Trẻ hiếu động và tò mò với những vật dụng nhà bếp mà không nhận thức đủ hết được những hiểm họa có thể xảy ra sẽ khiến mẹ luôn cảm thấy bất an. Liệu có cách nào giúp bạn đảm bảo an toàn nhà bếp cho bé yêu của mình không?
Hãy cùng tìm hiểu những vật dụng nhà bếp nguy hiểm dưới đây để bạn biết cách sắp xếp đồ đạc giúp bé yêu tránh được những sự cố không mong muốn nhé.
1. Vật dụng sắc nhọn như dao, kéo, nĩa
Các vật dụng nhà bếp sắc nhọn như dao, kéo, nĩa có thể đâm vào người bé và khiến làn da mỏng manh của trẻ bị chảy máu khi vô tình chạm phải.
Để đảm bảo an toàn nhà bếp cho bé, bạn nên cất vật sắc nhọn trong ngăn kéo tủ, có chốt hoặc treo trên giá sao cho ngoài tầm với của trẻ.
Ngoài ra, bạn cũng không nên để dụng cụ sắc nhọn như dao, kéo, xiên, nĩa… vào bên trong bồn rửa chén đầy nước. Nếu trẻ muốn phụ giúp bạn lấy bát, đĩa ra khỏi bồn thì những vật dụng nhà bếp sắc nhọn sẽ đâm vào tay bé khiến bé chảy máu.
Trong khi rửa chén, bạn nên đứng cạnh bé để đảm bảo trẻ không lấy các vật dụng dễ vỡ khi làm rơi rớt. Nếu chẳng may mảnh vụn của bát, đĩa, tô rơi vào chân bé thì sẽ làm bé đứt chân. Tốt nhất, bạn nên lấy chúng ra ngoài trước và chỉ để bé lấy giúp những vật dụng an toàn sau khi xả hết nước trong bồn như thìa, đũa, đồ nhựa…
2. Lò vi sóng là vật dụng nhà bếp nguy hiểm
Các loại lò vi sóng thường có một vài loại bức xạ điện từ xung quanh cửa đóng mở. Đối với phụ nữ đang mang thai, loại sóng này có thể gây dị tật bẩm sinh, sẩy thai hoặc dẫn đến chết lưu.
Nếu sử dụng lò vi sóng, bạn nên để trẻ nhỏ đứng cách xa tối thiểu 1m (càng xa càng tốt) và không kéo dài thời gian sử dụng. Sau khi sử dụng lò xong, bạn cần tháo các thiết bị điện ra.
3. Bếp ga có thể rò rỉ gây cháy nổ
Bếp ga là vật dụng nhà bếp thiết yếu trong mỗi gia đình nhưng nếu bạn sử dụng chúng không đúng cách thì có thể gây rò rỉ khí ga, làm cháy nổ hoặc khiến bé yêu gặp nguy hiểm.
Dưới đây là cách sử dụng bếp ga để đảm bảo an toàn nhà bếp cho bé yêu và cho cả gia đình nhà bạn.
• Lắp đặt bếp ga đúng tiêu chuẩn an toàn: Bạn nên nhờ chuyên viên lắp đặt bếp ga để đảm bảo an toàn. Bạn cũng cần đọc hướng dẫn sử dụng bếp ga để lựa chọn vị trí đặt bếp và bình ga phù hợp, tránh gây cháy nổ. Sau khi lắp bình ga với bếp, bạn bật bếp để kiểm tra ngọn lửa và tắt bếp đúng cách để xem van có kín không.
• Kiểm tra bếp định kỳ: Bạn hãy kiểm tra bếp, bình ga, dây dẫn ga và cả van khóa sau 6 tháng đến 1 năm 1 lần. Nếu có hư hỏng hoặc hoen rỉ, bạn cần thay mới.
• Tránh dùng bếp ga gần các thiết bị bắt lửa: Bạn không nên để ở gần bàn bếp các thiết bị dễ bắt lửa như dây điện, lò nướng, lò vi sóng, nồi cơm điện. Bạn cũng không nên để bếp ga gần chất liệu dễ cháy như giấy, khăn vải, sáp, cồn…
• Khóa van sau khi sử dụng: Sau khi nấu ăn xong, bạn cần tắt bếp và khóa van bình ga lại liền để tránh khỏi nguy cơ rò rỉ ga gây cháy nổ.
Bé có thể gặp những tai nạn không mong muốn nếu tự ý sử dụng bếp ga mà không hiểu hết được những nguy hiểm phát sinh. Tốt nhất, bạn không nên cho trẻ vào khu vực bếp. Khi trẻ lớn hơn, bạn có thể hướng dẫn bé sử dụng bếp an toàn để phòng tránh các tình huống nguy hiểm.
4. Lò nướng là vật dụng nhà bếp nguy hiểm
Lò nướng nóng và cách nhiệt kém có thể khiến bé yêu bị bỏng tay khi tò mò cho tay vào. Vì thế, bạn hãy sử dụng khóa trẻ em cho lò nướng để trẻ không tự ý mở hay cho tay vào lò, nhất là khi thiết bị này còn đang nóng.
Bạn cũng cần cẩn thận khi mở cửa lò nướng nóng trong lúc trẻ đứng cạnh bởi trẻ có thể đưa tay và mặt vào trong lò gây bỏng.
Khi mua lò nướng, bạn nên chọn lò nướng cách nhiệt tốt để giữ an toàn nhà bếp cho bé yêu. Sau khi sử dụng xong, bạn khóa lò lại.
5. Bếp từ có khả năng cao bị chập cháy
Bếp từ là một trong những vật dụng nhà bếp nguy hiểm bởi bé bởi bếp không có lửa khi nấu nướng dễ khiến bé hiểu nhầm bếp an toàn. Hơn nữa, bảng điều khiển của bếp từ rất nhanh nhạy, nếu bé chạm vào phím tăng công suất, thì mức nhiệt quá cao sẽ làm cho bếp nóng lên, thậm chí là quá nhiệt và chập cháy…
Khi có sự cố như phích cắm lỏng, hở điện, dây dẫn bị đứt, hở mạch nhưng trẻ không biết và chạm phải thì có thể bị giựt điện, thậm chí gây tai nạn chết người. Do đó, bạn hãy kích hoạt chức năng khóa trẻ em của bếp từ để bảo vệ sự an toàn cho bé.
Trong quá trình nấu nướng, nếu bạn cho trẻ vào bếp thì con có khả năng chạm phải nồi nấu hoặc vùng nấu và bị bỏng. Vì thế, bạn không nên cho trẻ vào khu vực nấu nướng để đảm bảo bé tránh táy máy những vật dụng nhà bếp nguy hiểm.
6. Bình nước uống nóng lạnh
Bình nước uống nóng lạnh ngày càng trở nên phổ biến trong các gia đình bởi sự tiện lợi. Tuy nhiên, trẻ có thể bị bỏng nước nóng nếu tự lấy nước khi còn quá nhỏ… Vì thế, bạn nên mua loại bình có khóa van để đảm bảo an toàn nhà bếp cho bé.
7. Vật dụng nhà bếp nguy hiểm nhất là đồ điện
Người ta thường nói: “Đừng đùa với điện” như nhắc nhở điện khi “tức giận” có thể gây nhiều sự cố nghiêm trọng như phá hủy hệ thần kinh trung ương, gây bỏng, chảy máu, thậm chí làm chết người. Trẻ con lại là đối tượng dễ gặp phải những hậu quả ngoài ý muốn do điện gây ra. Vì thế, các bậc cha mẹ nên thực hiện những điều dưới đây để lắp đặt ổ cắm điện an toàn cho trẻ em:
– Bọc băng keo xung quanh ổ cắm điện, đặc biệt là ổ cắm điện cho thiết bị cạo râu trong toilet.
– Không để các vật kim loại như thanh sắt, tuốc-nơ-vít, bút chì… trong tầm với của trẻ và ở gần khu vực ổ cắm điện.
– Rút phích cắm lò nướng bánh, máy xay sinh tố, máy pha cà phê, máy chế biến thực phẩm và các thiết bị khác khi không sử dụng và cuộn gọn lại dây điện rồi cất chúng ngoài tầm với của trẻ.
– Không để dây điện treo lủng lẳng khiến trẻ kéo dây và làm rớt vật nặng xuống người hoặc bắt chước người lớn cắm dây vào ổ điện.
8. Máy giặt nguy hiểm cho bé không kém
Một trong những vật dụng nhà bếp nguy hiểm mà mẹ thường hay bỏ qua đó chính là máy giặt. Các mẹ nên lưu ý những điều sau đây khi sử dụng máy giặt để đảm bảo an toàn cho bé yêu:
• Rút phích cắm điện sau khi dùng xong: Sau khi dùng xong máy giặt thì bạn nên rút phích cắm điện ra để tránh bé nhấn nút nghịch máy giặt khi không có người lớn bên cạnh.
• Không lắp đặt máy giặt trong phòng tắm ẩm ướt: Điều này sẽ dễ gây rò rỉ điện. Khi lắp đặt máy giặt, bạn nên liên lạc với thợ lắp đặt máy giặt chuyên nghiệp để làm dây tiếp đất tránh được hiện tượng rò điện của máy giặt.
• Khóa cửa máy giặt chặt khi đang hoạt động: Nếu máy đang hoạt động mà cửa không đóng kín thì trẻ chơi đùa có thể nghịch và chui vào gây nên nguy hiểm.
• Không để các chất dễ nổ gần máy giặt: Các mẹ không nên để các chất dễ nổ như xăng, dầu, cồn gần máy giặt hoặc cho quần áo dính xăng, dầu, cồn vào máy.
• Không rời đi khi máy giặt đang đầy nước: Trẻ nhỏ có thể ngã vào bên trong lồng giặt gây thương tích hay ngạt nước.
9. Tủ lạnh là nơi bé có thể chọn để chơi đùa
Tủ lạnh cũng là một vật dụng nhà bếp khá nguy hiểm với trẻ em nếu bé chọn nơi này để trốn, chơi đùa… Vì thế, các mẹ hãy lưu ý những điều dưới đây để giúp trẻ không gặp phải những sự cố đáng tiếc:
– Sử dụng khóa trẻ em để đảm bảo cửa luôn đóng.
– Không để những vật nhỏ không ăn được vào trong tủ lạnh.
– Không nên cất giữ chai thủy tinh trong tủ lạnh ở nơi dễ lấy được vì trẻ có thể làm vỡ chúng.
– Không để nam châm ở tủ lạnh vì trẻ có thể vì hiếu kỳ mà cho chúng vào miệng và bị nghẹn.
– Dạy trẻ không được đưa đầu vào tủ lạnh đông và đặt lưỡi lên đá vì đá lạnh sẽ làm lưỡi của bé bị dính vào.
Với những tủ đông lớn, bé có thể bò vào trong và không thể thoát ra được. Vì thế, bạn cần luôn đảm bảo đóng kín cửa tủ. Khi con lớn hơn, bạn hãy dạy con không nên trốn trong bất kỳ thiết bị nào giống tủ lạnh vì có thể gây nguy hiểm cho con.
10. Bàn ăn là vật dụng nhà bếp nguy hiểm
Bàn, ghế ở chỗ ăn uống cũng là những vật dụng nhà bếp nguy hiểm khiến bé yêu khi chơi đùa có thể bị té ngã. Bạn nên làm những điều sau đây để giữ nơi ăn uống an toàn cho trẻ nhỏ:
– Đảm bảo mặt bàn được neo chắc chắn vào đế.
– Sửa chữa hoặc thay mới những chiếc ghế có dấu hiệu sắp gãy.
– Dạy con không được nhảy lên bàn vì bàn bị sụp có thể gây tai nạn cho con.
– Không trải khăn trên bàn ăn vì trẻ có thể kéo khăn xuống khỏi bàn và làm đổ thức ăn lên người.
– Không nên mang đồ ăn nóng trực tiếp từ bếp ra bàn ăn mà bạn hãy múc ra tô, bát rồi đặt lên bàn.
– Để bàn cân đối 2 bên vì nếu bạn để cập kênh thì bé có thể làm bàn bị lệch và khiến thức ăn nóng đổ lên người.
– Kiểm tra cạnh ghế hoặc cạnh bàn có ghim, ốc, gỗ vụn hay bu lông sắc nhọn có thể đâm vào chân bé hay không.
11. Không sử dụng sản phẩm có chứa hóa chất
Cuộc sống hiện đại không thể thiếu những vật dụng làm sạch cần thiết như chất tẩy rửa, lau chùi, nước hoa, nước rửa chén, bột giặt… Tuy nhiên, nếu nhà bạn có trẻ nhỏ thì hóa chất trong những sản phẩm này sẽ trở thành một nguy cơ tiềm ẩn đối với sự an toàn của trẻ.
Hóa chất bay hơi trong các sản phẩm gia dụng có thể khiến bé yêu bị dị ứng mắt, kích ứng mắt, nhức đầu, buồn nôn. Chúng còn khiến làn da nhạy cảm của bé gặp những vấn đề như khô, sần, ngứa, dị ứng, thậm chí làm mất kháng thể tự nhiên của cơ thể. Về lâu dài, những hóa chất này còn tiềm ẩn những nguy cơ gây tổn thương gan, phổi, thận, hệ thần kinh trung ương…
Vì thế, để bảo vệ sức khỏe của trẻ nhỏ và cả gia đình, tốt hơn hết bạn nên chọn sản phẩm tẩy rửa chăm sóc nhà cửa với thành phần an toàn từ thiên nhiên, đặc biệt là sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật và có uy tín trên thị trường.
Bạn cũng cần lưu ý rằng trẻ có thể uống phải các sản phẩm gia dụng do có tính hiếu kỳ. Vì thế, bạn hãy cất chúng ở nơi xa tầm tay của trẻ để không gây bất kỳ nguy hại nào.
Bạn hãy luôn để mắt đến trẻ bởi mọi thứ xung quanh con đều có thể là mối nguy hiểm. Khi trẻ lớn hơn, bạn hãy hướng dẫn trẻ thực hành các thiết bị nhà bếp an toàn để tự bảo vệ chính mình. Quá trình làm cha mẹ dù khổ cực đến mấy cũng chẳng nề hà gì khi bạn thấy con mình vui khỏe và khôn lớn từng ngày!