Biên dịch: Hoàng Mạnh Cường
Hiệu đính: Trần Thị Kim Vân, Lê Hà Cảnh Châu
Được chấp thuận bởi Ban biên tập Yhoccongdong.com, tháng 12/2019
Bài viết này cung cấp cái nhìn tổng quan về các phương pháp điều trị ung thư và ảnh hưởng của chúng đến khả năng sinh sản ở phụ nữ. Các phương pháp điều trị ung thư phổ biến nhất là hóa trị, xạ trị, phẫu thuật và liệu pháp hormone. Các phương pháp điều trị khác bao gồm liệu pháp miễn dịch và liệu pháp điều trị trúng đích.
Xem thêm thông tin về hóa trị, xạ trị và phẫu thuật.
Hóa trị
Hóa trị sử dụng thuốc để tiêu diệt hoặc làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư, được gọi là thuốc gây độc tế bào và được tạo ra để tác động vào các tế bào có tốc độ phát triển nhanh như tế bào ung thư. Điều này có nghĩa là chúng cũng có thể gây tổn thương các tế bào có tốc độ phát triển nhanh như các tế bào ở cơ quan sinh sản.
Nguy cơ vô sinh phụ thuộc vào vài yếu tố:
- Các loại thuốc hóa trị được sử dụng – tổn thương trứng xảy ra phổ biến hơn với các loại thuốc hóa trị nhóm alkyl hóa
- Liều lượng và thời gian hóa trị – nguy cơ tăng theo liều dùng và thời gian hóa trị
- Tuổi – số lượng và chất lượng trứng bắt đầu giảm một cách tự nhiên khi phụ nữ già đi.
Hóa trị có thể khiến kinh nguyệt không đều, tuy nhiên thường sẽ trở lại bình thường khi kết thúc điều trị. Đối với một vài người, kinh nguyệt có thể chấm dứt và gây nên thời kỳ mãn kinh. Sau khi mãn kinh, phụ nữ không thể có con với số trứng còn lại. Để tìm hiểu thêm nhiều thông tin, xem Kết quả sinh sản.
Một số loại thuốc hóa trị có thể ảnh hưởng đến tim và phổi. Nếu thuốc gây tổn thương cơ trong thời gian dài có thể gây khó khăn cho việc mang thai và sinh nở trong tương lai. Chuyên gia sẽ thảo luận với bạn về những biện pháp phòng ngừa trong quá trình mang thai.
Nguy cơ vô sinh sẽ cao hơn nếu bạn được điều trị đồng thời bằng cả hoá trị và xạ trị.
Xạ trị
Xạ trị sử dụng tia X để tiêu diệt hoặc làm tổn thương các tế bào ung thư để ngăn chặn sự phát triển và nhân lên của chúng. Tia xạ có thể chiếu từ bên ngoài cơ thể bằng các chùm tia xạ ngoài hoặc từ bên trong cơ thể.
Nguy cơ gây vô sinh khác nhau tùy thuộc vùng và liều lượng xạ trị.
- Xạ trị ngoài hoặc trong ở vùng chậu (đối với ung thư trực tràng, bàng quang, cổ tử cung hoặc âm đạo) có thể khiến buồng trứng ngừng sản xuất hormone, dẫn đến mãn kinh tạm thời hoặc vĩnh viễn.
- Điều trị ở vùng chậu có thể làm tăng nguy cơ sảy thai, sinh non và nhẹ cân.
- Xạ trị vùng não có thể làm hỏng tuyến yên, nơi sản xuất các hormone kích thích buồng trứng phóng noãn hằng tháng.
Phẫu thuật
Phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc tất cả các cơ quan sinh sản, như buồng trứng, ống dẫn trứng, tử cung và cổ tử cung, có thể gây vô sinh.
Cắt tử cung và cổ tử cung
Sử dụng trong điều trị ung thư phụ khoa, như ung thư cổ tử cung, buồng trứng, tử cung và nội mạc tử cung, và đôi khi là ung thư âm đạo. Sau khi cắt bỏ tử cung, bạn sẽ không thể mang thai và kinh nguyệt cũng chấm dứt.
Cắt buồng trứng
Nếu cắt bỏ buồng trứng hai bên khi chưa mãn kinh, bạn sẽ mãn kinh sớm. Bạn sẽ không còn kinh nguyệt hay khả năng mang thai tự nhiên.
Cắt toàn bộ bàng quang (cắt bàng quang triệt để)
Nếu ung thư bàng quang đã lan đến vùng bụng thì niệu đạo, tử cung, buồng trứng, ống dẫn trứng và một phần của âm đạo sẽ bị cắt bỏ. Nếu bạn chưa mãn kinh, việc cắt bỏ này khiến kinh nguyệt chấm dứt hoàn toàn và bạn không thể mang thai tự nhiên.
Giảm thiểu những tác động của phẫu thuật
Đôi khi, các cơ quan sinh sản có thể được bảo tồn (được gọi là phẫu thuật bảo tồn khả năng sinh sản). Đây có thể là một lựa chọn đối với một số loại ung thư phụ khoa giai đoạn đầu. Tìm hiểu thêm nhiều thông tin về các kỹ thuật bảo tồn sinh sản như treo buồng trứng và phẫu thuật cắt bỏ cổ tử cung.
Liệu pháp hormone
Hormone được sản xuất tự nhiên trong cơ thể. Tuy nhiên, hormone có thể kích thích một số loại ung thư phát triển. Mục đích của liệu pháp hormone là làm chậm sự phát triển của ung thư.
Thụ thể của hormone là một protein trên tế bào. Liệu pháp hormone được sử dụng cho những phụ nữ có thụ thể hormone trên tế bào ung thư (nghĩa là sự phát triển của các tế bào ung thư bị ảnh hưởng bởi nội tiết tố nữ estrogen và progesterone). Các tế bào ung thư có mang các thụ thể hormone được gọi là dương tính với thụ thể hormone. Có hai loại thụ thể: thụ thể estrogen và thụ thể progesterone.
Liệu pháp hormone đồng thời cũng ngăn chặn các hormone cần thiết cho việc sinh sản, vì vậy bạn sẽ phải chờ đợi để thụ thai. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể lưu trữ trứng hoặc phôi trước khi điều trị bằng hormone.
Thuốc kháng estrogen (như tamoxifen, goserelin và ức chế men aromatase) được sử dụng để điều trị những ung thư nhạy cảm với estrogen nhằm giảm nguy cơ tái phát. Nhiều loại thuốc kháng estrogen cần được dùng trong nhiều năm. Trong thời gian này nên tránh mang thai vì có nguy cơ thuốc có thể gây hại cho thai nhi.
Nếu bạn đang điều trị bằng liệu pháp hormone và muốn mang thai, hãy nói chuyện với nhóm điều trị hoặc chuyên gia sinh sản về những lợi ích và bất lợi của việc ngừng liệu pháp hormone.
Những phương pháp điều trị khác
Cấy ghép tế bào gốc, liệu pháp miễn dịch và liệu pháp điều trị trúng đích là những phương pháp điều trị ung thư khác.
Cấy ghép tế bào gốc thường đòi hỏi hóa trị liệu liều cao, đôi khi cần cả xạ trị. Hoá trị và xạ trị được sử dụng trước khi cấy ghép để tiêu diệt các tế bào ung thư trong cơ thể và làm suy yếu hệ thống miễn dịch để nó không tấn công các tế bào của người hiến tặng trong quá trình cấy ghép. Nguy cơ vô sinh sau khi hóa trị liều cao hoặc xạ trị là rất cao.
Ảnh hưởng của liệu pháp miễn dịch và liệu pháp điều trị trúng đích đến mang thai và khả năng sinh sản vẫn chưa được hiểu đầy đủ. Những nghiên cứu trước đây cho thấy một số loại thuốc điều trị trúng đích có thể gây ra mãn kinh sớm.
Việc thảo luận về những lựa chọn sinh sản với nhóm điều trị ung thư và chuyên gia sinh sản là rất quan trọng.
Tránh mang thai trong khi điều trị
Một số phương pháp điều trị ung thư, chẳng hạn như hóa trị hay xạ trị, có thể gây hại cho thai nhi hoặc gây ra các dị tật bẩm sinh.
Nếu bạn có khả năng mang thai trong quá trình điều trị, bạn sẽ cần phải sử dụng một số phương pháp tránh thai trong khoảng thời gian này.
Nhóm điều trị và các chuyên gia sinh sản có thể sẽ khuyên bạn nên đợi từ sáu tháng đến hai năm trước khi bắt đầu điều trị sinh sản hoặc cố gắng thụ thai tự nhiên. Việc này phụ thuộc vào phương pháp điều trị mà bạn đã sử dụng. Ví dụ, một số loại thuốc hóa trị có thể đã gây tổn thương đến tất cả trứng đang phát triển.
Câu chuyện của Monica
“Tôi được chẩn đoán mắc ung thư vú nhạy cảm estrogen ở tuổi 29. Bạn trai tôi và tôi đã hẹn hò được một năm rưỡi. Mối quan hệ của chúng tôi rất khăng khít và tôi muốn có con trong 1-2 năm tới. Chị gái tôi đã gặp vấn đề với việc thụ thai, vì vậy tôi không muốn chờ đợi và để rồi phát hiện ra rằng mình có vấn đề tương tự.
“Từ ngày đầu tiên, các chuyên gia y tế đã nói rằng chúng tôi nên suy nghĩ về khả năng sinh sản nếu tôi muốn có con trong tương lai. Tôi cảm thấy khá đột ngột khi vừa chỉ mới bắt đầu nghĩ về nó, nhưng điều đó là cần thiết.
“Khi tôi đề cập với bác sĩ chuyên khoa ung thư rằng tôi sẽ đến gặp bác sĩ chuyên khoa sinh sản, câu trả lời của cô ấy là:” Rất nhiều người lo lắng về khả năng sinh sản của họ, nhưng chúng tôi cần cứu sống bạn.” Tôi cảm thấy cô ấy rất quyết đoán và lạnh lùng, nhưng tôi không muốn hối tiếc vì đã không tìm hiểu các lựa chọn của mình.
“Chuyên gia sinh sản đã thu hoạch trứng thông qua quá trình thụ tinh trong ống nghiệm. Tôi được sử dụng một loại thuốc không cung cấp nhiều estrogen hơn cho cơ thể. Thời gian thu hoạch trứng cũng diễn ra thuận lợi với chu kỳ kinh nguyệt của tôi, vì vậy tôi chỉ mất hai tuần trì hoãn trước khi bắt đầu điều trị hoá trị. Điều đó đã giúp bác sĩ chuyên khoa ung thư cảm thấy tốt hơn.
Họ không thể nói trước quá trình thụ tinh trong ống nghiệm sẽ thành công như thế nào – thật không may, trong trường hợp của tôi, họ chỉ có thể thu được một quả trứng trưởng thành.
“Tại thời điểm này, bạn trai và tôi phải quyết định: đông lạnh trứng hay đông lạnh phôi đã được thụ tinh? Chúng tôi cần xem xét điều gì sẽ xảy ra nếu chúng tôi không ở cùng nhau lâu dài. Bạn biết đấy, phải mất rất nhiều can đảm để trả lời những câu hỏi khó khăn này.
“Cuối cùng chúng tôi đã quyết định đông lạnh phôi, vì tỷ lệ thành công khi sinh ra từ phôi cao hơn một chút so với trứng đông lạnh. Chúng tôi cảm thấy chúng tôi sẽ ở bên nhau trong một thời gian dài, vì vậy hy vọng phôi sẽ là cơ hội tốt nhất khi chúng tôi muốn có con.”
Kể câu chuyện về căn bệnh ung thư của bạn.
Kết quả sinh sản
Một số phụ nữ có thể thụ thai sau khi điều trị ung thư mà không cần hỗ trợ y tế. Tuy nhiên, khoảng một trong ba phụ nữ sẽ gặp một trong những vấn đề sau.
Suy buồng trứng cấp
Trong quá trình điều trị, và trong một thời gian sau đó, buồng trứng thường ngừng sản xuất hormone vì những tổn thương gây ra do quá trình điều trị, được gọi là suy buồng trứng cấp tính. Nó thường chỉ là tạm thời, bạn sẽ thỉnh thoảng hoặc không có kinh nguyệt, các triệu chứng tương tự như mãn kinh (xem bên dưới). Nếu suy buồng trứng tiếp tục trong nhiều năm, khả năng buồng trứng của bạn sẽ hoạt động bình thường trở lại là rất thấp.
Mãn kinh sớm
Mãn kinh trước tuổi 40 được gọi là mãn kinh sớm hoặc thiểu năng hoạt động buồng trứng sớm (POI). Điều này xảy ra khi kinh nguyệt của bạn ngưng lại vì số lượng trứng quá thấp.
Trứng có thể đã bị phá hủy hoặc hư hại do điều trị. Nếu quá nhiều trứng bị tổn thương trong quá trình điều trị, mãn kinh sẽ là vĩnh viễn. Mãn kinh sớm có thể xảy ra ngay lập tức hoặc nhiều năm sau khi điều trị tùy thuộc vào độ tuổi, phương pháp điều trị và liều lượng điều trị.
Mặc dù mãn kinh có nghĩa là bạn sẽ không rụng trứng, nhưng bạn vẫn có thể mang thai nếu bạn còn tử cung và sử dụng trứng được lưu trữ hoặc trứng của người hiến tặng. Một số ít phụ nữ mắc bệnh POI (5-10%) có cơ hội mang thai tự nhiên, bởi vì trong một số trường hợp hiếm gặp, một quả trứng còn lại có thể trưởng thành và được thụ tinh bởi một tinh trùng.
“Có vẻ như mãn kinh được thảo luận như là một tác dụng phụ của điều trị, chứ không phải là tác động to lớn đối với con người. Tôi bị mãn kinh sớm hơn 20 năm so với bạn bè của tôi.” – Denise
Các triệu chứng mãn kinh sớm có thể bao gồm:
- âm đạo khô hoặc chặt
- mất/giảm hứng thú trong tình dục (ham muốn thấp)
- bốc hỏa và đổ mồ hôi đêm
- đau khớp
- vấn đề về giấc ngủ
- cảm thấy lo lắng hoặc quá tải
Các triệu chứng thường nghiêm trọng hơn khi mãn kinh bắt đầu đột ngột do cơ thể không có thời gian để làm quen với việc giảm dần nồng độ hormone.
Có nhiều cách khác nhau để kiểm soát các triệu chứng mãn kinh.
Mãn kinh sớm cũng có thể khiến xương yếu đi (loãng xương). Hãy nói chuyện với bác sĩ về việc kiểm tra mật độ xương hoặc dùng thuốc để ngăn ngừa loãng xương. Osteoporosis Australia có chứa nhiều thông tin hơn – gọi 1800 242 141 hoặc truy cập osteoporosis.org.au
Hãy thảo luận với bác sĩ của bạn về những lợi ích và rủi ro của liệu pháp thay thế hormone (HRT). Liệu pháp này thay thế các hormone thường được sản xuất bởi buồng trứng, có thể được dùng dưới dạng viên nén, kem hoặc miếng dán trên da.
Sử dụng các liệu pháp thay thế hormone có chứa estrogen có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh. Hãy hỏi bác sĩ xem liệu sử dụng nó có an toàn hay không. Một số phụ nữ mắc ung thư nhạy cảm với hormone có thể được khuyên không nên dùng HRT. Ngoài ra, kem dưỡng ẩm âm đạo có sẵn ở các quầy thuốc có thể giúp giảm đau và khô âm đạo.
Các lựa chọn không có hormone (chẳng hạn như châm cứu) cũng có thể giúp ích. Uống viên canxi và vitamin D, thực hiện một số bài tập thể dục để tăng cường sự rắn chắc của xương có thể làm giảm một số triệu chứng mãn kinh. Tập thể dục cũng có thể giúp thay đổi tâm trạng, tăng năng lượng và giúp xương chắc khỏe. Hãy thảo luận với bác sĩ về những lựa chọn tốt nhất cho tình huống của bạn.
Cảm nhận của bạn về mãn kinh sớm
Khi điều trị ung thư gây ra mãn kinh sớm, những tác động đến cảm xúc, cảm nhận về ngoại hình cơ thể và các mối quan hệ có thể sẽ rất đáng kể.
Nếu bạn là một phụ nữ trẻ trải qua thời kỳ mãn kinh sớm hơn dự kiến, điều đó có thể ảnh hưởng đến nhận thức của bạn về bản thân mình hoặc khiến bạn cảm thấy già hơn so với tuổi hoặc bạn bè cùng trang lứa.
Nếu bạn là một phụ nữ lớn tuổi, trải qua thời kỳ mãn kinh sớm hơn dự kiến có thể gây xáo trộn.
Tuy nhiên, một số phụ nữ lớn tuổi nói rằng họ cảm thấy nhẹ nhõm vì không phải lo lắng về chu kỳ kinh nguyệt.
Bạn có thể thấy khó khăn khi bắt đầu những mối quan hệ thân mật mới sau khi trải qua thời kỳ mãn kinh. Xem Những mối quan hệ và tình dục.
Có thể mất nhiều thời gian để chấp nhận những thay đổi bạn đang trải qua. Nói chuyện với một thành viên gia đình, bạn bè hoặc nhân viên tư vấn có thể giúp ích cho bạn.
Tài liệu tham khảo
https://www.cancervic.org.au/living-with-cancer/common-side-effects/fertility/women-s-fertility-and-cancer-treatment.html