Sinh theo chỉ định y khoa là gì?
Sinh theo chỉ định y khoa là sinh nở do lý do y học. Lý do có thể nằm ở tình trạng sức khỏe của mẹ hoặc vấn đề bất thường ở thai. Có thể khởi phát chuyển dạ (thông qua sử dụng thuốc hoặc một số phương pháp khác) hoặc mổ lấy thai (mổ lấy bào thai thông qua đường rạch da bụng và tử cung).
Sinh theo ý muốn là gì?
Sinh theo ý muốn là cuộc sinh không do lý do y học. Một số lý do bao gồm việc muốn sinh con theo ngày hoặc do bà mẹ sống quá xa bệnh viện. Một số phụ nữ yêu cầu được sinh con bởi vì không chịu được sự khó ở của những tháng cuối thai kì. Một số phụ nữ yêu cầu mổ lấy thai vì họ sợ sinh theo đường âm đạo.
Một thai kì kéo dài bao lâu?
Một thai kì bình thường kéo dài 40 tuần. Người ta từng cho rằng trẻ sinh sớm hơn vài tuần – giữa tuần 37 và 39 – cũng khỏe mạnh như những đứa trẻ sinh sau 39 tuần. Nhưng chuyên gia bây giờ đã khám phá ra rằng trẻ em luôn phát triển suốt cả 40 tuần.
Thai nhi lớn lên và phát triển như thế nào trong những tuần cuối của thai kì?
Phổi, não và gan nằm trong số những cơ quan cuối cùng phát triển hoàn chỉnh trong thai kì. Não bộ phát triển rất nhanh trong giai đoạn cuối của thai kì – nó phát triển ở mức 1/3 giữa tuần 35 và 39. Đồng thời trong những tuần cuối này, những lớp mỡ sẽ được tập trung lại vào dưới da của đứa trẻ. Lớp mỡ sẽ giúp giữ ấm đứa trẻ sau khi sinh.
Những nguy cơ trẻ sinh trước 39 tuần gặp phải?
Trẻ em sinh trước 39 tuần có thể không phát triển đầy đủ như những trẻ sinh sau 39 tuần. Do chúng có thể phát triển không đầy đủ, nên chúng có nguy cơ cao gặp phải những vấn đề sức khỏe sớm hoặc muộn. Một vài vấn đề có thể gây ra hậu quả về lâu về dài
Những rối loạn sức khỏe gặp ở trẻ sinh quá sớm?
Những rối loạn sau có thể xảy ra ở trẻ sinh quá sớm:
- Rối loạn hô hấp, bao gồm hội chứng suy hô hấp
- Rối loạn thân nhiệt – Trẻ sinh non có thể không có khả năng giữ ấm
- Khó khăn khi cho bú, cho ăn
- Tăng nồng độ bilirubin- Tăng nồng độ bilirubin có thể gây vàng da, và trong một số trường hợp nặng, gây tổn thương não nếu không được điều trị
- Rối loạn thính giác và thị giác
- Rối loạn hành vi và trí tuệ
Tại sao khởi phát chuyển dạ theo ý muốn hoặc mổ lấy thai trước 39 tuần là không tốt
Bác sĩ khuyên rằng trừ khi có một lý do y học chính đáng hoặc chuyển dạ tự nhiên, không nên sinh con trước 39 tuần. Nếu bạn mổ lấy thai hoặc khởi phát chuyển dạ do lý do y học, điều đó có nghĩa là những lợi ích của sinh con lúc đó lớn hơn những nguy cơ. Nhưng nếu làm vậy với một lý do không liên quan đến y học, nguy cơ – dành cho cả mẹ và con – có thể lớn hơn những lợi ích. Nếu thai kì khỏe mạnh và bình thường, nên duy trì thai kì ít nhất 39 tuần, và nên để chuyển dạ xảy ra tự nhiên.
Những nguy cơ của khởi phát chuyển dạ?
Khi thực hiện khởi phát chuyển dạ, nguy cơ nhiễm trùng, vỡ tử cung, xuất huyết (chảy máu đe dọa đến tính mạng) tăng lên hơn so với chuyển dạ tự nhiên. Khởi phát chuyển dạ còn làm tăng khả năng phải mổ lấy thai, đặc biệt là khi sinh lần đầu và cổ tử cung chưa sẵn sàng để đi vào cuộc sanh.
Xem thêm bài Khởi phát chuyển dạ là gì? của TS. BS. Tô Mai Xuân Hồng và TS. Nguyễn Thị Thu TrangNhững nguy cơ của mổ lấy thai?
Mổ lấy thai là 1 phẫu thuật ngoại khoa phức tạp. Cũng như những phẫu thuật ngoại khoa khác, nó mang nhiều nguy cơ, bao gồm nhiễm trùng, xuất huyết và những nguy cơ liên quan đến sử dụng thuốc vô cảm. Một phẫu thuật mổ lấy thai theo ý muốn có thể gây ra thêm nhiều nguy cơ nếu như bạn có dự định có thêm con sau này. Với mỗi lần mổ lấy thai, nguy cơ gặp phải những biến chứng nguy hiểm – như vỡ tử cung và cần cắt bỏ tử cung sau khi mổ – tăng cao.
Xem thêm bài Những điều cần biết khi thực hiện sinh mổ lấy thai của TS. BS. Tô Mai Xuân Hồng và TS. Nguyễn Thị Thu TrangNhững phương án khác thay thế cho sinh theo ý muốn trước 39 tuần?
Nếu bạn có ý định sinh con theo ý muốn trước 39 tuần, điều quan trọng là phải cùng bàn bạc với bác sĩ những lợi và hại liên quan đến sức khỏe cũng như bàn bạc về những lý do bạn đi đến quyết định này. Nếu nguyên nhân là do khó chịu, thì bạn nên nhớ rằng cảm thấy khó chịu trong những giai đoạn cuối của thai kì là bình thường. Bác sĩ của bạn cũng có thể gợi ý những cách giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn. Nếu bạn sống xa bệnh viện, bạn có thể sẽ muốn ở nhà một người nào đó gần bệnh viện hơn. Bạn có thể đi đến bệnh viện một thời gian trước khi thực sự chuyển dạ. Bàn bạc với bác sĩ để có được những lời khuyên và gợi ý.
Giải thích thuật ngữ
Vô cảm: Gây giảm đau bằng cách gây mất cảm nhận
Bilirubin: Một chất được tổng hợp khi cơ thể phân hủy hồng cầu già. Tăng nồng độ bilirubin có thể gây vàng da và những biến chứng khác trên trẻ sơ sinh.
Cổ tử cung: Đầu thấp, hẹp của tử cung, phía trên âm đạo.
Mổ lấy thai: Lấy thai thông qua đường rạch bụng và qua tử cung.
Cắt tử cung: Phẫu thuật ngoại khoa lấy bỏ tử cung.
Vàng da: Tập trung nồng độ bilirubin gây vàng cơ thể.
Hội chứng suy hô hấp: Một tình trạng phổi trẻ sơ sinh chưa hoàn thiện và có thể gây khó thở.
Vỡ tử cung: Một biến chứng hiếm nhưng nguy hiểm, tử cung rách trong lúc chuyển dạ hoặc trong cuộc sinh.
Tử cung: Một tạng cơ nằm trong vùng chậu của phụ nữ, giúp giữ và nuôi dưỡng bào thai trong thai kì.
Nếu bạn có thêm những câu hỏi gì, hãy liên hệ bác sĩ sản phụ khoa.
Tài liệu tham khảo
http://www.acog.org/Patients/FAQs/Elective-Delivery-Before-39-Weeks