Tìm hiểu về hẹp cột sống
Bệnh hẹp ống sống là gì?
Hẹp ống sống là tình trạng cột sống bị hẹp gây ra áp lực cho tủy sống hoặc các dây thân kinh đi qua cột sống. Hẹp ống sống thường xảy ra ở vùng dưới lưng (hẹp ống sống thắt lưng) hoặc cổ (hẹp ống sống cổ). Bệnh này thường không có quá nguy hiểm, tuy nhiên trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật để giảm áp lực lên tủy sống hoặc các dây thần kinh.
Những ai thường mắc hẹp ống sống?
Hầu hết người bị hẹp ống sống đều trên 50 tuổi. Bệnh có thể xảy ra ở cả nam và nữ. Người trẻ bị hẹp ống sống thường là do bệnh lý di truyền ảnh hưởng đến sự phát triển của cơ và xương trong toàn cơ thể. Bạn có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin.
Triệu chứng và dấu hiệu hẹp ống sống
Những dấu hiệu và triệu chứng hẹp ống sống là gì?
Triệu chứng phụ thuộc vào vùng nào của cột sống bị hẹp. Hẹp ở phần dưới sẽ gây đau thắt lưng, mông và đùi. Ở những trường hợp nặng, chân hoặc cánh tay có thể bị tê và yếu. Ngoài ra, bạn cũng có thể gặp các triệu chứng sau:
- Bị chuột rút ở tay hoặc chân;
- Gặp khó khăn khi di chuyển hoặc giữ thăng bằng;
- Đau khi đứng hoặc đi lại;
- Đi tiểu không kiểm soát.
Có thể có các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Nên gọi bác sĩ hoặc đến bệnh viện nếu bạn có một trong các triệu chứng sau:
- Gặp tác dụng phụ của thuốc.
- Xuất hiện cảm giác tê hoặc châm chích ở chân.
- Tiểu khó hoặc mất kiểm soát tiêu tiểu.
Cơ địa và tình trạng bệnh lý có thể khác nhau ở nhiều người. Hãy luôn thảo luận với bác sĩ để được chỉ định phương pháp chẩn đoán, điều trị và xử lý tốt nhất dành cho bạn.
Nguyên nhân hẹp ống sống
Nguyên nhân gây ra hẹp ống sống là gì?
Các nguyên nhân hẹp ống sống có thể gồm:
- Các đĩa đệm bắt đầu khô và phình to ra;
- Các xương và dây chằng cột sống dày lên hoặc phát triển lớn hơn;
- Bị viêm khớp cột sống;
- Các bệnh về xương (như bệnh Paget);
- Khuyết tật cột sống bẩm sinh;
- Từng bị chấn thương cột sống hoặc có khối u trong cột sống.
Nguy cơ mắc hẹp ống sống
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc hẹp ống sống?
Có rất nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ hẹp ống sống, bao gồm:
- Độ tuổi: những người từ 50 tuổi trở lên dễ có khả năng bị hẹp ống sống.
- Di truyền: các tính trạng di truyền có thể làm cho một số người dễ bị bệnh hơn.
- Hút thuốc: các thành phần trong thuốc lá có thể gây co mạch và các cấu trúc khác trong cơ thể.
- Tiền sử chấn thương: chấn thương cột sống gặp phải khi còn trẻ có thể ảnh hưởng đến nguy cơ bị hẹp ống sống.
- Béo phì: cân nặng cơ thể quá lớn sẽ tạo nhiều áp lực lên cột sống hơn.
Không có các yếu tố nguy cơ bệnh không có nghĩa là bạn không thể mắc bệnh. Những dấu hiệu trên chỉ mang tính tham khảo. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa để biết thêm chi tiết.
Điều trị hẹp ống sống
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những phương pháp nào dùng để điều trị hẹp ống sống?
Bác sĩ sẽ hướng dẫn các bài tập vật lý trị liệu để giúp giảm đau và cải thiện khả năng vận động. Các phương pháp massage, châm cứu, chườm lạnh (hoặc chườm nóng) có thể giúp bạn giảm đau. Nếu bạn bị đau lưng dai dẳng, bác sĩ sẽ tiêm thuốc trực tiếp vào vùng gần dây thần kinh cột sống hoặc tủy sống để giảm cơn đau.
Phẫu thuật hẹp ống sống chỉ được cân nhắc cho những trường hợp cơn đau vẫn không thuyên giảm. Bác sĩ có thể tiến hành cắt bỏ đĩa đệm để giảm sức ép lên dây thần kinh. Ngoài ra, trong một số phẫu thuật cột sống, bác sĩ sẽ loại bỏ một số đốt sống để nới rộng ống sống.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán hẹp ống sống?
Bác sĩ chẩn đoán bệnh dựa trên bệnh sử và khám lâm sàng. Bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm máu và nước tiểu để xem có bệnh lý nào khác gây nên những triệu chứng này hay không. Bạn sẽ được chụp X-quang cột sống. Nếu cần hình ảnh rõ ràng hơn về xương, thần kinh, đĩa đệm đốt sống và các mô khác hoặc cần cân nhắc phẫu thuật, bạn sẽ được chụp cộng hưởng từ (MRI) cột sống. Phương pháp đo vận tốc dẫn truyền thần kinh cũng có thể được dùng nhằm xác định tình trạng chèn ép thần kinh có gây tê hay châm chích ở chân hay không.
Phong cách sống và thói quen sinh hoạt cho người bị hẹp ống sống
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của hẹp ống sống?
Những thói quen sinh hoạt và phong cách sống dưới đây sẽ giúp bạn hạn chế diễn tiến hẹp ống sống:
- Tái khám đúng lịch hẹn để được theo dõi diễn tiến các triệu chứng cũng như tình trạng sức khỏe của bạn.
- Dùng thuốc theo sự hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý uống thuốc không được chỉ định hoặc tự ý bỏ thuốc trong toa được kê cho bạn.
- Giảm cân bằng chế độ dinh dưỡng phù hợp.
- Chườm lạnh hoặc chườm nóng để giảm đau.
- Loại bỏ chướng ngại vật: giữ cho nhà bạn không bị lộn xộn hoặc trơn trượt vì có thể gây té ngã. Nên mang giày vừa chân, gót thấp để giúp bạn giữ được thăng bằng.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.