Biên dịch: Nguyễn Thị Thạch Hà, Hoàng Thu Hà
Hiệu đính: ThS. BS. Trần Quang Kiên, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội
Bài viết này mô tả ung thư vú di căn phổi, các triệu chứng thường gặp và các phương pháp điều trị. Chúng tôi hy vọng bài viết trả lời một số câu hỏi và giúp bạn thảo luận các lựa chọn với nhóm điều trị.
Ung thư vú di căn phổi là gì?
Ung thư vú di căn xảy ra khi tế bào ung thư lây lan từ khối u nguyên phát tại vú ra các cơ quan khác trên cơ thể, như phổi… Con đường di căn có thể thông qua hệ bạch huyết hoặc máu. Các hạch bạch huyết ở giữa ngực cũng có thể bị di căn.
Bạn có thể nghe tới các cách diễn đạt về ung thư vú di căn như: ung thư vú di căn, di căn, ung thư vú tiến triển, khối u thứ phát, ung thư vú tái phát hay là ung thư vú giai đoạn 4.
Ung thư vú di căn phổi khác với ung thư phổi nguyên phát. Các tế bào ung thư đã lan tới phổi là tế bào ung thư vú.
Ung thư vú di căn thông thường xảy ra sau nhiều tháng hoặc nhiều năm sau ung thư vú nguyên phát. Nhưng đôi khi chúng được phát hiện cùng lúc hoặc trước khi chẩn đoán ung thư vú nguyên phát. Trong tình huống này, ung thư vú đã lan tới các bộ phận khác trên cơ thể như phổi, và được gọi là di căn “de – novo”, nghĩa là ung thư vú di căn từ lúc bắt đầu phát bệnh.
Tiên lượng
Khi ung thư vú di căn phổi, có thể điều trị nhưng không thể chữa khỏi. Điều trị có mục đích kiểm soát và làm chậm lây lan của bệnh, giảm các triệu chứng và mang lại chất lượng sống tốt nhất càng lâu càng tốt.
Sau khi được chẩn đoán ung thư vú di căn phổi, nhiều người muốn biết họ có thể sống thêm được bao lâu. Do có những tiến bộ trong điều trị nên ngày càng nhiều người sống lâu hơn sau khi được chẩn đoán ung thư vú di căn. Tuy nhiên khó dự đoán được tuổi thọ do mỗi người mỗi khác và không có hai trường hợp ung thư nào giống nhau.
Bác sĩ có thể nói cho bạn về diễn biến (phát triển và lây lan) của ung thư vú di căn. Bạn có thể lo lắng nếu như câu trả lời của bác sĩ là mơ hồ không rõ ràng, nhưng việc dự đoán chính xác bệnh tật của mỗi người đáp ứng như thế nào với điều trị là rất khó.
Phổi
Để hiểu được một số triệu chứng mô tả trong bài viết này, cần biết về hoạt động của phổi.
Phổi chiếm gần hết lồng ngực, từ xương đòn xuống tới bụng. Chúng được bảo vệ bởi khung xương sườn. Khi ta hít vào, lồng ngực giãn ra, phổi nở ra để hít không khí vào. Cơ hoành là một cơ lớn có hình mái vòm phân cách khoang ngực và khoang bụng. Nó liên tục nâng lên và hạ xuống để giúp quá trình thở.
Phổi đính vào bên trong thành ngực bằng hai lớp mô mỏng gọi chung là màng phổi. Ở giữa 2 lớp màng phổi có một khoảng không nhỏ (còn được gọi là khoang màng phổi) chứa một lượng dịch giúp chúng trượt lên nhau dễ dàng khi thở.
Mỗi lá phổi được cấu tạo bởi các thùy phổi. Khi chúng ta hít vào, không khí đi tới phổi qua khí quản đến hai nhánh phế quản: phế quản gốc phải và phế gốc quản trái (gọi chung là phế quản). Phế quản chia nhỏ thành nhiều nhánh gọi là tiểu phế quản. Đoạn cuối của các tiểu phế quản là hàng triệu túi khí nhỏ (phế nang). Tại đây, oxy từ không khí khi chúng ta hít vào được hấp thụ vào máu và CO2 từ máu được thải ra ngoài không khí khi chúng ta thở ra.
Các triệu chứng
Người bệnh có thể có nhiều triệu chứng, từ nhẹ tới nặng, phụ thuộc vào một hay hai lá phổi bị di căn, và vị trí của khối di căn trong phổi. Ví dụ ở một số người ung thư chỉ có thể lan tới màng phổi. Việc thông báo các triệu chứng mới hoặc đang có cho bác sĩ của bạn là rất quan trọng.
Các triệu chứng gồm:
- Khó thở
- Thở khò khè
- Ho dai dẳng
- Ho máu
- Đau hoặc căng tức ngực dai dẳng
- Mất vị giác và sụt cân
- Cảm thấy mệt mỏi liên tục
Một số người có thể bị tràn dịch giữa thành ngực và phổi (còn gọi là tràn dịch màng phổi), có thể gây ra các triệu chứng như là khó thở hoặc ho.
Các triệu chứng này sẽ được giải thích kỹ ở phần sau.
Đôi khi ung thư vú di căn phổi có thể được phát hiện khi chụp chiếu, trước khi nó ảnh hưởng hoặc gây ra một số triệu chứng về hô hấp. Điều này có thể là đúng nếu ung thư vú của bạn có thể tái phát ở bất kỳ đâu và nhóm điều trị của bạn muốn kiểm tra xem ung thư vú đã di căn phổi chưa.
Tôi cần làm những xét nghiệm gì?
Bác sĩ sẽ khám cho bạn và thảo luận với bạn các triệu chứng. Có thể bạn sẽ cần làm một hoặc nhiều xét nghiệm dưới đây để xác nhận chẩn đoán ung thư vú di căn phổi.
Chụp X quang ngực
Chụp X quang ngực thông thường là xét nghiệm đầu tiên.
Chụp CT (chụp cắt lớp vi tính)
Kỹ thuật chụp CT sử dụng tia X để lấy các ảnh chi tiết trên toàn bộ cơ thể.
Chụp PET
Kỹ thuật chụp PET cho thấy các bộ phận cơ thể đang hoạt động có hiệu quả ra sao. Kỹ thuật này thường không được dùng để chẩn đoán ung thư vú di căn phổi, nhưng có thể giúp nhóm điều trị thấy tình trạng di căn và đáp ứng điều trị.
Chụp PET-CT
Đây là kỹ thuật kết hợp chụp PET với CT để tạo ra một ảnh chi tiết ba chiều về cấu trúc và chức năng của các cơ quan hoặc mô. Nó có thể giúp nhóm điều trị xác nhận chẩn đoán và tình trạng di căn khi các kỹ thuật chụp khác không thể làm được việc này.
Sinh thiết phổi
Sinh thiết phổi đôi khi được thực hiên, lấy một mảnh nhỏ mô từ u phổi để quan sát dưới kính hiển vi. Thủ thuật này thường thực hiện khi bạn được dùng thuốc an thần. Nếu bạn bị tràn dịch màng phổi thì cũng có thể lấy mẫu dịch để xét nghiệm.
Nội soi phế quản
Đây là thủ thuật thông dụng để thực hiện sinh thiết phổi. Một ống soi phế quản được đưa từ miệng xuống phổi để thực hiện sinh thiết.
Xem thêm về "Nội soi phế quản"Sinh thiết phổi dưới hướng dẫn CT
Đôi khi có thể dùng kim thực hiện sinh thiết phổi qua da, có gây tê tại chỗ và dưới hướng dẫn của CT.
EBUS (sinh thiết xuyên phế quản dưới hướng dẫn của siêu âm nội soi)
Một đầu dò siêu âm đính với ống soi phế quản được đưa vào phổi, cho phép bác sĩ quan sát bên trong phổi và các hạch bạch huyết và thực hiện sinh thiết nếu cần. EBUS là kỹ thuật sinh thiết tương đối mới nên vẫn chưa được phổ biến rộng rãi.
Xem thêm bài viết về Chọc hút bằng kim xuyên phế quản dưới hướng dẫn của siêu âm nội phế quản (EBUS TBNA)Xét nghiệm máu
Có thể bạn cần làm các xét nghiệm máu để theo dõi tình trạng bệnh, loại xét nghiệm phụ thuộc vào các triệu chứng của bạn. Bạn cũng có thể cần làm các xét nghiệm máu trước và trong quá trình điều trị. Các xét nghiệm này cũng có thể giúp cho thấy hiệu quả điều trị.
Nhóm điều trị sẽ thảo luận xem nên làm loại xét nghiệm nào và tại sao lại cần làm.
Chỉ điểm khối u
Chỉ điểm khối u là các protein được tìm thấy trong máu, xét nghiệm chỉ điểm khối u có thể dùng để cung cấp các thông tin về đáp ứng điều trị hoặc tiến triển bệnh. Có một số tranh cãi về độ chính xác của việc đo lường các chỉ điểm khối u nên không phải tất cả các bác sĩ đều dùng các xét nghiệm này.
Tôi sẽ được điều trị bằng những phương pháp nào?
Điều trị có thể bao gồm:
- Liệu pháp điều trị nội tiết
- Hóa trị
- Liệu pháp nhắm trúng đích (liệu pháp sinh học)
- Xạ trị
- Phẫu thuật
Các phương pháp điều trị này có thể được chỉ định đơn lẻ hoặc kết hợp với nhau.
Khi đưa ra quyết định về điều trị tốt nhất cho bạn, nhóm điều trị sẽ xem xét những yếu tố như:
- Mức độ xâm lấn tổn thương di căn ở phổi.
- Ung thư đã lan tới các bộ phận khác chưa
- Bạn có những triệu chứng gì
- Bạn đã được điều trị như thế nào trong quá khứ
- Các đặc điểm của ung thư
- Bạn đã mãn kinh hay chưa
- Sức khỏe chung của bạn
Các bác sĩ sẽ thảo luận các khuyến nghị điều trị với bạn và lưu tâm đến mong muốn của bạn. Bác sĩ sẽ thảo luận với bạn các lựa chọn, giải thích mục đích điều trị và giúp bạn cân nhắc xem xét lợi ích so với các tác dụng phụ mà bạn có thể gặp.
Bạn có thể được giới thiệu tới bác sỹ chuyên khoa hô hấp, những người chuyên điều trị khó thở. Họ có thể giúp bạn lên kế hoạch điều trị và xử lý các triệu chứng. Bạn vẫn tiếp tục được chăm sóc dưới sự giám sát của bác sĩ ung thư vú như bình thường nhưng có sự tham gia hoặc cố vấn từ các bác sĩ chuyên khoa khác.
Để giúp bạn cảm thấy tự tin rằng bạn đang được chăm sóc tốt nhất, bạn có thể hỏi nhóm điều trị về:
- Các lựa chọn điều trị là gì, và tại sao bác sĩ lại khuyến nghị một thuốc hoặc một thủ thuật cụ thể
- Mục đích của điều trị
- Các tác dụng phụ có thể gặp và cách xử lý.
- Liệu có các lựa chọn bổ sung khác cho bạn, gồm các thủ thuật mới hoặc các điều trị tại các trung tâm khác mà bạn có thể được giới thiệu tới đó, để thảo luận thêm không
- Các thử nghiệm lâm sàng mà bạn đủ điều kiện để tham gia
- Liệu việc giới thiệu tới một chuyên gia, như là bác sĩ phẫu thuật chuyên về phổi có thích hợp không
- Hỏi đội ngũ điều trị của bạn về các nguy cơ và lợi ích của mỗi phương án điều trị.
- Cần làm gì khi có các triệu chứng mới và các tác dụng phụ của điều trị
- Bạn cũng có thể yêu cầu điều dưỡng giải thích kế hoạch, nhắc lại thông tin hoặc giải thích các thuật ngữ mới cho bạn. Điều quan trọng là bạn hiểu điều gì đang xảy ra và tại sao.
Điều trị bằng thuốc được dùng phổ biến trong ung thư vú di căn phổi, thường được gọi là điều trị toàn thân do điều trị cả cơ thể.
Liệu pháp điều trị nội tiết
Liệu pháp điều trị nội tiết được sử dụng để điều trị ung thư vú, vì ung thư này được kích thích phát triển bởi chất nội tiết estrogen, nghĩa là estrogen trong cơ thể giúp ung thư phát triển. Loại ung thư vú này được gọi là ung thư vú dương tính với thụ thể estrogen hay là ung thư vú ER+. Liệu pháp nội tiết giúp ngăn chặn hoặc làm chậm ảnh hưởng của estrogen lên các tế bào ung thư vú. Các thuốc khác nhau của liệu pháp nội tiết hoạt động theo các cách khác nhau.
Nếu bạn được sinh thiết hoặc phẫu thuật ung thư vú nguyên phát thì mô được lấy ra sẽ được xét nghiệm để xem có ER+ hay không. Tuy nhiên, ở một số người bệnh các thụ thể estrogen thay đổi trong quá trình phát triển của ung thư vú di căn. Do vậy mà bác sĩ có thể thảo luận làm sinh thiết để xét nghiệm lại thụ thể nội tiết.
Nếu bạn đã dùng liệu pháp nội tiết trước đó thì bác sĩ có thể chỉ định cùng loại thuốc hoặc đổi sang lại thuốc khác. Có thể mất từ hai tới ba tháng trước khi thấy được lợi ích của liệu pháp điều trị nội tiết. Thuốc của liệu pháp nội tiết được dùng phổ biến nhất là tamoxifen (thuốc nội tiết bậc 1), goserelin (Zoladex), các chất ức chế aromatase (thuốc nội tiết bậc 2 – anastrozole, letrozole và exemestane) và fulvestrant (Faslodex).
Có các quyển sách và thông tin trên website www.breastcancernow.org về các thuốc khác nhau của liệu pháp nội tiết, kể cả các tác dụng phụ. Liệu pháp điều trị nội tiết có thể được chỉ định kết hợp với các liệu pháp nhắm trúng đích (xem mục ‘Các liệu pháp nhắm trúng đích’).
Hóa trị
Hóa trị tiêu diệt tế bào ung thư bằng các thuốc chống ung thư. Nhiều loại thuốc hóa trị được sử dụng để điều trị ung thư vú di căn. Các thuốc này có thể được dùng đơn lẻ hoặc kết hợp với nhau. Thuốc được chỉ định sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm các hóa chất bạn đã điều trị và điều trị cách đây bao lâu.
Liệu pháp nhắm trúng đích (liệu pháp sinh học)
Đây là một nhóm thuốc chặn sự phát triển và lan tỏa của ung thư. Các thuốc này can thiệp vào các quá trình phát triển của ung thư trong tế bào
Chỉ định loại liệu pháp nhắm trúng đích sẽ phụ thuộc vào các đặc tính của ung thư vú của bạn.
Liệu pháp nhắm trúng đích cho ung thư vú di căn có HER2 dương tính
Một số tế bào ung thư vú có mật độ protein trên bề mặt cao hơn bình thường được gọi là HER2 (human epidermal growth factor receptor 2), protein này kích thích ung thư vú phát triển. Được gọi là ung thư vú có HER2 dương tính.
Có nhiều xét nghiệm để đo ngưỡng HER2. Nếu bạn đã sinh thiết hoặc phẫu thuật tổn thương nguyên phát ở vú, phần mô lấy ra sẽ được xét nghiệm. Tuy nhiên ở một số người thì ngưỡng HER2 thay đổi trong quá trình phát triển của bệnh. Do vậy mà bác sĩ có thể thảo luận thực hiện sinh thiết ung thư vú di căn để xét nghiệm lại tình trạng HER2
Các liệu pháp nhắm trúng đích được dùng cho ung thư vú có HER2 dương tính là trastuzumab, pertuzumab (perjeta) và trastuzumab emtansine (Kadcyla).
Đôi khi bạn có thể được chỉ định liệu pháp nhắm trúng đích gọi là lapatinib (Tyverb).
Nếu ung thư vú của bạn có HER2 âm tính thì các liệu pháp nhắm đích kể trên sẽ không có bất kỳ lợi ích nào cả.
Liệu pháp nhắm đích cho ung thư vú di căn có HER2 âm tính
Nếu ung thư vú của bạn có HER2 âm tính và ER dương tính, bạn có thể được chỉ định liệu pháp nhắm trúng đích kết hợp với liệu pháp điều trị nội tiết, bao gồm: palbocilib (Ibrance), ribociclib (Kisqali) và abemaciclib (Verzenios). Hoặc có thể dùng Everolimus (Afinitor)
Để có thêm thông tin về các liệu pháp nhắm trúng đích khác, xem trên website www.breastcancernow.org/targeted-therapy.
Các phương pháp điều trị khác
Sử dụng thuốc là phương pháp điều trị chủ yếu trong ung thư vú di căn phổi. Tuy nhiên cũng có thể sử dụng các phương pháp điều trị khác như phẫu thuật và xạ trị. Chúng có thể điều trị những tổn thương ở phổi và làm giảm các triệu chứng, nhưng không thể điều trị các tổn thương ở nhiều cơ quan khác trên cơ thể, vì vậy rất hữu dụng trong ung thư vú chỉ di căn phổi.
Xạ trị
Xạ trị sử dụng tia X năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư. Đôi khi xạ trị được dùng để điều trị các triệu chứng của ung thư vú di căn phổi, ví dụ nếu các hạch bạch huyết lớn trong lồng ngực. Nó có thể được nhận một liều duy nhất hoặc được chia nhỏ thành nhiều liều trong vài ngày.
Xạ trị định vị thân (xạ phẫu)
Là phương pháp xạ trị với độ chính xác rất cao xem xét dành cho người bệnh có tổn thương di căn phổi hạn chế và sức khỏe chung tốt. Phương pháp điều trị này cho phép đưa các liều phóng xạ cao đến các vị trí chính xác nhất và tổn thương mô xung quanh là nhỏ nhất.
Xạ định vị thân được dùng để điều trị ung thư vú di căn phổi cũng có thể được gọi là CyberKnife, là tên của máy xạ. CyberKnife là phương pháp điều trị chuyên biệt chỉ có ở một số trung tâm. Nhóm điều trị có thể nói cho bạn biết liệu xạ định vị thân có phù hợp với bạn hay không.
Phẫu thuật
Mặc dù phẫu thuật sẽ không chữa khỏi ung thư vú di căn phổi, đôi khi nó là một phần của kế hoạch điều trị. Phẫu thuật được thực hiện nếu tổn thương di căn phổi là rất nhỏ, tiếp cận dễ dàng và không có tổn thương di căn khác trên cơ thể.
Phẫu thuật nội soi lồng ngực có video hỗ trợ (VATS)
Phẫu thuật nội soi lồng ngực có video hỗ trợ (VATS) là loại phẫu thuật cho phép bác sĩ quan sát bên trong lồng ngực và phổi. Khi bệnh nhân được gây mê, bác sĩ phẫu thuật luồn một ống nhỏ có gắn camera (gọi là ống nội soi lồng ngực) qua một vết mổ nhỏ ở một bên ngực để quan sát bên trong. Dụng cụ phẫu thuật sẽ được vào bên trong cơ thể thông qua một hoặc hai vết cắt nhỏ trên da. Kỹ thuật này có thể dùng để làm sinh thiết hoặc để điều trị tràn dịch màng phổi.
Thử nghiệm lâm sàng
Nhiều thử nghiệm lâm sàng ung thư vú để tìm ra các phương pháp điều trị mới hoặc các phương thức khác nhau như là các kỹ thuật phẫu thuật, hóa trị, liệu pháp nhắm trúng đích hoặc xạ trị. Bác sĩ của bạn có thể nói với bạn về các thử nghiệm lâm sàng, hoặc nếu bạn muốn tham gia, bạn có thể hỏi bác sĩ xem bạn có đủ tiêu chuẩn tham gia không.
Chăm sóc giảm nhẹ và hỗ trợ
Chăm sóc giảm nhẹ và hỗ trợ chú trọng vào kiểm soát và hỗ trợ các triệu chứng. Đó là phần cực kỳ quan trọng của chăm sóc và điều trị cho những người bị ung thư vú di căn và có thể cải thiện đáng kể chất lượng sống cho họ và gia đình họ.
Mọi người hay gắn liền chăm sóc giảm nhẹ với điều trị giai đoạn cuối. Tuy nhiên nhiều người muốn được chăm sóc giảm nhẹ tại bất kỳ giai đoạn nào của bệnh, cùng với điều trị y khoa để giúp ngăn ngừa và giảm nhẹ các triệu chứng như đau hoặc mệt mỏi. Chăm sóc giảm nhẹ cũng có thể hỗ trợ người bệnh ung thư vú di căn giảm các ảnh hưởng của bệnh tật về mặt cảm xúc, xã hội và tinh thần.
Các nhóm chăm sóc giảm nhẹ và hỗ trợ có ở các bệnh viện, viện chăm sóc đặc biệt và cộng đồng. Nhóm bác sĩ điều trị, bác sĩ đa khoa hoặc điều dưỡng có thể gửi bạn tới chăm sóc giảm nhẹ tùy theo tình hình của bạn.
Quản lý các triệu chứng ung thư vú di căn phổi
Khó thở
Một trong những triệu chứng phổ biến của ung thư vú di căn phổi là khó thở. Thuật ngữ y khoa là “dyspnea”. Khó thở ảnh hưởng đến mọi người theo nhiều cách khác nhau. Nó không gây nguy hiểm nhưng có thể khiến bạn lo lắng và sợ hãi, và càng làm các triệu chứng tệ đi. Bạn có thể thấy khó chịu khi thở hoặc cảm giác như là không hít đủ không khí vào phổi. Bạn có thể khó thở khi đứng yên hoặc khi nằm nhưng rõ nhất là khi di chuyển. Tuy nhiên, nên cố gắng hoạt động trong phạm vi cho phép. Đề nghị xem phần ‘Hoạt động thể chất’ để có thêm thông tin.
Có nhiều lý do khác nhau dẫn đến khó thở. Ví dụ ung thư vú di căn phổi có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng ở phổi gây ra khó thở. Trong trường hợp này bạn có thể được điều trị bằng thuốc kháng sinh.
Mọi số trường hợp ung thư vú di căn gây hẹp, chèn ép hoặc gây tắc nghẽn đường thở. Nếu điều này xảy ra, nhóm điều trị có thể khuyến nghị đặt stent. Stent là một ống nhỏ được đưa vào trong khi nội soi phế quản để giữ đường thở thông thoáng và giúp dễ thở hơn. Stent có thể được để vĩnh viễn trong đường thở.
Có vài điều thực tiễn mà bạn có thể làm để giảm khó thở. Nghiên cứu cho thấy rằng không khí lạnh từ quạt hoặc cửa sổ có thể làm giảm cảm giác khó thở. Rửa mặt bằng nước lạnh cũng có thể giảm khó thở. Bạn có thể thấy hữu ích khi dùng quạt tay khi bạn dừng lại để nghỉ ngơi trong khi đang di chuyển hoặc đi bộ. Ngồi ngả về phía trước với hai cánh tay và khuỷu tay tì vào một bề mặt đỡ nâng cao lên có thể giúp bạn cảm thấy dễ thở hơn.
Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu có thể là hữu ích trong điều trị khó thở. Học thư giãn và các kỹ thuật thở để sử dụng khi bạn bắt đầu cảm thấy khó thở cũng có thể hữu ích. Ví dụ, một kỹ thuật gọi là kiểm soát nhịp thở bằng cách sử dụng các cơ ngực dưới và cơ hoành có thể giúp bạn thở chậm hơn và có hiệu quả hơn.
Nhóm bác sĩ điều trị cũng có thể giới thiệu bạn tới chuyên viên vật lý trị liệu hoặc tới nhóm chăm sóc giảm nhẹ và chăm sóc hỗ trợ để bạn các bài tập thở.
Trị liệu vận động
Các chuyên viên trị liệu vận động sẽ đánh giá để có thể đưa ra các giải pháp thực tiễn để xử lý chứng khó thở trên cơ sở hàng ngày. Họ có thể gợi ý thực hiện những thay đổi vị trí đồ vật xung quanh nhà như là đặt một cái ghế hoặc một ghế đẩu để dừng lại và nghỉ trong khi đang đi bộ giữa các phòng.
Thư giãn
Nhiều người thấy các liệu pháp hỗ trợ và thư giãn là hữu ích trong xử lý khó thở.
Nếu cần, bác sĩ có thể chỉ định thuốc cho bạn như là lorazepam từ một nhóm các thuốc gọi là benzodiazepines (các thuốc là giãn cơ), ventolin (thuốc có thể làm giãn đường thở) hoặc các liều thấp codein hoặc morphin để giúp thở dễ hơn.
Người ta thấy oxy không phải là điều trị hữu ích cho khó thở do ung thư vú di căn phổi gây ra.
Hỗ trợ tâm lý
Lo âu và tâm trạng xuống dốc cũng có thể làm chứng khó thở tệ đi. Bạn có thể hỏi bác sĩ nội ung thư, bác sĩ đa khoa hoặc điều dưỡng hoặc điều dưỡng chăm sóc giảm nhẹ về tiếp cận hỗ trợ tâm lý để hỗ trợ tâm lý cho bạn.
Xem thêm bài viết Giải quyết nỗi lo âu dành cho những người sống với và sau chẩn đoán ung thư vú nguyên phátViêm mạch bạch huyết
Đôi khi các mạch bạch huyết trong phổi có thể bị các tế bào ung thư vú làm tắc, gây nên tình trạng viêm và gây sẹo, được gọi là viêm mạch bạch huyết.
Dịch bạch huyết không thể thoát ra khỏi phổi và ảnh hưởng tới lượng ôxy đi tới máu. Một triệu chứng phổ biến của viêm mạch bạch huyết là khó thở. Nó cũng có thể gây ra ho khan và đôi khi ho ra máu. Các triệu chứng này thậm chí có thể xuất hiện trước khi quan sát được bất kỳ điều gì trên phim chụp X quang hoặc xét nghiệm hình ảnh (scan).
Nếu bạn bị viêm mạch bạch huyết do ung thư vú di căn gây ra, bác sĩ sẽ luôn khuyến khị điều trị bằng hóa trị. Các thuốc steroids như dexamethasone hoặc prednisolone cũng có thể được dùng.
Ho
Ho dai dẳng là một triệu chứng phổ biến khác có thể gây lo lắng và mệt mỏi. Ho có thể do bản thân ung thư hoặc bị nhiễm trùng. Đờm đặc có thể tích tụ trong lồng ngực và cổ họng và có thể khó khạc ra được.
Thuốc ho có thể giúp kiểm soát cơn ho, hoặc thuốc tiêu nhầy có thể được chỉ định giúp làm loãng đờm. Bác sĩ có thể khuyên bạn dùng máy khí dung (nebuliser), là một loại dụng cụ y tế giúp chuyển thuốc nước thành dạng sương mù để có thể hít vào qua đường miệng. Dùng máy khí dung có thể giúp loãng đờm và dễ dàng khạc đờm ra.
Nếu khó kiểm soát cơn ho thì bác sĩ sẽ kê đơn thuốc có gốc codeine, liều thấp morphine hoặc các thuốc steroids.
Đau
Giảm đau là một phần rất quan trọng trong chăm sóc nhiều người mắc ung thư vú di căn. Một khi cơn đau được kiểm soát thì rất nhiều người cảm thấy bớt lo lắng và ăn ngon, ngủ ngon hơn.
Mặc dù nhiều người bị ung thư vú di căn phổi mà không bị đau, nếu ung thư ảnh hưởng tới màng phổi thì có thể gây kích ứng, dẫn đến đau và khó chịu khi hít thở. Tình trạng này tệ hơn khi bạn hít vào hoặc ho.
Hầu hết đau có thể giảm nhẹ và kiểm soát được. Điều rất quan trọng là cơn đau cần được đánh giá đều đặn bởi điều dưỡng hoặc bác sĩ để đảm bảo kiểm soát được cơn đau.
Bạn có thể có nhật ký cơn đau để ghi lại cơn đau của bạn.
Tràn dịch màng phổi
Tràn dịch màng phổi là sự tích tụ quá nhiều dịch phổi giữa hai màng phổi, và thường sẽ được xác định bằng chụp X quang ngực. Tình trạng này có thể xảy ra nếu các tế bào ung thư đã lan vào màng phổi, gây kích ứng và sinh ra dịch và đọng lại.
Tràn dịch màng phổi có thể làm bạn cảm thấy khó thở nhưng đôi khi có thể rút bớt dịch để làm bạn dễ thở hơn. Có thể dùng kim tiêm và kim nhỏ để hút ra lượng nhỏ dịch khi gây tê tại chỗ.
Nếu có nhiều dịch thì có thể đặt một ống dẫn dịch nhỏ vào khoang màng phổi sau khi gây tê tại chỗ. Sau đó khâu cố định ống dẫn dịch và nối ống dẫn dịch với chai đựng dịch. Dịch sẽ chảy ra từ từ (thường là vài ngày). Để dịch thoát ra cho đến khi dịch đã được dẫn ra hoàn toàn thường làm cho màng phổi dính lại với nhau. Thủ thuật này có thể được lặp lại nếu dịch lại tích tụ. Ống dẫn dịch được đặt vĩnh viễn để dịch được dẫn ra đều đặn và dễ dàng hơn ở nhà.
Đôi khi sau dẫn lưu tràn dịch màng phổi thì thực hiện một thủ thuật khác gọi là gây dính màng phổi. Thủ thuật này gồm tiêm thuốc hoặc thuốc dạng bột vào ống dẫn dịch, sau đó kẹp ống dẫn dịch lại trong khoảng một giờ trước khi rút ống ra. Mục đích là để dính chặt hai lớp màng phổi lại với nhau để ngăn ngừa tích tụ dịch lại.
Ăn không ngon miệng và giảm cân
Đôi khi những người bị ung thư vú di căn không thể ăn nhiều như thường lệ, nghĩa là họ khó duy trì cân nặng cũng như cung cấp năng lượng cho cơ thể. Mức năng lượng thấp ảnh hưởng tới khả năng vận động (đi lại xung quanh) và có thể làm việc xử lý bất kỳ triệu chứng nào như là khó thở thêm khó hơn.
Ăn không ngon miệng có thể là do ảnh hưởng của ung thư, điều trị hoặc lo âu. Một số ít người có thể có thấy khó nuốt.
Bạn có thể thấy ăn ít một và ăn thường xuyên thay cho các bữa ăn cố định là dễ dàng hơn. Nếu bạn vẫn cảm thấy ăn chưa đủ, đang bị giảm cân hoặc không còn quan tâm đến thức ăn nữa, hãy nói chuyện với bác sĩ hoặc điều dưỡng về các chất bổ sung cho chế độ ăn hoặc yêu cầu được gửi tới chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn. Trong một số trường hợp bạn có thể được chỉ định thuốc để giúp kích thích sự ngon miệng.
Xem thêm về "Dinh dưỡng trong điều trị ung thư người lớn"Mệt lả (cực kỳ mệt mỏi)
Mệt lả liên quan đến ung thư là một trong những triệu chứng phổ biến nhất mà người bệnh ung thư vú di căn từng trải qua. Thỉnh thoảng ai cũng có cảm giác mệt mỏi, nhưng mệt lả liên quan đến ung thư thì tệ hơn nhiều. Mệt lả từng cơn hoặc mệt lả liên tục có thể gây bực bội và buồn chán.
Có rất nhiều nguyên nhân, do yếu tố tâm lý ví dụ như đối diện với kết quả chẩn đoán ung thư, hay do cơ thể bị tác dụng phụ của điều trị, hoặc ung thư tiến triển.
Mệt lả có thể ảnh hưởng đáng kể đến khả năng bạn đương đầu với ung thư và điều trị và còn ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày và chất lượng sống.
Xem thêm về Mệt mỏi trong quá trình điều trị ung thư và Vượt qua mệt mỏi trong ung thưHuyết khối
Những người bị ung thư vú sẽ tăng nguy cơ bị huyết khối, do bản thân ung thư và một số phương pháp điều trị ung thư vú gây ra.
Bạn có thể có nguy cơ hình thành huyết khối, được gọi là huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT). Những người mắc bệnh DVT có nguy cơ phát triển thuyên tắc động mạch phổi, khi một phần của cục máu đông vỡ ra và đi tới phổi.
Các cục huyết khối có thể gây nguy hiểm nhưng có thể điều trị được nên điều quan trọng là cần phát hiện và báo cho bác sỹ các triệu chứng càng sớm càng tốt.
Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào sau đây hãy liên lạc với bác sĩ địa phương, bác sĩ đa khoa hoặc nhóm bác sĩ điều trị ngay lập tức:
- Đau, da đỏ/thay đổi màu, bắp chân, cẳng chân hoặc đùi nóng lên và sưng
- Chỗ luồn đường truyền hóa chất bị sưng lên, đỏ hoặc mềm, ví dụ ở tay, khu vực ngực hoặc lên tới tận cổ
- Khó thở
- Căng tức ngực
- Ho không giải thích được (có thể ho ra máu)
Hoạt động thể chất
Mặc dù có ít nghiên cứu về lợi ích của tập luyện cho những người ung thư vú di căn phổi, một vài nghiên cứu đã xem xét hiệu quả của tập luyện đối với những người mắc ung thư vú nguyên phát
Các nghiên cứu cho kết quả tích cực và nhiều khả năng những người mắc ung thư vú tái phát có thể có lợi ích tương tự từ tập luyện. Tuy nhiên bạn cần cẩn thận hơn một chút.
Tập luyện đều đặn có thể làm:
- Tăng sự săn chắc cơ thể, sức bền, thể lực ổn định, và linh hoạt
- Kiểm soát cân nặng (khi được kết hợp với chế độ ăn lành mạnh)
- Tăng cường hệ miễn dịch
- Giảm huyết áp
- Giảm mệt mỏi
Những người tập luyện thậm chí nhẹ nhàng trong khi và giữa các đợt điều trị có thể dung nạp điều trị tốt hơn và ít bị đau, ít mệt, giấc ngủ tốt hơn và ít mệt mỏi hơn.
Tập luyện đều đặn là gì?
Hướng dẫn gợi ý “tập luyện đều đặn” nghĩa là 30 phút tập luyện cường độ vừa phải ít nhất năm ngày trong tuần. Lượng tập này ban đầu có thể là nhiều nếu bạn mới tập, nên trước khi bắt đầu tập điều quan trọng là thảo luận với bác sĩ. Bạn có thể bắt đầu nhẹ nhàng và tập tăng dần, không cần 30 phút cùng một lúc. Có nhiều cách để đưa tập luyện thể chất vào trong cuộc sống hàng ngày nên việc tham gia tập gym hoặc tham dự các lớp tập là không cần thiết.
“Cường độ vừa phải” nghĩa là bạn thở gấp hơn, người trở nên ấm hơn và tim đập hơi nhanh hơn thông thường tuy nhiên bạn vẫn có thể nói chuyện và không cần cố công tập quá mạnh.
Tập luyện và ung thư vú di căn phổi
Một số bệnh nhân ung thư vú di căn phổi không có triệu chứng gì, trong khi những người khác thì có các triệu chứng như khó thở, đau, ăn không ngon miệng, mệt và mệt lả. Hoạt động thể chất có thể giúp giảm một số triệu chứng, điều quan trọng là bạn phải lắng nghe cơ thể của mình và không cần tập quá sức. Tập luyện nhẹ nhàng, đều đặn thường có hiệu quả nhất.
Nếu bạn đang điều trị thì nên tập ở mức nhẹ nhàng hơn. Dừng tập ngay nếu như bạn thấy đau hoặc có cảm giác như bạn làm việc quá sức.
Khi chọn bài tập, cố gắng tập trung vào các hoạt động cần nhiều ô xy như đi bộ, bơi lội hoặc đạp xe. Các hoạt động như khiêu vũ hoặc làm vườn cũng có lợi cho sức khỏe. Bạn cũng có thể tập những bài tập nhẹ trên nền nhạc hoặc các bài tập điều hòa cơ thể như căng duỗi cơ thể hoặc các bài tập yoga nhẹ nhàng. Điều quan trọng nhất là chọn bài tập bạn thấy an toàn để tập.
Hỗ trợ và tư vấn thông qua chương trình tập thiết kế riêng có thể có lợi cho những người mắc ung thư vú tái phát. Các chương trình này có mục đích giúp những người người bệnh mãn tính tăng các mức độ hoạt động thể chất, cải thiện sức khỏe và sống khỏe.
Các huấn luyện viên được đào tạo có thể hỗ trợ nếu bạn muốn bắt đầu một hoạt động mới. Điều quan trọng là huấn luyện viên biết rõ về bạn và những thay đổi về sức khỏe của bạn để họ có thể tư vấn cho bạn tập an toàn. Bạn cũng có thể yêu cầu bác sĩ đa khoa gửi bạn tới một chương trình tập phù hợp.
Khó thở, ho, đau, mệt và ăn không ngon miệng có thể là tất cả các triệu chứng của ung thư vú di căn phổi. Các triệu chứng này tương tự như ở bệnh nhân bị bệnh về đường hô hấp mãn tính như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) và hen. Nghiên cứu chỉ ra rằng khi người bị bệnh hô hấp tập luyện đều đặn sẽ thấy dễ thở hơn, thể lực ổn định, thuận lợi trong sinh hoạt hàng ngày và có được chất lượng cuộc sống tốt hơn.
Để tránh hoặc giảm khó thở trong khi tập luyện có rất nhiều cách. Cách thứ nhất, tránh tập trong điều kiện rất lạnh và khô vì sẽ làm phổi của bạn khó nở ra. Nên bơi lội vì bể bơi trong nhà thường ấm và độ ẩm cao. Cách thứ hai, luôn nhớ khởi động làm ấm cơ thể trước khi tập và nâng lượng tập lên từ từ tùy thuộc theo hơi thở và để phổi có thời gian điều chỉnh tương ứng.
Đi bộ cũng có lợi. Tuy nhiên, tốt nhất là đi bộ chỗ nào mà bạn có thể nghỉ nhiều lần giữa các chặng.
Bạn cũng có thể thử bài tập ‘’thở chúm môi’’. Bạn chúm môi lại hít vào và thở ra qua khe hẹp của hai môi. Bài tập này giúp giải áp, giúp phổi nở ra và co lại.
Sống chung với ung thư vú di căn phổi
Khi biết rằng ung thư đã lan tới phổi có thể xảy ra hàng loạt biến động cảm xúc. Có thể có lúc bạn cảm thấy rất cô độc hoặc bị chế ngự bởi sự sợ hãi, bất an, buồn bã, không chắc chắn, trầm cảm hoặc giận dữ.
Bạn có thể đối diện với những cảm xúc thăng trầm này một mình hoặc có thể được những người thân động viên giúp vượt qua. Một số người muốn được hỗ trợ từ những người có chuyên môn – bạn có thể nói chuyện với điều dưỡng, điều dưỡng chăm sóc giảm nhẹ hoặc các điều dưỡng chuyên chăm sóc tại nhà. Họ có hiểu biết rộng về những yêu cầu cụ thể của bệnh nhân ung thư di căn và biết cách khuyên làm thế nào đối diện và chấp nhận kết quả chẩn đoán bệnh. Họ cũng có kiến thức chuyên gia trong việc giúp kiểm soát đau và các triệu chứng và có thể bố trí cho bạn nói chuyện với nhân viên tư vấn hoặc một chuyên gia tâm lý.
Tài liệu tham khảo
https://breastcancernow.org/sites/default/files/publications/pdf/bcc40_secondary_breast_cancer_in_the_lungs_2020_web_0.pdf