Sẩy thai sớm

(3.81) - 69 đánh giá

Sẩy thai sớm là gì?

Thai phụ bị mất thai trước 20 tuần thì được gọi là sẩy thai sớm.

Sẩy thai sớm có thường gặp không?

Sự sẩy thai xảy ra phổ biến đến mức đáng kinh ngạc. Khoảng 15% phụ nữ có thai được ghi nhận là bị sẩy thai.

Những nguyên nhân gây nên sẩy thai?

Phần lớn sẩy thai xảy ra là một hậu quả ngẫu nhiên do phôi thai nhận nhiễm sắc thể có số lượng bất thường. Mỗi tế bào tinh trùng và trứng có 23 nhiễm sắc thể. Trong quá trình thụ thai, khi tinh trùng và trứng kết hợp, 2 bộ nhiễm sắc thể kết hợp với nhau. Một phôi có số lượng nhiễm sắc thể bất thường thường không thể phát triển hoặc tồn tại.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ thừa nhiễm sắc thể cho phôi thai?

Khả năng phôi thừa nhiễm sắc thể tăng lên khi tuổi của người mẹ tăng. Sau 40 tuổi, khoảng 1/3 các trường hợp mang thai bị sẩy thai, hầu hết là do nguyên nhân bất thường số lượng nhiễm sắc thể.

Những dấu hiệu và triệu chứng của sẩy thai?

Ra máu âm đạo và máu cục một cách ngẫu nhiên là những triệu chứng thường gặp nhất. Đau co thắt nhẹ vùng bụng dưới hoặc đau thắt lưng cũng có thể xảy ra.

Nếu tôi bị ra máu âm đạo trong giai đoạn sớm của thai kỳ, liệu đó có phải là sẩy thai hay không?

Ra máu âm đạo nhẹ trong giai đoạn đầu thai kỳ tương đối phổ biến. Sự xuất huyết thường tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu bị vài vệt máu hoặc xuất huyết âm đạo vào giai đoạn sớm thì nên liên hệ với bác sĩ. Nếu xuất huyết nặng hoặc xảy ra kéo dài và đi kèm với cơn đau như co thắt trong khi hành kinh, bạn nên liên hệ với bác sĩ ngay lập tức.

Những xét nghiệm nào sẽ được thực hiện nếu tôi bị ra máu âm đạo hay co thắt đáng chú ý?

Nếu bạn bị ra máu âm đạo hoặc co thắt đáng chú ý, bác sĩ của bạn có thể cho bạn làm siêu âm. Xét nghiệm này có thể giúp kiểm tra liệu bào thai có phát triển bình thường hay không. Nếu thai đã đủ lớn, siêu âm có thể giúp nghe cả tiếng tim. Bác sĩ cũng có thể thực hiện khám vùng chậu để xem cổ tử cung đã mở rộng chưa.

Nếu bị sẩy thai, tôi có cần điều trị y tế không?

Sau khi bị sẩy thai, tất cả các phần mô thai nhi có thể chưa được tống ra ngoài tử cung hoàn toàn. Có 3 lựa chọn để loại bỏ những phần mô này:

  • Nếu bạn không có dấu hiệu nhiễm trùng, bác sĩ có thể sẽ khuyên bạn nên đợi và để mô thai nhi tự đào thải. Quá trình này thường diễn ra trong 2 tuần và có thể lâu hơn ở một vài trường hợp.
  • Bạn có thể dùng thuốc để giúp thải mô còn sót. Bạn có thể bị xuất huyết âm đạo, đôi khi xuất huyết nặng. Đau quặn bụng, tiêu chảy và buồn nôn có thể xảy ra. Mô thai nhi có thể bị trôi ra ngoài cơ thể kèm theo xuất huyết.
  • Bạn có thể được bác sĩ thực hiện một thủ thuật ngoại khoa gọi là hút chân không. Thủ thuật này được thực hiện bằng cách cho vào tử cung một dụng cụng hút để loại bỏ mô. Nó thường được thực hiện trong phòng khám của bác sĩ. Những nguy cơ của thủ thuật này bao gồm xuất huyết, nhiễm trùng và chấn thương các tạng/cơ quan khác.
  • Lựa chọn sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm cả tuổi thai của bạn.

    Những chú ý sau khi bị sẩy thai?

    Sau khi sẩy thai, bạn có thể được khuyên không nên đặt bất cứ thứ gì vào âm đạo (ví dụ như tampon hoặc quan hệ tình dục), thường là trong vòng 2 tuần. Điều này giúp tránh nguy cơ nhiễm trùng.

    Khi nào thì tôi sẽ đi tái khám sau khi bị sẩy thai?

    Bạn nên tái khám vài tuần sau khi bị sẩy thai.

    Hãy gọi ngay cho bác sĩ nếu xuất hiện một trong các triệu chứng sau:

    • Xuất huyết nặng
    • Sốt
    • Lạnh
    • Đau dữ dội

    Nếu tôi có nhóm máu Rh âm và bị sẩy thai thì sẽ ra sao?

    Nếu máu bạn thuộc nhóm Rh âm, bạn có thể được tiêm một liều globulin miễn dịch Rh sau khi sẩy thai. Yếu tố Rh là 1 protein xuất hiện trên bề mặt của hồng cầu. Hầu hết mọi người có mang yếu tố Rh dương tính. Những người còn lại không có yếu tố Rh thì họ có Rh âm tính. Trong lúc sẩy thai, có thể máu của người mẹ sẽ tiếp xúc với máu bào thai. Nếu một người phụ nữ Rh âm và bào thai là Rh dương, sự tiếp xúc này sẽ sinh ra kháng thể kháng yếu tố Rh. Kháng thể này sẽ phản ứng lại yếu tố Rh giống như là một chất có hại và sẽ gây những vấn đề nghiêm trọng với những lần có thai sau nếu đứa trẻ có Rh dương. Globulin miễn dịch Rh sẽ giúp ngăn ngừa sự tạo thành những kháng thể này.

    Tôi sẽ thường có cảm giác thế nào sau khi bị sẩy thai?

    Sẩy thai, cho dù trong giai đoạn nào, đều gây ra cảm giác đau đớn và tiếc thương. Sau khi sẩy thai, bạn cần được phục hồi về cả thể chất lẫn tinh thần. Đối với nhiều bậc cha mẹ, thời gian phục hồi tinh thần dài hơn nhiều so với thời gian phục hồi thể chất. Sự tiếc thương có thể gây ra nhiều cảm giác. Bạn có thể thấy buồn và tuyệt vọng trong một ngày, rồi cảm thấy giận dữ vào ngày sau đó. Bạn có thể cảm thấy phải tìm rõ nguyên do của việc mình bị sẩy thai. Bạn có thể tự đổ lỗi cho bản thân mặc dù đó là một điều hoàn toàn sai và không cần thiết. Bạn có thể bị đau đầu, mất cảm giác ngon miệng, mệt mỏi, mất tập trung, mất ngủ.

    Xem thêm bài viết Bài 4 - Khi cuộc sống không như ta mong đợi của BS. Lê Tiểu My

    Liệu chồng (bạn tình) của tôi có cảm giác giống như tôi không?

    Cảm giác tiếc thương có thể khác ở người kia. Chồng (bạn tình) có thể có cảm giác tiếc thương nhưng không hẳn phải hoàn toàn giống bạn. Điều này có thể làm hai bạn căng thẳng trong lúc hai người cần nhau nhất. Chồng (bạn tình) có thể cảm thấy cần mạnh mẽ cho cả hai và sẽ không bộc lộ sự tiếc thương của mình.

    Sau khi bị sẩy thai bao lâu thì tôi có thể mang thai lại?

    Bạn có thể rụng trứng và mang thai lại sau khi sẩy thai 2 tuần. Nếu không muốn có thai lại, bạn có thể sử dụng biện pháp tránh thai. Nếu bạn muốn có thai, bạn không cần đợi để thử có thai lại. Bạn có thể muốn đợi sau khi đã hành kinh để dễ dàng tính toán ngày dự sinh của lần có thai tiếp theo.

    Giải thích thuật ngữ

    • Cổ tử cung: phần thấp hơn, hẹp hơn của tử cung, nằm ở đỉnh âm đạo.
    • Globulin miễn dịch Rh: một chất được dùng để ngăn ngừa phản ứng kháng thể Rh âm với hồng cầu Rh dương của một người nào đó.
    • Khám vùng chậu: khám vùng cơ quan sinh sản của nữ.
    • Kháng thể: protein trong máu sản xuất ra để phản ứng lại với yếu tố ngoại cơ thể, như vi khuẩn, virut gây nên nhiễm trùng.
    • Nhiễm sắc thể: bộ phận nằm trong tế bào và chứa gene quy định tính trạng của cơ thể.
    • Phôi thai: tế bào đang phát triển từ lúc được cấy vào tử cung cho đến tuần thứ 8 của thai kỳ.
    • Rụng trứng: sự phóng trứng ra khỏi buồng trứng.
    • Sẩy thai: sự chấm dứt thai kỳ trước 20 tuần.
    • Siêu âm: một xét nghiệm dùng sóng âm để kiểm tra các nội tạng. Trong khám thai, nó có thể được dùng để kiểm tra bào thai.
    • Sự thụ tinh: sự kết hợp của trứng và tinh trùng.
    • Tinh trùng: một tế bào được tạo ra ở tinh hoàn nam giới và có thể thụ tinh với trứng của nữ.
    • Trứng: tế bào sinh dục nữ được sản xuất và phóng ra từ buồng trứng.
    • Tử cung: một tạng cơ tìm thấy trong khung chậu nữ, có thể chứa và nuôi dưỡng bào thai trong thai kỳ.
    • Yếu tố Rh: protein có thể xuất hiện trên bề mặt hồng cầu.

    Nếu bạn có thêm thắc mắc, hãy liên hệ bác sĩ sản phụ khoa.

    Tài liệu tham khảo

    http://www.acog.org/For_Patients/Search_FAQs/documents/Pregnancy/Early_Pregnancy_Loss_-_Miscarriage_and_Molar_Pregnancy

    Biên dịch - Hiệu đính

    Lê Minh Hòa - BS. Phạm Minh Sơn
    Đánh giá:

    Bài viết liên quan

    Sinh theo ý muốn trước 39 tuần

    (66)
    Sinh theo chỉ định y khoa là gì? Sinh theo chỉ định y khoa là sinh nở do lý do y học. Lý do có thể nằm ở tình trạng sức khỏe của mẹ hoặc vấn đề bất ... [xem thêm]

    Có nên tập thể thao khi mang thai không?

    (66)
    Tập thể thao trong thai kỳ mang lại những lợi ích gì? Hãy hoạt động và tập thể thao ít nhất 30 phút mỗi ngày, bởi nó sẽ mang lại cho bạn các lợi ích sau: ... [xem thêm]

    Siêu âm trong thai kỳ

    (78)
    Siêu âm là gì? Siêu âm là năng lượng dưới dạng sóng âm. Trong mỗi lần siêu âm, các đầu dò phát ra các sóng âm truyền qua cơ thể. Sóng âm đến các mô, ... [xem thêm]

    Những thay đổi ngoài da ở phụ nữ có thai

    (100)
    Những thay đổi thường gặp ở da khi mang thai? Nhiều phụ nữ cảm thấy sự thay đổi ở hệ da, móng và lông khi mang thai. Một vài thay đổi phổ biến bao gồm: ... [xem thêm]

    Xét nghiệm thường quy trong thai kì

    (18)
    Tại sao cần phải làm xét nghiệm khi đang mang thai? Những xét nghiệm được làm cho tất cả phụ nữ mang thai như là một phần của kế hoạch chăm sóc trước ... [xem thêm]

    Sa niệu dục – điều trị sa niệu dục

    (67)
    Sa niệu dục xảy ra do tình trạng suy yếu của hệ thống cơ-dây chằng nâng đỡ các cơ quan trong khung xương chậu (vùng chậu) của người phụ nữ. Kết quả là ... [xem thêm]

    8 điều cơ bản về u nang buồng trứng dành cho cộng đồng

    (63)
    U nang buồng trứng là gì? Là một túi chứa dịch hay mô khác, được hình thành từ bên trong hay trên bề mặt buồng trứng. U nang buồng trứng rất thường gặp. ... [xem thêm]

    Du lịch trong thai kỳ

    (37)
    Thời gian nào tốt nhất để đi du lịch trong thai kỳ? Thời gian tốt nhất để đi du lịch có lẽ là giữa thai kỳ của bạn, trong khoảng tuần thứ 14 đến tuần ... [xem thêm]

    DANH SÁCH PHÒNG KHÁM BỆNH VIỆN