Nhiều người cho rằng thói quen ăn uống trước khi ngủ sẽ gây ảnh hưởng chất lượng giấc ngủ. Vậy bạn nên uống gì dễ ngủ mà vẫn đảm bảo tốt cho sức khỏe?
Một giấc ngủ ngon luôn đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe. Các chuyên gia khuyên rằng người lớn từ 18 – 60 tuổi nên ngủ ít nhất 7 – 9 giờ mỗi đêm. Việc ngủ quá ít hoặc quá nhiều có khả năng làm tăng nguy cơ trầm cảm, tiểu đường, bệnh tim và thậm chí tử vong.
Thế nhưng, nhiều người cảm thấy không dễ dàng gì để có thể ngủ ít nhất 7 giờ mỗi đêm. Bạn nên uống gì dễ ngủ mà không lo tác dụng phụ như thuốc an thần?
Nếu thường xuyên trằn trọc mãi mà không chợp mắt được, bạn hãy cùng tìm hiểu 9 loại thức uống tự nhiên giúp dễ ngủ hơn nhé!
1. Trà hoa cúc
Một trong những lời giải đáp cho câu hỏi uống gì dễ ngủ, đó chính là trà hoa cúc (chamomile tea) – một loài hoa thuộc họ Asteraceae. Trà hoa cúc đã được sử dụng từ lâu đời giúp mang lại nhiều lợi ích sức khỏe, bao gồm làm giảm các triệu chứng cảm lạnh, giảm viêm và cải thiện sức khỏe của da. Trà được làm bằng cách pha hoa cúc vào nước nóng.
Một số nghiên cứu cho thấy trà hoa cúc có thể giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ. Nghiên cứu ở 60 người lớn tuổi khi dùng 400mg chiết xuất hoa cúc trong 28 ngày liên tiếp giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ một cách an toàn. Một nghiên cứu khác ở 80 phụ nữ bị suy giảm chất lượng giấc ngủ đã được cải thiện đáng kể sau khi uống trà hoa cúc hàng ngày trong 2 tuần.
Trà hoa cúc có thể giúp giảm lo âu và mất ngủ, cũng có thể cải thiện giấc ngủ. Để pha trà hoa cúc tại nhà, bạn hãy thêm 59g hoa cúc tươi (hoặc 30g) vào cốc chứa khoảng 240ml nước sôi, để ngâm trong khoảng 5 phút rồi sử dụng.
2. Trà ashwagandha
Ashwagandha nổi tiếng là một loại cây mang lại hiệu quả chữa bệnh cao, đôi khi được gọi là nhân sâm Ấn Độ hoặc “anh đào mùa đông”. Chất chiết xuất từ rễ, quả và lá của cây ashwagandha được sử dụng để điều trị các tình trạng như căng thẳng, lo lắng và viêm khớp.
Một nghiên cứu trên chuột cho thấy triethylene glycol – một thành phần hoạt động của lá ashwagandha giúp thúc đẩy giai đoạn REM (rapid eye movement – cử động mắt nhanh) khi ngủ. Đây là giai đoạn cơ thể bạn tái tạo mô và xương. Trong các nghiên cứu ở người, ashwagandha đã cho thấy tiềm năng giúp cơ thể thư giãn và nghỉ ngơi, cũng như cải thiện chất lượng giấc ngủ nói chung.
Bạn có thể mua túi trà ashwagandha tại hầu hết các cửa hàng tạp hóa hoặc thực phẩm sức khỏe. Mặc dù trà ashwagandha khá an toàn, nhưng một số nhóm người nên cẩn thận khi sử dụng bao gồm:
- Người bị rối loạn tự miễn dịch
- Phụ nữ mang thai hoặc cho con bú
- Người dùng thuốc điều trị huyết áp, tiểu đường hoặc bệnh tuyến giáp
3. Trà bạc hà
Bạc hà là cây thuộc họ hoa môi (lamiaceae) nổi tiếng với công dụng tạo ra các món ăn ngon. Bạc hà đã được sử dụng trong y học cổ truyền trong nhiều năm. Trà bạc hà có đặc tính chống virus, kháng khuẩn và thậm chí chống dị ứng. Loại cây này cũng có thể giúp hỗ trợ các tình trạng đường tiêu hóa (GI) như khó tiêu và hội chứng ruột kích thích (IBS).
Trong bạc hà có chứa menthol sẽ khiến các cơ được thả lỏng và giúp bạn có giấc ngủ sâu hơn. Bạc hà còn giúp làm dịu cơn đau dạ dày tiêu hóa vào buổi tối, do đó sẽ giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ hơn.
Trà bạc hà rất dễ làm, bạn chỉ cần đun sôi 480ml nước và thêm một nắm lá bạc hà. Bạn có thể điều chỉnh số lượng lá tùy thuộc vào nồng độ trà bạn thích và ngâm trong nước nóng trong ít nhất 5 phút.
Trà bạc hà nhìn chung khá an toàn, nhưng có thể gây tương tác với thuốc điều trị huyết áp, khó tiêu và tiểu đường. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi uống trà bạc hà hoặc sử dụng dầu bạc hà khi đang mắc phải chứng bệnh nào đó.
4. Trà valerian
Valerian là một loại cây lâu năm có hoa màu hồng hoặc trắng với mùi thơm ngọt ngào. Tương tự như ashwagandha, rễ của cây valerian được sử dụng như một loại thảo dược với khả năng thúc đẩy giấc ngủ và làm giảm chứng mất ngủ.
Valerian đặc biệt mang lại hiệu quả trong việc giảm bớt chứng mất ngủ và cải thiện chất lượng giấc ngủ ở phụ nữ mãn kinh. Nghiên cứu cho thấy 30% phụ nữ sau mãn kinh dùng viên nang valerian 530mg 2 lần/ngày trong 4 tuần đã cải thiện về chất lượng giấc ngủ.
Để pha trà rễ cây valerian, bạn hãy ngâm 2 – 3g rễ cây valerian khô trong cốc chứa 237ml nước nóng trong khoảng 10 – 15 phút. Valerian được coi là một vị thuốc an toàn để kiểm soát chứng mất ngủ mà không làm thay đổi nhịp sinh học cơ thể.
Viện Y tế Quốc gia (NIH) khuyến cáo nên tránh sử dụng cây valerian cho phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú, cũng như trẻ em dưới 3 tuổi. Hơn nữa, rễ có tác dụng tăng cường khả năng an thần, vậy nên bạn tránh dùng chung với rượu hoặc các loại thuốc như barbiturat và benzodiazepin.
5. Trà tâm sen
Trà tâm sen thường được sử dụng để điều trị các chứng bệnh như mất ngủ, nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt hay hồi hộp, nhịp tim nhanh. Điều này nhờ vào 2 thành phần quan trọng nhất của tâm sen là nuciferin và nelumbin có tác dụng giữ ổn định các chức năng của cơ thể, để cơ thể đi vào trạng thái nghỉ ngơi dễ dàng và chìm sâu vào giấc ngủ.
Bạn có thể pha trà bằng cách cho một lượng nhỏ tâm sen cho vào ấm trà, đun sôi trong vòng 5 phút, sau đó uống 2 lần/ngày.
6. Sữa bò
Sữa có chứa tryptophan tự nhiên giúp làm tăng serotonin – một chất dẫn truyền thần kinh mang đến cảm xúc hạnh phúc. Thêm vào đó, serotonin là tiền chất của hormone melatonin có khả năng điều hòa giấc ngủ.
Nói một cách đơn giản, tryptophan làm tăng mức serotonin và melatonin trong cơ thể. Melatonin có thể thúc đẩy giấc ngủ và giúp chống lại các rối loạn giấc ngủ khác nhau, bao gồm jet lag, rối loạn giấc ngủ làm việc theo ca và mất ngủ.
7. Sữa nghệ
Sữa nghệ có chứa tryptophan, tiền chất của melatonin, có thể giúp tăng mức độ melatonin – hormone chính điều hòa chu kỳ ngủ thức của cơ thể bạn. Nghệ rất giàu hợp chất curcumin, có thể làm giảm bớt một số ảnh hưởng của tình trạng thiếu ngủ, giảm viêm, điều trị an toàn các triệu chứng lo âu và trầm cảm.
Để làm sữa nghệ, bạn hãy kết hợp khoảng 120 ml sữa, 1 thìa cà phê bột nghệ, 1 miếng gừng nhỏ và 1 thìa cà phê mật ong. Sau đó bạn đun sôi, giảm nhiệt và đun trong 3 – 5 phút.
Hầu hết mỗi thành phần trong sữa nghệ đều khá an toàn. Tuy nhiên, một số người nên thận trọng với nghệ và gừng khi đang dùng một số loại thuốc làm loãng máu, giảm axit dạ dày và tiểu đường.
8. Sữa hạnh nhân
Hạnh nhân là loại hạt với nhiều chất xơ, vitamin và khoáng chất tốt cho sức khỏe, và có thể cải thiện chất lượng giấc ngủ. Hạnh nhân, hạt vừng đã từng được sử dụng trong y học truyền thống của Iran trong nhiều năm để điều trị chứng mất ngủ.
Sữa hạnh nhân có nhiều hormone và khoáng chất giúp thúc đẩy giấc ngủ, bao gồm tryptophan, melatonin và magie. Trên thực tế, khoảng 240ml sữa hạnh nhân chứa có chứa gần 17mg magie. Trong những năm gần đây, magie đã cho thấy tiềm năng điều trị chứng mất ngủ, đặc biệt ở người lớn tuổi.
9. Sinh tố chuối hạnh nhân
Chuối là một loại thực phẩm có hàm lượng magie, kali, tryptophan và melatonin cao. Kali và magie là hai khoáng chất giúp thư giãn cơ bắp và có thể giúp bạn thư giãn vào cuối ngày. Bằng cách kết hợp chuối và sữa hạnh nhân trong một ly sinh tố, bạn thực sự có thể nhận được lượng cao tryptophan và melatonin có thể giúp giảm triệu chứng mất ngủ.
Nguyên liệu để làm sinh tố chuối hạnh nhân bao gồm:
- 1 quả chuối
- 240ml sữa hạnh nhân
- 15g bơ hạnh nhân
- Một ít đá viên
Những thông tin trên hy vọng có thể giúp bạn giải đáp được câu hỏi uống gì dễ ngủ hơn. Bên cạnh những thức uống được đề cập bên trên, bạn có thể kết hợp tập thể dục và nghe nhạc nhẹ nhàng để giấc ngủ sâu hơn nhé!
Hoàng Trí | HELLO BACSI