Giãn phế quản là một tình trạng biến dạng phế quản bất thường của đường hô hấp. Tình trạng này thường gây tăng tiết nhiều đờm (đàm) nhầy dẫn đến tình trạng dễ bị nhiễm trùng đường hô hấp. Biểu hiện chủ yếu là ho đờm nhiều. Điều trị thường bao gồm tập vật lý trị liệu hô hấp và dùng thuốc kháng sinh. Trong một số trường hợp cần phải điều trị kháng sinh dài hạn. Thuốc dạng hít (hoặc xịt) đôi khi được sử dụng. Phẫu thuật chỉ cần thiết thực hiện trong một số ít trường hợp. Bạn không nên hút thuốc lá vì điều này làm nặng hơn tình trạng bệnh. Việc chủng ngừa cúm và phế cầu là cần thiết.
Tổng quan về đường hô hấp
Không khí đi vào phổi qua khí quản, vào phế quản vốn là nhánh phân chia của khí quản thành nhiều đường dẫn khí nhỏ hơn.
Từ khí quản không khí tiếp tục đi vào hàng triệu túi khí nhỏ (gọi là phế nang). Oxy lúc này được trao đổi qua thành mỏng của túi phế nang để vào máu.
Thông thường các tuyến nhỏ nằm ở mặt dưới niêm mạc đường thở tiết ra một lượng ít chất nhầy. Chất nhầy này giữ các đường dẫn khí luôn ẩm và giữ lại bụi bẩn trong không khí khi hít vào. Tại đây có hàng triệu lông chuyển lót trên bề mặt niêm mạc đường hô hấp. Cử động theo một chiều để quét sạch các chất nhầy ra vùng hầu họng, hình thành đờm và thường được nuốt vào hoặc khạc ra ngoài.
Giãn phế quản là gì?
Giãn phế quản là tình trạng biến dạng bất thường (giãn rộng) không hồi phục của một hoặc nhiều nhánh phế quản. Tình trạng tăng tiết đờm nhầy này dễ gây ứ đọng trong các phế quản bị giãn rộng nên dễ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp.
Đường thở trong giãn phế quản
Mức độ giãn phế quản rất đa dạng. Có thể chỉ giãn phế quản khu trú tại một nhánh hoặc lan tỏa nhiều nhánh phế quản. Do đó biểu hiện của bệnh nhân thay đổi tùy vào mức độ giãn nêu trên.
Thành các phế quản giãn bị phá hủy do viêm gây ứ đọng đờm nhầy và khó khăn trong việc khạc bỏ chất nhầy này. Bên cạnh đó những phế quản này có xu hướng thường mềm và dễ bị xẹp lại. Và điều này gây ảnh hưởng tới sự thông khí. Mức độ nặng của bệnh phụ thuộc vào số lượng phế quản bị phá hủy và mức độ tổn thương của nó. Các nhu mô phổi nằm cạnh vùng tổn thương cũng có thể bị viêm và hủy hoại.
Nguyên nhân gây giãn phế quản
Nguyên nhân thường không rõ ràng và trong một nửa số trường hợp không xác định được nguyên nhân. Một nửa các trường hợp tìm thấy nguyên nhân do bệnh lý nền trước đó gây ra. Một số bệnh lý nền sau đây có thể ảnh hưởng hoặc gây tổn thương dẫn đến tình trạng giãn phế quản. Ví dụ như:
- Nhiễm khuẩn phổi nặng như bệnh lao, ho gà, viêm phổi hoặc bệnh sởi. Những bệnh này có thể làm tổn thương đường hô hấp tại thời điểm bị bệnh và có thể dẫn tới giãn phế quản sau này. Cho đến nay, nhiễm khuẩn được cho là nguyên nhân thường gặp nhất gây nên giãn phế quản. Khoảng 2/5 các trường hợp là hậu quả của một đợt nhiễm trùng hô hấp nặng.
- Những bệnh lý làm suy giảm hệ miễn dịch làm cơ thể không chống đỡ lại với tình trạng nhiễm khuẩn cũng có thể là nguyên nhân gây giãn phế quản. Ví dụ, ở những đối tượng bị hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS).
- Do di truyền. Ví dụ, ở bệnh rối loạn vận động của lông chuyển. Những sợi lông chuyển không hoạt động để tống chất nhầy ra khỏi đường hô hấp. Xơ nang cũng là một bệnh khác gây ảnh hưởng tới phổi và gây tổn thương đường hô hấp. Một số bệnh miễn dịch hiếm gặp có thể gây nhiễm trùng phổi và tổn thương đường hô hấp như bệnh lý mô liên kết, thiếu hụt enzyme alpha1-antitrypsin, bệnh thận đa nang,…
- Dị vật đường hô hấp. Ví dụ, sặc hạt đậu có thể bít tắc đường thở. Điều này gây tổn thương vùng phổi của phân nhánh phế quản bị tắc này. Việc axít từ dạ dày do trào ngược hay hít không khí bị ô nhiễm cũng có thể gây tổn thương đường hô hấp.
- Một số tổn thương gây viêm ở nơi khác của cơ thể đôi khi cũng có thể gây viêm, tổn thương đường thở và dẫn đến giãn phế quản. Ví dụ, bệnh viêm loét đại tràng, bệnh crohn, bệnh viêm khớp dạng thấp, bệnh lupus ban đỏ hệ thống.
Tỷ lệ mắc bệnh giãn phế quản
Tại vương quốc anh, trung bình cứ 1000 người thì có 2-3 người mắc phải căn bệnh này. Trên thực tế, con số này có thể còn cao hơn. Vì ở một số bệnh nhân mắc bệnh phổi mạn tính có kèm giãn phế quản. Thường gặp ở nữ nhiều hơn nam. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, ngay cả ở trẻ em, nhưng phổ biến nhất vẫn ở người lớn tuổi.
Những triệu chứng của giãn phế quản
- Triệu chứng chính là ho đờm nhiều. Số lượng đờm có thể thay đổi, tùy theo mức độ nặng của bệnh. Việc ho đờm nhiều hằng ngày thường rất mệt mỏi.
- Các triệu chứng toàn thân: mệt mỏi và kém tập trung.
- Thở khò khè.
- Một số bệnh nhân có thể khó thở, đặc biệt khi vận động gắng sức.
- Có thể ho ra máu xuất nguồn từ đường hô hấp bị viêm. Điển hình là ho ra máu lượng ít, dai dẳng. Đôi khi cũng có thể ho ra máu lượng nhiều.
- Thường nhiễm khuẩn đường hô hấp tái đi tái lại trên một vùng phổi nhất định. Nguyên nhân là do tình trạng viêm và tăng tiết chất nhầy ứ đọng trong đường hô hấp. Là môi trường lý tưởng cho các tác nhân gây bệnh (vi khuẩn) sinh sôi và phát triển. Khi có tình trạng nhiễm khuẩn, đờm thường đổi màu xanh hoặc vàng.
Mức độ nặng của triệu chứng rất thay đổi.
- Một số người có thể chỉ có biểu hiện nhẹ và diễn tiến dần đến ho dai dẳng. Có thể được chẩn đoán nhiễm trùng hô hấp trước đó nhưng chưa được chẩn đoán giãn phế quản. Hoặc chẩn đoán sau khi triệu chứng đã xuất hiện sau nhiều năm.
- Ở thái cực khác, một số bệnh nhân có biểu hiện nặng với những đợt nhiễm trùng hô hấp thường xuyên kéo dài.
- Đa phần bệnh nhân biểu hiện mức độ trung bình nằm ở đâu đó giữa hai mức độ trên.
Chẩn đoán giãn phế quản
Nếu có các triệu chứng gợi ý giãn phế quản, bệnh nhân được chẩn đoán xác định dựa vào chụp cắt lớp CT-scan lồng ngực. Hình ảnh trên CT-scan giúp đo được đường kính của phế quản. Nếu đường kính rộng hơn bình thường thấy trên phim giúp ích cho việc khẳng định chẩn đoán. Có thể cần làm thêm một số xét nghiệm chuyên sâu khác để tầm soát nguyên nhân nếu nghi ngờ.
Các phương pháp điều trị giãn phế quản
Bác sĩ sẽ là người đưa ra những chọn lựa điều trị. Và việc lựa chọn điều trị phụ thuộc vào mức độ nặng của bệnh.
Điều trị bằng thuốc kháng sinh
Kháng sinh là điều trị chính trong giãn phế quản. Nếu giãn phế quản mức độ nhẹ, chỉ cần dùng kháng sinh trong đợt nhiễm khuẩn hô hấp. Kháng sinh có thể không cần thiết nếu chỉ đơn thuần ho đờm đổi màu (xanh lá cây). Nhưng nếu thêm triệu chứng ho nhiều hơn hoặc khó thở nặng hơn hoặc cảm thấy không được khỏe. Bạn nên được khám bởi bác sĩ. Kháng sinh thường được sử dụng nhất là amoxicillin. Tuy nhiên, sự lựa chọn sẽ phụ thuộc tiền sử dị ứng, loại vi khuẩn mắc phải. Và hướng dẫn sử dụng kháng sinh dựa trên tình hình kháng thuốc kháng sinh tại khu vực đó.
Nếu giãn phế quản mức độ nặng, tình trạng nhiễm khuẩn hô hấp tái phát sớm ngay sau ngưng kháng sinh. Trong trường hợp này có thể được khuyến cáo dùng thuốc kháng sinh thường xuyên để ngăn chặn sự nhiễm khuẩn phát triển lại. Một trong những lựa chọn cho điều trị này là dùng kháng sinh ngắt quãng. Nghĩa là có một đợt nghỉ không dùng thuốc giữa hai lần điều trị kháng sinh ngắn hạn.
Một lựa chọn khác là dùng kháng sinh mỗi ngày dài hạn. Đôi khi điều trị thuốc kháng sinh thường xuyên có thể được thực hiện nhờ sự trợ giúp của máy phun khí dung. Thuốc lúc này được tạo ra dưới dạng sương, giúp cho bệnh nhân có thể hít vào thông qua một mặt nạ. Bằng cách này có thể đưa một liều cao kháng sinh trực tiếp vào đường hô hấp (tại chỗ) với một lượng nhỏ tương đối ngấm qua đường toàn thân. Điều này giúp làm giảm tác dụng phụ toàn thân có thể xảy ra do thuốc.
Vật lý trị liệu hô hấp và các liệu pháp tập luyện khác
Mục đích của vật lý trị liệu hô hấp và các liệu pháp tập luyện khác là giúp bạn ho và tống xuất đờm nhầy ra khỏi đường hô hấp và giúp cải thiện chức năng phổi. Phương pháp này được gọi là liệu pháp làm sạch đường hô hấp (dẫn lưu tư thế). Điều này có thể giúp ngăn chặn sự ứ đọng của đờm nhầy nhiễm khuẩn. Ngăn ngừa bùng phát nhiễm trùng hô hấp. Bác sĩ vật lý trị liệu sẽ hướng dẫn về các phương pháp làm sạch đường hô hấp phù hợp với bạn nhất. Thông thường, những bệnh nhân giãn phế quản được khuyến khích thực hiện các liệu pháp này khoảng 20-30 phút, một hoặc hai lần một ngày.
Thêm vào đó, nếu có thể, hãy tập thể dục hàng ngày như chạy, đi bộ nhanh, bơi lội, khiêu vũ, thể dục nhịp điệu (aerobic), v.v…, cũng giúp làm sạch đường hô hấp và nâng cao thể lực.
Điều trị khác và tiêm chủng
Thỉnh thoảng sử dụng những thuốc khác như aminophyllin hoặc theophyllin có thể làm cải thiện các triệu chứng. Những phương pháp này chỉ được sử dụng cho những bệnh nhân có đáp ứng với điều trị. Nếu tình trạng không cải thiện, nên dừng lại.
Chủng ngừa phế cầu khoảng mỗi 4 năm và chủng ngừa cúm hằng năm. Điều này làm giảm khả năng mắc phải tác nhân nhiễm khuẩn hô hấp đã được chủng ngừa.
Thuốc phế quản dạng hít/xịt
Thuốc giãn phế quản dạng hít thường được sử dụng trong hen để làm giãn đường hô hấp. Nhất là trong trường hợp khò khè và khó thở nhiều (đợt cấp của giãn phế quản). Có nhiều loại thuốc giãn phế quản dạng hít – ví dụ: salbutamol (ventolin®), tiotropium (spiriva®), ipratropium + fenoterol (berodual®,combivent®),…. Những thuốc này sử dụng cho bệnh nhân giúp cải thiện triệu chứng. Nếu tình trạng không cải thiện, nên dừng lại. Steroid đơn thuần dạng hít không còn được khuyến cáo cho giãn phế quản trừ khi có yếu tố hen kèm theo.
Chỉ định nhập viện
Nếu các triệu chứng trở nên trầm trọng nên nhập viện. Thở nhanh và đau ngực là dấu hiệu cho thấy tình trạng bệnh của bạn không đáp ứng với điều trị tại nhà.
Cai thuốc lá
Hút thuốc làm nặng hơn các triệu chứng và do đó phải cai thuốc lá. Ngoài ra, tránh hút thuốc lá thụ động – có nghĩa là, hít phải khói thuốc từ những người hút thuốc lá gần đó.
Điều trị các bệnh nền
Như đã đề cập ở trên, cứ 4 trong 10 người bị giãn phế quản có thể tiềm ẩn một nguyên nhân bệnh lý nền gây nên điều này. Do đó trong một số các trường hợp có thể kết hợp điều trị thêm tùy thuộc vào nguyên nhân.
Phẫu thuật
Phẫu thuật được lựa chọn nếu bệnh nhân có tổn thương khu trú nhỏ ở phổi và gây ra các triệu chứng của bệnh. Cắt bỏ mô phổi bệnh có thể điều trị vấn đề này. Tuy nhiên trong một số trường hợp giãn phế quản mức độ lan tỏa. Phẫu thuật có thể được cân nhắc có thực hiện hay không. Việc cắt bỏ này giúp loại bỏ phần nhu mô phổi bệnh vốn là ổ chứa đờm nhầy và vi khuẩn. Ghép phổi có thể được xem xét trong trường hợp bệnh rất nghiêm trọng.
Tiên lượng
Hầu hết những bệnh nhân bị giãn phế quản (không có nguyên nhân bệnh nền) có tiên lượng tốt. Các triệu chứng ít khi trở nên nghiêm trọng. Sử dụng thuốc kháng sinh khi có nhiễm trùng xảy ra, hoặc dùng thường xuyên khi cần thiết đủ để giúp bệnh nhân sống khỏe.
Trong một số trường hợp tình trạng trở nên nặng hơn và gây khó thở. Một số ít trường hợp bệnh tiến triển nặng hơn theo thời gian và số phế quản lành bị tổn thương nhiều hơn.
Ho ra máu gây đe dọa tính mạng (ho ra máu sét đánh) cũng có thể xảy ra nhưng rất hiếm gặp.
Tiên lượng cho bệnh nhân giãn phế còn phụ thuộc một phần vào nguyên nhân bệnh nền gây nên là gì.