Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ sản khoa sẽ chỉ định bạn phải sinh mổ. Vì thế, việc hiểu biết về cách hồi phục sức khỏe sau sinh mổ dần khá quan trọng. Có nhiều việc mà bà mẹ mới sinh có thể làm để giúp việc hồi phục diễn ra tốt hơn ngay sau khi trải qua một cuộc sinh mổ.
Chúng tôi mong muốn giúp các bà mẹ vừa mới sinh mổ nhanh chóng hồi phục sức khỏe. Mời bạn đọc những thông tin sau nhé!
1. Dùng men tiêu hóa hoặc ăn thực phẩm lên men
Kháng sinh đã được dùng trong ca mổ có thể ảnh hưởng đến các lợi khuẩn trong đường ruột. Vì lý do này, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ về việc sử dụng các men vi sinh (men tiêu hóa) hoặc các lợi khuẩn để giúp cân bằng hệ sinh thái vi sinh vật đường ruột. Việc này giúp làm mạnh hệ miễn dịch và ngăn ngừa tiêu chảy. Thực phẩm lên men cũng có cùng lợi ích như trên.
2. Hồi phục sức khỏe sau sinh mổ: Đi bộ
Ngay khi bác sĩ cho phép bạn được tập thể dục, bạn bắt đầu đi bộ ngắn khoảng 30 phút mỗi ngày. Đi bộ có thể giải phóng khí ứ đọng trong ruột, tăng cường hệ tuần hoàn, giảm nguy cơ đông máu, lưu thông đường tiểu và giúp cơ thể hồi phục tốt hơn. Trong một vài trường hợp, bạn có thể được yêu cầu đi bộ ngay ngày đầu xuất viện.
3. Tránh các thực phẩm gây viêm
Dinh dưỡng đầy đủ là yếu tố quan trọng với người vừa trải qua bất kỳ cuộc phẫu thuật nào. Nếu bạn vừa mới sinh mổ, hãy cố gắng hạn chế các thực phẩm gây viêm như thịt đỏ, bánh mì trắng và đồ chiên. Thay vào đó, bạn hãy sử dụng các thực phẩm kháng viêm như cải kale, bông cải xanh, các loại hạt. Các thực phẩm giàu axit amin, như gà và cá hồi cũng giúp cơ thể hồi phục nhanh hơn.
4. Hồi phục sức khỏe sau sinh mổ với thuốc giảm đau
Cơn đau sau khi sinh mổ có thể kéo dài trong khoảng 2 tuần. Bác sĩ sẽ thường kê đơn có thuốc kháng viêm giảm đau như ibuprofen và bạn có thể cần uống 4 lần/ngày trong 2 tuần. Bạn hãy trao đổi cụ thể tình trạng cơn đau mà mình đang chịu đựng để tìm ra đúng liều thuốc giảm đau cần dùng.
5. Nghỉ ngơi thật nhiều
Nghỉ ngơi rất quan trọng sau sinh mổ. Sẽ không dễ để ngủ nhiều khi bạn có một bé sơ sinh trong nhà nhưng hãy chợp mắt bất cứ khi nào có thể. Cách tốt nhất là bạn cố gắng ngủ khi con ngủ hoặc nhờ người lớn trong nhà giúp đỡ để có thời gian cho một giấc ngủ ngắn. Khối lượng công việc đến từ nhu cầu cấp thiết của bé sơ sinh sẽ làm bạn cảm thấy quá sức, nghỉ ngơi thư giãn sẽ giúp bạn cảm thấy cân bằng hơn.
6. Tìm kiếm sự trợ giúp khi cho con bú
Nếu muốn nuôi con bằng sữa mẹ, người mới sinh mổ nên tìm kiếm sự trợ giúp vì quá trình sinh mổ sẽ gây ra nhiều khó khăn trong việc cho con bú. Sự trợ giúp đến từ nhiều dạng như một cái ghế cho con bú, bộ trang phục cho con bú hoặc một bác sĩ tư vấn sữa mẹ. Tất cả các thứ nêu trên không những giúp người mẹ vừa mới sinh mổ cho con bú thành công mà còn có thể giảm đau.
7. Chống táo bón: Hồi phục sức khỏe sau sinh mổ
Sau sinh mổ, mẹ mới sinh có nguy cơ cao bị táo bón do sự thay đổi hormone trong cơ thể, sự mệt mỏi của các cơ ở dạ dày hay thậm chí đơn giản là do việc nằm quá nhiều.
Táo bón không chỉ gây đau đớn mà còn có thể làm tổn thương vết mổ. Để chống táo bón, mẹ nên uống thêm nhiều nước, ăn thức ăn nhiều chất xơ như trái cây tươi hoặc hỏi bác sĩ về các thuốc làm mềm phân.
8. Để ý các dấu hiệu nhiễm trùng
Sau mổ, việc tự theo dõi các dấu hiệu nhiễm trùng rất quan trọng. Các mẹ mới sinh nên đo nhiệt độ cơ thể mỗi ngày và để ý các dấu hiệu như sưng phù, đau, vết tấy đỏ hay ớn lạnh. Nếu các triệu chứng này xuất hiện, mẹ nên liên lạc với bác sĩ hoặc phòng cấp cứu.
9. Dùng băng vệ sinh cho xuất huyết âm đạo sau sinh
Mặc dù sinh mổ không đụng chạm đến vùng âm đạo, mẹ mới sinh vẫn có xuất huyết âm đạo sau sinh trong suốt 1 tháng. Mẹ nên dùng băng vệ sinh để thấm hút dịch. Tránh dùng các loại thụt rửa hoặc nhét vào âm đạo để vệ sinh vì có thể gây nhiễm trùng trừ khi được bác sĩ hướng dẫn và yêu cầu. Các mẹ mới sinh bị ra huyết nhiều, ra dịch hôi hoặc bị sốt cần gọi cho bác sĩ ngay lập tức.
10. Hồi phục sức khỏe sau sinh mổ: Điều chỉnh cảm xúc
Việc sinh nở, dù sinh mổ hay sinh thường đều có thể là một quá trình khó khăn về mặt cảm xúc. Thậm chí có thể để lại hậu quả xấu nếu các mẹ mới sinh cảm thấy tội lỗi hoặc xấu hổ.
Nếu mẹ có các xúc cảm này, có nhiều cách để giúp mẹ điều chỉnh. Mẹ hãy thử gặp gỡ trò chuyện với các mẹ khác hoặc các cuộc trò chuyện trên mạng. Phát hiện các cảm xúc tiêu cực và được giúp đỡ sớm có thể giúp phòng ngừa trầm cảm sau sinh.
Mẹ nên chăm sóc vết mổ như thế nào?
Đề cập đến phục hồi sau mổ, nhiều mẹ có thể muốn sẹo mổ của mình nhỏ đẹp nhất có thể. Có nhiều loại sẹo mổ khác nhau. Mỗi loại sẹo sinh mổ có các lựa chọn điều trị khác nhau.
Sẹo tử cung thường được khâu lại bằng chỉ y tế tự tan. Sẹo da có thể được khâu lại bằng ghim khâu hoặc keo phẫu thuật. Nếu có thể, hãy yêu cầu bác sĩ sử dụng keo giảm thiểu vết sẹo và thúc đẩy quá trình chữa lành vết thương. Tuy nhiên, không phải lúc nào keo phẫu thuật cũng là một lựa chọn. Nhiều yếu tố, thậm chí mỡ bụng và da có thể ảnh hưởng đến quyết định của bác sĩ.
Khi vệ sinh vết mổ, bạn không nên chà xát vết thương mà hãy nhẹ nhàng lau khô bằng khăn. Tránh ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp vào vết mổ. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ về việc dùng kháng sinh và các loại dầu, kem bôi vào vết thương trước khi sử dụng để đảm bảo an toàn và nhanh chóng hồi phục sức khỏe sau sinh mổ.