Răng bị ố vàng, xỉn màu có thể là do nhiều nguyên nhân. Bình thường, răng của trẻ có thể màu trắng ngà, nhưng nếu bạn thấy răng trẻ chuyển sang màu nâu vàng hoặc đen thì bạn đưa trẻ đi kiểm tra để xác định nguyên nhân do đâu.
Nhìn thấy nụ cười của trẻ là một trong những điều vui nhất đối với các bậc làm cha mẹ. Tuy nhiên, răng bị ố vàng, xỉn màu có thể làm ảnh hưởng đến nụ cười xinh đẹp của trẻ. Nếu bé cưng nhà bạn gặp phải tình huống này, bạn không cần phải quá lo. Hãy theo dõi những chia sẻ sau của Chúng tôi để hiểu rõ về nguyên nhân, cách điều trị và cách phòng ngừa tình trạng này nhé.
Răng bị ố vàng, xỉn màu
Răng bị ố vàng, xỉn màu là tình trạng răng của trẻ chuyển từ màu trắng ngà sang màu nâu vàng hoặc màu đen. Tình trạng này có thể là do nguyên nhân bên trong hoặc bên ngoài. Nguyên nhân bên ngoài thường là do việc sử dụng thuốc, thực phẩm… và tình trạng này chỉ là tạm thời. Nguyên nhân bên trong thường là do các căn bệnh như rối loạn chuyển hóa, giảm sản men răng…
Nguyên nhân khiến răng trẻ bị ố vàng, xỉn màu
Nếu bạn đang tự hỏi tại sao răng của trẻ bị lại ố vàng thì dưới đây là một số câu trả lời:
1. Sâu răng
Trẻ có thể đang bị sâu răng do hoạt động của vi khuẩn sản sinh từ các loại thức ăn thừa bám trong miệng. Sâu răng có thể là nguyên nhân khiến răng trẻ bị đổi màu.
2. Vệ sinh răng miệng không đúng cách
Nếu con bạn không vệ sinh răng miệng thường xuyên hoặc không đánh răng đúng cách thì có thể dẫn đến sự hình thành mảng bám, khiến màu răng bị thay đổi.
3. Răng nhiễm màu fluor
Fluoride giúp tăng cường sức khỏe của răng và ngăn ngừa sâu răng, nhưng quá nhiều fluoride sẽ có tác dụng ngược lại, gây sâu răng và đổi màu. Điều này có thể xảy ra khi trẻ em tiêu thụ quá nhiều đồ uống có chất fluoride hoặc nuốt kem đánh răng có chất fluoride. Fluoride cũng gây mảng bám men răng, khiến răng khó chải và làm sạch.
4. Trẻ mắc phải một số bệnh
Các bệnh như viêm gan, sốt cao… có thể khiến màu răng của trẻ bị thay đổi.
5. Vàng da
Những bé bị bệnh vàng da nặng sau khi sinh có thể có răng màu vàng hoặc xanh khi bé bắt đầu mọc răng.
6. Chấn thương
Răng bị tổn thương có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng răng bị xỉn màu, ố vàng. Nguyên nhân là do chấn thương có thể khiến các mạch máu bị vỡ, làm ảnh hưởng đến men răng.
7. Sử dụng một số loại thuốc
Người mẹ sử dụng một số loại thuốc trong khi mang thai như tetracycline (dùng để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu) có thể là nguyên nhân khiến màu răng của bé bị thay đổi khi bé bắt đầu mọc răng.
8. Giảm sản men răng
Đây là một bệnh do di truyền. Thiếu sản men răng là tình trạng các thành phần trong men răng (chủ yếu là canxi và fluor) bị thiếu hụt hoặc xáo trộn. Bệnh này khiến cho răng đổi màu theo thời gian, dễ ê buốt khi bị kích thích hay trước các tác động khi điều trị răng miệng như lấy cao răng, tẩy trắng răng.
Dấu hiệu cho thấy răng của trẻ bị ố vàng, xỉn màu
Mặc dù tình trạng răng bị ố vàng phát hiện rất dễ dàng bằng cách nhìn vào răng của trẻ, nhưng bạn cũng có thể nhận biết điều đó thông qua các dấu hiệu sau:
- Răng có màu nâu: do trẻ ăn hoặc uống các thực phẩm có màu tối hoặc do một số loại chấn thương.
- Răng có các vết bẩn màu trắng: có thể là dấu hiệu sớm của sâu răng.
- Răng có màu đỏ, tím hoặc xanh: do chấn thương hoặc do ăn một số thực phẩm có màu tối.
- Răng có màu cam: có sự tích tụ vi khuẩn trên răng do trẻ vệ sinh răng miệng không đúng cách.
- Răng có các vết bẩn màu đen: có thể là do chấn thương.
Cách điều trị răng bị ố vàng, xỉn màu
Nếu bạn tìm cách để răng trẻ trở về màu trắng ngà, bạn có thể cân nhắc đến một số biện pháp sau:
- Bạn có thể cho trẻ đánh răng bằng hỗn hợp nước hòa với baking soda để loại bỏ vết ố vàng trên răng của trẻ.
- Thuốc bổ sung sắt có thể là nguyên nhân khiến răng trẻ đổi màu. Do đó, bạn cần chú ý đến việc đánh răng của trẻ nếu trẻ đang dùng thuốc bổ sung sắt.
- Bạn có thể sử dụng bàn chải đánh răng dành cho người lớn để đánh răng cho trẻ vì loại bàn chải này có thể làm sạch tốt hơn so với bàn chải đánh răng và kem đánh răng của trẻ em.
- Nếu nguyên nhân đổi màu răng là do chấn thương, bạn nên đưa trẻ đi khám nha sĩ để biết răng của trẻ có khả năng bị chấn thương vĩnh viễn hay không.
- Nha sĩ có thể sử dụng hỗn hợp pumice để loại bỏ các vết bẩn và vi khuẩn gây đổi màu răng.
Các biện pháp ngăn răng bị ố vàng
Có nhiều biện pháp phòng ngừa tình trạng răng bị ố vàng mà bạn có thể cho trẻ thử:
- Cho trẻ sử dụng kem đánh răng có hàm lượng fluor thấp vì lượng fluor nhiều có thể khiến răng trẻ bị xỉn màu.
- Bạn nên bắt đầu vệ sinh răng miệng cho bé khi chiếc răng đầu tiên mọc lên. Ban đầu bạn có thể sử dụng khăn bông mềm, sau đó từ từ bắt đầu sử dụng bàn chải em bé.
- Không cho trẻ ăn quá nhiều thực phẩm có có hàm lượng đường cao. Thực phẩm có nhiều đường có thể dẫn đến sâu răng và khiến răng bị đổi màu.
- Đánh răng là một thói quen mà bạn nên dạy trẻ từ khi còn nhỏ. Tuy nhiên, bạn cần dạy trẻ phải nhổ kem đánh răng thay vì nuốt chúng.
- Đừng cho trẻ bú bình vào ban đêm bởi sữa và đường có thể trở thành môi trường thích hợp cho vi khuẩn bám chặt vào miệng bé.
Một số câu hỏi thường gặp
Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp về tình trạng răng bị ố vàng, xỉn màu:
1. Các sản phẩm tẩy trắng răng có an toàn cho trẻ em không?
Có rất nhiều sản phẩm tẩy trắng răng được bán trên thị trường. Tuy nhiên, bạn không nên cho trẻ sử dụng các sản phẩm này bởi răng của trẻ chỉ là răng sữa và chúng sẽ sớm được thay thế bằng răng vĩnh viễn. Mặt khác, nếu trẻ đã mọc răng vĩnh viễn thì không thể thay đổi màu răng vì một khi men bị hư hỏng thì rất khó để thay đổi. Hơn nữa, các sản phẩm tẩy trắng răng thường chứa peroxide, có thể gây hại nhiều hơn.
2. Khi nào nên đưa trẻ đi gặp nha sĩ?
Ngay khi bạn thấy răng trẻ bị xỉn màu, hãy đưa trẻ đi gặp nha sĩ bởi bạn cần phải biết rõ nguyên nhân tại sao lại như vậy thì mới có biện pháp để điều trị phù hợp.
Bích Ngân/HELLO BACSI
Tìm hiểu thêm:
Cao răng màu đen: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị
Răng bị đen: Nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa hiệu quả