Thế nào là ngôi mông?
Khoảng 3-4 tuần trước ngày sinh dự kiến, phần lớn thai nhi sẽ xoay đầu xuống dưới gần đường sinh (âm đạo). Nếu điều này không xảy ra, mông hoặc chân hoặc cả 2 bộ phận này sẽ nằm ở vị trí đường đi ra ngoài trước khi sinh. Đây gọi là ngôi mông. Nó xảy ra ở khoảng 3-4% số trẻ sinh đủ tháng và đòi hỏi một kế hoạch đặc biệt chuẩn bị cho việc sinh nở. Nếu thai nhi của bạn là ngôi mông, bác sĩ có thể sẽ chỉ định mổ lấy thai.
Thai nhi ở vị trí ngôi mông (Nguồn ảnh: www.webmd.com)
Những yếu tố nào làm tăng khả năng ngôi mông?
Nguyên nhân vì sao trẻ ở vị trí ngôi mông không phải lúc nào cũng xác định được. Ngôi mông thường hay gặp khi:
- Người phụ nữ đã từng mang thai nhiều lần;
- Có nhiều hơn 1 bào thai trong tử cung (sinh đôi hoặc hơn);
- Tử cung có quá nhiều hay quá ít dịch ối (chất lỏng bao quanh bào thai trong lòng tử cung);
- Tử cung có hình dạng không bình thường hoặc có những khối tăng sinh bất thường, như u xơ;
- Nhau thai che phủ hoàn toàn hay một phần lối ra của tử cung (nhau tiền đạo);
- Trẻ sinh non.
Làm thế nào bác sĩ biết được thai của tôi có phải ngôi mông không?
Một cách để bác sĩ biết ngôi thai của bạn đó là khám lâm sàng. Bằng cách đặt tay lên những vị trí nhất định trên bụng của bạn, bác sĩ có thể cảm nhận được hình dáng của đứa bé. Qua cảm nhận về vị trí của đầu, lưng, mông trẻ, bác sĩ có thể cho biết vị trí của thai nhi trong bụng.
Siêu âm có thể được sử dụng để xác định ngôi thai. Trong xét nghiệm này, một thiết bị được di chuyển qua về quanh bụng của người mẹ. Sóng âm sẽ cho hình ảnh của đứa bé mà ta có thể quan sát trên màn hình.
Thế nào là ngoại xoay thai (external cephalic version – ECV)?
Nếu đứa bé ở vị trí ngôi mông, bác sĩ có thể sẽ chỉ định ngoại xoay thai (ECV). Ngoại xoay thai là một thủ thuật trong đó bác sĩ sẽ nâng và xoay thai nhi từ bên ngoài thành bụng của thai phụ. Điều này sẽ tăng khả năng sinh con bằng đường âm đạo của bạn.
Ngoại xoay thai được thực hiện như thế nào?
Để xoay đứa bé, bác sĩ sẽ đặt tay lên những vị trí nhất định trên bụng của bạn, sau đó nâng và xoay. Trong một vài trường hợp, một phụ tá sẽ cùng giúp việc xoay thai nhi.
Ngoại xoay thai – External cephalic version – ECV (Nguồn ảnh: ierawady87.blogspot.com)
Ngoại xoay thai được thực hiện khi nào?
Thông thường, ngoại xoay thai sẽ không được thực hiện khi bạn mang thai dưới 36 tuần. Nếu thủ thuật này được thực hiện sớm hơn, đứa bé có thể sẽ lại thay đổi vị trí của nó.
Ngoại xoay thai có thể được thực hiện với mọi trường hợp ngôi mông?
Bác sĩ sẽ kiểm tra sức khỏe và tình trạng thai của bạn để quyết định xem ngoại xoay thai có phải là lựa chọn tốt cho bạn hay không. Một số tình trạng nhất định sẽ làm tăng các nguy cơ liên quan đến ngoại xoay thai hay làm giảm khả năng thành công của nó. Nếu bạn và thai nhi của bạn có bất cứ tình trạng nào trong số đó, ngoại xoay thai sẽ không được chỉ định.
Khả năng thành công của ngoại xoay thai như thế nào?
Hơn một nửa các trường hợp thực hiện ngoại xoay thai là thành công. Tuy nhiên, một vài trẻ sau đó di chuyển về ngôi mông trở lại. Nếu điều này xảy ra, ngoại xoay thai sẽ được làm lại lần nữa. Ngoại xoay thai có khuynh hướng khó thực hiện hơn khi ngày sinh càng đến gần. Khi trẻ phát triển lớn hơn, có ít không gian hơn cho nó có thể di chuyển.
Xem thêm bài viết Làm gì khi ngôi thai là ngôi mông của ThS.BS Nguyễn Khánh LinhPhần lớn những đứa trẻ ngôi mông được sinh ra như thế nào?
Phần lớn trẻ ngôi mông được sinh ra bằng cách mổ lấy thai theo kế hoạch định sẵn. Như những phẫu thuật lớn khác, mổ lấy thai sẽ có nhiều nguy cơ. Những vấn đề này xảy ra với một tỉ lệ nhỏ và thường có thể được giải quyết dễ dàng:
- Nhiễm trùng;
- Chảy máu;
- Những vấn đề với thuốc giảm đau.
Không phải lúc nào cũng có thể mổ lấy thai theo kế hoạch được. Đứa bé có thể dịch chuyển về vị trí ngôi mông ngay trước khi sự chuyển dạ bắt đầu. Trong trường hợp này, bạn sẽ không biết rằng bạn sẽ phải mổ lấy thai cho đến khi bắt đầu chuyển dạ.
Những nguy cơ khi sinh trẻ ngôi mông theo đường âm đạo?
Nguy cơ gây hại đến thai nhi có thể tăng khi sinh trẻ ngôi mông theo đường âm đạo. Khả năng bị sa dây rốn cũng tăng. Đó là khi dây rốn trượt qua khỏi cổ tử cung đến lỗ sinh trước khi thai nhi ra. Điều này có thể làm cho dây rốn bị chèn ép, làm cắt đứt lượng máu qua dây rốn đến thai nhi.
Giải thích thuật ngữ
- Mổ lấy thai: Một đứa trẻ sinh ra qua đường mổ ở bụng và tử cung người mẹ.
- Ngoại xoay thai (ECV): Một kỹ thuật được thực hiện vào giai đoạn muộn của thai kỳ, trong đó bác sĩ thường dùng tay để cố gắng di chuyển ngôi của thai nhi về vị trí đầu hướng xuống dưới.
- Nhau thai: Mô đảm nhiệm việc nuôi dưỡng và lấy đi chất thải từ bào thai.
- Sinh non: Sinh ra trước 37 tuần của thai kỳ.
- Siêu âm: Một phương pháp khảo sát dùng sóng siêu âm để kiểm tra các cấu trúc bên trong. Trong thai kỳ, nó có thể được sử dụng để kiểm tra bào thai.
- Tử cung: Một cơ quan dạng cơ, nằm ở vùng chậu của người phụ nữ, giúp mang và nuôi dưỡng bào thai trong khi mang thai.
Nếu có bất kỳ thắc mắc nào hãy trao đổi với bác sĩ sản phụ khoa.
Tài liệu tham khảo
http://www.acog.org/~/media/For%20Patients/faq079.pdf?dmc=1&ts=20140911T2345264056