng ngoài tim mạn tính được cho là kết quả của sự rối loạn miễn dịch. Tình trạng này xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công các mô và tế bào khỏe mạnh của cơ thể gây ra tình trạng viêm.
Nguy cơ mắc phải
Những ai thường mắc phải viêm màng ngoài tim?
Viêm màng ngoài tim thường xuất hiện ở nam giới nhiều hơn nữ giới, đặc biệt là những người ở độ tuổi từ 20 đến 50 tuổi. Bạn có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc viêm màng ngoài tim?
Có rất nhiều yếu tố có thể khiến bạn tăng nguy cơ mắc viêm màng ngoài tim, bao gồm:
- Từng bị đau tim hoặc từng phải giải phẫu tim;
- Mắc một số bệnh như: suy thận, HIV/AIDS, ung thư, lao và một số bệnh khác;
- Chấn thương do tai nạn hoặc xạ trị;
- Một số loại thuốc như phenytoin (một loại thuốc chống động kinh), warfarin và heparin (thuốc làm loãng máu) và procainamide (một loại thuốc để điều trị rối loạn nhịp tim).
Điều trị hiệu quả
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán viêm màng ngoài tim?
Bác sĩ có thể chẩn đoán viêm màng ngoài tim thông qua bệnh sử, khám lâm sàng và một số xét nghiệm như:
- Điện tâm đồ (ECG) xét nghiệm đơn giản này giúp phát hiện và ghi lại hoạt động điện của tim bạn. Một số kết quả điện tâm đồ cho thấy viêm màng ngoài tim;
- Chụp X-quang ngực có thể cho thấy hình ảnh tim to hơn bình thương trong trường hợp có chất dịch tập trung quanh tim;
- Siêu âm tim có thể cho thấy chất dịch ở màng ngoài tim;
- Chụp CT: có thể giúp bác sĩ loại trừ các bệnh lý tiềm ẩn khác;
- Chụp MRI sẽ giúp phát hiện các thay đổi của màng tim;
- Kiểm tra máu để tìm dấu hiệu của viêm và nhiễm trùng.
Những phương pháp nào dùng để điều trị viêm màng ngoài tim?
Hầu hết các trường hợp viêm màng ngoài tim đều nhẹ và chỉ cần nghỉ ngơi và điều trị đơn giản là có thể khỏi bệnh. Phương pháp điều trị chủ yếu là bằng thuốc. Một số trường hợp hiếm gặp có thể phải sử dụng một số kỹ thuật y tế hoặc phẫu thuật.
Trong bước đầu tiên của quá trình điều trị, bác sĩ có thể sẽ khuyên bạn nghỉ ngơi cho đến khi khỏe hơn và hết sốt. Bạn có thể sẽ được chỉ định sử dụng một số loại thuốc kháng viêm như aspirin và ibuprofen để giúp bạn giảm đau và viêm.
Nếu cơn đau vẫn tiếp tục và trở nên nghiêm trọng, bác sĩ có thể kê toa một số loại thuốc mạnh hơn như colchicine và prednisone (một loại thuốc có chứa steroid). Nếu bị nhiễm trùng do vi trùng gây viêm màng ngoài tim, bác sĩ sẽ kê toa thuốc kháng sinh hoặc một số loại thuốc khác để điều trị nhiễm trùng.
Ngoài ra, trong một số trường hợp bệnh chuyển biến nặng hơn. Bạn có thể cần phải điều trị các biến chứng của viêm màng ngoài tim như chèn ép tim và viêm màng ngoài tim thắt mạn tính.
Bác sĩ sẽ điều trị chèn ép tim bằng một thủ thuật gọi là chọc màng ngoài tim. Trong đó, một kim tiêm hoặc ống dẫn (gọi là ống thông) được chèn vào thành ngực để loại bỏ chất lỏng dư thừa trong màng ngoài tim. Thủ tục này sẽ giúp làm giảm áp lực cho tim.
Cách chữa trị duy nhất của viêm màng ngoài tim thắt mãn tính là phẫu thuật để loại bỏ màng tim.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm màng ngoài tim?
Bạn có thể kiểm soát tình trạng bệnh của mình nếu bạn lưu ý vài điều sau:
- Tái khám đúng lịch hẹn để được theo dõi diễn tiến các triệu chứng cũng như tình trạng sức khỏe của bạn;
- Nghe theo hướng dẫn của bác sĩ, không nên tự ý uống thuốc không được chỉ định hoặc bỏ thuốc trong toa được kê cho bạn;
- Nghỉ ngơi đầy đủ, tránh hoạt động mạnh. Hoạt động gắng sức có thể gây ra các triệu chứng viêm màng ngoài tim.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.