Suy dinh dưỡng

(3.51) - 38 đánh giá

Tìm hiểu chung

Suy dinh dưỡng là bệnh gì?

Suy dinh dưỡng là tình trạng cơ thể không nhận được đủ chất dinh dưỡng. Suy dinh dưỡng có thể ảnh hưởng đến mọi người ở bất kỳ lứa tuổi.

Những trẻ em bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng thường phát triển hành vi chậm, thậm chí chậm phát triển trí não. Ngay cả khi được điều trị, suy dinh dưỡng có thể có ảnh hưởng lâu dài ở trẻ em, làm suy yếu sự phát triển trí tuệ và nảy sinh vấn đề tiêu hóa – trong một số trường hợp có thể ảnh hưởng đến suốt đời.

Người lớn bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng ở tuổi trưởng thành thường phục hồi hoàn toàn khi điều trị. Suy dinh dưỡng ở người cao tuổi có thể dẫn đến vấn đề sức khỏe khác nhau, bao gồm:

  • Hệ thống miễn dịch yếu, làm tăng nguy cơ lây nhiễm;
  • Khả năng lành vết thương thấp;
  • Cơ yếu, có thể dẫn đến té ngã và nứt xương.

Ngoài ra, suy dinh dưỡng còn gây biếng ăn, khiến tình trạng sức khỏe trở nên trầm trọng hơn.

Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh suy dinh dưỡng?

Các triệu chứng thường gặp của bệnh suy dinh dưỡng là:

  • Mất chất béo (mô mỡ);
  • Thở khó khăn, nguy cơ cao mắc suy hô hấp;
  • Phiền muộn;
  • Nguy cơ cao xảy ra các biến chứng sau phẫu thuật;
  • Nguy cơ cao bị giảm thân nhiệt – nhiệt độ cơ thể giảm bất thường;
  • Giảm một số loại tế bào máu trắng. Do đó, hệ thống miễn dịch bị suy yếu, tăng nguy cơ nhiễm trùng;
  • Nhạy cảm hơn với thời tiết lạnh;
  • Lâu lành các vết thương;
  • Lâu phục hồi do nhiễm trùng và các bệnh khác;
  • Giảm ham muốn tình dục;
  • Gặp vấn đề về khả năng sinh sản;
  • Giảm khối lượng cơ bắp, mô;
  • Mệt mỏi, cáu gắt, hoặc thờ ơ.

Trong trường hợp nghiêm trọng hơn:

  • Da có thể trở nên mỏng, khô, không đàn hồi, xanh xao, lạnh;
  • Do mất chất béo, khuôn mặt trở nên xanh xao, má trông rỗng và mắt trũng;
  • Tóc trở nên khô và thưa thớt, dễ rụng;
  • Đôi khi, suy dinh dưỡng nghiêm trọng có thể dẫn đến mất phản xạ (sững sờ);
  • Nếu thiếu hụt calo lâu dài, có thể gây suy tim, gan và hô hấp;
  • Thời gian đói gây tử vong là trong vòng 8-12 tuần (hầu như không tiêu thụ calo).

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Bạn nên đến khám bác sĩ nếu có những dấu hiệu sau:

  • Ngất xỉu;
  • Kinh nguyệt không đều;
  • Trẻ em chậm phát triển;
  • Rụng tóc nhiều.

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau. Vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân nào gây ra bệnh suy dinh dưỡng?

Suy dinh dưỡng là kết quả của quá trình cơ thể thiếu chất dinh dưỡng cần thiết, dẫn đến sức khỏe yếu kém do một số nguyên nhân từ điều kiện hay hoàn cảnh sống gây nên.

Tại các nước phát triển suy dinh dưỡng thường được gây ra bởi:

  • Thiếu ăn về số lượng hoặc chất lượng: nếu một người không ăn đủ thực phẩm hoặc không đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho sức khỏe sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh suy dinh dưỡng. Chế độ ăn uống không đủ chất dinh dưỡng có thể do nhiều yếu tố khác nhau. Bạn sẽ thấy ăn không ngon miệng hoặc không muốn ăn sau khi bị bệnh, việc này giảm khả năng tiêu thụ các chất dinh dưỡng;
  • Các vấn đề sức khỏe tinh thần: bệnh nhân có bệnh liên quan đến tâm thần như trầm cảm dễ mắc thói quen ăn uống dẫn đến suy dinh dưỡng, ví dụ như chán ăn hoặc ăn vô độ nhưng không cân bằng;
  • Các vấn đề về di chuyển: những người này có thể bị suy dinh dưỡng đơn giản chỉ vì họ hoặc không thể mua thực phẩm thường xuyên hoặc việc chuẩn bị thức ăn quá khó khăn;
  • Rối loạn tiêu hóa và bệnh dạ dày: một số người có thể ăn đúng cách, nhưng cơ thể không thể hấp thụ các chất dinh dưỡng cần thiết cho sức khỏe, ví dụ như các bệnh nhân bị bệnh Crohn hoặc viêm loét đại tràng do những bệnh nhân này có một phần của ruột non bị loại bỏ (ileostomy) hoặc những người bị bệnh Celiac, một bệnh rối loạn di truyền khiến cơ thể không dung nạp gluten. Bệnh nhân có bệnh Celiac có nguy cơ cao bị hư ruột dẫn đến hấp thụ thức ăn kém. Người trải qua những cơn tiêu chảy hoặc ói mửa nghiêm trọng có thể bị mất chất dinh dưỡng quan trọng dấn đến suy dinh dưỡng;
  • Nghiện rượu: là bệnh mạn tính. Những người bị nghiện rượu sẽ dễ bị viêm dạ dày hoặc hư hại tuyến tụy, làm suy yếu nghiêm trọng khả năng tiêu hóa thức ăn, hấp thụ vitamin nhất định và sản xuất kích thích tố điều tiết sự trao đổi chất. Rượu có chứa calo làm giảm cảm giác đói, do đó khiến cơ thể không nạp đủ thức ăn và các chất dinh dưỡng thiết yếu.

Ở các quốc gia đang phát triển, suy dinh dưỡng thường do:

  • Tình trạng thiếu thực phẩm: tình trạng thiếu lương thực ở quốc gia nghèo đang phát triển chủ yếu là do thiếu công nghệ sản xuất phân đạm, thuốc trừ sâu và tưới tiêu cho năng suất cao. Tình trạng thiếu lương thực là một nguyên nhân quan trọng gây ra suy dinh dưỡng ở nhiều nơi trên thế giới;
  • Giá lương thực và phân phối thực phẩm: một số nhà kinh tế hàng đầu cho rằng nạn đói liên quan chặt chẽ với giá lương thực tăng cao và các vấn đề về phân phối thực phẩm;
  • Trẻ thiếu sữa mẹ: các chuyên gia đã chứng minh rằng việc không uống sữa mẹ dẫn đến suy dinh dưỡng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Một bộ phận phụ nữ trên thế giới vẫn tin rằng cho bé bú bình tốt hơn sữa mẹ. Một lý do khác của việc trẻ không có đủ sữa đó là các mẹ không cho con bú vì họ không biết làm thế nào để bé bú đúng cách hoặc vú bị đau.

Nguy cơ mắc phải

Những ai thường mắc phải bệnh suy dinh dưỡng?

Suy dinh dưỡng có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi. Bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh suy dinh dưỡng?

Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh này, chẳng hạn như:

  • Người cao tuổi, đặc biệt là những người phải nhập viện hoặc chăm sóc dài hạn;
  • Những cá nhân bị cô lập với xã hội;
  • Những người có thu nhập thấp (người nghèo);
  • Những người bị rối loạn ăn uống mạn tính, chẳng hạn như ăn vô độ hoặc chán ăn;
  • Những người hồi phục sau cơn bệnh nặng.

Điều trị hiệu quả

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế, vậy nên tốt nhất là bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh suy dinh dưỡng?

Các bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh này bằng những thông tin thu thập được từ việc thăm khám lâm sàng và xét nghiệm máu.

Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh suy dinh dưỡng?

Điều trị thường bao gồm bổ sung các chất dinh dưỡng còn thiếu, điều trị triệu chứng khi cần thiết và điều trị bất kỳ bệnh nào có thể gây suy dinh dưỡng.

Khi thực hiện chẩn đoán suy dinh dưỡng hoặc có nguy cơ suy dinh dưỡng, các chuyên gia y tế (bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng) sẽ thiết lập kế hoạch chăm sóc với mục tiêu hồi phục sức khỏe.

  • Các kế hoạch chăm sóc: mục đích điều trị sẽ được đặt ra, bao gồm việc điều trị cho bất kỳ bệnh tật hay những yếu tố nào góp phần gây suy dinh dưỡng. Thông thường, việc điều trị gồm chế độ ăn uống đặc biệt với nhiều chất dinh dưỡng bổ sung. Người bị suy dinh dưỡng nặng hoặc những người không thể ăn hoặc uống sẽ nhận được hỗ trợ dinh dưỡng nhân tạo và được theo dõi tiến trình điều trị chặt chẽ, thường xuyên để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng đầy đủ;
  • Chế độ ăn uống: chuyên gia chăm sóc sức khỏe sẽ thảo luận về chế độ ăn uống với bạn và đưa ra lời khuyên về việc lựa chọn thực phẩm lành mạnh. Mục đích là để bạn có được chế độ ăn uống bổ dưỡng. Các bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng sẽ đảm bảo đủ lượng calo tiêu thụ từ carbohydrate, protein, chất béo cũng như các vitamin và khoáng chất theo nhật ký dinh dưỡng. Nếu bạn không bổ sung được dinh dưỡng qua thực phẩm thông thường, có thể sử dụng các thực phẩm chức năng hay thuốc uống;
  • Hỗ trợ dinh dưỡng nhân tạo: có hai loại chính, chủ yếu là đối với bệnh nhân bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng. Loại đầu tiên là dinh dưỡng đường ruột (nuôi ăn bằng ống) – một ống truyền dưỡng chất được đặt trong mũi, dạ dày hoặc ruột non. Loại thứ hai là ăn ngoài đường tiêu hóa – một chất lỏng vô trùng được truyền trực tiếp vào mạch máu (tĩnh mạch) cho những bệnh nhân không thể hấp thu chất dinh dưỡng trực tiếp qua dạ dày hoặc ruột non;
  • Tiến độ giám sát: bạn sẽ được theo dõi thường xuyên để kiểm tra cơ thể nhận đúng số lượng calo và nhu cầu dinh dưỡng không. Bạn có sự hỗ trợ dinh dưỡng nhân tạo sẽ được chuyển sang ăn uống bình thường ngay khi có thể.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh suy dinh dưỡng?

Bạn sẽ có thể kiểm soát bệnh này nếu áp dụng các biện pháp sau:

  • Khuyến khích trẻ ăn các loại thực phẩm đóng gói đủ các chất dinh dưỡng: bạn hãy phết đậu phộng hoặc bơ hạt đậu khác trên bánh mì nướng và bánh quy giòn, trái cây tươi và rau sống. Nếu thích, bạn rắc thêm hạt thái nhỏ hoặc mầm lúa mì vào sữa chua, trái cây và ngũ cốc hoặc thêm lòng trắng trứng vào trứng chiên hay gà rán và khuyến khích sử dụng sữa nguyên chất. Bạn cũng nên cho bé ăn kèm phô mai với bánh mì, rau, súp, gạo và mì;
  • Tăng hương vị cho những món ăn thông thường: thực hiện chế độ ăn uống hấp dẫn hơn bằng cách sử dụng nước chanh, các loại thảo mộc và gia vị. Nếu trẻ biếng ăn, hãy thử nghiệm với các gia vị và công thức nấu ăn mới;
  • Thêm các bữa ăn nhẹ vào thực đơn: một miếng trái cây hoặc phô mai, một thìa bơ đậu phộng hoặc một ly sinh tố trái cây có thể cung cấp chất dinh dưỡng và calo;
  • Hãy để việc ăn uống trở thành thú vui: mời người thân đến nhà cùng ăn. Khuyến khích người thân đi ăn cùng người khác;
  • Tăng cường các hoạt động thể chất thường xuyên: tập thể dục hàng ngày –dù chỉ là các bài tập nhẹ – có thể kích thích sự thèm ăn và tăng cường xương, cơ bắp;
  • Đưa ra lời khuyên giúp mua thực phẩm tiết kiệm: nếu người thân của bạn đi mua hàng, khuyến khích họ ghi một danh sách mua sắm cần thiết và đầy đủ chất, chọn các nhãn hiệu ít tốn kém. Tích cực tìm những dịp khuyến mãi hay ăn chung để giảm chi phí cho việc ăn uống.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Đánh giá:

Bài viết liên quan

Tiểu đường thai kỳ (đái tháo đường thai kỳ)

(21)
Tìm hiểu chungTiểu đường thai kỳ là gì?Tiểu đường thai kỳ (gestational) là bệnh tiểu đường phát triển trong quá trình mang thai ở khoảng tuần thứ 24. Bệnh ... [xem thêm]

Tiêu chảy liên quan đến kháng sinh

(34)
Tìm hiểu chungTiêu chảy liên quan đến kháng sinh là bệnh gì?Tiêu chảy liên quan đến kháng sinh là tình trạng đi tiêu ra phân lỏng, nhiều nước, hơn ba lần một ... [xem thêm]

Viêm giáp (Viêm tuyến giáp)

(91)
Định nghĩaBệnh viêm giáp (viếm tuyến giáp) là gì?Viêm giáp (viêm tuyến giáp) là tình trạng viêm (sưng) tuyến giáp. Đây là một tuyến nhỏ ở dưới cổ đóng ... [xem thêm]

Dị ứng đậu nành

(72)
Tìm hiểu chungDị ứng đậu nành là gì?Dị ứng với đậu nành/sản phẩm từ đậu nành là một dị ứng thực phẩm phổ biến. Thông thường, dị ứng đậu ... [xem thêm]

Rối loạn trương lực cơ

(92)
Tìm hiểu chungRối loạn trương lực cơ là gì?Rối loạn trương lực cơ là một rối loạn vận động xảy ra khi cơ thể không thể kiểm soát được sự co thắt ... [xem thêm]

U lympho Hodgkin (ung thư hạch Hodgkin)

(66)
Tìm hiểu chungU lympho Hodgkin (ung thư hạch Hodgkin) là bệnh gì?Bệnh u lympho Hodgkin, hay còn gọi là u bạch huyết Hodgkin, ung thư hạch Hodgkin. Đây là một loại bệnh ... [xem thêm]

Tăng tiểu cầu

(28)
Tìm hiểu chungBệnh tăng tiểu cầu là gì?Tăng tiểu cầu là một tình trạng trong đó số lượng tiểu cầu trong máu quá nhiều. Tiểu cầu là các tế bào máu trong ... [xem thêm]

Đổ mồ hôi đêm

(23)
Tìm hiểu chungĐổ mồ hôi đêm là gì?Đổ mồ hôi đêm là các đợt đổ mồ hôi quá nhiều có thể làm ướt sũng quần áo hoặc giường nệm và liên quan đến ... [xem thêm]

DANH SÁCH PHÒNG KHÁM BỆNH VIỆN