Hiện tượng trẻ sơ sinh bị vàng mắt có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, từ bệnh ứ mật cho đến các tình trạng khác nghiêm trọng hơn.
Nếu bỗng dưng một ngày bạn nhận thấy trẻ sơ sinh bị vàng mắt và vàng da thì cũng đừng quá hoảng hốt bởi rất có thể tình trạng này do bệnh ứ mật gây ra. Khoảng 50% trẻ sơ sinh gặp phải hiện tượng trên và thường tự khỏi nhưng vẫn có những trường hợp diễn biến nặng hơn.
Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị vàng mắt
Trẻ sơ sinh bị vàng mắt khá phổ biến và có thể xảy ra nếu nồng độ bilirubin ở mức cao. Đây là một sắc tố màu vàng được tạo ra trong quá trình phá vỡ hồng cầu bình thường. Ở trẻ độ tuổi tập đi và người lớn, gan có nhiệm vụ xử lý bilirubin sau đó đào thải qua đường ruột. Tuy nhiên, gan trẻ sơ sinh vẫn đang trong giai đoạn phát triển và có thể chưa đủ khả năng để loại bỏ bilirubin và gây nên tình trạng ứ đọng ở mật.
Trẻ sơ sinh có nguy cơ cao mắc phải hiện tượng vàng mắt do ứ mật khi:
- Trẻ sinh non (em bé sinh trước 37 tuần)
- Trẻ sơ sinh không nhận được đủ lượng sữa cần thiết
- Nhóm máu của trẻ sơ sinh không tương thích với nhóm máu của mẹ.
Nếu nhóm máu của trẻ sơ sinh không tương thích với người mẹ thì cơ thể con sẽ phát triển sự tích tụ các kháng thể có khả năng phá hủy các tế bào hồng cầu của chính mình. Đây là nguyên nhân gây ra sự gia tăng đột ngột nồng độ bilirubin và khiến mắt trẻ sơ sinh bị vàng.
Ngoài ra, một số nguyên nhân khác cũng có nguy cơ gây ra bao gồm:
- Nhiễm trùng
- Vấn đề ở gan
- Thiếu enzyme
- Bầm tím khi sinh hoặc chảy máu nội bộ.
Dấu hiệu nhận biết trẻ sơ sinh bị ứ mật
Bên cạnh hiện tượng trẻ sơ sinh bị vàng mắt thì dấu hiệu của bệnh ứ mật bao gồm:
- Sốt
- Bú kém
- Buồn ngủ
- Nước tiểu sẫm màu
- Tứ chi và vùng bụng chuyển màu vàng
- Phân có màu nhạt (Trẻ bú sữa mẹ nên có phân màu vàng xanh và trẻ bú bình nên có màu vàng đậm).
Chẩn đoán bệnh ứ mật ở trẻ sơ sinh
Các bác sĩ đã đưa ra lời khuyên về việc em bé nên được kiểm tra về tình trạng ứ mật từ 3 – 5 ngày sau khi chào đời và trước lúc xuất viện do trong lúc này, nồng độ bilirubin của trẻ sơ sinh sẽ đạt ở mức cao nhất. Việc chẩn đoán ứ mật khiến trẻ sơ sinh bị vàng mắt thường dựa vào biểu hiện bên ngoài. Tuy nhiên, mức độ nghiêm trọng của tình trạng sẽ được xác định bằng cách đo nồng độ bilirubin trong máu.
Nếu hiện tượng vàng mắt kéo dài hơn 2 tuần, bác sĩ sẽ muốn thực hiện thêm xét nghiệm máu và xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra các rối loạn tiềm ẩn. Tuy nhiên, đối với trẻ sơ sinh bú mẹ tốt và vẫn tăng cân đều đặn, điều này có thể được xem là bình thường.
Biện pháp chữa trị
Ứ mật mức độ nhẹ thường sẽ tự khỏi khi gan bé bắt đầu trưởng thành. Nếu bị nặng hơn, trẻ sơ sinh có thể cần các phương pháp điều trị khác, chẳng hạn như quang trị liệu. Đây là hình thức chữa bệnh khá phổ biến và có hiệu quả cao bằng cách sử dụng ánh sáng để phá vỡ bilirubin trong cơ thể bé.
Trong những trường hợp rất nghiêm trọng, bác sĩ sẽ đề nghị thực hiện truyền máu. Phương pháp này có tác dụng thay thế máu bị tổn thương bằng các tế bào hồng cầu khỏe mạnh, từ đó làm tăng số lượng tế bào hồng cầu và làm giảm nồng độ bilirubin. Nếu trẻ sơ sinh bị vàng mắt không phải do ứ mật, trẻ có thể được điều trị bằng thuốc hoặc thậm chí thực hiện phẫu thuật.
Trẻ sơ sinh bị vàng mắt và biến chứng có thể gặp phải
Nếu hiện tượng trẻ sơ sinh bị vàng mắt do tình trạng ứ mật gây ra và không được điều trị kịp thời, bé có thể mắc phải các biến chứng như:
- Vàng da nhân não: Một hội chứng có nguy cơ gây tử vong nếu não bị bilirubin cấp tính gây tổn thương vĩnh viễn
- Bệnh não cấp tính do bilirubin: Tình trạng này xuất hiện do sự tích tụ của bilirubin trong não và gây độc cho tế bào não. Các dấu hiệu của bệnh bao gồm sốt, uể oải, khóc thét, bú kém, cơ thể hoặc cổ bị cong.
Các biến chứng nghiêm trọng nhưng hiếm gặp khác bao gồm điếc và bại não.
Ngăn ngừa trẻ sơ sinh bị vàng mắt
Cách tốt nhất để giảm nguy cơ trẻ sơ sinh bị vàng mắt do ứ mật là đảm bảo bé được cho ăn đầy đủ. Trong tuần đầu tiên hoặc lâu hơn, trẻ sơ sinh bú mẹ nên có 8 – 10 cữ bú một ngày. Đối với trẻ dùng sữa bột, bạn hãy cho con ăn khoảng 30 – 60 ml mỗi 2 – 3 tiếng. Ngoài ra, bố mẹ cũng cần chú ý quan sát bé kỹ trong 5 ngày đầu tiên sau khi chào đời.
Khi nào nên đến bác sĩ?
Thông thường, hiện tượng trẻ sơ sinh vàng mắt không có gì đáng lo ngại. Tuy nhiên, bạn hãy đưa con đến bệnh viện khi nhận thấy các tình trạng sau:
- Sốt cao hơn 38°C
- Da của trẻ sơ sinh có màu vàng đậm
- Thường khóc thét, đi kèm bú kém và phản ứng chậm với môi trường xung quanh.
Hy vọng những thông tin được cung cấp đã giúp bạn hiểu được nguyên nhân vì sao trẻ sơ sinh bị vàng mắt. Nếu thấy con có biểu hiện bất thường, hãy đưa bé đến bệnh viện để khám và điều trị kịp thời nhé.
Phương Uyên/HELLO BACSI