Trật khớp vai

(4.17) - 20 đánh giá

Tìm hiểu chung

Trật khớp vai là bệnh gì?

Khớp vai gồm một trụ cầu (xương cánh tay có đầu hình cầu) và hõm chứa (rãnh cầu của xương bả vai) đầu cầu. Trật khớp vai xảy ra khi trụ cầu xương cánh tay trật khỏi hõm chứa ở bả vai. Khớp vai là khớp di động nhất của cơ thể, vì vậy nên bạn rất dễ bị trật khớp.

Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh trật khớp vai là gì?

Các triệu chứng phổ biến của vai trật khớp bao gồm:

  • Biến dạng có thể nhìn thấy rõ bằng mắt thường;
  • Sưng hoặc bầm tím vùng vai – cánh tay;
  • Đau dữ dội;
  • Không có khả năng di chuyển khớp;
  • Tê, co giật hoặc yếu ở cánh tay, bàn tay, ngón tay.

Vai trật khớp cũng gây tê, yếu hoặc ngứa ran ở gần vùng chấn thương, chẳng hạn như ở cổ hoặc dưới cánh tay. Các cơ bắp ở vai có thể bị co thắt và làm tăng cường độ đau.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Khi bị trật khớp vai, bạn nên gặp bác sĩ ngay lập tức vì đây là chấn thương nghiêm trọng.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân nào gây ra bệnh trật khớp vai?

Các khớp vai là khớp thường xuyên bị trật khớp nhất của cơ thể vì nó di chuyển trong nhiều hướng khác nhau, vai có thể trật ra trước, sau hoặc đi xuống dưới. Bạn có thể trật vai hoàn toàn hoặc một phần, mặc dù hầu hết các trường hợp xảy ra ở mặt trước của vai. Ngoài ra, mô sợi nối xương vai có thể bị kéo dài hoặc rách, làm tình trạng phức tạp hơn.

Phải mất một lực rất mạnh, chẳng hạn như một va chạm bất ngờ vào vai, để kéo xương ra khỏi vị trí ban đầu. Nếu bạn xoay cực khớp vai quá mức cũng có thể làm bật đầu trên xương cánh tay khỏi hõm vai. Ben cạnh đó, trật khớp một phần cũng có thể xảy ra.

Một số nguyên nhân gây ra trật khớp vai, bao gồm:

  • Chấn thương khi chơi thể thao: vai trật khớp là tình trạng thường gặp trong các môn thể thao như bóng đá, khúc côn cầu và các môn thể thao dễ té ngã, chẳng hạn như trượt tuyết đổ đèo, thể dục và bóng chuyền;
  • Chấn thương không liên quan đến thể thao: tai nạn xe cộ là nguyên nhân phổ biến gây ra trật khớp;
  • Té ngã: bạn có thể trật vai do ngã, chẳng hạn như ngã từ thang hoặc sàn nhà trơn trượt.

Nguy cơ mắc phải

Những ai thường mắc phải bệnh trật khớp vai?

Trật khớp vai là tình trạng rất phổ biến. Tuy nhiên, bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh trật khớp vai?

Thiếu niên hoặc thanh niên vận động nhiều sẽ có nguy cơ cao nhất bị trật khớp vai.

Điều trị hiệu quả

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế, vậy nên tốt nhất là bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh trật khớp vai?

Bác sĩ sẽ kiểm tra các khu vực bị ảnh hưởng, sưng hoặc biến dạng. Điều quan trọng là bạn cần cho bác sĩ biết nguyên nhân gây trật khớp vai và đã từng bị trật khớp trước đó hay không. Bác sĩ sẽ xem xét vai và có thể yêu cầu chụp X-quang để xem các khớp và xương bị gãy hoặc tổn hại khác về khớp vai.

Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh trật khớp vai?

Một số phương pháp dùng để điều trị bệnh trật khớp vai bao gồm:

  • Nắn lại vai: bác sĩ có thể thử một số thao tác nhẹ nhàng để giúp xương vai trở lại vị trí thích hợp. Tùy thuộc vào cường độ đau và sưng, bạn sẽ cần thuốc giãn cơ hoặc thuốc an thần. Hiếm khi, bác sĩ sẽ gây mê trước khi tác động vào xương vai. Khi xương vai trở lại vị trí ban đầu, triệu chứng sẽ cải thiện ngay lập tức;
  • Phẫu thuật: bạn có thể cần phải phẫu thuật nếu một khớp vai hay dây chằng yếu và có xu hướng mắc lại trật khớp vai dù đã phục hồi và tăng cường chức năng. Trong một số trường hợp hiếm hoi, bạn sẽ cần phẫu thuật nếu dây thần kinh hoặc mạch máu bị tổn thương;
  • Cố định: bác sĩ có thể sử dụng một thanh nẹp đặc biệt hoặc băng đeo để giữ vai ổn định từ một vài ngày đến ba tuần. Thời gian đeo nẹp hoặc băng bột phụ thuộc vào tình trạng trật khớp vai và bạn bắt đầu mang nẹp khi nào;
  • Thuốc: bác sĩ có thể kê đơn thuốc giảm đau hoặc thuốc giãn cơ để giúp cho bạn cảm thấy thoải mái trong khi lành vai;
  • Phục hồi chức năng: sau khi nẹp vai hoặc gỡ bỏ băng đeo, bạn sẽ bắt đầu chương trình phục hồi dần dần để khôi phục lại khả năng vận động, sức mạnh và sự ổn định cho khớp vai.

Nếu tình trạng bệnh khá đơn giản và không ảnh hưởng dây thần kinh lớn hoặc tổn thương mô, khớp vai có thể sẽ cải thiện trong một vài tuần, nhưng bạn sẽ có nguy cơ cao bị trật khớp trong tương lai. Nếu bạn hoạt động lại quá sớm sau khi trật khớp cũng có thể làm tổn thương khớp vai hoặc trật khớp lần nữa.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh trật khớp vai?

Bạn sẽ có thể kiểm soát bệnh này nếu áp dụng các biện pháp sau:

  • Giảm hoạt động vai: bạn đừng lặp lại những hành động gây trật khớp và cố gắng tránh cử động gây đau đớn. Hạn chế nâng vật nặng hoặc đưa tay lên quá đầu cho đến khi vai cải thiện;
  • Chườm lạnh trước, chườm nóng sau: chườm đá trên vai sẽ giúp giảm viêm và đau. Bạn dùng túi lạnh, túi rau đông hoặc khăn đầy đá chườm lên vết thương từ 15-20 phút, lặp lại việc này mỗi giờ một lần trong 1-2 ngày đầu tiên. Sau hai hoặc ba ngày, khi cơn đau và viêm đã được cải thiện, bạn hãy dùng miếng đệm hay khăn ấm để giúp thư giãn cơ bắp bị co thắt và giảm đau. Bạn cần lưu ý mỗi lần để không quá 20 phút;
  • Dùng thuốc giảm đau không kê đơn: như aspirin, ibuprofen (Advil®, Motrin IB®, những biệt dược khác), naproxen sodium (Aleve®) hoặc acetaminophen (Tylenol®), những biệt dược khác), có thể giúp giảm đau. Bạn nên theo chỉ dẫn trên nhãn và ngưng dùng thuốc khi đỡ đau;
  • Duy trì độ linh hoạt của khớp: sau một hoặc hai ngày, bạn nên thực hiện những bài tập nhẹ nhàng theo chỉ dẫn của bác sĩ hoặc chuyên gia vật lý trị liệu để giúp duy trì phạm vi chuyển động của vai. Việc cố định vai quá lâu có thể làm các khớp xương cứng. Ngoài ra, vai bất động trong một thời gian dài có thể dẫn đến cứng khớp, khiến vai rất khó di chuyển. Một khi lành vết thương và hoạt động vai bình thường, bạn cần tiếp tục tập thể dục nhẹ hằng ngày như vươn vai hoặc xoay nhẹ vai giúp tăng cường độ dẻo dai và ngăn ngừa trật khớp tái phát. Bác sĩ hoặc nhà trị liệu vật lý có thể giúp bạn lập kế hoạch tập thể dục thích hợp.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Đánh giá:

Bài viết liên quan

Xét nghiệm kháng thể anti-Jo-1

(50)
Tìm hiểu chungXét nghiệm kháng thể anti-Jo-1 là gì?Xét nghiệm kháng thể anti-Jo-1 là xét nghiệm để đo kháng thể anti-Jo-1 trong máu. Jo-1 (histidyl tRNA synthetase) là ... [xem thêm]

Chứng thiếu betalipoprotein huyết

(47)
Tìm hiểu chungChứng thiếu betalipoprotein huyết là gì?Chứng thiếu betalipoprotein huyết là một rối loạn di truyền ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ chất béo ... [xem thêm]

Nhiễm khuẩn E. coli

(57)
Tìm hiểu chungNhiễm khuẩn E. coli là bệnh gì?Vi khuẩn Escherichia coli (E. coli) là một loài thường sống trong ruột của người và động vật. Hầu hết các loại ... [xem thêm]

Viêm thận mủ

(69)
Tìm hiểu chungBệnh viêm thận mủ là gì?Bệnh viêm thận mủ là một nhiễm trùng thận, trong đó vi trùng – vi khuẩn hoặc nấm – lây nhiễm thận, đi lên từ ... [xem thêm]

Cơn đau quặn thận

(85)
Tìm hiểu chungCơn đau quặn thận là gì?Cơn đau quặn thận là một loại đau khi sỏi tiết niệu chặn một phần của đường tiết niệu. Đường tiết niệu bao ... [xem thêm]

Ung thư buồng trứng

(68)
Tìm hiểu chungUng thư buồng trứng là gì?Ung thư buồng trứng (Ovarian Cancer) là tình trạng khối u ác tính xuất hiện ở buồng trứng. Đây là nơi sản sinh ra tế ... [xem thêm]

Nhuyễn xương

(43)
Tìm hiểu về bệnh nhuyễn xương Bệnh nhuyễn xương là gì?Bệnh nhuyễn xương là sự suy yếu của xương, thường là do cơ thể thiếu vitamin D trầm trọng. Chứng ... [xem thêm]

Parkinson

(55)
Parkinson là một bệnh rối loạn thần kinh ảnh hưởng đến khả năng vận động cũng như cuộc sống thường ngày của một người. Hiểu rõ về tình trạng sức ... [xem thêm]

DANH SÁCH PHÒNG KHÁM BỆNH VIỆN