Hướng dẫn cho các bậc cha mẹ: Các phương pháp điều trị ung thư và tác dụng phụ

(3.83) - 16 đánh giá

“Bác sĩ ung thư đã đồng hành cùng gia đình vượt qua thời gian điều trị ung thư cho con gái của chúng tôi. Anh ấy đã giải đáp các câu hỏi của chúng tôi và giúp cô bé hiểu những điều sẽ xảy ra khi điều trị. Con gái của chúng tôi được chăm sóc chu đáo và chuyên nghiệp. Điều này mang lại hy vọng cho chúng tôi.”

Ngày nay các phương pháp điều trị ung thư giúp trẻ kéo dài thời gian sống và khỏe mạnh hơn bao giờ hết. Phần này cung cấp thông tin về kế hoạch điều trị, tác dụng phụ và Các câu hỏi về điều trị ung thư cho trẻ em

Thông tin về các phương pháp điều trị này sẽ được nhắc đến ở các phần tiếp theo:

  • Thông tin về hóa trị
  • Thông tin về xạ trị
  • Thông tin về ghép tủy xương và ghép tế bào gốc từ máu ngoại vi
  • Thông tin phẫu thuật
  • Thông tin về liệu pháp miễn dịch
  • Thông tin về liệu pháp điều trị trúng đích

Kế hoạch điều trị

Phương pháp điều trị trẻ nhận được tùy thuộc vào loại và sự tiến triển của ung thư. Ngoài ra, còn dựa vào các yếu tố khác như tuổi và tình trạng sức khỏe hiện tại của trẻ. Sau khi xem xét chi tiết kế hoạch điều trị, bác sĩ sẽ giải thích cho bạn và trẻ. Những hình ảnh, video hoặc đồ họa thường được sử dụng để giải thích cơ chế điều trị và những điều sẽ xảy ra sau điều trị.

Bạn sẽ nhận được một bản sao kế hoạch điều trị với thông tin về:

  • Mục tiêu và phương pháp điều trị
  • Tần suất điều trị
  • Thời gian điều trị
  • Các thủ thuật và xét nghiệm cần thực hiện trước, trong và sau khi điều trị
  • Tác dụng phụ có thể có của điều trị
  • Thông tin liên lạc của những nhân viên y tế chủ chốt trong nhóm chăm sóc sức khỏe

Tác dụng phụ

Nhóm chăm sóc sức khỏe sẽ giải thích tác dụng phụ và cách giải quyết chúng. Tác dụng phụ xảy ra khi điều trị làm tổn thương các mô hoặc cơ quan khỏe mạnh. Một số phương pháp điều trị ít gây tác dụng phụ, một số phương phác khác có thể xảy ra tác dụng phụ nghiêm trọng. Bác sĩ sẽ lên kế hoạch điều trị để càng có ít tác dụng phụ xảy ra càng tốt. Tác dụng phụ thay đổi tùy theo trẻ, ngay cả với những trẻ được điều trị giống nhau. Không phải đứa trẻ nào cũng sẽ gặp phải tất cả các tác dụng phụ của một phương pháp điều trị cụ thể, có một số trẻ ít gặp tác dụng phụ.

Bảo tồn khả năng sinh sản

Tham khảo thông tin từ bác sĩ về ảnh hưởng của điều trị đến khả năng sinh sản của trẻ trong tương lai. Nếu bác sĩ tiên đoán điều trị có thể gây ảnh hưởng, tốt hơn là cần trao đổi với chuyên gia bảo tồn khả năng sinh sản trước khi bắt đầu điều trị. Hãy nhớ rằng việc trì hoãn điều trị để lựa chọn bảo tồn sinh sản không phải lúc nào cũng được khuyến khích. Tuy nhiên, thảo luận với bác sĩ về ảnh hưởng của điều trị đối với khả năng sinh sản của trẻ trước khi bắt đầu điều trị vẫn rất quan trọng.

Tuổi và giới tính của trẻ sẽ quyết định thủ thuật được thực hiện để bảo tồn khả năng sinh sản. Một số phương pháp điều trị được liệt kê dưới đây đang là thực nghiệm và vẫn đang được phân tích trong các thử nghiệm lâm sàng.

Phương pháp bảo tồn khả năng sinh sản cho bé gái

Bao gồm che chắn buồng trứng trong quá trình xạ trị. Đối với những bé gái đã dậy thì, trứng có thể được làm lạnh (bảo quản đông lạnh trứng) trước khi điều trị. Đối với những bé gái chưa dậy thì, khả năng đông lạnh mô buồng trứng (bảo quản đông lạnh mô buồng trứng) trước khi điều trị đang được nghiên cứu trong các thử nghiệm lâm sàng.

Xem thêm bài viết Bảo vệ khả năng sinh sản ở bệnh nhi nữ mắc ung thư

Phương pháp bảo tồn khả năng sinh sản cho bé trai

Bao gồm che chắn tinh hoàn trong quá trình xạ trị, dự trữ tinh trùng cho những cậu bé đã dậy thì và lấy tinh trùng và mô tinh hoàn bằng phẫu thuật xẻ tinh hoàn rồi bảo quản lạnh với những bé trai chưa đến tuổi dậy thì. Lấy tinh trùng và mô tinh hoàn bằng phẫu thuật xẻ tinh hoàn và bảo quản lạnh (còn được gọi là đông lạnh) đang được nghiên cứu trong các thử nghiệm lâm sàng.

Xem thêm bài viết Bảo vệ khả năng sinh sản ở trẻ nam mắc ung thư

Để biết thêm thông tin về bảo tồn sinh sản hoặc tìm kiếm một trung tâm bảo tồn sinh sản gần nhất, hãy gọi cho FERTLINE theo số (1-866-708-3378) hoặc truy cập Oncofertility Consortium®.

“Mặc dù chúng tôi chưa suy nghĩ đến khả năng sinh sản của con gái nhưng bác sĩ đã tư vấn về ảnh hưởng có thể có do điều trị đến khả năng mang thai của cô bé vào một ngày nào đó. Tôi mừng vì bác sĩ đã cho chúng tôi biết điều này.”

Câu hỏi về điều trị ung thư cho trẻ

Về điều trị loại ung thư này

  • Những phương pháp điều trị nào có sẵn cho loại ung thư con tôi mắc phải?
  • Bạn đề nghị phương pháp điều trị nào cho con trẻ? Tại sao?
  • Mục tiêu của phương pháp điều trị này là gì?
  • Điều trị sẽ được diễn ra như thế nào? Điều gì xảy ra trong một buổi điều trị?
  • Cơ chế của phương pháp điều trị này?
  • Những nguy cơ của phương pháp điều trị này là gì?
  • Các bước tiếp theo nếu trẻ không đáp ứng với điều trị này?
  • Tỷ lệ trẻ em đã được cứu chữa nhờ vào phương pháp điều trị này?

Về kế hoạch điều trị

  • Trẻ sẽ được điều trị bao lâu một lần? Mỗi lần sẽ kéo dài bao lâu?
  • Điều trị được diễn ra ở đâu? Ví dụ, trẻ sẽ được điều trị nội trú hay ngoại trú? Có cần thiết phải ở lại bệnh viện?
  • Trẻ sẽ được điều trị bao nhiêu lần? Toàn bộ kế hoạch điều trị sẽ kéo dài bao lâu?

Về tác dụng phụ và các dịch vụ hỗ trợ

  • Làm cách nào để trẻ vượt qua ảnh hưởng thể chất và tinh thần của phương pháp điều trị này?
  • Có chăm sóc hỗ trợ và luyện tập bổ sung (như liệu pháp âm nhạc, châm cứu, vật lý trị liệu và hình ảnh hướng dẫn) giúp trẻ cải thiện hơn không?
  • Những tác dụng phụ có thể xảy ra trong quá trình điều trị? Những tác dụng phụ này sẽ kéo dài bao lâu?
  • Nhóm chăm sóc sức khỏe sẽ tác động như thế nào để giảm các tác dụng phụ này? Tôi có thể làm gì để giúp trẻ cảm thấy tốt hơn?
  • Những tác dụng phụ vĩnh viễn hoặc lâu dài có thể xảy ra sau khi điều trị kết thúc?
  • Khả năng sinh sản của trẻ có bị ảnh hưởng không? Các giải pháp để bảo tồn khả năng sinh sản cho trẻ là gì?

Đưa ra quyết định

  • Khi nào chúng tôi cần lựa chọn phương pháp điều trị?
  • Khi nào trẻ cần bắt đầu điều trị?
  • Trẻ nên làm những thủ thuật gì trước khi bắt đầu điều trị, ví dụ trẻ có nên đi khám răng không? Trẻ và những người thân khác trong gia đình có nên chích ngừa hoặc tránh loại vắc-xin nào không?

Tài liệu liên quan

  • Tóm tắt điều trị ung thư ở trẻ em (PDQ®)
  • Bảo tồn khả năng sinh sản ở trẻ em bị ung thư (ASCO)
  • Hiệp hội Oncofertility®
  • Tác dụng phụ

Hóa trị

“Điều dưỡng đã giúp cô bé vượt qua hóa trị bằng việc luôn tươi cười hỏi cô bé mong muốn gì.”

Cơ chế của hóa trị

Hóa trị là điều trị bằng thuốc để ngăn chặn hoặc làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư. Cơ chế của hóa trị là phá hủy các tế bào đang trong quá trình phân chia. Hầu hết các tế bào ung thư đều phân chia nhanh, vì vậy chúng là những tế bào có khả năng bị tiêu diệt nhiều nhất bởi hóa trị. Tuy nhiên, một số loại tế bào khỏe mạnh cũng phân chia nhanh chóng, điều đó có nghĩa là chúng cũng có thể bị hóa trị phá hủy. Hầu hết các loại thuốc hóa trị đều thông qua đường máu, vì vậy hóa chất sẽ đến tất cả các tế bào trên khắp cơ thể.

Hóa trị được tiến hành như thế nào

Các đường dùng phổ biến nhất của hóa trị:

  • Đường tĩnh mạch (IV)
  • Dưới dạng thuốc viên, viên nang hoặc chất lỏng (hóa trị bằng đường uống)

Hóa trị cũng có thể được dùng thông qua các đường khác:

  • Tiêm bắp, dưới da hoặc bộ phận khác của cơ thể
  • Dưới dạng kem bôi da (hóa trị tại chỗ)

Xem thêm bài viết Kiến thức cơ bản về hóa trị

Hóa trị chia thành nhiều chu kỳ. Một chu kỳ bao gồm một khoảng thời gian điều trị và sau đó là khoảng thời gian nghỉ ngơi (không điều trị). Thời gian nghỉ ngơi giúp cơ thể trẻ sản sinh các tế bào khỏe mạnh. Ví dụ, trẻ được hóa trị trong 5 ngày liên tiếp, sau đó nghỉ ngơi trong 10 ngày (đó là một chu kỳ).

Thông tin bổ sung về hóa trị thông qua đường tĩnh mạch

Nếu trẻ được hóa trị bằng đường tĩnh mạch, có thể phải đưa ống thông tĩnh mạch vào cơ thể. Ống thông tĩnh mạch là một ống mỏng, dẻo được sử dụng để đưa thuốc và hóa chất vào, truyền máu, truyền dịch và lấy mẫu máu.

Các loại ống thông tĩnh mạch bao gồm:

  • Buồng tiêm tĩnh mạch dưới da (cổng được cấy dưới da). Loại ống thông tĩnh mạch này là một đĩa hình tròn nhỏ làm bằng nhựa hoặc kim loại với silicon ở giữa. Trẻ sẽ được phẫu thuật đặt ống thông tĩnh mạch dưới da vùng ngực. Trong thời gian làm thủ thuật này, trẻ được gây mê toàn thân hoặc an thần tại chỗ. Cổng được nối với một ống thông đến một tĩnh mạch lớn trong ngực. Hóa chất được truyền qua kim vào bên trong cổng. Một loại kem gây tê được bôi lên da trước đó. Rút kim ra sau khi đưa các thuốc vào. Loại ống thông này nằm bên trong cơ thể của trẻ, vì vậy nó không cần phải chăm sóc đặc biệt khi tắm. Ống thông tĩnh mạch này được phép đặt trong một thời gian dài, nguy cơ nhiễm trùng hay hình thành cục máu đông thấp hơn so các loại ống thông khác.
  • Ống thông tĩnh mạch trung tâm (ống thông luồn).

Loại ống thông tĩnh mạch này là một ống mỏng, dẻo, qua phẫu thuật ống thông được đặt vào ngực qua một đường rạch, sau đó luồn dưới da đến một tĩnh mạch lớn gần tim hoặc vào tâm nhĩ phải. Một phần của ống thông nằm bên ngoài cơ thể được dán vào ngực để đưa hóa chất vào, vì vậy không cần có kim tiêm. Loại ống thông này được phép đặt tại chỗ trong một thời gian dài. Nó cần được vệ sinh hằng ngày. Tránh kéo ra hoặc làm ướt nó. Nguy cơ nhiễm trùng và hình thành cục máu đông của loại ống thông này tương đối thấp.

  • Ống thông tĩnh mạch trung tâm từ ngoại biên (PICC).

Loại ống thông tĩnh mạch này là một ống mỏng, dẻo được đặt vào phần trên của tĩnh mạch cánh tay, và được đưa vào một tĩnh mạch lớn gần tim. Loại này có thể đặt bởi một điều dưỡng và không cần phẫu thuật. Một phần của ống thông nằm ngoài cơ thể được dán vào da trên cánh tay để đưa hóa chất vào. Loại ống thông này tránh việc chọc kim lặp đi lặp lại và có thể đặt tại chỗ trong một thời gian dài. Nó cần được vệ sinh hằng ngày. Tránh kéo ra hoặc làm ướt nó. Nguy cơ nhiễm trùng và hình thành cục máu đông của loại ống thông này tương đối thấp.

Các loại ống thông tĩnh mạch này có thể sử dụng cho hóa trị, cũng như đưa các loại thuốc khác vào, lấy máu và truyền máu.

Tác dụng phụ của hóa trị

Hóa trị phá hủy các tế bào phát triển và phân chia nhanh. Ngoài các tế bào ung thư, một số tế bào khỏe mạnh khác cũng phát triển và phân chia nhanh chóng như các tế bào lót niêm mạc miệng và dạ dày, các tế bào mầm tóc. Đôi khi hóa trị có thể làm chậm lại hoặc làm tổn thương các tế bào tạo máu trong tủy xương. Tổn thương các tế bào khỏe mạnh gây ra tác dụng phụ. Tác dụng phụ thay đổi tùy vào loại hóa chất điều trị.

  • Các tác dụng phụ thường gặp của hóa trị bao gồm mệt mỏi, buồn nôn, tiêu chảy, loét miệng, rụng tóc, thiếu máu và tăng nguy cơ nhiễm trùng. Bạn có thể tìm thấy những lời khuyên thiết thực trong Danh sách tác dụng phụ của hóa trị, nó hữu ích khi bạn nói với điều dưỡng của trẻ để tìm hiểu thêm.
  • Tác dụng muộn là những vấn đề có thể xảy ra nhiều tháng hoặc nhiều năm sau điều trị. Bạn hãy tham khảo thông tin về các tác dụng muộn có thể xảy ra đối với loại điều trị của trẻ từ bác sĩ. Tìm hiểu thêm trong phần Tác dụng muộn và dài hạn.

Biện pháp phòng ngừa đặc biệt cần thực hiện

“John đang được điều trị với một loại hóa chất vì vậy rất quan trọng cần có biện pháp phòng ngừa an toàn tại nhà. Điều dưỡng đã dặn dò kỹ lưỡng những chỉ dẫn như mang bao tay vào một số thời điểm và giặt riêng những tấm khăn trải giường. Hãy chắc chắn là bạn đã nắm rõ những chỉ dẫn của điều dưỡng và luôn cất những chỉ dẫn đó ở nơi dễ dàng tiếp cận được.”

Nhiều loại hóa chất có hại cho người khỏe mạnh. Bạn cần phải thận trọng nếu trẻ được hóa trị tại nhà. Thảo luận với bác sĩ về điều này và các biện pháp phòng ngừa khác cần phải thực hiện.

  • Cẩn thận không chạm vào:
    • Thuốc hóa trị dùng đường uống (như thuốc viên, viên nang hoặc chất lỏng)
    • Dịch tiết cơ thể (như chất nôn, nước tiểu, phân hoặc máu) của trẻ
    • Vật dụng dính thuốc hóa trị hoặc dịch tiết cơ thể như quần áo hoặc khăn trải giường
  • Đeo găng tay nếu bạn tiếp xúc với các vật dụng bẩn hoặc dịch tiết cơ thể.
  • Rửa các vật dụng bẩn (như mặt bàn, khăn trải giường hoặc xô) bằng xà phòng và nước nóng.
  • Giặt những đồ bẩn còn lại bằng máy giặt. Nếu bạn không thể giặt những đồ bẩn, đặt chúng trong một túi nhựa kín. Giặt đồ bẩn với chế độ nước nóng của máy giặt, giặt 2 lần.
  • Bọc 2 lần túi với tất cả các vật dụng bỏ đi, như găng tay đã qua sử dụng. Hỏi điều dưỡng cách xử lý các vật dụng bẩn. Bạn cần bỏ chúng vào túi đựng chất thải đặc biệt hoặc thùng chứa được đánh dấu “nguy hiểm” và đem tới bệnh viện để xử lý.

Câu hỏi về phòng ngừa an toàn

Thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết để giữ an toàn:

  • Khi chăm sóc con tôi cần chú ý và thận trọng điều gì?
  • Tôi nên tránh chạm vào hoặc tiếp xúc với những gì? Trong bao lâu?
  • Tôi nên xử lý các vật dụng bẩn như thế nào?
  • Tôi nên làm gì nếu chạm vào đồ bẩn hoặc dịch tiết cơ thể của trẻ?
  • Những vấn đề hoặc tình huống nào khác tôi nên gọi cho bạn?

Chuẩn bị hóa trị bằng đường uống

  • Tôi nên giữ và bảo quản thuốc hóa trị ở đâu?
  • Tôi có nên đeo khẩu trang hoặc găng tay khi cầm các loại thuốc này không?
  • Những loại thuốc này có cần dùng thường xuyên cho trẻ không? Tôi nên làm gì nếu trẻ nôn?
  • Có nên uống thuốc cùng thức ăn không?
  • Có nên nuốt cả viên thuốc hay có thể nghiền nát? Nếu có thể nghiền nát, tôi nên dùng vật gì?
  • Cách làm sạch đồ dùng, mặt bàn và các vật dụng khác như thế nào?
  • Tôi nên dùng biện pháp phòng ngừa nào khác?

Tài liệu liên quan

  • Hóa chất, sự điên rồ và thoải mái, Cuốn sách của tôi về bệnh ung thư ở trẻ em (ACCO)
  • Hóa trị
  • Tác dụng phụ

Xạ trị

“Con của chúng tôi là một đứa trẻ hiếu kì. Cậu bé luôn có nhiều câu hỏi. Cậu bé muốn biết ‘Chuyện gì sẽ xảy ra ngày hôm nay?’ và ‘Nó sẽ xảy ra như thế nào?’. Thảo luận với chuyên gia đời sống trẻ em sẽ giúp ích cho bạn. Hãy cùng nhau nghiên cứu về cách điều trị.”

Cơ chế của liệu pháp xạ trị

Xạ trị sử dụng tia xạ năng lượng cao để phá hủy các tế bào ung thư và thu nhỏ khối u. Xạ trị ngoài là loại được sử dụng phổ biến nhất trong điều trị ung thư trẻ em. Các loại khác bao gồm xạ trị trong và xạ trị hệ thống.

Xạ trị được thực hiện như thế nào

  • Xạ trị ngoài sử dụng thiết bị tập trung tia xạ vào khối u. Tấm chắn bằng chì được sử dụng để bảo vệ các bộ phận của cơ thể tránh khỏi bức xạ. Trẻ nhỏ có thể được kê thêm thuốc giúp thư giãn, giữ yên hoặc ngủ trong khi điều trị. Thiết bị cung cấp tia xạ lớn và ồn, nó sẽ xoay xung quanh, nhưng sẽ không chạm vào trẻ. Loại xạ trị này được thực hiện hàng ngày trong vài tuần. Mặc dù một buổi điều trị có thể kéo dài từ 30 phút đến 1 giờ nhưng phần lớn thời gian dành cho việc đặt trẻ đúng vị trí. Trẻ chỉ nhận được tia xạ từ 1 đến 5 phút trong mỗi lần điều trị.
  • Xạ trị trong (cận xạ trị) sử dụng nguồn phóng xạ ở dạng hạt, dải hoặc sợi. Nguồn phóng xạ được đặt bên trong cơ thể gần các tế bào ung thư và để tại chỗ trong vài phút, vài giờ hoặc vài ngày tùy thuộc vào loại xạ trị. Đôi khi, nguồn phóng xạ được để lại luôn trong cơ thể, ngay cả khi nó không còn phát ra tia xạ.
  • Xạ trị hệ thống là loại xạ trị trong đó chất phóng xạ được uống hoặc tiêm vào cơ thể rồi đi theo dòng máu phá hủy các tế bào ung thư. Ví dụ như iốt phóng xạ, được sử dụng trong điều trị một số loại ung thư tuyến giáp.

Tác dụng phụ của xạ trị

Xạ trị làm tổn thương các tế bào khỏe mạnh cũng như tế bào ung thư. Tổn thương các tế bào khỏe mạnh gây ra tác dụng phụ. Tác dụng phụ tùy thuộc vào bộ phận được chiếu xạ cũng như liều lượng của chất phóng xạ. Tham khảo thông tin về những tác dụng phụ có thể xảy ra cho trẻ và cách giải quyết chúng từ bác sĩ.

  • Tác dụng phụ thường gặp của xạ trị bao gồm da bị tấy lên và khó chịu. Bạn có thể tìm thấy những lời khuyên thiết thực trong Danh sách các tác dụng phụ của xạ trị , nó hữu ích khi bạn nói với điều dưỡng của trẻ để tìm hiểu thêm.
  • Tác dụng muộn là những vấn đề có thể xảy ra nhiều tháng hoặc nhiều năm sau điều trị. Bạn hãy tham khảo thông tin về các tác dụng muộn có thể xảy ra đối với loại điều trị của trẻ từ bác sĩ.

Chuẩn bị sẵn sàng để xạ trị ngoài

Trước khi tiến hành xạ trị ngoài, trẻ sẽ có một buổi lập kế hoạch điều trị (gọi là mô phỏng) trong đó:

  • Chụp chi tiết khối u và khu vực mô bình thường xung quanh
  • Đánh những dấu nhỏ, thường là những chấm mực trên da nơi chiếu tia xạ
  • Nếu cần thiết, khuôn hoặc mặt nạ cơ thể được làm ra để trẻ ở yên một vị trí trong suốt mỗi lần điều trị

Tài liệu liên quan

  • Xạ trị
  • Tác dụng phụ

Ghép tủy xương (BMT) và ghép tế bào gốc từ máu ngoại vi (PBSCT)

“Điều dưỡng đã gặp con gái của chúng tôi, giúp cô bé hiểu những điều sẽ xảy ra và giải đáp những câu hỏi của cô bé. Điều đó mang lại sự yên tâm.”

Cơ chế của ghép tủy xương (BMT) và ghép tế bào gốc từ máu ngoại vi (PBSCT)

Ghép tủy xương (BMT) và ghép tế bào gốc từ máu ngoại vi (PBSCT) là những thủ thuật phục hồi tế bào gốc tạo máu (còn gọi là hematopoietic stem cells) bị phá hủy bởi hóa trị liều cao hoặc liệu pháp xạ trị trong điều trị một số loại ung thư trẻ em. Tế bào gốc tạo máu rất quan trọng vì chúng sản sinh ra các tế bào bạch cầu tiêu diệt vi trùng, hồng cầu vận chuyển oxy đến các mô trong cơ thể, và tiểu cầu giúp tạo cục máu đông.

Hầu hết các tế bào gốc tạo máu được tìm thấy trong tủy xương. Một số khác được tìm thấy trong tuần hoàn khắp cơ thể (máu ngoại vi), nó cũng có mặt trong máu dây rốn. Tế bào gốc từ các nguồn này có thể sử dụng được trong cấy ghép. Trong một ca ghép, trẻ sẽ nhận được các tế bào gốc tạo máu khỏe mạnh. Những tế bào này di chuyển đến tủy xương, nơi chúng bắt đầu tạo ra các tế bào máu khỏe mạnh khác.

Các loại ghép tế bào gốc

  • Tế bào gốc tự thân: sử dụng tế bào gốc tạo máu của trẻ. Loại này được sử dụng khi có đủ số lượng tế bào gốc khỏe mạnh để lưu trữ trước khi điều trị. Tất cả các tế bào ung thư sẽ được loại bỏ.
  • Tế bào gốc đồng ghép: sử dụng tế bào gốc từ trẻ sinh đôi nếu có.
  • Tế bào gốc dị ghép: sử dụng tế bào gốc từ chị em gái, anh em trai, cha mẹ, các thành viên khác trong gia đình hoặc từ một người hiến tặng không có quan hệ họ hàng có tế bào gốc tương thích nhất với tế bào gốc của trẻ.

Tìm kiếm người hiến tặng tương thích

“Con gái của chúng tôi đã tương thích với em gái của cô ấy. Chúng tôi biết đến những đứa trẻ và thanh thiếu niên khác đã tìm được người hiến tặng tương thích thông qua Chương trình hiến tặng tủy quốc gia ®.”

Mỗi người có một bộ mã protein riêng biệt trên bề mặt tế bào. Những protein này được gọi là kháng nguyên bạch cầu người (HLA). Người hiến tặng lý tưởng cho trẻ là người có số lượng kháng nguyên HLA tương thích nhiều nhất. Người hiến tặng tương thích làm giảm nguy cơ biến chứng như bệnh ghép chống chủ (GVHD) và tăng khả năng cơ thể trẻ chấp nhận tế bào gốc của người hiến tặng. Anh chị em ruột của trẻ có khả năng tương thích cao hơn một người hiến tặng không có quan hệ họ hàng.

Cấy ghép

Trẻ sẽ tiếp nhận tế bào gốc qua một ống thông tĩnh mạch, giống như truyền máu. Quá trình này có thể mất 1 đến 5 giờ. Hầu hết trẻ được ở lại bệnh viện sau khi cấy ghép để cơ thể có thời gian sản xuất đủ các tế bào bạch cầu mới để chống nhiễm trùng. Trong thời gian này, trẻ được theo dõi chặt chẽ và bảo vệ khỏi vi trùng. Trẻ sẽ được xét nghiệm máu thường xuyên để đảm bảo rằng các tế bào máu mới đang được sản xuất và ung thư không bị tái phát.

Trẻ có thể phải tiến hành chọc hút tủy xương. Trong thủ thuật này, bác sĩ dùng kim lấy ra một mẫu nhỏ của tủy xương và kiểm tra dưới kính hiển vi để xác định tủy xương của trẻ hoạt động tốt như thế nào. Trẻ cũng có thể được truyền các tế bào máu, tiểu cầu và kháng sinh.

Sau khi ghép tế bào gốc tự thân, hệ thống miễn dịch có thể mất vài tháng để bình phục hoàn toàn. Sau dị ghép hoặc đồng ghép, có thể mất 1 đến 2 năm để hệ thống miễn dịch trở lại bình thường.

Tác dụng phụ và nguy cơ của ghép tế bào gốc

Tác dụng phụ đặc trưng cho từng phương pháp điều trị ở trẻ. Bác sĩ sẽ thông báo những tác dụng dụng có thể xảy ra ở trẻ.

  • Nguy cơ chính bao gồm tăng nhạy cảm với nhiễm trùng và chảy máu. Cần sử dụng kháng sinh để dự phòng hoặc điều trị nhiễm trùng. Truyền tiểu cầu để dự phòng chảy máu và truyền hồng cầu để trị thiếu máu.
  • Tác dụng phụ ngắn hạn bao gồm mất cảm giác ngon miệng, mệt mỏi, rụng tóc, loét miệng, buồn nôn, nôn và phản ứng da.
  • Bệnh ghép chống chủ (GVHD) là một biến chứng sau dị ghép tế bào gốc có thể làm tổn thương da, gan và ruột. Các tế bào bạch cầu từ những người hiến tặng nhận diện các tế bào trong cơ thể bệnh nhân như vật lạ và tấn công chúng. Các loại thuốc đặc trị được sử dụng để giảm nguy cơ của bệnh ghép chống chủ (GVHD).
  • Tác dụng muộn là những vấn đề có thể xảy ra nhiều tháng hoặc nhiều năm sau điều trị. Bạn hãy tham khảo thông tin về các tác dụng muộn có thể xảy ra đối với loại điều trị của trẻ từ bác sĩ.

Tài liệu liên quan

  • Cấy ghép tế bào gốc tạo máu
  • Be The Match®, được thực hiện bởi Chương trình hiến tặng tủy quốc gia®

Phẫu thuật

Phẫu thuật trong điều trị ung thư được tiến hành như thế nào

Phẫu thuật (còn gọi là mổ) là một thủ thuật cần thiết, một phần trong điều trị cho nhiều khối u đặc. Cần cắt bỏ khối u càng nhiều càng tốt. Trẻ có thể được hóa trị hoặc xạ trị trước phẫu thuật để thu nhỏ khối u hoặc sau phẫu thuật để tiêu diệt những tế bào ung thư còn sót lại. Phương pháp phẫu thuật phụ thuộc vào loại ung thư trẻ mắc phải và vị trí của khối u.

Những điều sẽ xảy ra sau phẫu thuật

Sau phẫu thuật, trẻ thường cảm thấy đau. Điều trị đau bằng thuốc giúp trẻ dễ chịu hơn. Tác dụng phụ tùy thuộc vào loại phẫu thuật, kích thước và vị trí của khối u. Những người trong nhóm chăm sóc sức khỏe sẽ chuẩn bị cho bạn và trẻ về thể chất và cảm xúc. Bạn và trẻ cũng sẽ được tìm hiểu về các phương pháp phục hồi chức năng, chẳng hạn như vật lý trị liệu, có thể tiến hành sau phẫu thuật.

Trò chuyện với cha mẹ của những đứa trẻ đã thực hiện loại phẫu thuật giống trẻ, sẽ có thêm nhiều thông tin và giúp bạn an tâm. Điều này đúng đối với phẫu thuật vì nó làm thay đổi ngoại hình của trẻ như cắt cụt chi hoặc phẫu thuật chi tối thiểu. Hãy cho bác sĩ biết nếu bạn muốn trò chuyện với cha mẹ của những đứa trẻ đã thực hiện loại phẫu thuật này. Ví dụ, có thể cho trẻ trò chuyện với một trẻ đã cắt cụt chi, phẫu thuật chi tối thiểu hoặc đại phẫu khác. Trò chuyện với một trẻ hiện tại có thể chạy, đạp xe, bơi và làm các hoạt động thể chất khác giúp trẻ được an ủi.

Các loại phẫu thuật

  • Cắt bỏ: Đây là phẫu thuật cắt bỏ mô, một phần hoặc toàn bộ một cơ quan. Thông thường, các mô xung quanh của khối u và đôi lúc là các hạch bạch huyết gần đó cũng có thể được cắt bỏ cùng.
  • Cắt cụt: Phẫu thuật nhằm cắt bỏ chi (tay hoặc chân) bị ung thư.
  • Phẫu thuật chi tối thiểu (còn gọi là phẫu thuật bảo tồn): Phẫu thuật cắt bỏ một số loại khối u ở chi (như một cánh tay hoặc chân) mà không cần tháo bỏ toàn bộ chi. Một số xương và mô xung quanh khối u cũng có thể được loại bỏ và phần chi bị mất có thể được thay thế bằng cấy ghép. Loại phẫu thuật này giúp bảo tồn chức năng và hình dạng của chi. Nó được sử dụng để điều trị một số bệnh ung thư xương và mô mềm.
  • Mở hộp sọ và cắt bỏ: Phẫu thuật cắt bỏ một mảnh của hộp sọ. Phẫu thuật này được thực hiện để loại bỏ một khối u não hoặc mô não bất thường. Phẫu thuật viên sẽ rạch một đường, cắt một phần của hộp sọ (gọi là mở hộp sọ) và bộc lộ nhu mô não. Sau đó một bác sĩ phẫu thuật thần kinh sẽ cắt bỏ khối u càng nhiều càng tốt (gọi là phẫu thuật tối ưu). Mảnh sọ được cắt sẽ được đặt lại vào vị trí cũ.
  • Phẫu thuật tái tạo: Phẫu thuật tạo hình hoặc dựng lại (tái cấu trúc) một phần của cơ thể đã thay đổi do phẫu thuật trước đó.

Bạn có thể tìm hiểu thêm có nên phẫu thuật hay không để điều trị loại ung thư trẻ đang mắc phải.

Xem thêm bài viết Phẫu thuật ung thư là gì?

Danh sách Tóm tắt điều trị ung thư ở trẻ em PDQ® theo thứ tự bảng chữ cái.

Liệu pháp miễn dịch

“Sức khỏe con trai của chúng tôi được theo dõi suốt quá trình điều trị. Chúng tôi rất vui khi được tham gia điều trị này thông qua một thử nghiệm lâm sàng.”

Cơ chế của liệu pháp miễn dịch

Liệu pháp miễn dịch là một phương pháp trị liệu sinh học giúp kích thích và tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể, vì vậy nó chống lại ung thư, nhiễm trùng và các bệnh khác tốt hơn. Liệu pháp miễn dịch được sử dụng với các phương pháp điều trị khác như xạ trị và hóa trị. Phương pháp điều trị này đang được nghiên cứu trong các thử nghiệm lâm sàng cho các loại ung thư cụ thể.

Để tìm hiểu về liệu pháp miễn dịch, bạn cần biết đến hệ thống miễn dịch. Hệ thống miễn dịch bao gồm mạng lưới các tế bào và các cơ quan phối hợp với nhau để bảo vệ cơ thể chống lại bệnh tật và nhiễm trùng. Hệ thống này bao gồm:

  • Tế bào bạch cầu gọi là đại thực bào, tế bào lympho B (tế bào sản xuất kháng thể), tế bào lympho T (tế bào T giúp đỡ và tế bào T độc) và tế bào NK
  • Các cơ quan như lách, tuyến ức, hạch bạch huyết, amidan và tủy xương

Hệ thống miễn dịch tấn công những yếu tố được nhận diện là vật lạ trong cơ thể, chẳng hạn như virus, vi khuẩn, cũng như một số tế bào hư hỏng, mầm bệnh hoặc bất thường. Hệ thống miễn dịch sẽ phản ứng lại sự có mặt của một chất lạ xâm nhập (được gọi là kháng nguyên) mà nó nhận diện là “vật lạ”. Tuy nhiên, một số bệnh ung thư đã biến đổi để tránh sự phát hiện của hệ thống miễn dịch, hoặc ức chế hệ thống miễn dịch, đó là lý do tại sao liệu pháp miễn dịch là một phương tiện quan trọng chống lại ung thư.

Liệu pháp miễn dịch được tiến hành như thế nào?

Một số loại liệu pháp miễn dịch được đưa vào cơ thể qua đường tiêm hoặc thuốc viên uống. Những loại còn lại được đưa vào qua đường tĩnh mạch IV.

Tác dụng phụ của liệu pháp miễn dịch

Tác dụng phụ tùy thuộc vào loại liệu pháp miễn dịch và thay đổi tùy mỗi người. Tham khảo thông tin về những tác dụng phụ có thể xảy ra cho trẻ và cách giải quyết chúng từ bác sĩ bao gồm:

  • Phát ban hoặc sưng nơi được tiêm điều trị
  • Các triệu chứng giống như cúm (như sốt, ớn lạnh, buồn nôn, nôn, chán ăn, mệt mỏi, đau xương và nhức cơ)
  • Phản ứng dị ứng như phát ban, khò khè hoặc khó thở

Tài liệu liên quan

  • Liệu pháp miễn dịch
  • Liệu pháp miễn dịch trong ung thư trẻ em

Liệu pháp nhắm trúng đích trong ung thư

“Các nhà nghiên cứu đang cùng nhau làm việc để tìm ra các phân tử nhắm trúng đích giúp điều trị hiệu quả hơn cho trẻ bị ung thư”.

Cơ chế của liệu pháp nhắm trúng đích trong ung thư

Liệu pháp nhắm trúng đích (còn gọi là liệu pháp nhắm trúng đích phân tử) là thuốc hoặc các hoạt chất khác cản trở các phân tử đặc hiệu liên quan đến sự phát triển của khối u. Đôi khi phương pháp điều trị này được gọi là y học chính xác.

Cơ chế của liệu pháp nhắm trúng đích:

  • Cản trở tế bào ung thư phản ứng lại với các tín hiệu trong môi trường
  • Ức chế sự phát triển của các mạch máu đến khối u, ngăn chặn sự phát triển của khối u
  • Thúc đẩy quá trình chết theo chương trình mà các tế bào ung thư thường tránh được
  • Kích thích hệ thống miễn dịch tiêu diệt các tế bào ung thư đặc hiệu
  • Làm chết tế bào ung thư bằng cách giải phóng các phân tử độc hại

Bằng cách tập trung vào sự biến đổi của các phân tử và tế bào đặc hiệu cho ung thư, liệu pháp nhắm trúng đích trong ung thư có hiệu quả hơn các phương pháp điều trị khác. Nhiều liệu pháp nhắm trúng đích đã được cho phép để điều trị một số loại ung thư đặc hiệu. Những liệu pháp khác đang được nghiên cứu trong các thử nghiệm lâm sàng và còn nhiều nghiên cứu đang ở giai đoạn đầu.

Liệu pháp nhắm trúng đích được tiến hành như thế nào?

Một số loại thuốc điều trị nhắm trúng đích được tiêm tĩnh mạch (IV). Các loại còn lại được sử dụng bằng đường miệng và nuốt.

Tác dụng phụ của liệu pháp nhắm trúng đích

Tác dụng phụ của liệu pháp nhắm trúng đích thường khác với tác dụng phụ của hóa trị tiêu chuẩn và một số gây tác dụng phụ đáng kể. Tác dụng phụ tùy thuộc vào loại liệu pháp nhắm trúng đích đặc hiệu điều trị cho trẻ. Tham khảo thông tin về những tác dụng phụ có thể xảy ra cho trẻ và cách giải quyết chúng từ bác sĩ.

Xem thêm bài viết Các phản ứng của da khi áp dụng liệu pháp nhắm đích và liệu pháp miễn dịch

Tài liệu tham khảo

https://www.cancer.gov/publications/patient-education/children-with-cancer.pdf

Tài liệu liên quan

  • Liệu pháp nhắm trúng đích trong ung thư
  • TRÚNG ĐÍCH: Nghiên cứu áp dụng liệu pháp để tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả
  • TRÚNG ĐÍCH: Dẫn đầu cho những khám phá mới và thú vị trong ung thư trẻ em

Tài liệu tham khảo

https://www.cancer.gov/publications/patient-education/children-with-cancer.pdf

Biên dịch - Hiệu đính

Nguyễn Đông Hải - Lê Thỵ Phương Anh - Lê Hà Cảnh Châu
Đánh giá:

Bài viết liên quan

Các phương pháp điều trị đa u tủy xương

(58)
Tổng quan chung Trong bài viết này: Bạn sẽ tìm hiểu về các phương pháp điều trị khác nhau mà bác sĩ sử dụng để điều trị cho những người bệnh mắc ... [xem thêm]

Tài liệu cho bệnh nhân sống sót sau ung thư

(97)
Biên dịch: ThS Phạm Võ Phương Thảo Hiệu đính: ThS.BS. Nguyễn Văn Tuy Phần này bao gồm các tài liệu chung cho những người sống sót sau ung thư ở mọi lứa tuổi ... [xem thêm]

Ho ở bệnh nhân ung thư

(51)
Lược dịch: BS. Lê Hữu Nhật Minh, BS. Đặng Quang Vinh Hiệu đính: Phạm Nguyên Quý Được chấp thuận bởi Ban biên tập Cancer.Net, tháng 1/2018 Được chấp thuận ... [xem thêm]

Hội chứng Polyp Juvenile

(44)
Biên dịch: Hoàng Mạnh Cường Hiệu đính: TS.BS Nguyễn Thị Quỳnh Thơ Hội chứng polyp juvenile (JPS) là gì? Hội chứng polyp juvenile (JPS) là một tình trạng di ... [xem thêm]

Mong đợi gì từ phục hồi chức năng ung thư?

(78)
Phục hồi chức năng ung thư có thể giúp bạn giành lại quyền kiểm soát nhiều khía cạnh trong cuộc sống trong và sau khi điều trị ung thư. Mục tiêu là cải ... [xem thêm]

Tác dụng phụ lên nhận thức và não hóa trị

(98)
Biên dịch: BS. Phạm Võ Phương Thảo Hiệu đính: ThS. BS. Nguyễn Văn Tuy Não hóa trị là gì? Một số bệnh nhân ung thư có những thay đổi về chức năng nhận ... [xem thêm]

Hội chứng phóng thích Cytokine sau liệu pháp miễn dịch

(33)
Hội chứng phóng thích Cytokine là gì? Hội chứng phóng thích Cytokine (CRS) là một tập hợp các triệu chứng là tác dụng phụ của một số loại liệu pháp miễn ... [xem thêm]

U nguyên bào tuỷ ở trẻ em: Chẩn đoán

(66)
Bài viết này giới thiệu về danh sách các xét nghiệm, thủ thuật và chẩn đoán hình ảnh thường quy được bác sĩ sử dụng để tìm ra nguyên nhân của một ... [xem thêm]

DANH SÁCH PHÒNG KHÁM BỆNH VIỆN