Chấn thương dây chằng chéo trước

(4) - 89 đánh giá

Dãn hoặc rách dây chằng chéo trước là một trong những chấn thương phổ biến nhất ở vùng đầu gối.

Các vận động viên tham gia các môn thể thao cường độ cao như bóng đá, bóng bầu dục và bóng rổ có nhiều khả năng bị tổn thương dây chằng chéo trước.

Nếu bạn đã bị chấn thương dây chằng chéo trước, bạn có thể cần phải phẫu thuật để phục hồi chức năng đầy đủ của đầu gối. Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, ví dụ như mức độ nghiêm trọng của chấn thương và mức độ hoạt động của bạn.

Giải phẫu

Ba xương tham gia tạo thành khớp (đầu) gối là: xương đùi, xương chày và xương bánh chè. Xương bánh chè nằm ở phía trước để bảo vệ cho khớp gối.

Các xương được kết nối với nhau bằng các dây chằng. Có bốn dây chằng chính ở khớp gối hoạt động như những sợi dây mạnh mẽ để giữ xương với nhau và giữ cho khớp gối ổn định.

Hình: Dây chằng chéo trước (DCCT)

  • Các dây chằng bên

Các dây chằng bên nằm ở hai bên khớp gối. Dây chằng trong nằm ở phía trong và dây chằng ngoài bên ngoài. Các dây chằng bên kiểm soát các chuyển động ngang của đầu gối và bảo vệ đầu gối trước các vận động bất thường.

  • Các dây chằng chéo

Các dây chằng chéo được tìm thấy bên trong khớp gối và bắt chéo nhau để tạo thành một chữ “X” với dây chằng chéo trước ở phía trước và dây chằng chéo sau ở phía sau. Các dây chằng chéo kiểm soát vận động tới và lui của đầu gối.

Dây chằng chéo trước (DCCT) chạy theo đường chéo từ trong ra ngoài ở giữa đầu gối. Nó ngăn xương chày trượt ra phía trước xương đùi, cũng như cung cấp sự ổn định khi quay đầu gối.

Phân loại

Khoảng một nửa số chấn thương DCCT xảy ra cùng với các tổn thương cấu trúc khác ở đầu gối, chẳng hạn như sụn khớp, sụn chêm hoặc dây chằng khác.

Tổn thương dây chằng được gọi là “bong gân” và được phân loại dựa trên mức độ tổn thương.

  • Bong gân mức độ 1: Dây chằng bị tổn thương mức độ nhẹ. Dây chằng bị kéo căng một chút nhưng vẫn có thể giữ ổn định khớp gối.
  • Bong gân mức độ 2: Dây chằng bị tổn thương mức độ trung bình. Dây chằng bị rách một phần và khớp khối trở nên lỏng lẻo hơn.
  • Bong gân mức độ 3: Dây chằng bị tổn thương mức độ nặng. Dây chằng bị đứt hoàn toàn thành hai mảnh, và khớp gối không còn không ổn định.

Rách một phần của DCCT rất hiếm gặp, hầu hết các chấn thương DCCT là rách hoàn toàn hoặc rách gần như hoàn toàn.

Hình: Rách hoàn toàn dây chằng chéo trước

Nguyên nhân

DCCT có thể bị tổn thương trong một số trường hợp:

  • Thay đổi hướng quá nhanh
  • Dừng lại đột ngột
  • Chạy chậm lại trong khi chạy
  • Tiếp đất không tốt sau một bước nhảy
  • Tiếp xúc trực tiếp hoặc va chạm với lực mạnh, như va đập đầu gối trong tai nạn xe gắn máy hoặc té đập đầu gối trong sinh hoạt hằng ngày

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng các vận động viên nữ có tỷ lệ chấn thương DCCT cao hơn hơn các vận động viên nam trong một số môn thể thao. Nguyên nhân có thể là do sự khác biệt trong hoạt động thể chất, sức mạnh cơ bắp và hoạt động thần kinh cơ. Các nguyên nhân khác bao gồm sự khác biệt trong trục xương chậu-chi dưới làm tăng sự lỏng lẻo của dây chằng cũng như tác động của nội tiết tố Estrogen trên tính chất của dây chằng.

Triệu chứng

Khi bị tổn thương DCCT, bạn có thể nghe thấy một tiếng “rắc” và cảm thấy đầu gối trở nên lỏng lẻo.

Những triệu chứng điển hình khác bao gồm:

  • Đau và sưng. Trong vòng 24 giờ, đầu gối của bạn sẽ đau và sưng lên. Bạn có thể phải nhờ người khác nâng bạn. Sau đó, đau và sưng giảm dần nhờ bất động hay chườm đá lạnh và dùng thuốc giảm đau. Tuy nhiên, nếu bạn cố gắng chơi thể thao trở lại, đầu gối của bạn có thể sẽ không ổn định và có nguy cơ làm tổn hại đến sụn chêm của khớp gối.
  • Khớp gối bị hạn chế vận động và mất tầm vận động tối đa.
  • Đau theo đường khớp gối
  • Đau khi đi

Chẩn đoán

  • Thăm khám và bệnh sử

Trong lần khám bệnh đầu tiên, bác sĩ sẽ hỏi bạn về các triệu chứng và bệnh sử.

Trong khi thăm khám, bác sĩ sẽ kiểm tra tất cả các cấu trúc của đầu gối bị tổn thương và so sánh chúng với bên đầu gối không bị tổn thương. Hầu hết các chấn thương dây chằng có thể được chẩn đoán bằng việc thăm khám toàn diện khớp gối.

  • Xét nghiệm hình ảnh

Các xét nghiệm hình ảnh có thể giúp bác sĩ nhận ra chẩn đoán tổn thương DCCT bao gồm:

X-quang: Mặc dù hình ảnh X-quang không hiển thị chấn thương dây chằng trước, nó có thể cho biết liệu chấn thương có liên quan với gãy xương hay không.

MRI: Hình ảnh MRI cho hình ảnh tốt hơn về các mô mềm như DCCT. Tuy nhiên, MRI thường không cần thiết để chẩn đoán của tổn thương DCCT

Điều trị

Điều trị rách DCCT sẽ thay đổi tùy theo nhu cầu cá nhân của bệnh nhân. Ví dụ, các vận động viên trẻ tham gia vào sự các môn thể thao hoạt động mạnh rất cần phải phẫu thuật để chơi lại thể thao an toàn. Bệnh nhân ít hoạt động và lớn tuổi có thể có một cuộc sống bình thường mà không cần phẫu thuật.

Điều trị không phẫu thuật

DCCT bị rách sẽ không không bao giờ lành mà không cần phẫu thuật. Tuy nhiên, điều trị không phẫu thuật có thể có hiệu quả đối với các bệnh nhân cao tuổi hoặc ít hoạt động. Nếu sự ổn định tổng thể của đầu gối còn nguyên vẹn, bác sĩ có thể khuyên bạn cách điều trị đơn giản và không phẫu thuật.

Nẹp: Bác sĩ có thể đề nghị bạn mang nẹp đầu gối để giữ vững khớp khối. Để bảo vệ đầu gối, bạn có thể dùng nạng để giảm bớt trọng lượng đặt lên chân.

Vật lý trị liệu: Sau khi đầu gối bớt sưng, bạn có thể tập các bài tập phục hồi chức năng để khôi phục lại chức năng khớp gối và tăng cường sức mạnh cơ bắp vùng này.

Điều trị phẫu thuật

Tái tạo dây chằng: Hầu hết DCCT khi bị rách sẽ không thể khâu nối lại. Để chữa DCCT và khôi phục sự ổn định của đầu gối bằng phẫu thuật, dây chằng phải được tái tạo/tạo hình lại (nối). Phẫu thuật viên sẽ thay thế dây chằng bị rách bằng một mô ghép hoạt động như một “giàn giáo” cho dây chằng mới phát triển lên.

Mô ghép có thể được lấy từ nhiều nguồn khác nhau, thường thì được lấy từ gân bánh chè (chạy giữa xương bánh chè và xương chày). Dây chằng gân kheo (thường gân cơ thon/ bán gân ở mặt sau của đùi) hay gân cơ tứ đầu đùi (nối xương bánh chè vào đùi) cũng được sử dụng. Mô ghép từ tử thi cũng có thể được sử dụng.

Các nguồn ghép khác nhau có những ưu điểm và khuyết điểm khác nhau. Bạn nên thảo luận về lựa chọn mô ghép với phẫu thuật viên chỉnh hình để có sự chọn lựa tốt nhất.

Vì việc tái tạo mô sau phẫu thuật cần thời gian, vận động viên có thể phải chờ đến hơn sáu tháng trước khi hoạt động thể thao trở lại.

Quá trình phẫu thuật

Ngày nay việc tái tạo DCCT được thực hiện bằng phương pháp nội soi khớp ít xâm lấn với đường rạch nhỏ. Những lợi ích của kỹ thuật nội soi khớp bao gồm ít đau sau mổ hơn, thời gian nằm viện ngắn hơn, và thời gian phục hồi nhanh hơn.

Trừ khi được chỉ định cho chấn thương phức tạp, phẫu thuật tái tạo DCCT thường không được thực hiện ngay. Sự trì hoãn này là để chờ tình trạng viêm cải thiện và giúp tầm vận động gối hồi phục trước phẫu thuật. Việc tái tạo DCCT quá sớm sẽ làm tăng đáng kể nguy cơ xơ hóa khớp cũng như hình thành sẹo ở khớp gây nguy cơ giảm vận động khớp gối về sau.

Những điều nên làm khi sơ cứu:

  • Nâng chân cao hơn tim
  • Chườm đá quanh đầu gối
  • Thuốc giảm đau như Paracetamol hay NSAIDs

Những điều nên tránh khi sơ cứu:

  • Xoa bóp dầu nóng
  • Kéo nắn
  • Bó thuốc bắc
  • Đi lại, chạy nhảy
  • Chích thuốc vào tổn thương

Phục hồi chức năng

Cho dù bạn có điều trị bằng phẫu thuật hay không, phục hồi chức năng vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc giúp bạn trở lại các hoạt động hàng ngày. Một chương trình phục hồi chức năng (vật lý trị liệu) thích hợp sẽ giúp bạn lấy lại sức mạnh đầu gối và vận động tốt hơn.

Nếu điều trị phẫu thuật, vật lý trị liệu trước tiên sẽ tập trung vào việc hồi phục vận động khớp gối và cơ bắp xung quanh. Tiếp theo là các bài tập để bảo vệ và tăng dần sức căng của dây chằng mới tái tạo. Giai đoạn cuối cùng là nhằm vào mục đích phục hồi chức năng phù hợp với môn thể thao của vận động viên/người bệnh.

Xem thêm bài Phục hồi chức năng cho bệnh nhân viêm khớp của TS.BS Trần Văn Vương

Tài liệu tham khảo

  • http://orthoinfo.aaos.org/topic.cfm?topic=A00549
  • http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/001074.htm
  • http://genou.cliniquedusport.fr/entorse-rupture-ligament-croise-anterieur-lca-genou
  • http://sante-medecine.commentcamarche.net/faq/20584-rupture-des-ligaments-croises
  • Biên dịch - Hiệu đính

    TS.BS. Huỳnh Kim Hiệu - BS.TS. Phạm Nguyên Quý
    Đánh giá:

    Bài viết liên quan

    Nhiễm trùng hậu phẫu

    (14)
    Giới thiệu Một trong những tiến bộ lớn nhất của ngoại khoa ở thế kỷ 20 là tìm ra giải pháp làm giảm nguy cơ nhiễm trùng trong và sau phẫu thuật. Bất kỳ ... [xem thêm]

    Viêm xương khớp (Thoái hóa khớp)

    (67)
    Viêm xương khớp (còn gọi là thoái hóa khớp hay viêm khớp thoái hóa) là một bệnh lý tiến triển theo thời gian của các khớp. Chủ yếu ảnh hưởng tới sụn ... [xem thêm]

    Điều trị loãng xương

    (89)
    Loãng xương là gì? Loãng xương là một bệnh mất xương tiến triển theo thời gian làm tăng nguy cơ gãy xương. Bệnh thường không được chú ý phát hiện trong ... [xem thêm]

    Bệnh Lyme

    (94)
    Giới thiệu Bệnh Lyme là một bệnh viêm nhiễm do ve đốt. Nó lây truyền thông qua con ve sống ở Bắc Mỹ, Châu Âu và Châu Á. Bạn có thể đến những nơi có ... [xem thêm]

    Thay khớp háng nhân tạo

    (76)
    Giới thiệu Đau khớp háng do bởi thoái hóa khớp có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng hoạt động trọn vẹn của bệnh nhân. Trải qua hơn 25 năm, đã ... [xem thêm]

    Vẹo cột sống bẩm sinh

    (33)
    Giới thiệu Bệnh vẹo cột sống bẩm sinh là khiếm khuyết về độ cong ở mặt phẳng đứng ngang của cột sống lúc mới sinh. Tỷ lệ là 1 trên 10.000 trẻ sơ ... [xem thêm]

    Thoái hóa khớp

    (45)
    Ngày nay, có rất nhiều bệnh nhân bị đau nhức xương khớp, cột sống tìm đến bác sĩ chuyên khoa để khám và được chẩn đoán “thoái hóa khớp, thoái hóa ... [xem thêm]

    Chấn thương dây chằng chéo trước

    (89)
    Dãn hoặc rách dây chằng chéo trước là một trong những chấn thương phổ biến nhất ở vùng đầu gối. Các vận động viên tham gia các môn thể thao cường ... [xem thêm]

    DANH SÁCH PHÒNG KHÁM BỆNH VIỆN