Loét tá tràng

(4.01) - 42 đánh giá

Tá tràng là phần đầu của ruột non, bộ phận đảm đương trách nhiệm tạo điều kiện cho quá trình tiêu hóa diễn ra. Nhiệm vụ của tá tràng là điều tiết dưỡng trấp (chyme) chuẩn bị cho quá trình phân giải sau đó, đồng thời hỗ trợ cơ thể hấp thụ các chất dinh dưỡng cần thiết.

Viêm, loét tá tràng là một trong những tình trạng sức khỏe phổ biến nhất tại cơ quan trên. Bệnh có thể để lại di chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tổng thể nếu không được chữa trị kịp thời. Mặc dù vậy, ngày nay, không ít người vẫn chưa hiểu rõ về căn bệnh này, dẫn đến tâm lý chủ quan trong việc phòng ngừa và điều trị.

Vậy, bạn đã biết gì về bệnh loét tá tràng chưa? Hãy để Chúng tôi giúp bạn tìm hiểu thêm nhiều khía cạnh về vấn đề sức khỏe này nhé.

Loét tá tràng là bệnh gì?

Tá tràng có lớp bảo vệ là niêm mạc, đóng vai trò sản sinh chất nhầy và một số enzyme tiêu hóa. Tình trạng viêm loét xảy ra tại đây khi lớp phòng ngự này bị ăn mòn làm lộ các lớp tế bào bên dưới. Nếu bạn không sớm có biện pháp can thiệp, tình trạng ăn mòn này thậm chí có khả năng gây thủng tá tràng.

Thực tế, loét tá tràng và loét dạ dày là hai dạng của bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng. Thông thường, một người chỉ bị viêm loét dạ dày hoặc tá tràng. Tuy nhiên, không ít trường hợp cả hai vấn đề này xảy ra cùng lúc. Hầu hết các nguyên nhân gây loét dạ dày cũng là nguyên nhân gây loét tá tràng.

Đâu là nguyên nhân gây viêm loét tá tràng?

Sự hiện diện của vết loét trên lớp niêm mạc tá tràng có khả năng là hệ quả của những vấn đề sau, bao gồm:

Nhiễm khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori)

Vi khuẩn H. pylori (khuẩn Hp) là tác nhân chủ yếu gây viêm loét dạ dày và tá tràng. Thực tế, mỗi người đều có chủng vi khuẩn này trong cơ thể. Tuy nhiên, khi chúng phát triển đến số lượng nhất định sẽ trực tiếp gây tổn thương niêm mạc tá tràng, đồng thời góp phần để dịch vị dạ dày ăn mòn lớp bảo vệ này. Ở Việt Nam, tỷ lệ nhiễm Hp rất cao, có thể chiếm đến 60 – 70% dân số.

Tương tự nhiều chủng vi sinh vật khác, H. pylori có thể dễ dàng lây truyền từ người này sang người khác. Phần lớn trường hợp, chúng sẽ lây nhiễm qua 4 con đường dưới đây:

  • Đường miệng – miệng
  • Đường phân – miệng
  • Đường dạ dày – miệng
  • Đường dạ dày – dạ dày

Tác dụng phụ của thuốc NSAID

Vết loét trên thành tá tràng có thể là hệ quả của việc thường xuyên sử dụng các loại thuốc giảm đau kháng viêm không chứa steroid (NSAID) trong thời gian dài, chẳng hạn như:

  • Aspirin
  • Ibuprofen
  • Naproxen

Theo bác sĩ, tác dụng phụ của nhóm thuốc trên chỉ đứng sau tình trạng nhiễm khuẩn Hp trong việc gây viêm loét dạ dày tá tràng.

Vì thuốc NSAID có nguy cơ gây kích ứng và tổn thương lớp niêm mạc dạ dày, tá tràng nên khi kê đơn thuốc cho người mắc bệnh về đường tiêu hóa, các chuyên gia sẽ bổ sung thêm một số thuốc dạ dày hoặc chọn những loại có tác dụng nhẹ hơn như paracetamol.

Hội chứng Zollinger – Ellison

Một nguyên nhân gây loét tá tràng hiếm gặp là hội chứng Zollinger – Ellison, đề cập đến sự phát triển của khối u ở tá tràng hoặc tuyến tụy (có thể là lành hoặc ác tính). Những khối u này sẽ giải phóng một lượng lớn hormone gastrin làm tăng nồng độ axit trong dịch vị, từ đó dẫn đến tình trạng viêm loét dạ dày và tá tràng.

Trong một số ít trường hợp, các u tiết gastrin trên còn có thể xuất hiện ở những bộ phận khác trong cơ thể.

Những ai có nguy cơ cao mắc bệnh loét tá tràng?

Bên cạnh những vấn đề được nhắc đến bên trên, bệnh loét tá tràng còn bắt nguồn từ:

  • Yếu tố di truyền: nguy cơ mắc bệnh của một người có thể cao hơn người khác nếu trong gia đình có thành viên bị viêm loét dạ dày hoặc tá tràng
  • Lối sinh hoạt không lành mạnh: thói quen xấu như hút thuốc lá có khả năng góp phần thúc đẩy quá trình ăn mòn lớp niêm mạc tá tràng – dạ dày

Không những vậy, một số yếu tố dưới đây đôi khi cũng làm tăng rủi ro phát sinh viêm loét dạ dày – tá tràng, bao gồm:

  • Người cao tuổi, đặc biệt là trên 70
  • Tiền sử mắc bệnh loét dạ dày hoặc tá tràng
  • Vừa bị chấn thương vật lý nghiêm trọng

Mặt khác, ngoài thuốc NSAID, loét tá tràng còn có khả năng phát triển bởi tác dụng phụ của một số loại thuốc như:

  • Thuốc chống đông máu
  • Steroid
  • Thuốc chống trầm cảm (SSRI)
  • Một số loại thuốc dùng trong hóa trị

Ngoài ra, bạn cũng cần lưu ý rằng tuy thói quen uống nhiều bia, rượu và ăn các món cay không gây loét dạ dày – tá tràng, nhưng chúng có khả năng khiến các triệu chứng tiến triển nghiêm trọng hơn, đồng thời cản trở quá trình chữa lành vết loét. Bên cạnh đó, giả thiết căng thẳng gây loét tá tràng cũng cần có nhiều bằng chứng khoa học hơn trước khi các chuyên gia có thể đưa ra kết luận cuối cùng.

Làm thế nào để nhận biết triệu chứng loét tá tràng?

Tương tự viêm loét dạ dày, dấu hiệu đặc trưng của loét tá tràng cũng là đau bụng. Cơn đau thường diễn ra ở vùng bụng phải, có thể lan ra sau lưng hoặc hướng lên ngực và chủ yếu xuất hiện sau khi ăn. Người bệnh có thể xoa dịu cơn đau bằng thuốc hoặc thực phẩm có khả năng trung hòa axit trong dịch vị. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn có khả năng tái phát khi thuốc hết tác dụng.

Bên cạnh đó, người bị loét tá tràng còn có thể bắt gặp những triệu chứng như:

  • Ợ nóng
  • Khó tiêu
  • Cảm giác no bụng, kể cả khi dạ dày rỗng
  • Đầy hơi chướng bụng
  • Buồn nôn và nôn

Một số người mắc bệnh viêm loét tá tràng cũng có thể có biểu hiện không dung nạp một số thực phẩm. Nguyên nhân là do những thực phẩm này làm cho họ cảm thấy khó chịu hơn hoặc khiến triệu chứng loét tá tràng tiến triển nghiêm trọng hơn.

Ngoài ra, bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần tìm gặp bác sĩ?

Sự xuất hiện của những dấu hiệu dưới đây cảnh báo tình trạng loét ở thành tá tràng đang trở nên tệ hơn. Chúng bao gồm:

  • Cảm giác lâng lâng, đờ đẫn
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân
  • Máu lẫn trong phân
  • Nôn khan hoặc nôn ra máu
  • Khó thở

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu, triệu chứng nào nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau, vì vậy tham vấn cùng các chuyên gia có thể giúp bạn dễ dàng tìm ra giải pháp đối phó phù hợp và hiệu quả nhất.

Bệnh loét tá tràng có nguy hiểm không?

Nếu không được điều trị kịp thời, loét tá tràng sẽ kéo theo nhiều biến chứng phát sinh, gây tổn hại đến sức khỏe tổng thể. Cụ thể hơn, tình trạng này sẽ để lại lỗ hổng trên thành tá tràng (thủng tá tràng), từ đó làm tăng nguy cơ viêm phúc mạc.

Theo bác sĩ, viêm phúc mạc là một tình trạng khẩn cấp, có khả năng cao gây tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Do đó, nếu bạn đang bị viêm loét dạ dày – tá tràng và đột ngột đau bụng dữ dội, hãy đến bệnh viện ngay lập tức.

Bên cạnh đó, tình trạng thủng tá tràng còn dẫn đến một vấn đề nguy hiểm khác là xuất huyết nội, có thể gây khó thở, nôn ra máu hoặc máu lẫn với phân.

Ngoài ra, loét tá tràng cũng sẽ cản trở quá trình tiêu hóa, khiến người bệnh thường xuyên cảm thấy no dù không ăn gì, hay buồn nôn và chán ăn, từ đó kéo theo vấn đề suy dinh dưỡng phát sinh.

Những thủ thuật dùng trong chẩn đoán loét tá tràng

Khi chẩn đoán bệnh, bác sĩ sẽ bắt đầu với việc đặt câu hỏi về bệnh sử của một người cũng như những triệu chứng đang xảy ra. Lúc này, bạn nên cố gắng đưa ra câu trả lời cụ thể nhất có thể, ví dụ như vị trí đau bụng, thời gian đau kéo dài bao lâu, những dấu hiệu bất thường bạn gặp phải gồm những gì… Thông tin bạn cung cấp càng chi tiết, bác sĩ càng dễ dàng chẩn đoán vấn đề đang diễn ra.

Nếu các chuyên gia nghi ngờ vi khuẩn H. pylori là nguyên nhân đứng sau những biểu hiện loét tá tràng, họ sẽ chỉ định bạn thực hiện một số xét nghiệm để xác nhận giả thiết này, bao gồm:

  • Xét nghiệm máu: tìm kiếm sự hiện diện của các tế bào bạch cầu chống nhiễm trùng
  • Xét nghiệm kháng nguyên phân: bác sĩ sẽ lấy mẫu phân của người bệnh và gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích. Mục đích của thủ thuật xét nghiệm này là tìm kiếm các protein liên quan đến khuẩn H. pylori có trong mẫu bệnh phẩm.
  • Xét nghiệm hơi thở urê: để thực hiện xét nghiệm này, bạn sẽ cần uống một viên thuốc chứa công thức urê đặc biệt. Sau đó, bạn sẽ dùng một túi hơi để thu thập hơi thở của mình. Nếu bạn nhiễm Hp, urê trong thuốc sẽ chuyển hóa thành carbon dioxide (CO2). Do đó, các chuyên gia sẽ dựa trên nồng độ CO2 đo được trong mẫu hơi thở để xác định bạn có bị nhiễm khuẩn H. pylori hay không.

Ngoài ra, để kiểm tra tình trạng tổn thương tá tràng do viêm loét, đôi khi bác sĩ cũng sẽ yêu cầu người bệnh làm thêm thủ thuật nội soi dạ dày – tá tràng.

Bật mí các lựa chọn điều trị loét tá tràng hiệu quả

Tùy vào nguyên nhân gây bệnh cũng như mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng mà mỗi người sẽ có hướng điều trị loét tá tràng khác nhau. Phần lớn trường hợp, bác sĩ sẽ kê toa một số loại thuốc có tác dụng giảm bớt nồng độ axit trong dịch vị và hỗ trợ bảo vệ lớp niêm mạc tá tràng, ví dụ như:

  • Thuốc ức chế thụ thể histamine (thuốc chẹn H2)
  • Thuốc ức chế bơm proton (PPI)

Đối với trường hợp loét do nhiễm khuẩn H. pylori, người bệnh sẽ cần dùng thêm kháng sinh và một số loại thuốc đặc hiệu khác giúp tiêu diệt vi khuẩn, đồng thời đẩy nhanh quá trình chữa lành vết loét.

Trong trường hợp thuốc NSAID gây tác dụng phụ ảnh hưởng đến tá tràng, bên cạnh việc chữa lành thương tổn, bác sĩ cũng sẽ tư vấn thêm cho người bệnh về việc giảm liều lượng thuốc hoặc thay thế bằng đơn thuốc khác lành tính hơn.

Nếu xuất huyết nội xảy ra, các chuyên gia sẽ triển khai biện pháp cầm máu bằng thủ thuật nội soi đường tiêu hóa trên (EGD).

Đôi khi, phẫu thuật cũng là lựa chọn cần thiết cho việc chữa lành vết loét trên thành tá tràng. Tuy nhiên, vì rủi ro của thủ thuật điều trị xâm lấn này quá lớn nên bác sĩ chỉ đề xuất giải pháp này nếu người bệnh không đáp ứng tốt với những phương pháp trên.

Các biện pháp hỗ trợ điều trị loét tá tràng tại nhà

Bên cạnh điều trị bằng các phương pháp theo tiêu chuẩn y tế, bạn cũng nên áp dụng các biện pháp khắc phục tại nhà nhằm cải thiện triệu chứng, đồng thời hỗ trợ quá trình chữa trị diễn ra thuận lợi. Chúng có thể kể đến như:

  • Hạn chế ăn các món chua, cay, nóng có nguy cơ gây kích thích hệ tiêu hóa, khiến triệu chứng loét tá tràng trở nên tệ hơn
  • Tuyệt đối tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ trong việc sử dụng thuốc, đặc biệt là kháng sinh. Dùng kháng sinh quá liều không chỉ không tăng cường hiệu quả của thuốc mà ngược lại, điều này sẽ giúp vi khuẩn hình thành cơ chế kháng kháng sinh.
  • Không uống bia, rượu hay bất kỳ thức uống chứa cồn nào khác trong giai đoạn này. Cồn có thể gây cản trở quá trình chữa lành vết loét, đồng thời thúc đẩy các biểu hiện tiến triển nghiêm trọng.

Phòng ngừa loét tá tràng

Loại bỏ nguy cơ phát sinh viêm loét dạ dày – tá tràng hoàn toàn là điều bất khả thi. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể giảm thiểu rủi ro mắc bệnh bằng cách:

Ngăn ngừa nhiễm trùng

Thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch cũng như đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là những biện pháp đơn giản nhất giúp bạn phòng ngừa nhiễm khuẩn H. pylori.

Cẩn thận khi uống thuốc giảm đau

Nếu tình trạng sức khỏe của bạn cần được cải thiện bằng thuốc NSAID, hãy dùng chúng sau khi ăn no hoặc uống chung với thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày. Ngoài ra, bạn cũng có thể yêu cầu bác sĩ thay thế bằng loại thuốc khác có tác dụng tương tự nhưng lành tính hơn nếu phải dùng thuốc trong thời gian dài.

Thay đổi thói quen sinh hoạt

Nếu bạn có thói quen hút thuốc lá, hãy tập cách bỏ nó. Khói thuốc không chỉ ảnh hưởng đến phổi, gan mà còn góp phần tăng nguy cơ phát triển khối u ở đường tiêu hóa, bao gồm cả tá tràng.

Ngoài ra, tập thói quen rèn luyện thể chất thường xuyên cũng giúp bạn phòng ngừa viêm loét tá tràng bằng cách nâng cao khả năng hoạt động của hệ miễn dịch, đồng thời giảm thiểu các phản ứng viêm phát sinh.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Đánh giá:

Bài viết liên quan

Vỡ xương sọ

(23)
Tìm hiểu chungVỡ xương sọ là gì?Vỡ xương sọ là bất kỳ gãy xương nào xảy ra ở hộp sọ, còn được gọi là vỡ hộp sọ. Có rất nhiều loại gãy xương ... [xem thêm]

Hội chứng Pancoast

(37)
Tìm hiểu về hội chứng PancoastHội chứng Pancoast là gì?Hội chứng Pancoast là thuật ngữ được đặt cho một loại ung thư phổi. Các khối u Pancoast là một ... [xem thêm]

Rối loạn tuyến vú

(60)
Tìm hiểu chungBệnh lý rối loạn tuyến vú là gì?Các rối loạn tuyến vú thường bao gồm bệnh lý không ung thư (lành tính) hoặc ung thư (ác tính, có thể lây ... [xem thêm]

Ung thư phế quản

(17)
Tìm hiểu chungBệnh ung thư phế quản là gì?Ung thư phế quản là một loại ung thư hiếm gặp hình thành trong các phế quản hoặc khí quản và các tuyến nước ... [xem thêm]

Liệt dây thần kinh số 6

(80)
Tìm hiểu chungLiệt dây thần kinh số 6 là gì?Liệt dây thần kinh số 6 là một rối loạn có ảnh hưởng đến vận động của mắt. Bệnh gây ra bởi tổn thương ... [xem thêm]

Cao prolin tuýp 2

(67)
Tìm hiểu chungCao prolin tuýp 2 là bệnh gì?Có hai loại cao prolin được công nhận bởi các bác sĩ và các nhà nghiên cứu lâm sàng. Mỗi loại đại diện cho một ... [xem thêm]

Thoát vị rốn

(36)
Thoát vị rốn ở trẻ trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là một tình trạng phổ biến, nhưng bệnh cũng có thể ảnh hưởng đến người lớn. Vậy bệnh thoát vị rốn là ... [xem thêm]

Cắt bao cân mạc Dupuytren

(13)
Tìm hiểu chungPhẫu thuật cắt bao cân mạc Dupuytren là gì?Cắt bao cân mạc là phẫu thuật loại bỏ mô liên kết và da dày để làm thẳng ngón tay và cải thiện ... [xem thêm]

DANH SÁCH PHÒNG KHÁM BỆNH VIỆN