Biên dịch: Phan Thị Thanh Hương
Hiệu đính: Ths.Bs Nguyễn Hải Nam, Lê Hà Cảnh Châu
Hẹn hò và kết hôn
Giai đoạn từ thiếu niên đến thanh niên là một khoảng thời gian khó khăn ngay cả khi không có biến chứng của ung thư. Trong giai đoạn này, bệnh nhân thường đấu tranh với cá tính và lòng tự trọng; lo lắng hơn đến việc so sánh với người khác, quan tâm nhiều hơn đến quan hệ nam nữ và tuổi dậy thì. Do đó, thiếu niên và thanh niên thường chú ý hơn đến vẻ bề ngoài và hình dáng cơ thể.
Chính vì vậy, khoảng thời gian này cực kì khó khăn khi việc điều trị ung thư làm thay đổi vẻ ngoài của bạn. Việc ảnh hưởng lâu dài đến thể chất như giảm hoặc tăng cân, sẹo phẫu thuật hoặc bất kỳ thay đổi nào về ngoại hình có thể ảnh hưởng đến tinh thần nói chung và khiến bạn không thoải mái trong mối quan hệ nam nữ.
Bạn cần nâng cao tinh thần tích cực giúp bạn tạo được các mối quan hệ hẹn hò lành mạnh. Dưới đây là một số gợi ý giúp bạn có tinh thần lạc quan:
- Tập thể dục. Tập thể dục không chỉ là một phần của lối sống lành mạnh, nó còn giải phóng chất hóa học endorphin, tạo ra cảm giác hạnh phúc.
- Tạo không gian. Trang trí phòng, hộp hoặc cuốn nhật kí để bạn có thể cất giữ đồ đạc, âm nhạc, sách, phim hoặc tác phẩm của riêng bạn.
- Không so sánh mình với người khác.
- Tìm sở trường. Có thể là viết lách, nhảy múa, ca hát, chơi game, thể thao hay sở thích học thuật, hãy tìm và thực hiện những điều giúp bạn hạnh phúc.
- Nói điều tích cực về bản thân. Nghe có vẻ ngô nghê nhưng nói chuyện với bản thân một cách tích cực giúp nâng cao tinh thần của bạn.
- Hãy kết bạn với những người có tinh thần lạc quan, sẵn sàng hỗ trợ.
- Lập danh sách những thành công trong quá khứ.
- Liệt kê các mục tiêu trong tương lai và lập kế hoạch để đạt được chúng.
- Học cách tự cười với chính mình. Có khiếu hài hước và khả năng tự cười với bản thân giúp bạn tận hưởng cuộc sống tốt hơn.
Sự thân mật
Bạn có thể lo ngại về giới tính do các vấn đề sinh sản và lo lắng về sức khỏe. Khả năng tình dục cũng bị ảnh hưởng bởi trầm cảm, cảm giác có lỗi, sợ hãi hoặc mệt mỏi. Đôi khi tinh thần kém khiến bạn quan hệ tình dục ít hơn, cảm thấy lo lắng hơn về tình dục, gặp khó khăn trong việc đánh thức cảm xúc hoặc đạt được khoái cảm, né tránh quan hệ tình dục hoặc quan hệ quá tự do hay phóng túng.
Chìa khóa để vượt qua tình trạng bối rối trong tình dục là hãy trung thực với bạn tình và bác sĩ. Thảo luận về các vấn đề sinh sản và mối quan ngại tình dục có thể gây bối rối và lo sợ; tuy nhiên thảo luận cởi mở mang lại nhiều lợi ích hơn so với việc cứ im lặng không nói gì cả.
Thảo luận về những vấn đề trên và nỗ lực để thấy bản thân tốt sẽ giúp bạn có những mối quan hệ lành mạnh và hạnh phúc hơn.
Tìm kiếm sự tư vấn chuyên môn cũng có thể đem lại lợi ích. Điều quan trọng là phải trang bị đầy đủ thông tin về các vấn đề tình dục hoặc sinh sản và sẵn sàng nói về những mối lo ngại này với bạn tình, bác sĩ và nếu cần là với một cố vấn. Nếu cần thêm trợ giúp liên quan đến các vấn đề tình dục, bạn có thể được giới thiệu đến một nhà trị liệu hoặc nhà tư vấn tình dục được cấp phép thông qua Hiệp hội giáo dục, tư vấn và trị liệu tình dục Hoa Kỳ.
Các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ kết hôn ở những bệnh nhân vượt qua ung thư gần như tương đương với công chúng. Sẽ khó khi phải cố gắng cải thiện sự thân mật, nhưng cởi mở tìm cách giải quyết chúng và nâng cao tinh thần lạc quan sẽ giúp bạn củng cố các mối quan hệ.
Mối quan hệ với cha mẹ
Chẩn đoán ung thư khiến vai trò và trách nhiệm trong gia đình thay đổi. Trong quá trình điều trị, nhu cầu về tinh thần và thể chất tăng lên khiến bạn tạm thời phụ thuộc nhiều hơn vào cha mẹ. Sau khi điều trị kết thúc, khi bạn quay trở lại cách sống độc lập hơn, bạn mong đợi cha mẹ sẽ quay về vai trò trước đó.
Tuy nhiên, cha mẹ bạn vẫn còn lo lắng rất nhiều, điều này khiến họ cảm thấy không thoải mái khi bạn yêu cầu được độc lập. Đây là tình huống rất bình thường. Hãy trao đổi cởi mở với cha mẹ về những điều cha mẹ lo lắng và tác động đến bạn. Một vài nỗi lo của cha mẹ không hợp lý nhưng hãy nhớ rằng bệnh của bạn làm ảnh hưởng sâu sắc đến họ. Tinh thần, sự tự tin và tính quả quyết bạn thể hiện ra có thể giúp cha mẹ bớt lo lắng hơn.
Với cha mẹ, ý nghĩa của ung thư hoàn toàn khác so với bạn. Khi kết thúc điều trị, cả bạn và cha mẹ đều cảm thấy lo lắng khi không còn tiếp xúc thường xuyên với nhóm chăm sóc y tế, nhưng điều này gây nhiều khó khăn hơn cho cha mẹ. Bạn cần nhắc cho ba mẹ hiểu rằng mặc dù ung thư vẫn là một phần trong cuộc sống, bạn vẫn cần quay trở lại với cuộc sống bình thường hoặc mở rộng mạng lưới hỗ trợ của riêng mình ngoài cộng đồng ung thư. Điều này không có nghĩa là bạn đang phá vỡ các mối quan hệ, đúng hơn là bạn đang quyết định xem ung thư có chỗ đứng ra sao trong tương lai của bạn.
Bạn bè
Nhiều bệnh nhân vượt qua bệnh tật nói rằng họ cảm thấy “sự khác lạ” từ bạn bè. Một số cảm thấy trưởng thành, đồng cảm và thấu hiểu với người khác hơn. Một số khác thấy rằng mối quan tâm, sự thích thú hoặc giá trị của họ đã thay đổi. Kết quả là cảm thấy xa cách với các bạn đồng trang lứa.
Mặt khác, việc vượt qua ung thư mang lại cho bạn nhiều sức mạnh, sự tự tin và có cái nhìn cởi mở hơn với cuộc sống. Bạn bè có thể xem bạn như một hình mẫu giúp họ tìm thấy triển vọng mới cho riêng họ.
Ung thư và quá trình điều trị khiến bạn đánh mất đi một vài người bạn và những thay đổi ở một vài người khác. Điều này có thể xảy ra do nhiều lý do. Bạn bè có thể đã có những người bạn khác trong khi bạn đang điều trị hoặc họ không thoải mái vì họ không hiểu về ung thư. Một phần trong đó là chính bạn cũng có thể có cảm giác bị từ chối và dễ tổn thương, thậm chí bạn còn bị trêu chọc.
Chia sẻ về bệnh sẽ giúp bạn bè có cơ hội đặt câu hỏi và trao đổi về các mối quan ngại của họ. Với những người bạn chưa hiểu được tiền sử ung thư của bạn, họ có thể muốn biết thêm thông tin hoặc họ sẽ phản ứng với những nỗi sợ trong quá khứ của chính họ. Bạn có thể cảm thấy khó khăn và thất vọng khi bị từ chối bởi một người sợ hãi vì bạn là người sống sót sau ung thư. Tuy nhiên, trong một mối quan hệ, tốt hơn hết là biết điều này sớm hơn là để sau này. Cung cấp thông tin về bệnh ung thư cho bạn bè là cách tốt nhất để chiến thắng mọi khó chịu mà họ cảm nhận về sức khỏe của bạn. Hãy nhấn mạnh rằng ung thư không phải là bệnh truyền nhiễm.
Người vượt qua bệnh tật cũng có những khó khăn khi kết bạn mới. Đừng vì sợ bị từ chối mà không kết bạn mới hoặc tiếp tục củng cố và duy trì những mối quan hệ hiện có. Nếu bạn cảm thấy lo lắng, lúng túng hoặc ngại ngùng, hãy đặt ra những mục tiêu nhỏ để việc gặp gỡ mọi người dễ dàng hơn. Đây là một vài gợi ý:
- Học cách mỉm cười hoặc khen ngợi mỗi ngày. Khi bạn cảm thấy thoải mái hãy giao tiếp nhiều hơn.
- Tham gia một nhóm lợi ích cộng đồng, câu lạc bộ, nhóm hỗ trợ, hoạt động giải trí hoặc đội thể thao.
- Cân nhắc tham gia tình nguyện.
- Tham gia một lớp học mà bạn cảm thấy thích thú.
- Củng cố các mối quan hệ đã có. Bạn bè có thể đem lại sự hỗ trợ tuyệt vời và cũng giúp bạn gặp nhiều người mới.
Hãy xem Hướng dẫn dành cho bạn bè của thiếu niên bị ung thư để biết thêm thông tin về việc ung thư ảnh hưởng đến tình bạn như thế nào.
Tài liệu tham khảo
https://www.thenccs.org/relationships