Vì sao bạn không được bỏ qua việc khám sức khỏe định kỳ?

(4.49) - 14 đánh giá

Theo khuyến cáo của nhiều tổ chức y khoa, mỗi người cần được khám sức khỏe định kỳ từ 1-2 lần/năm để kịp thời sàng lọc, phát hiện sớm và phòng ngừa những rủi ro về sức khỏe. Điều đó có nghĩa là nếu bạn đang mắc một căn bệnh nào đó, cơ hội và hiệu quả điều trị bệnh sẽ cao hơn.

Lợi ích khi khám sức khỏe định kỳ

Dù bạn vẫn đang cảm thấy mình khỏe mạnh, bạn vẫn nên thường xuyên thực hiện đầy đủ việc khám sức khỏe định kỳ để:

– Kiểm tra sức khỏe tổng quát ở thời điểm hiện tại

– Đánh giá nguy cơ cơ thể bạn có khả năng mắc phải những bệnh lý nghiêm trọng trong thời gian tới.

– Nếu cần thiết, bác sĩ sẽ đưa ra những lời khuyên hữu ích cho bạn về chế độ dinh dưỡng, vận động, nghỉ ngơi để duy trì cơ thể khỏe mạnh.

Khám sức khỏe tổng quát định kỳ thường được kết hợp với các phương pháp y tế thông thường nếu cần thiết. Từ đó, bác sĩ có thể kết nối nhiều tình trạng khác nhau trên mỗi bộ phận cơ thể để đưa ra kết luận chung.

Khám sức khỏe định kỳ cũng là thời gian kiểm tra lại lối sống và thói quen sinh hoạt của bạn xem có cần cải thiện gì không.

Khi khám sức khỏe, có thể bác sĩ sẽ trao đổi với bạn nhiều thông tin về tiền sử bệnh lý của bạn và người thân, thói quen sinh hoạt và sử dụng chất kích thích của bạn. Nếu bạn có các yếu tố nguy cơ cao như tiền sử bệnh lý, khả năng di truyền hoặc có nhiều khả năng mắc phải một căn bệnh hiểm nghèo nào đó thì việc khám sức khỏe định kỳ sẽ giúp bạn nhận được các dấu hiệu cảnh báo sớm.

Bạn có thể đọc thêm: Hướng dẫn khám chữa bệnh ở bệnh viện Việt Pháp

Tôi có thể tự khám sức khỏe định kỳ tại nhà không?

Bạn hoàn toàn có thể tự khám sức khỏe định kỳ cơ bản tại nhà để kiểm tra các vấn đề liên quan đến các lĩnh vực như:

♦ Nha khoa

Bạn sẽ rất an tâm về sức khỏe răng miệng của mình nếu bạn có thói quen vệ sinh răng thường xuyên và ăn uống với chế độ ít đường. Điều này sẽ giúp bạn giảm nguy cơ sâu răng và các bệnh gây tổn thương nướu. Dù bạn có thể tự kiểm tra răng tại nhà nhưng hãy nhờ đến sự trợ giúp của nha sĩ ít nhất 1 lần/năm để khám răng và thực hiện các thủ tục vệ sinh răng miệng chuyên nghiệp.

♦ Chế độ ăn uống

Một chế độ ăn uống lành mạnh và tập luyện thường xuyên là điều kiện quan trọng để cải thiện sức khỏe tổng thể của bạn. Để đạt hiệu quả tốt nhất, bạn nên có ít nhất 3 khẩu phần trái cây và 5 khẩu phần rau, củ mỗi tuần.

♦ Hoạt động thể chất

Thường xuyên tập luyện thể dục, thể thao sẽ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe tinh thần, tim mạch và hệ thống cơ, xương, khớp. Hãy cố gắng dành từ 30-60 phút mỗi ngày cho các hoạt động thể chất. Điều đó không có nghĩa là bạn phải vắt kiệt sức mình ở phòng tập. Đôi khi một vài vòng đi bộ, chạy bộ hoặc bơi lội nhẹ nhàng cũng đã đủ cải thiện sức khỏe.

♦ Kiểm tra da

Kiểm tra da thường xuyên là một trong những việc làm cần thiết khi bạn tự khám sức khỏe định kỳ tại nhà. Việc này sẽ giúp bạn sớm nhận thấy những thay đổi bất thường trên da như nốt ruồi, tàn nhang mới. Đó có thể là dấu hiệu cho thấy cơ thể bên trong đang có sự bất ổn.

Khám sức khỏe định kỳ có tốn kém không?

Dù đây là câu hỏi phổ biến nhưng thật khó để có câu trả lời chính xác. Bởi sau tất cả, không có gì quý giá hơn sức khỏe của bạn. Việc khám sức khỏe định kỳ có tốn kém hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố như khả năng chi trả, quan điểm về sự tốn kém và nơi cung cấp dịch vụ khám sức khỏe định kỳ mà bạn sử dụng.

Hầu như bệnh viện nào cũng có khả năng đáp ứng nhu cầu kiểm tra sức khỏe tổng quát của cộng đồng. Ở mức độ cơ bản, bạn sẽ được bác sĩ chỉ định kiểm tra các chỉ số phổ biến ở hệ tim mạch, đường huyết hoặc các vấn đề phụ khoa đối với nữ. Nam giới thường được chỉ định kiểm tra tuyến tiền liệt, phổi, gan, thận…

Mỗi bệnh viện sẽ có những gói khám sức khỏe định kỳ riêng bao gồm nhiều lĩnh vực thăm khám khác nhau. Dựa vào nhu cầu của bạn và những bất thường đang diễn ra trên cơ thể bạn (nếu có) mà bạn có thể trao đổi trực tiếp với bác sĩ để có được gói thăm khám phù hơp.

Những gói khám sức khỏe định kỳ cơ bản mà bác sĩ thường yêu cầu bạn thực hiện bao gồm:

1. Khám sức khỏe tổng quát cho hệ tim mạch

Thủ tục này có thể bao gồm:

♦ Huyết áp

Nếu bạn dưới 40 tuổi, không có tiền sử hoặc yếu tố di truyền liên quan đến bệnh cao huyết áp thì bạn nên kiểm tra huyết áp 2 năm/lần. Nếu bạn trên 40 tuổi, có tiền sử huyết áp cao hoặc có người trong gia đình từng bị đột quỵ, đau tim, bạn nên kiểm tra huyết áp hàng năm hoặc thường xuyên hơn.

♦ Xét nghiệm máu

Thủ tục này cho phép bạn kiểm tra mức độ cholesterol và lượng chất béo trung bình trong máu. Những con số này ở mức cao có thể làm tăng nguy cơ gặp phải những rủi ro sức khỏe khác nhau, trong đó có bệnh tim. Nếu bạn trên 45 tuổi, bạn nên thường xuyên thực hiện các xét nghiệm máu với tần suất 5 năm/lần. Với những người có nguy cơ mắc bệnh tim cao hoặc có tiền sử người thân bị bệnh tim, hãy xét nghiệm máu hàng năm khi ở độ tuổi 40.

♦ Điện tâm đồ

Đây là xét nghiệm y tế không xâm lấn, không gây đau để phát hiện các bất thường khi tim co bóp.

♦ Xét nghiệm béo phì

Thừa cân là nguyên nhân chủ yếu gây ra nhiều vấn đề tiêu cực cho sức khỏe như bệnh tim mạch, tiểu đường… Bằng cách làm xét nghiệm này, bác sĩ sẽ giúp bạn kiểm tra chỉ số khối cơ trên cơ thể và số đo vòng eo khoảng 2 năm/lần. Nếu bạn là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh béo phì cao, bạn nên kiểm tra thường xuyên hơn.

2. Khám sức khỏe tổng quát cho bệnh tiểu đường

Các xét nghiệm khi khám sức khỏe cho bệnh tiểu đường bao gồm kiểm tra mức đường huyết lúc đói và đo lượng glucose trong máu sau khi bạn nhịn ăn. Nó thường được thực hiện trước khi bạn ăn sáng. Tùy vào các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tiểu đường bạn đang có, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn nên kiểm tra hàng năm hoặc 3 năm/lần.

Các yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu đường tuýp 2 bao gồm:

– Người có tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường

– Người trên 45 tuổi

– Người béo phì

– Người có huyết áp hoặc cholesterol trong máu cao

– Người thường xuyên hút thuốc lá, ít vận động

– Người có tiền sử bị đau ngực, đau tim đột quỵ hoặc có tiền sử tiểu đường thai kỳ (đối với phụ nữ).

3. Khám sức khỏe định kỳ cho xương khớp

Tuổi đời càng cao, bạn càng có nhiều nguy cơ bị loãng xương. Dù bạn là nam hay nữ thì cũng nên khám sức khỏe định kỳ cho hệ xương khớp từ 1-2 lần/năm nếu bạn trên 50 tuổi. Điều này sẽ giúp bạn dễ dàng nhận biết sớm các dấu hiệu loãng xương cũng như những bất thương gây bệnh cho xương, khớp (nếu có).

4. Các gói khám sức khỏe định kỳ khác

Thể trạng của mỗi người không giống nhau. Cộng vào đó, thói quen sinh hoạt, chế độ ăn uống, tập luyện của từng người cũng khác nhau. Vì thế, tình trạng sức khỏe và định kỳ thăm khám cũng không thể giống nhau ở tất cả mọi người. Bác sĩ sẽ dựa vào tiền sử bệnh và thể trạng hiện tại của bạn để giúp bạn lên lộ trình thăm khám định kỳ phù hợp. Với phụ nữ, có thể bạn sẽ được yêu cầu tầm soát để kiểm tra nguy cơ mắc phải những căn bệnh phổ biến như viêm âm đạo, ung thư vú, ung thư cổ tử cung hoặc những vấn đề liên quan đến buồng trứng. Đối với nam giới, có thể bạn sẽ được yêu cầu tầm soát các loại bệnh thường gặp liên quan đến tuyến tiền liệt, phổi, thận, dương vật…

Trương Phương Đài / HELLO BACSI

Đánh giá:

Bài viết liên quan

Lợi ích và giá trị dinh dưỡng của trái vú sữa

(79)
Trái vú sữa – hay còn gọi là trái “ngôi sao”, là một loại trái cây đặc biệt với một lớp vỏ dày và có màu sắc đa dạng từ xanh lá đến tím tùy vào ... [xem thêm]

Tại sao phụ nữ không hút thuốc lá vẫn có nguy cơ bị ung thư phổi?

(20)
Ung thư phổi được xem là một trong những căn bệnh “chết chóc” nhất mọi thời đại. Mỗi năm, ung thư phổi giết chết hàng trăm ngàn người và con số này ... [xem thêm]

35 tuần

(42)
Hành vi và phát triểnBé phát triển như thế nào?Vào tuần thứ 29, bé có thể có khả năng:Tự ăn bánh quy;Trêu đùa (tạo ra âm thanh trêu đùa phì phèo nước ... [xem thêm]

Liệu có thể thông ống dẫn trứng theo cách tự nhiên không?

(85)
Việc vòi dẫn trứng bị tắc nghẽn sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng sinh sản của phụ nữ, đặc biệt là ở những chị em đang khao khát có con. Bên cạnh ... [xem thêm]

7 lợi ích tuyệt vời của Berberine

(53)
Berberine là một hợp chất alkaloid, có màu vàng và được tìm thấy trong các loại cây khác nhau như Hoàng liên gai, Mao lương hoa vàng, Chi hoàng liên, nho Oregon, Chi ... [xem thêm]

10 lý do khiến bạn chán quan hệ tình dục

(81)
Nếu bạn quan hệ tình dục ít hơn một lần một tháng, thì ngoài việc sự hứng thú với mối quan hệ đang giảm dần thì còn một số lý do khác cho tình trạng ... [xem thêm]

Trà assam: Loại thảo mộc quý ở Ấn Độ

(83)
Một cốc trà assam thơm đậm đà có thể giúp bạn bắt đầu ngày mới hứng khởi và tỉnh táo hơn. Ngoài ra, loại thảo mộc quý này còn có thể giúp bạn chống ... [xem thêm]

Tác dụng của đậu phụ tốt cho sức khỏe của bạn thế nào?

(56)
Tác dụng của đậu phụ chẳng kém những món sơn hào hải vị khác mà lại dễ mua và dễ nấu hơn rất nhiều. Bạn hãy thử thêm vào thực đơn món ăn thanh ... [xem thêm]

DANH SÁCH PHÒNG KHÁM BỆNH VIỆN