Tập thể thao trong thai kỳ mang lại những lợi ích gì?
Hãy hoạt động và tập thể thao ít nhất 30 phút mỗi ngày, bởi nó sẽ mang lại cho bạn các lợi ích sau:
- Giúp giảm đau lưng, táo bón, đầy hơi và sưng.
- Có thể giúp ngăn ngừa hoặc điều trị bệnh tiểu đường thai kỳ.
- Tăng năng lượng của bạn.
- Giúp bạn có được tâm trạng tốt.
- Cải thiện tư thế của bạn.
- Tăng cường trương lực cơ, sự dẻo dai và sức chịu đựng.
- Giúp bạn ngủ tốt hơn.
Hoạt động thường xuyên cũng giúp bạn giữ dáng trong thai kỳ và tăng cường sức lực chuẩn bị cho kỳ sinh nở. Việc này cũng sẽ giúp cho bạn lấy lại được vóc dáng như ban đầu sau khi sinh dễ dàng hơn.
Xem thêm bài viết Thể dục khi mang thai: Cách để có sức khỏe tốt trong thai kỳ của TS.BS Tô Mai Xuân HồngNhững thay đổi trong cơ thể khi mang thai có ảnh hưởng gì tới thói quen tập thể thao của bạn?
Các hormone được sản sinh trong thai kỳ sẽ gây giãn những dây chằng nối khớp xương trong cơ thể bạn. Điều này khiến các khớp xương dễ di động hơn và nhiều nguy cơ bị chấn thương hơn. Trọng lượng phía trước cơ thể bạn tăng lên trong thai kỳ cũng dẫn đến thay đổi trọng tâm cơ thể và tạo áp lực lên các khớp cũng như các cơ, đặc biệt là lên xương chậu và phía lưng dưới. Điều này sẽ làm cho bạn kém vững hơn, gây đau lưng, khiến bạn dường như mất thăng bằng và ngã, nhất là vào giai đoạn sau của thai kỳ. Trọng lượng tăng lên trong thai kỳ sẽ làm cho cơ thể bạn phải hoạt động nhiều hơn trước kia.
Tập thể thao trong thai kỳ (Nguồn ảnh: www.womensspecialtycare.com)
Hình thức tập thể thao nào an toàn cho thai kỳ?
Những hình thức thể thao sau có thể an toàn cho thai kỳ, ngay cả cho những người mới bắt đầu:
- Đi bộ là hình thức luyện tập tốt cho bất kỳ đối tượng nào.
- Bơi lội cũng rất tốt cho cơ thể bởi nó khiến khá nhiều cơ phải hoạt động.
- Đi xe đạp thì giúp cho luyện tập aerobic có hiệu quả.
- Tập aerobic tốt cho tim và phổi.
- Nếu bạn đã là người tập chạy trước khi mang thai, thì bạn vẫn có thể tiếp tục duy trì trong thai kỳ mặc dù bạn có thể phải điều chỉnh lại qui trình tập.
Những hình thức tập thể thao nên tránh trong thai kỳ?
Nhìn chung, những hình thức thể thao có khả năng bị ngã cao như tập thể hình, lướt ván, cưỡi ngựa thì nên tránh. Một số loại thể thao có dùng vợt cũng khiến cho bạn dễ ngã vì mất thăng bằng. Các hình thức khác nên tránh bao gồm:
- Trượt tuyết xuống dốc: việc bạn mất thăng bằng sẽ gây ra nguy cơ cao bị ngã và chấn thương nghiêm trọng, cũng như khiến bạn bị thiếu dưỡng khí do ở độ cao không khí loãng, ít oxy.
- Các loại thể thao đối kháng như khúc côn cầu, bóng rổ và bóng đá – những hình thức này sẽ làm tổn hại cho cả bạn lẫn thai nhi.
- Lặn biển có thể khiến thai nhi bị bệnh khí ép, một loại bệnh nguy hiểm do sự thay đổi áp suất không khí xung quanh cơ thể.
Tập thể thao trong thai kỳ, bạn cần lưu ý những điều gì?
Những biến đổi cơ thể khi mang thai có thể khiến cho một số tư thế và hoạt động trở nên nguy hiểm đối với bạn và thai nhi. Khi luyện tập, bạn nên tránh những động tác như nhảy, chuyển động va chạm hoặc thay đổi phương hướng đột ngột mà có thể làm căng các khớp và gây chấn thương.
Tăng thân nhiệt trong thai kỳ có thể dẫn đến một số nguy cơ như mất dịch, mất nước và những vấn đề thai kỳ khác.
Khi bạn luyện tập thể thao, hãy tuân thủ một số hướng dẫn an toàn sức khỏe sau đây:
- Sau tam cá nguyệt thứ nhất (quý một thai kỳ hay 3 tháng đầu thai kỳ), tránh bất cứ hình thức luyện tập nào liên quan tới lưng.
- Nếu bạn đã ngừng tập thể thao một thời gian trước đó, thì hãy bắt đầu tập lại thật chậm, khoảng 5 phút mỗi ngày, sau đó tăng thêm 5 phút mỗi tuần cho đến khi bạn có thể tập 30 phút mỗi ngày.
- Tránh những bài tập nhanh trong điều kiện khí hậu nóng ẩm hoặc khi bạn bị sốt.
- Mặc loại quần áo thoải mái giúp cơ thể thoáng mát.
- Mặc loại áo ngực khít tốt và giúp bảo vệ ngực càng nhiều càng tốt.
- Uống nhiều nước để giữ cho cơ thể không quá nóng và tránh mất nước.
- Hãy đảm bảo cung cấp đủ lượng calories bạn cần trong thai kỳ.
Khi có những dấu hiệu nào thì bạn nên ngưng tập thể thao?
Hãy ngưng tập thể thao và gọi cho bác sĩ của bạn ngay nếu bạn thấy những triệu chứng sau:
- Chảy máu âm đạo.
- Chóng mặt hoặc cảm thấy muốn xỉu.
- Khó thở.
- Đau ngực.
- Đau đầu.
- Yếu cơ.
- Đau hoặc sưng bắp chân.
- Co thắt tử cung.
- Giảm cử động thai nhi.
- Rỉ dịch từ âm đạo.
Sau khi sinh con, bạn có thể quay trở lại tập luyện như thế nào?
Đi bộ là hình thức luyện tập tốt để bạn quay trở lại với thể thao. Đi bộ nhanh vài lần mỗi tuần sẽ giúp bạn tăng cường sức lực để tập những môn thể thao nặng hơn khi bạn cảm thấy đủ sức. Đi bộ còn có thêm ưu điểm là giúp bạn và con bạn hít thở được không khí trong lành ngoài trời. Khi bạn cảm thấy khỏe hơn, bạn có thể tính đến những môn thể thao nặng hơn.
Giải thích thuật ngữ
Tiểu đường thai kỳ: là bệnh tiểu đường xuất hiện trong thai kỳ, xảy ra do tác dụng của các hormone và thường giảm sau khi sinh.
Tài liệu tham khảo
http://www.acog.org/~/media/For%20Patients/faq119.pdf?dmc=1&ts=20140910T2316203098