Bác sĩ ơi, lần trước mổ lấy thai rồi, lần này muốn sanh thường có được không?
Câu hỏi này của bạn rất thời sự. Vì sao?
- Mổ lấy thai ngày càng nhiều, vì nhiều lý do.
- Nguyện vọng sanh thường là nguyện vọng chính đáng.
Câu hỏi này nó sẽ làm bạn quẩn quanh suy nghĩ “sanh thường tốt hơn hay mổ lấy thai tốt hơn”. Mình trả lời nhanh luôn, rằng cái nào cũng tốt, quan trọng là chỉ định đúng cho từng bệnh nhân. Ví dụ, thai ngôi ngang, nhau tiền đạo thì không thể sanh thường.
Xem thêm bài Lựa chọn sinh thường hay sinh mổ của BS. Phạm Thanh HoàngĐiều mình muốn đề cập hôm nay không phải nên chọn phương pháp nào. Nó cụ thể hơn, hẹp hơn một chút, đó là lần trước sanh mổ rồi, lần này sanh thường được không?
Câu trả lời: có thể được. Bạn lưu ý giúp chữ “CÓ THỂ”. Nó tuỳ thuộc một vài yếu tố, như:
Nguyên nhân sanh mổ lần trước của bạn là gì, có tồn tại ở thai kỳ này hay không? Nếu có, bạn phải mổ lấy thai lại.
- Bạn mổ bao nhiêu lần rồi?
- Thai kỳ lần này như thế nào? Có bắt buộc phải mổ lấy thai hay không? Ví dụ như thai ngôi ngang, bé quá to.
- Nguyện vọng của bạn.
Hầu hết những bà mẹ đã từng mổ lấy thai trước đó, đều mặc định sẽ lại mổ nữa, và ngay cả bác sĩ cũng có khuynh hướng chọn lựa như vậy. Bình thường, một bà mẹ chuyển dạ sanh đã khó tiên lượng hết các yếu tố có thể diễn tiến, đối với một bà mẹ đã từng mổ lấy thai, rắc rối sẽ tăng hơn.
Bạn cần thảo luận với bác sĩ theo dõi thai cho mình về nguyện vọng sanh thường dù lần trước mổ lấy thai. Bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn những lợi ích và nguy cơ cụ thể. Những hướng dẫn dưới đây KHÔNG THỂ ÁP DỤNG CHO MỌI TRƯỜNG HỢP và mang tính tham khảo, giúp bạn có thông tin chính thống và đáng tin cậy để đưa ra quyết định.
- Dù quyết định sanh ngả âm đạo rồi nhưng trong quá trình chuyển dạ vẫn có trường hợp phải mổ lấy thai (ví dụ tim thai suy, sức khoẻ bé không đảm bảo chờ chuyển dạ sanh tự nhiên mà phải mổ lấy ra ngay).
- Mổ lấy thai hay mổ bất kỳ bệnh gì có vết thương trên tử cung đều có nguy cơ vỡ tử cung.
- Những thai phụ từng mổ lấy thai một lần có thể tư vấn theo dõi sanh ngả âm đạo.
- Có thể gây tê dưới màng cứng để giảm đau Sản khoa (hay gọi là đẻ không đau) khi sanh ngả âm đạo.
- Sau khi tư vấn nguy cơ và lợi ích của cả hai phương pháp theo dõi sanh ngả âm đạo và mổ lấy thai lại, bạn sẽ là người quyết định lựa chọn phương pháp nào. Trong hồ sơ bệnh án sẽ có biên bản tư vấn và kế hoạch theo dõi rõ ràng, có nghĩa là bạn cũng có trách nhiệm với quyết định của mình. Nếu chưa hiểu, cứ mạnh dạn nhờ bác sĩ trực tiếp theo dõi thai cho bạn giải thích, đừng nghe theo bác sĩ Google hay bác sĩ của người bạn quen trên mạng nói lại.
- Theo dõi chuyển dạ được thực hiện ở cơ sở có thể mổ lấy thai cấp cứu, luôn có bác sĩ Sản phụ khoa, gây mê hồi sức và bác sĩ Nhi khoa vì những tai biến có thể xảy ra ảnh hưởng đến tính mạng của thai phụ và thai nhi.
- Không được theo dõi sanh ngả âm đạo tại nhà cho thai phụ có mổ lấy thai trước đó.
Tài liệu tham khảo
https://www.facebook.com/tieumy.le.35/posts/1463103763786203