Hình mô tả đau bụng dưới kinh niên
Thế nào là đau bụng dưới kinh niên?
Đau bụng dưới kinh niên, còn gọi là đau vùng chậu mãn tính (chronic pelvic pain). Là khi bệnh nhân bị đau vùng bụng dưới từ 6 tháng trở lên. Cơn đau có thể lúc có lúc không, hoặc đau thường xuyên. Đôi khi cơn đau trở thành có chu kỳ. Ví dụ cơn đau có thể xảy ra trong thời gian hành kinh. Cơn đau cũng có thể xuất hiện vào một số thời điểm nhất định. Ví dụ như trước hoặc sau khi ăn, khi đi tiểu, hoặc khi quan hệ tình dục.
Nguyên nhân gây đau bụng dưới kinh niên
Có rất nhiều nguyên nhân gây đau bụng dưới kinh niên. Một số không liên quan đến cơ quan sinh sản mà liên quan đến đường tiết niệu, hoặc đường ruột. Một số phụ nữ bị đau do nhiều nguyên nhân. Một số khác thì không tìm thấy nguyên nhân nào cả.
Cách chẩn đoán nguyên nhân đau bụng dưới kinh niên
Nhân viên y tế sẽ khai thác kỹ lưỡng bệnh sử để tìm các tính chất của cơn đau. Bệnh nhân sẽ được kiểm tra sức khoẻ tổng quát, bao gồm cả kiểm tra phụ khoa tổng quát. Có thể sẽ phải tiến hành nhiều xét nghiệm để tìm nguyên nhân. Một số trường hợp phải đến gặp bác sĩ chuyên khoa. Chẳng hạn như bác sĩ chuyên khoa tiêu hoá hoặc bác sĩ chuyên khoa tiết niệu.
Các xét nghiệm cần thực hiện để chẩn đoán đau bụng dưới kinh niên
Các xét nghiệm sau có thể được thực hiện:
- Siêu âm
- Nội soi ổ bụng
- Soi bàng quang
- Nội soi đại tràng
- Nội soi đại tràng xích-ma
Các phương pháp giảm đau bụng dưới kinh niên
Có nhiều phương pháp để làm giảm đau bụng dưới kinh niên, bao gồm: dùng thuốc, vật lý trị liệu, dinh dưỡng trị liệu, và phẫu thuật.
- Thay đổi lối sống: thay đổi tư thế và tập thể dục thường xuyên có thể giúp giảm đau.
- Thuốc giảm đau: thuốc kháng viêm nonsteroid (nonsteroidal antiflammatory drugs, viết tắt là NSAIDs) có thể dùng để giảm đau, đặc biệt là đau bụng kinh.
- Vật lý trị liệu: các phương pháp như châm cứu, bấm huyệt, và các phương pháp kích thích dây thần kinh có thể dùng để điều trị cơn đau của đau bụng kinh. Một số phương pháp làm giảm cơn đau thể xác, một số khác giúp bệnh nhân chống lại cơn đau bằng tinh thần. Đó là các bài tập thư giãn và phương pháp phản hồi ngược sinh học (biofeedback).
- Dinh dưỡng trị liệu: Vitamin B1 và magiê có thể giúp giảm đau bụng kinh
- Phẫu thuật: khi các phương pháp khác không thể làm giảm đau thì có thể dùng đến phẫu thuật. Việc cắt hoặc phá huỷ dây thần kinh có thể ngăn chặn cơn đau truyền từ các cơ quan lên não.
Chú giải
- Chu kỳ kinh nguyệt: là quá trình tống xuất máu và mô từ tử cung ra ngoài hàng tháng, xảy ra khi người phụ nữ không thụ thai.
- Đau bụng kinh: là cơn đau xuất hiện trong chu kỳ kinh nguyệt.
- Siêu âm: là một xét nghiệm trong đó sóng siêu âm được dùng để kiểm tra các cơ quan bên trong.
- Soi bàng quang: là một thủ thuật quan sát bên trong bàng quang và đường tiết niệu.
- Nội soi ổ bụng: là phương pháp trong đó một dụng cụ nhỏ, có đèn sáng, gọi là kính soi được sử dụng để quan sát các cơ quan bên trong khung chậu hoặc để phẫu thuật.
- Nội soi đại tràng: quan sát bên trong toàn bộ đại tràng (ruột già) sử dụng một dụng cụ nhỏ có đèn sáng.
- Nội soi đại tràng xích-ma: quan sát trực tràng và phần dưới đại tràng để kiểm tra ung thư.
- Phương pháp phản hồi ngược sinh học: là kỹ thuật tìm cách kiểm soát các hoạt động của cơ thể, ví dụ như nhịp tim và huyết áp.
Chú ý
Nếu bạn có thêm thắc mắc, hãy đến gặp bác sĩ phụ khoa
Bài này được thiết kế để trợ giúp bệnh nhân, chứ không mô tả toàn bộ quá trình điều trị cần thiết, và do đó không nên bỏ qua các phương pháp khác có thể. Tuỳ thuộc vào tình trạng của từng bệnh nhân, điều kiện của cơ sở y tế mà các phương pháp điều trị có thể có thay đổi.
Tài liệu tham khảo
http://www.acog.org/~/media/For%20Patients/faq099.pdf?dmc=1&ts=20140214T1028088439