Mụn trứng cá phổ biến đến mức được cho là một dấu hiệu bình thường ở tuổi dậy thì. Nhưng cho dù biết vậy, bạn chẳng thể nào cảm thấy dễ chịu khi bắt gặp những nốt mụn trên mặt lúc soi gương. Vậy loại thuốc nào giúp điều trị mụn trứng cá hiệu quả?
Mụn trứng cá là một bệnh về da thường xảy ra chủ yếu ở tuổi dậy thì, nhưng đôi khi có thể kéo dài đến tuổi trung niên. Phương pháp điều trị tùy thuộc vào loại mụn, giai đoạn phát triển của mụn và tình trạng da. Bạn có thể dùng đơn trị liệu một loại thuốc trị mụn trứng cá hoặc kết hợp nhiều loại thuốc, kể cả thuốc bôi và thuốc uống để cho hiệu quả tốt nhất.
Các phương pháp điều trị mụn trứng cá đúng cách
Có nhiều phương pháp điều trị mụn trứng cá khác nhau, bao gồm thuốc bôi và thuốc uống. Nếu mụn trứng cá ở dạng nhẹ, bác sĩ sẽ bắt đầu liệu trình điều trị bằng một loại thuốc bôi. Trong trường hợp mụn trứng cá trở nên nghiêm trọng và cơ thể không đáp ứng với loại thuốc bôi đang dùng hoặc nếu mụn trứng cá nổi nhiều ở những vùng da lớn như lưng hay ngực thì bác sĩ có thể kê đơn các loại thuốc uống kháng sinh và những loại thuốc uống dùng trong liệu pháp hormone.
Nhìn chung, tốt nhất là bạn nên bắt đầu quá trình điều trị mụn bằng những loại thuốc vừa ít gây ra tác dụng phụ nhất, vừa có thể giải quyết được những nguyên nhân gây mụn cụ thể. Một vài người đạt được kết quả tốt chỉ với một loại thuốc, nhưng nhiều người cần phối hợp nhiều phương pháp điều trị khác nhau với hai hoặc nhiều loại thuốc bôi hoặc hỗn hợp thuốc bôi và thuốc uống.
Thuốc trị mụn trứng cá bôi ngoài da
Thuốc bôi ngoài da khá hiệu quả trong điều trị mụn trứng cá. Tuy nhiên, bạn hiếm khi thấy kết quả rõ ràng trong một vài tuần và có thể gặp một số tác dụng phụ như đỏ hoặc khô da. Khi gặp phải những tác dụng phụ này, bạn nên đi khám da liễu để được điều trị thích hợp. Bác sĩ có thể khuyên bạn nên đợi một thời gian để cơ thể dung nạp dần dần thuốc hoặc thay thế bằng một loại thuốc khác dịu nhẹ hơn.
Bạn nên rửa da sạch và để khô trước khi thoa thuốc nhằm giúp tăng khả năng hấp thu của thuốc. Các loại thuốc trị mụn trứng cá phổ biến nhất là:
- Retinoid: thuốc có các dạng kem, gel. Thuốc có công dụng ngăn tắc nghẽn lỗ chân lông. Bạn chỉ nên sử dụng 1 lần/ngày vào buổi tối, để thuốc trên da qua đêm, sau đó rửa sạch lại vào sáng sớm hôm sau.
- Thuốc kháng sinh: kháng sinh sẽ diệt vi khuẩn gây mụn trứng cá, bạn có thể sử dụng kết hợp với retinoid. Thuốc kháng sinh thường được sử dụng chung với benzoyl peroxide, để giúp giảm nguy cơ kháng kháng sinh.
Thuốc trị mụn trứng cá dạng uống
Các loại thuốc uống dùng để điều trị mụn trứng cá bao gồm:
- Thuốc kháng sinh: bạn có thể phải dùng thuốc kháng sinh đường uống nếu tình trạng mụn nghiêm trọng, thuốc sẽ giúp giảm lượng vi khuẩn. Có thể bác sĩ sẽ khuyên bạn nên sử dụng kết hợp các loại thuốc bôi và thuốc kháng sinh đường uống. Tuy nhiên, thuốc kháng sinh có thể gây ra một số tác dụng phụ như chóng mặt và các bệnh về dạ dày. Đặc biệt, phụ nữ có thai cần cẩn trọng trong sử dụng thuốc kháng sinh.
- Thuốc tránh thai: một số bác sĩ da liễu sẽ kê thuốc tránh thai để trị mụn có chứa estrogen trong những trường hợp mụn nặng do nguyên nhân nội tiết tố ở phụ nữ. Tuy nhiên, sử dụng thuốc tránh thai có thể dẫn đến một số tác dụng phụ như đau đầu, buồn nôn hoặc tăng cân.
- Chất kháng androgen: androgen là hormone sinh dục nam kích thích các tuyến dầu sản xuất bã nhờn nhiều hơn. Dầu dư thừa này trộn lẫn với tế bào chết trên da, gây ra mụn trứng cá.
Lưu ý khi lựa chọn thuốc trị mụn trứng cá
Bạn cần chú ý đến thành phần của sản phẩm để xem những chất nào có khả năng kích ứng da và tìm những thành phần giúp làm thoáng lỗ chân lông. Các sản phẩm được dán nhãn “không gây mụn” (non-comedogenic) nói chung là an toàn, nhưng còn tuỳ thuộc vào phản ứng da của bạn như thế nào. Vì vậy, tốt nhất bạn phải nghiên cứu kỹ các thành phần gây kích ứng da của sản phẩm.
Các bước chăm sóc da mụn
Bên cạnh dùng thuốc để điều trị mụn trứng cá, bạn cũng cần chú ý đến các bước chăm sóc da mụn. Chăm sóc da bị mụn cần phải có thời gian mới có kết quả tốt, vì vậy bạn phải kiên nhẫn. Dưới đây là các bước “đối phó” mụn trứng cá đúng cách:
- Lựa chọn các loại sữa rửa mặt giúp giảm nhờn phù hợp cho da mụn.
- Thuốc trị mụn hoạt động bằng cách ngăn chặn việc nổi mụn. Vì vậy, bạn không chỉ thoa thuốc lên nốt mụn mà nên thoa cả vùng da bị mụn. Khi thoa thuốc bôi lên mặt, hãy sử dụng biện pháp “5 chấm”. Bắt đầu bằng việc lấy một lượng nhỏ thuốc bôi lên đầu ngón tay rồi chấm từng chấm lên 5 vị trí khác nhau trên mặt: giữa trán, hai bên má, mũi và cằm. Sau đó, thoa kem khắp vùng da bị mụn (chứ không chỉ từng nốt mụn). Bạn nên hạn chế thoa ở những vùng da nhạy cảm quanh mắt, khóe miệng hay rãnh mũi má.
- Những loại kem bôi không giúp mụn biến mất ngay. Có thể mất hàng tuần, thậm chí hàng tháng trước khi có hiệu quả. Bạn hãy kiên nhẫn và thoa kem đều đặn hoặc theo chỉ dẫn trong 6 tuần để thấy được hiệu quả. Cố gắng theo sát quá trình thoa kem và không được ngừng thoa kem quá 1 hoặc 2 ngày trong tuần.
- Nếu thuốc bôi khiến da bạn quá khô, hãy thoa kem cách đêm hoặc ba đêm một lần rồi dần dần tiến đến thoa hằng ngày; ngoài ra bạn có thể kết hợp thêm thoa kem dưỡng ẩm cho da mụn.
- Những loại thuốc có thành phần tương tự thường xuất hiện ở nhiều dạng khác nhau như kem, thuốc mỡ, sữa dưỡng thể, gel, phân tử trung thể hoặc bọt. Bạn nên sử dụng dạng được bác sĩ khuyến cáo và không tự ý chuyển sang dạng khác. Một vài dạng thuốc như gel chứa cồn có thể khiến da khô hơn và không thích hợp cho một số loại da nhất định.
- Nhiều loại kem có chứa tretinoin nên được thoa vào buổi tối trước khi đi ngủ, do nếu sử dụng vào ban ngày, chúng có thể bị bất hoạt bởi ánh sáng mặt trời. Nếu một sản phẩm có chứa retinoid và bezoyl peroxide được kê đơn riêng lẻ thì hãy thoa loại kem chứa benzoyl peroxide vào ban ngày còn loại chứa retinoid nên được thoa vào ban đêm. Tốt nhất bạn hãy tham khảo bác sĩ để lập ra một kế hoạch điều trị phù hợp.
- Đôi khi đơn trị liệu không đem lại hiệu quả như khi kết hợp 2 hay nhiều loại thuốc với nhau. Bác sĩ có thể cần thử nhiều loại hoặc những cách kết hợp thuốc khác nhau trước khi tìm ra phương thức điều trị phù hợp nhất cho bạn.
- Các chất giữ ẩm, kem chống nắng và mỹ phẩm trang điểm có thể được sử dụng đồng thời với các loại thuốc trị mụn dạng bôi. Thông thường, những loại thuốc trị mụn phải được thoa trước để chúng có thể tiếp xúc trực tiếp với da. Bạn hãy tham khảo bác sĩ để nhận được hướng dẫn thoa cho từng loại thuốc.
- Việc thoa kem chống nắng là cực kỳ quan trọng khi sử dụng thuốc bôi có chứa retinoid hoặc thuốc uống kháng sinh. Những loại thuốc này có thể khiến da nhạy cảm hơn dưới ánh nắng mặt trời. Kem chống nắng nên được thoa SAU KHI đã sử dụng những loại thuốc trị mụn.
Điều cuối cùng, bạn không nên ngưng sử dụng các loại thuốc trị mụn khi tình trạng mụn đã thuyên giảm. Hãy nhớ rằng việc sử dụng thuốc mới giúp tình trạng mụn được cải thiện và việc phòng ngừa là yếu tố cốt lõi trong việc điều trị.
Bạn hãy tham khảo thêm bài viết “Thuốc tránh thai trị mụn: Thực hư vấn đề này ra sao?” để biết thêm thông tin.
Chúng tôi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.