Tìm hiểu chung
Bạch cầu tế bào tóc là bệnh gì?
Bệnh bạch cầu tế bào tóc là một loại hiếm gặp của bệnh ung thư máu (bệnh ác tính). Đây là một căn bệnh thuộc tế bào B hoặc tế bào lympho, một loại tế bào bạch cầu. Bệnh có tên gọi này là do hình dáng tế bào có nhiều lông khi được nhìn dưới kính hiển vi. Khoảng 2% trong tất cả các trường hợp bệnh bạch cầu là bệnh bạch cầu tế bào tóc.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của bạch cầu tế bào tóc là gì?
Khi mắc phải bệnh bạch cầu tế bào tóc, bạn sẽ có các triệu chứng sau:
- Dễ chảy máu hoặc bị bầm tím;
- Ra mồ hôi nhiều (nhất là vào ban đêm);
- Mệt mỏi;
- Nhanh có cảm giác no dù mới ăn rất ít;
- Sốt;
- Đầy bụng hoặc cảm thấy đau ở vùng bụng bên trái;
- Nổi hạch;
- Giảm cân.
Bạn có thể gặp các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn có các dấu hiệu và triệu chứng được đề cập ở trên, hay có bất kỳ câu hỏi hoặc thắc mắc nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa và tình trạng bệnh lý có thể khác nhau ở nhiều người. Hãy luôn thảo luận với bác sĩ để được chỉ định phương pháp chẩn đoán, điều trị và xử lý tốt nhất dành cho bạn.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân nào gây ra bạch cầu tế bào tóc?
Bạch cầu tế bào tóc được gây ra do ADN bị đột biến dẫn đến sự tăng trưởng bất thường của tế bào B. Điều này làm cho số lượng các tế bào máu bình thường bị sụt giảm và lượng tế bào máu trắng lại sản sinh quá nhiều. Nguyên nhân gây ra sự đột biến gen này vẫn còn là ẩn số và đang được các nhà khoa học nghiên cứu.
Nguy cơ mắc phải
Những ai thường mắc phải bạch cầu tế bào tóc?
Bệnh bạch cầu tế bào tóc được coi là một căn bệnh mãn tính. Loại bệnh này phổ biến ở nam giới hơn nữ giới và thường xảy ra ở độ tuổi trung niên. Bạn có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bạch cầu tế bào tóc?
Có rất nhiều yếu tố có thể khiến bạn tăng nguy cơ mắc bạch cầu tế bào tóc:
- Tiếp xúc với chất phóng xạ;
- Tiếp xúc với hóa chất;
- Tiếp xúc với mùn cưa từ gỗ.
Không có các yếu tố nguy cơ bệnh không có nghĩa là bạn không thể mắc bệnh. Những dấu hiệu trên chỉ mang tính tham khảo. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa để biết thêm chi tiết.
Điều trị hiệu quả
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những phương pháp nào dùng để chẩn đoán bạch cầu tế bào tóc?
Bác sĩ thực hiện chẩn đoán sơ bộ qua bệnh án và kiểm tra thể trạng. Bạn cũng có thể phải chụp CT hoặc siêu âm vùng bụng để xem lá lách có bị sưng hay không. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ tiến hành xét nghiệm máu nhằm xác định hàm lượng của từng loại tế bào trong máu hoặc sinh thiết tủy xương để phát hiện sự hiện diện các bạch cầu tế bào tóc. Sinh thiết là một thủ thuật lấy ra một mô nhỏ ở khối u để xét nghiệm qua kính hiển vi.
Những phương pháp nào dùng để điều trị bạch cầu tế bào tóc?
Trong một số trường hợp, bạn sẽ được truyền máu để điều trị bạch cầu tế bào tóc. Tuy nhiên, khi các tế bào máu sụt giảm quá thấp, một số loại thuốc hóa trị sẽ được sử dụng. Phương pháp này có thể giúp cho các triệu chứng bạn đang gặp thuyên giảm trong nhiều năm. Đôi khi, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật cắt bỏ lá lách nếu bị sưng (hoặc vỡ) và gây đau, phương pháp này cũng có thể cải thiện lượng tế bào máu. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ cho bạn dùng một số loại thuốc như Cladribine hoặc Pentostatin (Nipent). Tuy nhiên, các loại thuốc này có thể gây sốt, buồn nôn và nhiễm trùng. Ngoài ra, phương pháp điều trị sinh học như Interferon hoặc Rituximab có thể được dùng nếu hóa trị không đem lại hiệu quả như mong muốn.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bạch cầu tế bào tóc?
Những thói quen sinh hoạt và phong cách sống dưới đây sẽ giúp bạn hạn chế diễn tiến bạch cầu tế bào tóc:
- Tái khám đúng lịch hẹn để được theo dõi diễn tiến các triệu chứng cũng như tình trạng sức khỏe của bạn.
- Nghe theo hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý uống thuốc không được chỉ định hoặc tự ý bỏ thuốc trong toa được kê cho bạn.
Nếu có bất kỳ thắc mắc hay đề nghị nào, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên viên y tế để được có giải đáp tốt nhất.