Viêm xương khớp (còn gọi là thoái hóa khớp hay viêm khớp thoái hóa) là một bệnh lý tiến triển theo thời gian của các khớp. Chủ yếu ảnh hưởng tới sụn khớp.
Hình: Viêm xương khớp.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ viêm xương khớp
Nguyên nhân
Sụn khớp là mô trơn nhẵn bao bọc các đầu xương cho phép các xương trượt qua nhau trong ổ khớp và làm giảm sốc khi vận động. Tuy nhiên, khi khi bị viêm xương khớp, lớp trên của sụn bị vỡ và mòn đi. Điều này làm cho các xương dưới sụn cọ xát vào nhau. Việc cọ xát gây đau, sưng và mất khả năng cử động khớp.
Yếu tố nguy cơ
Viêm xương khớp thường phát triển sau nhiều năm sử dụng khớp nên nó thường ảnh hưởng đến những người trung niên trở nên. Những người trẻ tuổi hơn đôi khi cũng bị viêm xương khớp nhưng chủ yếu hình thành sau các chấn thương khớp. Các yếu tố nguy cơ của viêm xương khớp bao gồm:
- Thừa cân
- Tuổi già
- Tổn thương khớp
- Các khớp hình thành không đúng
- Dị tật di truyền trong sụn khớp
- Đè nén các khớp do một số công việc nặng hoặc chơi thể thao liên tục với cường độ cao.
Giải phẫu khớp xương
Khớp xương là nơi hai hay nhiều xương gặp nhau. Ví dụ như khớp gối hình thành hai khớp là khớp giữa xương đùi và xương chày với khớp giữa xương đùi và xương bánh chè. Khớp hông là nơi đầu xương đùi gắn với ổ cối xương chậu.
Một khớp xương khỏe mạnh dễ dàng trượt lên nhau mà không đau đớn nhờ vào một mô trơn và đàn hồi được gọi là sụn khớp bao bọc đầu các xương tạo nên khớp đó.
Triệu chứng viêm khớp xương
Viêm xương khớp có thể ảnh hưởng đến bất kỳ khớp nào cơ thể, với các triệu chứng từ đau nhẹ đến mất cử động hoàn toàn. Người bị viêm xương khớp thường bị đau khớp và vận động kém đi. Do sụn khớp bị tổn thương, các xương chà xát trực tiếp với nhau khi di chuyển.
Đây là nguyên nhân gây ra các cơn đau và viêm. Đau hoặc đau âm ỉ thường tiến triển dần theo thời gian. Theo thời gian, khớp có thể mất đi hình dạng ban đầu của nó. Ngoài ra, các gai xương cũng có thể phát triển trên các cạnh khớp. Các mảnh xương hoặc sụn có thể tróc ra và trôi nổi bên trong khoảng cách giữa hai đầu xương, gây đau đớn và thương tổn nhiều hơn. Đau có thể trở nặng vào buổi sáng và cảm thấy tốt hơn với các hoạt động trong ngày. Hoạt động mạnh cũng có thể làm cơ đau bùng lên.
Không giống như một số dạng viêm khớp khác, viêm xương khớp chỉ ảnh hưởng đến các khớp mà không ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng. Thấp khớp – dạng phổ biến thứ hai của bệnh viêm khớp – ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể ngoài các khớp. Viêm xương khớp là dạng viêm khớp phổ biến nhất.
Mặc dù viêm xương khớp không thể chữa khỏi hoàn toàn. Nhưng việc chẩn đoán, điều trị sớm có thể làm chậm quá trình tiến triển của bệnh, giảm đau và phục hồi chức năng cho người bệnh.
Viêm khớp xương được chẩn đoán như thế nào?
Một cuộc thăm hỏi toàn diện về bệnh sử, thăm khám các cơ quan, chụp X-quang và có thể các xét nghiệm cận lâm sàng khác sẽ được thực hiện.
Bác sĩ sẽ hỏi xem khớp có từng bị chấn thương hay chưa? Bác sĩ cũng muốn biết khi nào đau khớp bắt đầu và bệnh nhân cảm thấy đau như thế nào: đau liên tục, hay đau từng cơn lặp lại? Đau có có xảy ra ở các bộ phận khác của cơ thể không? Điều quan trọng là phải biết khi cơn đau xảy ra thì nó có trở nặng hơn vào ban đêm hay không? Đau xảy ra khi đi bộ, chạy bộ hay nghỉ ngơi?
Bác sĩ sẽ kiểm tra các khớp bị ảnh hưởng ở các tư thế/vị trí khác nhau để đánh giá đau khớp hay giới hạn vận động. Bác sĩ tìm xem có tiếng lạo xạo do xương ma sát, teo cơ, cũng như dấu hiệu của tổn thương cơ, gân và dây chằng hay không.
X- quang sẽ cho thấy mức độ suy thoái khớp bao gồm giảm khoảng cách khe khớp, đầu xương mỏng đi hoặc bị bào mòn, tụ dịch trong khớp, gai xương hoặc các bất thường khác. Nhờ đó mà các bác sĩ có thể phân biệt các hình thức khác nhau của viêm khớp.
Đôi khi, các xét nghiệm cận lâm sàng giúp cho loại trừ các bệnh lý khác gây ra các triệu chứng tương tự như viêm xương khớp.
Xem thêm bài viêm khớp của BS. Trần Ngọc Hữu ĐứcCách điều trị viêm khớp xương
Điều trị không phẫu thuật
Ban đầu, điều trị không phẫu thuật giúp chậm tiến triển của viêm xương khớp, tăng cử động, và cải thiện sức mạnh cơ bắp. Hầu hết các chương trình điều trị bao gồm kết hợp giữa thay đổi lối sống, thuốc và vật lý trị liệu với bốn mục tiêu chính:
- Cải thiện chức năng khớp
- Duy trì cân nặng hợp lý
- Kiểm soát cơn đau
- Có lối sống lành mạnh.
Thay đổi lối sống: Bác sĩ sẽ khuyên bạn nên nghỉ ngơi hoặc thay đổi hình thức hoạt động để tránh gây đau viêm xương khớp. Điều này bao gồm thay đổi trong công việc hoặc các hoạt động thể thao. Bạn cần chuyển từ hoạt động tác động mạnh (như thể dục nhịp điệu, chạy, nhảy hoặc thể thao đối kháng) thành các động động nhẹ nhàng hơn (chẳng hạn như đi bộ, bơi lội hoặc đạp xe đạp). Một chương trình giảm cân có thể được đề ra. Nếu cần thiết, đặc biệt nếu viêm xương khớp ảnh hưởng đến các khớp chịu lực (như đầu gối, hông, cột sống hoặc mắt cá chân).
Thuốc. Thuốc kháng viêm không chứa Steroid có thể giúp giảm viêm xương khớp. Ngoài ra, đôi khi các bác sĩ có thể dùng các thuốc chống viêm mạnh hơn có chứa Corticosteroid tiêm trực tiếp vào khớp. Corticosteroid sẽ giảm đau và sưng tạm thời.
Các thực phẩm bổ sung có chứa Glucosamine và Chondroitin Sulfate có thể giúp giảm đau viêm khớp nhưng cần được kiểm chứng thêm bằng những nghiên cứu khoa học cụ thể.
Vật lý trị liệu. Một chương trình tập thể dục hài hòa, vật lý trị liệu và/hoặc hoạt động trị liệu (Occupational Therapy) có thể cải thiện tính linh hoạt cho khớp, tăng tầm vận động, giảm đau và tăng cường sức mạnh cho cơ bắp, xương và các mô sụn. Các thiết bị hỗ trợ hay trợ giúp (ví dụ như nẹp, băng đàn hồi, gậy, nạng hoặc khung đi bộ) có thể cần thiết. Nước đá hoặc chườm nóng cũng cần được áp dụng cho các khớp bị ảnh hưởng trong khoảng thời gian ngắn và nhiều lần trong ngày .
Điều trị phẫu thuật
Nếu điều trị không phẫu thuật không giúp giảm đau hoặc không hiệu quả, phẫu thuật có thể được lựa chọn. Quyết định phẫu thuật phụ thuộc vào tuổi và mức độ hoạt động của bệnh nhân. Tình trạng của khớp bị ảnh hưởng và mức độ tiến triển của viêm xương khớp.
Lựa chọn phẫu thuật cho viêm xương khớp bao gồm nội soi khớp, cắt xương, làm cứng khớp và thay khớp.
Nội soi khớp. Phẫu thuật viên sử dụng sợi quang nội soi khớp có kích thước cỡ như cây bút chì và một số dụng cụ nhỏ khác để loại bỏ gai xương, nang, đường nối bị hỏng hoặc các mảnh vỡ trong khớp qua 2-3 vết mổ nhỏ.
Cắt xương: Các xương dài của cánh tay hoặc chân được sắp xếp lại để giảm áp lực lên khớp .
Làm cứng khớp. Phẫu thuật loại bỏ các khớp bằng cách hàn gắn các đầu xương với nhau. Đinh, thanh nẹp, vít hoặc đinh nội tủy sẽ giúp giữ cố định xương khi các đầu xương gắn với nhau. Quá trình này loại bỏ hoàn toàn cử động của khớp.
Thay khớp: Phẫu thuật viên loại bỏ các phần của đầu xương và tạo ra một khớp nhân tạo bằng kim loại hoặc nhựa tổng hợp (thay khớp toàn bộ hoặc tạo hình khớp) .
Nghiên cứu nào đang được tiến hành về bệnh viêm xương khớp?
Viêm xương khớp không đơn giản là căn bệnh “bào mòn” xảy ra ở khớp khi người ta về già. Có nhiều vấn đề khác liên quan đến bệnh này hơn là chỉ là quá trình lão hóa. Các nhà khoa học đang nghiên cứu:
- Phương pháp để xác định viêm xương khớp sớm
- Tìm kiếm các yếu tố di truyền liên quan (gene)
- Nuôi cấy mô để phát triển sụn nhằm thay thế sụn bị tổn hại
- Các chiến lược điều trị
- Các thuốc ngăn ngừa, làm chậm hoặc đẩy lùi tổn thương khớp
- Các liệu pháp bổ sung và thay thế như vitamin và các loại thuốc bổ khác
- Phương pháp giáo dục để giúp mọi người kiểm soát tình trạng viêm xương khớp tốt hơn
- Phương pháp tập thể dục và giảm cân nhằm cải thiện khả năng vận động và giảm đau.