Định nghĩa
Nối tắt dạ dày qua nội soi là gì?
Nối tắt dạ dày nội soi là phẫu thuật khâu bấm dạ dày để tạo ra một túi dạ dày nhỏ hơn, sau đó đưa thức ăn đi tắt qua phần còn lại của dạ dày và ruột. Phẫu thuật này giúp tạo cảm giác no sớm nên bạn sẽ ăn ít hơn và ngăn cản hấp thu calories cũng như chất dinh dưỡng từ thức ăn. Trung bình, một người được nối tắt dạ dày qua nội soi sẽ giảm hơn nửa số cân nặng dư thừa.
Khi nào bạn nên thực hiện nối tắt dạ dày qua nội soi?
Nếu chỉ số BMI của bạn lớn hơn 40, nối tắt dạ dày qua nội soi có thể giúp bạn giảm cân về lâu dài. Phẫu thuật này cũng có thể hữu ích nếu bạn có BMI lớn hơn 35 và có các bệnh lý khác đi kèm, chẳng hạn như đái tháo đường tuýp 2 hoặc tăng huyết áp. Phẫu thuật viên sẽ xác định chỉ số BMI của bạn và thực hiện đánh giá chi tiết trước khi quyết định xem phẫu thuật này có phù hợp với bạn không.
Thận trọng/cảnh báo
Bạn nên biết những gì trước khi thực hiện nối tắt dạ dày qua nội soi?
Cách đơn giản để bạn giảm cân là ăn ít lại, thay đổi chế độ ăn và tập thể dục nhiều hơn. Thỉnh thoảng, các thuốc do bác sĩ kê đơn cũng có thể hữu ích.
Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ giới thiệu cho bạn những lựa chọn phẫu thuật khác hỗ trợ giảm cân như thắt đai dạ dày, cắt ngắn ruột và cắt vạt dạ dày. Bạn cũng có thể đặt bóng dạ dày, nhưng bóng này chỉ được dung trong vòng chín tháng.
Trước khi tiến hành phẫu thuật, bạn nên hiểu rõ các cảnh báo và lưu ý. Nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để có thêm thông tin và hướng dẫn cụ thể.
Quy trình thực hiện
Bạn nên làm gì trước khi thực hiện nối tắt dạ dày qua nội soi?
Bạn sẽ được chỉ dẫn cụ thể để chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật. Trong đa số trường hợp, bạn nên nhịn ăn khoảng 6 tiếng trước đó. Bạn có thể dùng đồ uống, chẳng hạn như cà phê một vài tiếng trước phẫu thuật.
Bạn phải thảo luận với bác sĩ về các loại thuốc bạn sử dụng gần đây, tình trạng dị ứng hoặc các bệnh lý khác mà bạn mắc phải, ngoài ra trước khi thực hiện phẫu thuật bạn sẽ gặp bác sĩ gây mê để cùng nhau lên kế hoạch gây mê. Điều quan trọng là phải tuân thủ các hướng dẫn về thời điểm nhịn ăn uống trước khi phẫu thuật.
Quy trình thực hiện nối tắt dạ dày qua nội soi là gì?
Phẫu thuật thường được thực hiện dưới hình thức gây mê và mất từ hai tới bốn giờ. Phẫu thuật viên sẽ rạch nhiều đường mổ nhỏ trên bụng của bạn. Họ sẽ đưa dụng cụ cùng với đèn soi vào để có thể quan sát bên trong bụng và thực hiện phẫu thuật.
Bác sĩ sẽ tạo một đường dẫn ở phía sau dạ dày. Họ sẽ đưa dụng cụ khâu bấm vào ổ bụng thông qua đường dẫn này và khâu dạ dày lại để tạo một túi dạ dày nhỏ hơn. Phẫu thuật viên sẽ cắt phần ruột non nằm sau dạ dày ra. Thức ăn trong túi dạ dày mới của bạn bây giờ sẽ đi tắt và bỏ qua phần còn lại của dạ dày và phần đầu ruột non.
Bạn nên làm gì sau khi thực hiện nối tắt dạ dày qua nội soi?
Bạn có thể về nhà trong cùng ngày và có thể chỉ được ăn đồ ăn dạng lỏng trong vài tuần. Sau đó bạn nên từ từ chuyển sang ăn các thức ăn mềm và khoảng bốn tới sáu tuần tiếp theo, bạn có thể ăn thức ăn đặc.
Bạn có thể quay trở lại làm việc sau hai đến bốn tuần, tùy thuộc vào tác động của phẫu thuật lên cơ thể bạn và loại hình công việc của bạn. Tập luyện đều đặn sẽ giúp bạn quay trở lại với các hoạt động bình thường sớm nhất có thể. Tuy nhiên, bạn hãy hỏi ý kiến của bác sĩ để có các bài tập phù hợp.
Nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và giải đáp.
Biến chứng
Liệu có biến chứng nào có thể xảy ra hay không?
Như bất kỳ phẫu thuật nào khác, nối tắt dạ dày qua nội soi cũng sẽ có một số nguy cơ nhất định. Bạn nên trao đổi với bác sĩ phẫu thuật để được giải thích xem các nguy cơ này sẽ có tác động như thế nào đến sức khỏe của bạn.
Biến chứng có thể xảy ra với mọi phẫu thuật là phản ứng không mong muốn với thuốc gây mê, chảy máu nhiều hoặc tạo cục máu đông (huyết khối tĩnh mạch sâu).
Riêng với nối tắt dạ dày qua nội soi, bạn còn có thể có những biến chứng sau:
- Tổn thương các cấu trúc xung quanh như ruột, bàng quang hay mạch máu.
- Tràn khí dưới da (hiện tượng các bong bóng khí tích tụ ở mô dưới da của bạn).
- Thoát vị vết mổ (tình trạng nội tạng trong ổ bụng bị trồi ra qua vết mổ của bạn).
- Chảy máu ở đường khâu dạ dày.
- Dò chỗ nối.
- Chít hẹp túi dạ dày.
Ngoài ra, cũng có thể các vấn đề về lâu dài như:
- Làm thay đổi thói quen đi đại tiện của bạn.
- Thiếu dinh dưỡng.
- Loét chỗ nối.
- Sỏi mật.
Bạn có thể giảm nguy cơ mắc phải biến chứng bằng cách cẩn thận làm theo hướng dẫn của bác sĩ để chuẩn bị cho phẫu thuật, chẳng hạn như nhịn đói và ngưng một số thuốc nhất định.
Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các biến chứng có thể xảy ra, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và giải đáp.