Người dịch: Hoàng Thu Hà
Hiệu đính: ThS.BS. Lê Công Định – Bệnh viện Ung bướu Hà Nội
Giới thiệu
Đau vú là hiện tượng rất phổ biến ở phụ nữ ở mọi lứa tuổi.
Đau vú có thể gây lo lắng và nhiều phụ nữ lo ngại rằng họ có thể bị ung thư vú. Đau vú có thể do một số nguyên nhân, tuy nhiên trên thực tế bản thân đau vú lại thường không phải là dấu hiệu của ung thư vú. Bị đau vú cũng không làm tăng nguy cơ ung thư vú.
Chúng tôi hy vọng thông tin này giúp bạn hiểu thêm về đau vú và các phương pháp có thể áp dụng để điều trị đau vú.
Phân loại đau vú
Đau vú được chia thành ba loại:
- Đau vú theo chu kỳ – đau là một phần của chu kỳ kinh nguyệt bình thường của phụ nữ.
- Đau vú không theo chu kỳ – đau kéo dài ở vú không liên quan tới chu kỳ kinh nguyệt.
- Đau thành ngực – đau cảm giác như là đau ở vú nhưng thực chất là đau ở vị trí khác bên ngoài tuyến vú.
Đau vú theo chu kỳ
Đau vú chu kỳ liên quan tới thay đổi mức độ nội tiết trong chu kỳ kinh.
Thay đổi nội tiết làm cho mô vú nhạy cảm hơn, do vậy có thể gây đau. Khoảng hai phần ba số phụ nữ gặp phải hiện tượng đau vú theo chu kỳ kinh nguyệt.
Nhiều phụ nữ cảm thấy khó chịu và nổi cục ở cả hai vú trong một tuần hoặc lâu hơn trước kỳ kinh nguyệt. Mức độ đau có thể thay đổi từ đau nhẹ tới đau nhiều và cũng có thể đau tăng lên khi chạm vào hoặc sờ nắn.
Trong một số trường hợp bạn có thể có cảm giác tức nặng ở ngực, đau khi chạm vào, bỏng rát, hoặc cảm giác như kiến bò, kim châm. Đau thường ở cả hai vú nhưng cũng có thể chỉ ở một bên vú. Đau đôi khi có thể lan tới nách, lan xuống cánh tay và cho tới xương bả vai.
Đau vú chu kỳ thường hết khi bắt đầu có kinh nguyệt. Ở một số phụ nữ, đau vú chu kỳ có thể tự hết, nhưng thông thường sẽ bị đau lại ở chu kỳ sau.
Đau vú chu kỳ sẽ hết khi mãn kinh. Tuy nhiên phụ nữ dùng liệu pháp thay thế nội tiết (HRT) sau mãn kinh thì vẫn có thể bị đau vú theo cơ chế này.
Đau vú chu kỳ cũng có thể liên quan tới việc bắt đầu uống thuốc tránh thai hoặc thay đổi thuốc tránh thai có chứa chất nội tiết.
Đau vú không theo chu kỳ
Đau vú không theo chu kỳ là đau vú không liên quan tới chu kỳ kinh nguyệt.
Nguyên nhân thực sự của đau vú không theo chu kỳ vẫn chưa được biết rõ, nhưng có thể liên quan tới:
- Tổn thương vú lành tính (không phải ung thư).
- Tiền sử phẫu thuật vú.
- Tiền sử chấn thương vú.
- Tuyến vú quá to.
- Tác dụng phụ của điều trị thuốc như các thuốc chống trầm cảm hoặc một số loại thảo dược như nhân sâm.
- Ngoài ra stress và lo âu cũng có liên có liên quan tới đau vú.
Đau vú không theo chu kỳ có thể liên tục hoặc có thể đau rồi lại hết. Nó có thể có ở phụ nữ trước và sau mãn kinh.
Đau có thể ở một hoặc cả hai vú, và có thể đau toàn bộ vú hoặc chỉ một vùng nhất định. Đau có thể là cảm giác bỏng rát, cảm giác như có kiến bò hoặc kim châm, hoặc cảm giác tức nặng ở ngực.
Đau vú không theo chu kỳ gặp ở khoảng một nửa số phụ nữ và thông thường đau sẽ giảm dần hoặc tự hết theo thời gian.
Đau thành ngực
Tuyến vú nằm trên thành ngực, do vậy đau thành ngực nhiều khi có cảm giác là đau xuất phát từ vú, nhưng thực chất là đau từ một vị trí khác của thành ngực (đau ngoài vú).
Đau thành ngực có thể có nhiều nguyên nhân, gồm:
- Co cứng cơ ở thành ngực.
- Viêm quanh xương sườn do hiên tượng viêm sụn sườn hay hội chứng Tietze.
- Do bệnh lý bên trong như: đau thắt ngực hoặc sỏi mật.
Đau có thể chỉ ở một bên, ở một vị trí cụ thể hoặc ở đau cả một vùng. Đau có thể là cảm giác bỏng rát hoặc đau nhói, có thể lan tới cánh tay và có thể đau tăng lên khi vận động. Một số người có cảm giác đau tức như có vật nặng đè lên ngực.
Chẩn đoán
Để chẩn đoán, bác sỹ sẽ yêu cầu khám vú hỏi các câu hỏi liên quan tới hiện tượng đau vú của bạn như thời gian bắt đầu xuất hiện, kiểu đau mà bạn gặp phải và mức độ thường xuyên của đau. Để đánh giá tình trạng đau vú kéo dài bao lâu, mức độ đau, liên quan tới chu kỳ kinh nguyệt hay không, bác sĩ có thể yêu cầu bạn điền vào một bản mô tả đau đơn giản (như là bản mẫu ở trang cuối).
Trong khi khám nếu bác sỹ nghi ngờ đau vú của bạn là đau không theo chu kỳ hoặc đau thành ngực, họ có thể yêu cầu bạn ngả người về phía trước trong khi đang khám, để giúp họ đánh giá liệu đau là ở bên trong vú hay ở thành ngực.
Nếu nghi ngờ, bác sĩ có thể giới thiệu bạn tới bệnh viện chuyên khoa hoặc phòng khám chuyên khoa vú, tại đó bạn sẽ được bác sĩ, điều dưỡng chuyên khoa khám để đánh giá chi tiết hơn.
Điều trị đau theo chu kỳ và không theo chu kỳ
Nếu cần điều trị, các lựa chọn để điều trị đau theo chu kỳ và không theo chu kỳ thường là giống nhau. Tuy nhiên điều trị đau không theo chu kỳ không phải lúc nào cũng dễ dàng.
Nếu bạn bị đau theo chu kỳ, bác sĩ có thể khẳng định với bạn rằng điều bạn đang trải qua là một phần bình thường của chu kỳ kinh nguyệt.
Thay đổi chế độ ăn và lối sống
Chế độ ăn
Bác sĩ có thể đưa ra gợi ý cho bạn về một số chế độ ăn có thể có tác dụng làm giảm đau vú mặc dù chưa có nhiều bằng chứng về hiệu quả, bao gồm chế độ ăn ít chất béo và tăng lượng chất xơ.
Áo ngực vừa vặn
Mặc một áo ngực vừa vặn, thoải mái trong ngày, trong khi hoạt động thể chất và ban đêm có thể giúp bạn đỡ đau. Để có thêm thông tin để nghị đọc Hướng dẫn chọn áo ngực vừa vặn.
Thư giãn và các liệu pháp hỗ trợ
Một số phụ nữ thấy liệu pháp thư giãn là hữu ích trong việc làm giảm các triệu chứng đau vú theo chu kỳ, như là nghe các đĩa CD hoặc các ứng dụng thư giãn, hoặc các liệu pháp hỗ trợ khác như là châm cứu hoặc liệu pháp hương thơm.
Tránh thai
Nếu đau bắt đầu khi bạn bắt đầu uống thuốc tránh thai, thì đổi sang loại khác có thể giúp bạn đỡ đau. Nếu vẫn còn đau thì bạn có thể cố gắng dùng phương pháp tránh thai không chất nội tiết như là bao cao su, vòng tránh thai không có chất nội tiết (gọi là vòng tránh thai đồng hoặc IUD) hoặc mũ chắn âm đạo (màng chắn).
Liệu pháp thay thế nội tiết (HRT)
Nếu đau vú xuất hiện và/hoặc tăng lên trong khi uống thuốc nội tiết thay thế và không giảm sau thời gian ngắn thì hãy thông báo với bác sỹ của bạn.
Tinh dầu hoa anh thảo hoặc tinh dầu hoa lưu ly
Có bằng chứng rằng nồng độ thấp một axit béo được gọi là GLA có thể góp phần làm giảm đau vú theo chu kỳ. Mặc dù nghiên cứu đã chỉ ra rằng bổ sung GLA thường không giúp giảm đau, tuy nhiên bác sĩ có thể gợi ý cho bạn dùng thử tinh dầu hoa anh thảo hoặc tinh dầu hoa lưu ly (có chứa GLA) do một số phụ nữ đã thấy rằng tinh dầu này nói chung là giúp họ cảm thấy tốt hơn. Bác sĩ sẽ nói cho bạn biết nên dùng bao nhiêu và trong bao lâu.
Tinh dầu hoa anh thảo thường không gây bất kỳ tác dụng phụ nào, nhưng một vài người có thể cảm thấy mệt, đau dạ dày hoạc bị đau đầu. Tốt nhất là không dùng nếu bạn đang mang thai hoặc cố gắng để có thai. Những người có tiền sử bị động kinh thường được tư vấn không dùng tinh dầu hoa anh thảo hoặc tinh dầu hoa lưu ly.
Giảm đau
Nghiên cứu đã cho thấy rằng thuốc giảm đau kháng viêm không steroid như ibuprofen có thể giúp giảm đau vú, nhất là đau không theo chu kỳ.
Loại thuốc giảm đau này có thể được bôi trực tiếp vào vùng da tương ứng vùng bị đau dưới dạng gel hoặc có dạng viên để uống.
Trước khi dùng loại thuốc giảm đau này bạn cần được đánh giá và được tư vấn từ bác sĩ về liều dùng, dùng thuốc trong bao lâu và các tác dụng phụ có thể xảy ra, đặc biệt nếu bạn bị hen phế quản, loét dạ dày hoặc có bất kỳ bất thường nào liên quan tới thận.
Paracetamol cũng có thể được dùng trong giảm đau vú, cùng với hoặc không cùng với thuốc giảm đau kháng viêm.
Thuốc nội tiết
Nếu đau nhiều, kéo dài và không đỡ khi dùng bất kỳ lựa chọn nào đã được nói trên thì bác sĩ có thể xem xét chỉ định viên thuốc ức chế nội tiết.
Các thuốc được dùng phổ biến để điều trị đau vú là:
- Danazol
- Tamoxifen
Các thuốc này có tác dụng phụ, nên chỉ được khuyến nghị sau khi thảo luận về các lợi ích và nguy cơ có thể.
Nếu bạn được kê đơn dùng một trong hai thuốc này thì bác sĩ chuyên khoa sẽ nói cho bạn biết liều và uống trong bao lâu.
Có một số nghiên cứu chứng minh rằng phụ nữ trẻ hơn có thể hưởng lợi từ điều trị các thuốc này trong thời gian ngắn và có thể lặp lại khi cần, trong khi phụ nữ lớn tuổi hơn sắp hoặc đang trải qua mãn kinh có thể hưởng lợi từ điều trị dài hơn.
Danazol
Danazol hoạt động bằng cách chặn hooc-môn được sinh ra trong chu kỳ kinh nguyệt
Các tác dụng phụ của thuốc gồm:
- Làm dừng kinh nguyệt (vô kinh)
- Lên cân
- Nổi mụn trên mặt
- Mọc lông trên mặt
- Thay đổi giọng nói
Tuy nhiên bạn có thể không bị tác dụng phụ nào cả.
Tamoxifen
Tamoxifen không được cấp phép để điều trị đau vú mà thường được dùng phổ biến để điều trị ung thư vú. Tuy nhiên nghiên cứu đã cho thấy rằng nó cũng có hiệu quả trong điều trị đau vú theo chu kỳ nên đôi khi được dùng để điều trị đau vú.
Tamoxifen chữa bệnh bằng cách chặn chất nội tiết estrogen.
Các tác dụng phụ của tamoxifen có thể gồm:
- Bốc hỏa
- Ra mồ hôi ban đêm
- Thay đổi tâm tính
Điều trị đau thành ngực
Điều trị đau thành ngực sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây đau.
Người ta thấy rằng nếu đau vú là do hiện tượng cơ ngực bị kéo gây ra thì nhiều khả năng triệu chứng đau sẽ bớt dần theo thời gian và có thể điều trị bằng thuốc giảm đau.
Đau thành ngực cũng có thể ảnh hưởng tới khu vực dưới cánh tay và ra tới phía trước ngực, và có thể là do:
- Viêm sụn sườn – viêm khớp sụn sườn (khớp nối giữa sụn sườn và xương ức).
- Hội chứng Tietze – vẫn là viêm khớp sụn sườn nhưng có dấu hiệu đặc trưng là sưng khớp.
Bác sĩ đa khoa hoặc bác sĩ chuyên khoa có thể nói rằng nếu là viêm sưng sụn sườn thì thường sẽ đau nếu ép lên chỗ viêm (khớp ức-sườn). Đôi khi chứng viêm này có thể khiến bạn cảm thấy tương tự như đau tim với cảm giác như bị bóp nghẹt ở ngực, đau dữ dội, đau nhói. Đau cũng có thể lan xuống tới cánh tay và có thể tệ hơn khi bạn di chuyển.
Bạn có thể thấy đỡ đau khi nghỉ ngơi và tránh di chuyển đột ngột làm tăng đau. Thuốc giảm đau như là paracetamol hoặc thuốc kháng viên không steroid như là ibuprofen (dạng kem, gel hoặc viên nén) có thể giảm đau.
Bác sĩ chuyên khoa có thể gợi ý tiêm vào khu vực đau thuốc tê tại chỗ và thuốc chống viêm steroid.
Hút thuốc lá có thể làm cho tình trạng viêm tệ hơn, do vậy bạn có thể thấy đau ít đi nếu bạn giảm hút thuốc hoặc dừng hút thuốc.
Đau do các bệnh lý bên trong gây ra như là đau thắt ngực (bóp chẹt cả ngực) hoặc sỏi mật có thể nhầm với đau vú. Bác sĩ đa khoa hoặc bác sĩ chuyên khoa sẽ tư vấn cho bạn về điều trị cụ thể.
Ứng phó với đau vú
Đau vú có thể gây ra cảm giác rất khó chịu và nhiều phụ nữ lo lắng rằng họ có thể bị ung thư vú. Trong khi đó hầu hết các trường hợp đau vú là kết quả của những thay đổi bình thường xảy ra ở vú.
Mặc dù bạn có thể được thông báo rằng đau vú là bình thường và bạn không bị ung thư vú, tuy nhiên đau vú thường vẫn còn tồn tại và khiến bạn lo lắng, đặc biệt khi bác sĩ chuyên khoa không thể nói cho bạn nguyên nhân chính xác của đau vú.
Phụ nữ bị đau vú có thể có nhiều trạng thái cảm xúc khác nhau gồm sợ hãi, thất vọng, hoặc vô vọng. Do vậy, mặc dù việc hiểu thêm về đau vú sẽ không chữa khỏi bệnh, nhưng những kiến thức bạn có được sẽ giúp bạn chủ động kiểm soát cuộc sống của bạn tốt hơn.
Việc bị đau vú mức độ nhiều và kéo dài có thể ảnh hưởng tới hoạt động hàng ngày của người phụ nữ, có thể gây lo lắng, thậm chí có thể gây trầm cảm. Tuy nhiên không phải hầu hết phụ nữ đều bị như vậy và vấn đề đau vú có thể được quản lý thông qua sự trợ giúp của bác sỹ.
Bị đau vú không làm tăng nguy cơ bị ung thư vú. Tuy nhiên điều quan trọng bạn cần nhớ là cần đi khám lại bác sĩ đau tăng lên hoặc nhận thấy những thay đổi khác ở vú.
Bảng ghi nhận đau vú
Bảng này được thiết kế nhằm giúp bạn và bác sĩ hoặc điều dưỡng biết khi nào đau vú xảy ra.
Ghi lại cường độ đau vú mà bạn trải qua mỗi ngày bằng cách tô/gạch vào mỗi ô như được chỉ ra. Ví dụ, nếu bạn bị đau vú nhiều vào ngày thứ 5 của tháng thì tô hết cả ô vuông dưới số 5.
Đối với phụ nữ tiền mãn kinh, ghi lại ngày hành kinh bắt đầu mỗi tháng.
Tài liệu tham khảo
https://breastcancernow.org/sites/default/files/publications/pdf/bcc71_breast_pain_2018.pdf