Tăng huyết áp đang là một vấn đề đáng quan tâm khi mang thai, đặc biệt đối với những phụ nữ đã được chẩn đoán tăng huyết áp mạn tính trước đó. Tăng huyết áp mạn tính là tình trạng tăng huyết áp được chẩn đoán trước khi mang thai hay trước tuần lễ thứ 20 của thai kỳ hoặc kéo dài đến hơn 12 tuần sau sinh.
Tăng huyết áp xuất hiện khi mang thai có thể là một dấu hiệu của tiền sản giật. Mặc dù tăng huyết áp thai kỳ và tiền sản giật có thể liên quan với nhau nhưng chúng vẫn có sự khác biệt. Nếu bạn được chẩn đoán tăng huyết áp trước khi mang thai, thì nên tìm hiểu những ảnh hưởng của bệnh lên thai kỳ hoặc thậm chí cân nhắc đến việc có nên mang thai hay không.
Liệu có thể có một thai kỳ khỏe mạnh khi bị tăng huyết áp?
Tốt nhất là bạn nên đến gặp bác sĩ trước khi mang thai để kiểm tra huyết áp của bạn có đang được kiểm soát tốt và xem xét các loại thuốc hạ áp đang sử dụng vì một số loại thuốc hạ áp không an toàn trong thai kỳ và có thể ảnh hưởng không tốt cho thai nhi.
Trong thai kì , tăng huyết áp mạn tính có thể tiến triển nặng hơn, đặc biệt khi xuất hiện tiền sản giật ghép trên nền tăng huyết áp có sẵn sẽ dẫn đến những biến chứng: suy tim tiến triển, mờ mắt, đột quỵ, co giật, biến chứng gan và thận.
Khả năng tiến triển thành tiền sản giật?
Tiền sản giật chỉ xảy ra trong thai kỳ. Vì vậy, ngay cả khi phụ nữ tăng huyết áp mạn tính được kiểm soát tốt trước khi mang thai thì vẫn có thể tiến triển thành tiền sản giật. Tăng huyết áp mãn tính không nhất thiết sẽ tiến triển thành tiền sản giật nhưng có nguy cơ tiến triển thành tiền sản giật cao. Nếu xuất hiện tiền sản giật, bạn sẽ được bác sĩ tư vấn chấm dứt thai kỳ sớm để tránh biến chứng cho mẹ và bé. Nếu xuất hiện tiền sản giật nặng, sản phụ có thể được bác sĩ chỉ định mổ lấy thai.
Thai kỳ nào được phân loại là nguy cơ cao?
Thai kì nguy cơ cao là thai kì có các bệnh lý mãn tính như tăng huyết áp chẳng hạn. Do đó, nếu bạn bị tăng huyết áp mà có thai thì thai kỳ của bạn được xếp vào nhóm nguy cơ cao.
Thai kì nguy cơ cao phải được theo dõi sát bởi các bác sĩ chuyên khoa sản tại một trung tâm chẩn đoán trước sinh và đơn vị sơ sinh để giảm thiểu các biến chứng do bệnh mạn tính gây ra trong thai kì và sự chăm sóc đặc biệt cho trẻ sau sinh nhằm mang lại điều tốt nhất cho bạn và em bé.
Tăng huyết áp khi mang thai ảnh hưởng đến em bé như thế nào?
Bạn có thể bị tăng huyết áp mãn tính nhưng vẫn có thể sinh ra những em bé khỏe mạnh. Tuy nhiên, tăng huyết áp mãn tính có khả năng gây ra những ảnh hưởng không tốt đối với sự phát triển của thai nhi.
Những vấn đề có thể
Bao gồm:
- Thai chậm tăng trưởng trong tử cung
- Nguy cơ cao mắc các vấn đề hô hấp trước hoặc trong khi chuyển dạ
- Nguy cơ nhau bong non cao hơn ( bánh nhau tách ra khỏi tử cung trước khi chuyển dạ)
- Có thể xảy ra tác dụng phụ từ các loại thuốc bạn đang dùng.
Có thể kiểm soát tăng huyết áp khi mang thai bằng cách nào?
Mặc dù chưa có biện pháp điều trị triệt để tăng huyết áp mạn tính, nhưng có nhiều cách để kiểm soát huyết áp khi mang thai. Chăm sóc sức khỏe của mẹ là cách chăm sóc sức khỏe thai nhi tốt nhất.
Một số ví dụ
- Ăn uống lành mạnh và đặc biệt hạn chế sử dụng nhiều muối
- Dùng thuốc điều trị tăng huyết áp theo chỉ định của bác sĩ
- Khám thai đầy đủ
- Tập thể dục đều đặn, mặc dù bác sĩ có thể chỉ định nghỉ ngơi tại giường nếu bạn bị tiền sản giật
- Không hút thuốc hay sử dụng đồ uống có cồn, dùng các loại thuốc bất hợp pháp (thuốc cấm)
- Theo dõi cân nặng và không tăng cân quá nhiều
Tài liệu tham khảo
https://americanpregnancy.org/pregnancy-complications/high-blood-pressure-during-pregnancy/