Tìm hiểu chung
Xét nghiệm glucose sau ăn là gì?
Xét nghiệm glucose sau ăn là xét nghiệm máu để kiểm tra bệnh tiểu đường và thường có một số tên khác như glucose sau ăn, glucose hai giờ sau khi ăn. Nếu bị tiểu đường, cơ thể sẽ không sản xuất đủ insulin để kiểm soát giữ lượng đường trong máu. Điều này có nghĩa là lượng đường trong máu quá cao và có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như tổn thương dây thần kinh và mắt. Xét nghiệm này được thực hiện để xem cơ thể bạn phản ứng như thế nào với glucose và tinh bột sau khi ăn.
Khi tiêu hóa thức ăn trong dạ dày, nồng độ glucose huyết thanh hay đường huyết sẽ tăng mạnh. Để đáp ứng với tình trạng này, tuyến tụy sẽ giải phóng insulin để chuyển đường từ máu vào trong các tế bào của cơ và các mô khác. Trong vòng 2 giờ sau ăn, nồng độ insulin và glucose trong máu sẽ trở lại bình thường. Nếu nồng độ glucose trong máu vẫn ở mức cao, bạn có thể đã mắc bệnh tiểu đường.
Khi nào bạn nên thực hiện xét nghiệm?
Bác sĩ có thể đề xuất xét nghiệm này để xem liệu bạn có bệnh tiểu đường hay rối loạn liên quan insulin khác hay không, đặc biệt là nếu bạn có các triệu chứng như:
- Đi tiểu thường xuyên
- Khát bất thường
- Mắt mờ
- Mệt mỏi
- Nhiễm trùng lặp đi lặp lại
- Các vết loét chậm lành hơn bình thường.
Nếu đang mang thai, bạn có thể làm xét nghiệm này để tầm soát bệnh tiểu đường thai kỳ. Đó là bệnh tiểu đường ngắn hạn xuất hiện trong thời kỳ mang thai. Điều trị bệnh tiểu đường thai kỳ có thể giúp giảm nguy cơ các vấn đề sức khỏe cho bạn và em bé.
Thận trọng/Cảnh báo
Bạn nên biết những gì trước khi thực hiện xét nghiệm glucose sau ăn?
Bạn nên biết rằng insulin hỗ trợ cơ thể chuyển glucose từ máu vào mô và các tế bào mỡ. Khi bình thường, nồng độ glucose trong máu trở lại bình thường trong vòng 2 giờ sau ăn.
Tuy nhiên, nếu bạn bị bệnh tiểu đường, tuyến tụy sẽ không thể sản xuất đủ lượng insulin thích hợp hoặc có thể có các tế bào ngăn chặn insulin chuyển hóa glucose. Trong trường hợp này, nồng độ glucose vẫn sẽ cao sau khi ăn 2 giờ.
Bạn nên lưu ý rằng kết quả xét nghiệm có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố dưới đây:
- Hút thuốc lá trong đợt xét nghiệm
- Đang căng thẳng cực độ
- Ăn nhẹ hoặc ăn kẹo sau bữa ăn và trước khi xét nghiệm.
Vì vậy, bạn nên đảm bảo rằng mình không có những tình trạng này để đảm bảo kết quả chính xác.
Bác sĩ có thể yêu cầu bạn làm các xét nghiệm khác để xác định liệu bạn có bị bệnh tiểu đường hay không. Các xét nghiệm có thể bao gồm:
- Xét nghiệm glucose máu lúc đói: giúp đo lượng đường trong máu.
- Xét nghiệm HbA1c (hemoglobin đã glucose hóa): giúp đo nồng độ đường huyết trung bình kéo dài trong 2−3 tháng.
- Xét nghiệm dung nạp glucose: giúp đo khả năng sử dụng đường của cơ thể sau khi uống một lượng tiêu chuẩn thức uống có đường.
Quy trình thực hiện
Bạn nên chuẩn bị gì trước khi thực hiện xét nghiệm glucose sau ăn?
Bạn phải nhịn ăn trong vòng 12 giờ trước khi xét nghiệm và sau đó ăn một bữa ăn với ít nhất 75g carbohydrate. Sau bữa ăn, bạn không nên ăn bất cứ thứ gì trước khi xét nghiệm.
Bạn nên nghỉ ngơi trong thời gian chờ đợi khoảng 2 giờ, tránh tập thể dục vì có thể gây tăng nồng độ glucose trong máu. Bạn có thể không phải nhịn ăn nếu đang mang thai.
Quy trình thực hiện xét nghiệm như thế nào?
Trong khi làm xét nghiệm, bác sĩ hoặc y tá sẽ:
- Quấn một garô xung quanh cánh tay bạn để ngăn chặn dòng chảy của máu. Làm như vậy sẽ khiến các tĩnh mạch phía dưới băng lớn hơn và dễ đâm kim vào tĩnh mạch.
- Sát trùng nơi kim đâm bằng dung dịch isopropyl 70%.
- Đâm kim vào tĩnh mạch ở mức 10−30 độ.
- Đặt ống hút vào lỗ hút của kim và hút đầy ống máu.
- Tháo garô từ cánh tay ra khi ống hút gần đầy.
- Dùng một miếng bông đè lên chỗ lấy kim ra.
- Đè vào nơi tiêm và sau đó băng lại.
- Kết quả thường có trong 1−2 giờ. Nồng độ glucose trong mẫu máu lấy từ tĩnh mạch (giá trị huyết thanh) có thể khác một chút so với nồng độ glucose kiểm tra ở đầu ngón tay.
Bạn nên làm gì sau khi thực hiện xét nghiệm glucose sau ăn?
Lấy mẫu máu bằng kim có thể làm cho bạn chảy máu, nhiễm trùng, bầm tím hoặc cảm thấy chóng mặt. Khi kim chích vào cánh tay, bạn có thể cảm thấy một cảm giác châm chích nhẹ hoặc đau. Sau đó, nơi tiêm có thể bị loét nhẹ.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào về xét nghiệm glucose sau ăn, vui lòng hỏi bác sĩ để hiểu rõ hơn các chỉ dẫn.
Hướng dẫn đọc kết quả
Kết quả của bạn có ý nghĩa gì?
Có nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm, ví dụ như phương pháp được sử dụng để làm xét nghiệm. Thậm chí nếu kết quả xét nghiệm khác giá trị bình thường, bạn cũng có thể không có vấn đề gì. Để biết các kết quả xét nghiệm có ý nghĩa gì, bạn hãy nói chuyện với bác sĩ.
Kết quả xét nghiệm khác nhau tùy thuộc độ tuổi và thường được đo bằng milligram trên mỗi decilit (mg/dl). Kết quả xét nghiệm sau ăn hai giờ bình thường dựa trên tuổi là:
- Trẻ sơ sinh đến 50 tuổi: nhỏ hơn 140 mg/dl
- Người 50 đến 60 tuổi: nhỏ hơn 150 mg/dl
- Người 60 năm tuổi trở lên: nhỏ hơn 160 mg/dl
- Kết quả bình thường cho glucose sau ăn một giờ để tầm soát bệnh tiểu đường thai kỳ: nhỏ hơn 140 mg/dl.
Nếu nồng độ glucose máu của bạn vẫn cao sau khi ăn 2 giờ hoặc rất cao sau khi xét nghiệm dung nạp glucose trong tiểu đường thai kỳ 1 giờ, bạn có thể đang gặp các vấn đề liên quan đến insulin.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
Chúng tôi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.