Viêm bàng quang kẽ

(4.22) - 46 đánh giá

Tìm hiểu chung

Viêm bàng quang kẽ là bệnh gì?

Viêm bàng quang kẽ còn gọi là hội chứng đau bàng quang – là một tình trạng mãn tính gây áp lực lên bàng quang, làm đau bàng quang và đôi khi đau ở vùng chậu. Cơn đau dao động từ khó chịu đến nặng.

Bàng quang của bạn là một nơi chứa nước tiểu. Bàng quang giãn nở cho đến khi nó căng đầy và tín hiệu này được báo đến não để bạn phải đi tiểu. Các thông tin được trao đổi qua các dây thần kinh vùng chậu. Điều này tạo ra sự thôi thúc đi tiểu ở hầu hết mọi người.

Với viêm bàng quang kẽ, các tín hiệu bị xáo trộn – bạn cảm thấy cần phải đi tiểu thường xuyên hơn và lượng nước tiểu ít hơn so với hầu hết mọi người.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm bàng quang kẽ là gì?

Các triệu chứng phổ biến của viêm bàng quang kẽ là:

  • Áp lực bàng quang và cảm giác đau tăng lên khi bàng quang của bạn đầy.
  • Đau bụng dưới, lưng dưới, xương chậu hoặc niệu đạo (ống mang nước tiểu từ bàng quang ra ngoài cơ thể bạn).
  • Đối với phụ nữ, đau ở âm hộ, âm đạo hoặc khu vực phía sau âm đạo.
  • Đối với nam giới, đau ở bìu, tinh hoàn, dương vật hoặc khu vực phía sau bìu.
  • Nhu cầu đi tiểu thường xuyên (nhiều hơn bình thường 7-8 lần mỗi ngày).
  • Cảm giác bạn cần đi tiểu ngay, thậm chí ngay sau khi bạn vừa đi.
  • Đối với phụ nữ, đau khi quan hệ tình dục.
  • Đối với nam giới, đau khi đạt cực khoái hay sau khi quan hệ tình dục.

Cảm giác cơn đau có thể dao động từ đau âm ỉ đến đau đâm xé. Đi tiểu có thể có cảm giác như bị kiến đốt nhẹ hoặc cảm thấy bỏng rát nghiêm trọng.

Tất cả mọi người bị viêm bàng quang kẽ đều có bàng quang bị viêm. Khoảng 5-10% trong số đó có các vết loét trong bàng quang của họ.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau. Vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.

Nguyên nhân

Nguyên nhân nào gây ra viêm bàng quang kẽ?

Nguyên nhân chính xác của bệnh chưa được biết rõ nhưng có khả năng do nhiều yếu tố góp phần. Ví dụ, những người bị viêm bàng quang kẽ cũng có một khiếm khuyết trong lớp niêm mạc bảo vệ (biểu mô) của bàng quang. Sự rò rỉ ở lớp biểu mô có thể cho phép các chất độc hại từ nước tiểu kích thích thành bàng quang.

Các yếu tố có thể góp phần khác nhưng chưa được chứng minh như phản ứng tự miễn dịch, di truyền, nhiễm trùng hoặc dị ứng.

Nguy cơ mắc phải

Những ai thường mắc phải viêm bàng quang kẽ?

Viêm bàng quang kẽ thường ảnh hưởng nhiều đến phụ nữ và có thể có tác động lâu dài đến chất lượng sống. Hãy thảo luận với bác sĩ để biết thêm thông tin.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc viêm bàng quang kẽ?

Có rất nhiều yếu tố nguy cơ gây viêm bàng quang kẽ như:

  • Quan hệ tình dục. Phụ nữ được chẩn đoán mắc viêm bàng quang kẽ nhiều hơn so với nam giới. Các triệu chứng ở nam giới có thể giống viêm bàng quang kẽ nhưng chúng thường liên quan đến tình trạng viêm tuyến tiền liệt (viêm tiền liệt tuyến).
  • Màu da và tóc của bạn. Có làn da trắng và mái tóc đỏ có nguy cơ cao mắc bệnh viêm bàng quang kẽ.
  • Tuổi của bạn. Hầu hết những người bị viêm bàng quang kẽ được chẩn đoán trong độ tuổi 30 trở lên.
  • Đau mãn tính. Viêm bàng quang kẽ có thể liên quan với các rối loạn đau mãn tính khác như hội chứng ruột kích thích hoặc rối loạn gây đau cơ.

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán viêm bàng quang kẽ?

Các cách sau có thể hữu ích trong việc chẩn đoán viêm bàng quang kẽ:

  • Lịch sử và bệnh sử của bàng quang. Bác sĩ sẽ yêu cầu bạn mô tả triệu chứng bạn có và có thể yêu cầu ghi nhật ký bàng quang với lượng nước bạn uống cùng lượng nước tiểu bạn đi.
  • Khám phụ khoa. Trong khi khám phụ khoa, bác sĩ kiểm tra bộ phận sinh dục ngoài, âm đạo và cổ tử cung đồng thời khám bụng để đánh giá các cơ quan trong vùng chậu. Bác sĩ cũng có thể kiểm tra hậu môn và trực tràng của bạn.
  • Xét nghiệm nước tiểu. Phân tích mẫu nước tiểu của bạn để phát hiện các dấu hiệu nhiễm trùng đường tiết niệu.
  • Soi bàng quang. Bác sĩ đưa một ống nhỏ có gắn camera qua niệu đạo để khám lớp niêm mạc bàng quang. Bác sĩ cũng có thể tiêm chất lỏng vào bàng quang để đo lường mức căng giãn bàng quang của bạn. Kĩ thuật này được gọi là làm căng bàng quang bằng nước thực hiện sau khi bạn đã được gây tê.
  • Sinh thiết. Trong soi bàng quang có gây mê, bác sĩ có thể lấy một mẫu mô (sinh thiết) từ bàng quang và niệu đạo để quan sát dưới kính hiển vi. Sinh thiết giúp kiểm tra xem bạn có bị ung thư bàng quang và các nguyên nhân hiếm gặp khác gây đau bàng quang.
  • Xét nghiệm tế bào trong nước tiểu. Bác sĩ kiểm tra các tế bào trong nước tiểu để loại trừ ung thư.
  • Kiểm tra độ nhạy với kali. Bác sĩ sẽ nhỏ hai loại nước và kali clorua vào bàng quang của bạn. Bạn được yêu cầu đánh giá cơn đau và mức cấp bách trên thang điểm từ 0 đến 5 sau mỗi loại nhỏ. Nếu bạn cảm thấy đau rõ rệt hơn hoặc mắc tiểu hơn khi nhỏ dung dịch kali so với khi nhỏ nước, bác sĩ có thể chẩn đoán viêm bàng quang kẽ. Những người có bàng quang bình thường không có sự khác biệt giữa nhỏ nước hay nhỏ ka-li clorua.

Những phương pháp nào dùng để điều trị viêm bàng quang kẽ?

Không có một cách điều trị thuần túy loại bỏ hết những dấu hiệu và triệu chứng của viêm bàng quang kẽ cũng như không có một cách điều trị cho tất cả mọi người. Bạn có thể phải thử nhiều cách điều trị khác nhau hoặc kết hợp các phương pháp điều trị trước khi bạn tìm thấy một phương pháp phù hợp giúp giảm các triệu chứng của mình.

Vật lý trị liệu

Các bài tập trị liệu với bác sĩ chuyên khoa vật lý trị liệu có thể giúp giảm đau vùng chậu liên quan đau cơ, mô liên kết kém đàn hồi hoặc các bất thường về cơ thuộc vùng đáy chậu.

Thuốc uống

Thuốc uống có thể cải thiện các dấu hiệu và triệu chứng của viêm bàng quang kẽ bao gồm:

  • Thuốc chống viêm không steroid, như ibuprofen (Advil®, Motrin IB® và những biệt dược khác) hoặc naproxen sodium (Aleve®) giúp giảm đau.
  • Thuốc chống trầm cảm ba vòng, như amitriptylin hoặc imipramine (Tofranil®) giúp thư giãn bàng quang và giảm đau.
  • Thuốc kháng histamin như loratadin (Claritin® và những biệt dược khác) giúp giảm kích thích mắc tiểu và số lần đi tiểu cùng với các triệu chứng khác.

Kích thích thần kinh

Các kĩ thuật kích thích thần kinh bao gồm:

  • Kích thích thần kinh bằng điện xuyên qua da (TENS). Đây là kĩ thuật dùng xung điện nhẹ giảm đau vùng chậu và trong một số trường hợp giúp giảm số lần đi tiểu. TENS có thể làm tăng lưu lượng máu đến bàng quang. Điều này có thể làm tăng sức cơ giúp kiểm soát bàng quang hoặc kích hoạt phóng thích các chất ngăn chặn cơn đau. (Theo nghiên cứu của Khoa Tiết niệu, Bệnh viện Freeman, Vương quốc Anh)
  • Các dây điện được đặt ở lưng dưới hoặc ngay trên vùng mu của bạn cung cấp các xung điện. Thời lượng và tần số của liệu trình điều trị tùy thuộc vào sự đáp ứng của cơ thể.
  • Kích thích dây thần kinh xương cùng. Dây thần kinh xương cùng là một liên kết quan trọng giữa tủy sống và các dây thần kinh bàng quang. Kích thích các dây thần kinh này có thể làm giảm cảm giác mắc tiểu liên quan đến viêm bàng quang kẽ. Thủ thuật này không giúp giảm đau do viêm bàng quang kẽ, nhưng có thể giúp giảm một số triệu chứng của tiểu rắt và cảm giác mắc tiểu.

Làm căng bàng quang

Một số người cải thiện tạm thời các triệu chứng sau khi nội soi bàng quang với bàng quang được bơm căng. Làm căng bàng quang là dùng nước kéo giãn cơ bàng quang. Nếu các triệu chứng của bạn được cải thiện trong thời gian dài, thủ thuật này có thể được lặp đi lặp lại.

Thuốc đặt bàng quang

Bác sĩ đặt thuốc theo toa dimethyl sulfoxide (Rimso-50) vào bàng quang của bạn thông qua một ống nhỏ, dẻo (catheter) luồn qua niệu đạo.

Các giải pháp đôi khi kèm theo dùng thuốc như thuốc gây tê cục bộ đặt trong bàng quang khoảng 15 phút. Các dịch này sẽ được loại bỏ theo nước tiểu.

Bạn có thể nhận dimethyl sulfoxide – hay còn gọi là DMSO – điều trị hàng tuần từ sáu đến tám tuần và sau đó có thể tiếp tục điều trị duy trì nếu cần – mỗi vài tuần cho đến một năm.

Một cách tiếp cận mới với thuốc đặt bàng quang sử dụng dung dịch chứa các loại thuốc lidocaine, natri bicarbonate và một trong hai pentosan hoặc heparin.

Phẫu thuật

Các bác sĩ hiếm khi sử dụng phẫu thuật để điều trị viêm bàng quang kẽ vì cắt bỏ bàng quang không giúp giảm đau mà còn có thể dẫn đến các biến chứng khác.

Những người bị đau nặng hoặc những người có bàng quang chỉ chứa được một lượng nước tiểu rất nhỏ là đối tượng có thể phẫu thuật, nhưng thường chỉ sau khi các điều trị khác đã thất bại và các triệu chứng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Lựa chọn phẫu thuật bao gồm:

  • Đốt. Phương pháp xâm lấn tối thiểu này là dùng dụng cụ luồn qua niệu đạo để đốt cháy các vết loét có thể xuất hiện với viêm bàng quang kẽ.
  • Cắt bỏ. Đây là một phương pháp xâm lấn tối thiểu, được sử dụng dụng cụ luồn qua niệu đạo để cắt xung quanh vùng bị loét.
  • Làm bàng quang to hơn. Trong phẫu thuật này, bác sĩ đặt một miếng ruột vá lên trên bàng quang làm tăng thể tích của bàng quang. Tuy nhiên, phương pháp này hiếm được thực hiện, chỉ dùng trong vài trường hợp đặc biệt. Phẫu thuật này không loại trừ đau và một số người cần phải dùng ống thông để dẫn nước tiểu ra khỏi bàng quang nhiều lần một ngày.

Các phương pháp khác

Hai phương pháp điều trị thay thế cho hiệu quả khả quan trong điều trị viêm bàng quang kẽ:

  • Dùng hình ảnh tưởng tượng. Đây là loại điều trị sử dụng trực quan và các hình ảnh gợi ý trực tiếp giúp bạn hình dung cơ thể đang tự chữa lành, với hy vọng cơ thể sẽ làm theo gợi ý của tâm trí.
  • Châm cứu. Kĩ thuật viên châm cứu xuyên kim qua da tại các điểm nhất định trên cơ thể. Theo y học cổ truyền Trung Quốc, nếu đặt một cách chính xác kim châm cứu sẽ giúp giảm đau và các triệu chứng khác nhờ vào việc tái cân bằng dòng năng lượng chảy trong cơ thể. Y học phương Tây có xu hướng tin rằng châm cứu làm tăng hoạt tính của thuốc giảm đau tự nhiên của cơ thể.

Những phương pháp điều trị này chưa được nghiên cứu kĩ càng trong điều trị viêm bàng quang kẽ, vì vậy bạn hãy thảo luận về việc chọn lựa các phương pháp điều trị với bác sĩ.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm bàng quang kẽ?

Loại bỏ hoặc giảm các thức ăn trong chế độ ăn uống gây kích thích bàng quang của bạn có thể giúp giảm bớt sự khó chịu gây ra do viêm bàng quang kẽ.

Các chất kích thích bàng quang thông thường gồm: đồ uống có ga, caffeine dưới mọi hình thức (kể cả sô cô la), các sản phẩm cam quýt và thực phẩm có chứa nồng độ cao vitamin C. Hãy xem xét tránh các loại thực phẩm tương tự, như cà chua, các loại đồ chua, rượu và gia vị. Chất ngọt nhân tạo có thể làm nặng thêm các triệu chứng ở một số người.

Nếu bạn nghĩ rằng các loại thực phẩm nhất định có thể gây kích ứng bàng quang, hãy thử loại bỏ chúng ra khỏi chế độ ăn uống của mình. Khi ăn lại thức ăn đó hãy chú ý xem các triệu chứng có nặng lên không.

Luyện tập bàng quang liên quan đến việc đi tiểu theo đúng thời gian – đi vào nhà vệ sinh theo thời gian nhất định thay vì chờ đợi đến khi cần thiết phải đi. Bạn bắt đầu bằng cách đi tiểu trong khoảng thời gian tự đề ra như mỗi nửa giờ – cho dù bạn có mắc đi hay không. Sau đó, bạn kéo dài khoảng thời gian giữa các lần.

Trong huấn luyện bàng quang, bạn có thể học cách kiểm soát sự thôi thúc đi tiểu bằng cách sử dụng kĩ thuật thư giãn như thở chậm và sâu hoặc tập trung sự chú ý vào các hoạt động khác.

Những biện pháp tự chăm sóc như:

  • Mặc quần áo rộng. Tránh dùng thắt lưng hoặc quần áo mà gây áp lực lên bụng của bạn.
  • Giảm căng thẳng. Hãy thử các phương pháp như trực quan và phản hồi sinh học.
  • Nếu bạn hút thuốc, hãy dừng lại. Hút thuốc có thể làm cơn đau tăng lên và góp phần gây ung thư bàng quang.
  • Tập thể dục. Bài tập kéo giãn cơ bản có thể giúp giảm các triệu chứng của viêm bàng quang kẽ.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Chúng tôi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

Đánh giá:

Bài viết liên quan

Động mạch ngoại biên (PAD)

(36)
Định nghĩaBệnh động mạch ngoại biên là bệnh gì?Bệnh động mạch ngoại biên (PAD) là bệnh lý trong đó mảng bám tích tụ trong các động mạch mang máu đến ... [xem thêm]

Viêm bao hoạt dịch

(34)
Viêm bao hoạt dịch thường gây đau và sưng xung quanh khớp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người bệnh. Vậy bệnh viêm bao hoạt dịch là gì? Làm ... [xem thêm]

Hội chứng Carcinoid

(58)
Định nghĩaHội chứng Carcinoid là bệnh gì? Hội chứng Carcinoid hay còn gọi là hội chứng Thorson-Bioerck là một hội chứng rối loạn xuất hiện khi các khối u ung ... [xem thêm]

Hẹp thanh quản

(65)
Tìm hiểu chungHẹp thanh quản là bệnh gì?Hẹp thanh quản là tình trạng thanh quản bị thu hẹp, dù ở trên thanh âm (thuộc về cửa hầu) hoặc duới thanh âm, có ... [xem thêm]

Gãy xương bàn tay

(56)
Xương bàn tay bị gãy có khả năng lành trong 4-6 tuần và phục hồi chức năng trong vài tháng tới. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể rút ngắn giai đoạn trên bằng cách ... [xem thêm]

Khoét chóp cổ tử cung

(13)
Tìm hiểu về khoét chóp cổ tử cungKhoét chóp cổ tử cung là gì?Khoét chóp cổ tử cung là thủ thuật cắt bỏ một phần hình nón của cổ tử cung để loại bỏ ... [xem thêm]

Ung thư tuyến tiền liệt

(42)
Tìm hiểu chungUng thư tuyến tiền liệt là bệnh gì?Tuyến tiền liệt là tuyến có ở nam giới và là hệ thống sinh sản. Tuyến này nằm quanh niệu đạo ở lối ... [xem thêm]

Phì đại amidan

(28)
Tìm hiểuAmidan phì đại gì?Phì đại amidan là một thuật ngữ được dùng khi một mô hạch hạnh nhân to bất thường. Trong trường hợp nặng, phì đại hạch ... [xem thêm]

DANH SÁCH PHÒNG KHÁM BỆNH VIỆN