Nhổ răng khôn khi cho con bú sẽ an toàn cho cả bạn và bé nếu bạn trao đổi kỹ vấn đề với nha sĩ và có cách ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý.
Từ lâu, răng khôn đã trở thành nỗi ám ảnh của rất nhiều người, vì nó thực sự không “khôn” như tên gọi. Răng khôn mọc không đúng hay bị viêm sưng trong thời kỳ cho con bú sẽ gây ra nhiều rắc rối cho bạn. Nếu bạn đang phân vân về độ an toàn nếu phải làm tiểu phẫu nhổ răng khôn khi cho con bú thì bài viết sau sẽ giúp bạn giải tỏa nỗi lo lắng này.
Răng khôn là gì?
Răng khôn là răng hàm cuối cùng ở mỗi bên hàm. Con người có 4 chiếc răng khôn, hai răng hàm dưới và hai răng hàm trên. Chúng được gọi là răng khôn bởi chúng được mọc trong giai đoạn từ 16 – 21 tuổi. Răng khôn giúp nghiền nát và nhai thức ăn cứng, nhưng nếu chúng bị sâu hoặc gây đau nhức thì bạn cần phải nhổ bỏ.
Vì sao cần nhổ răng khôn khi cho con bú?
Sự thay đổi hormone sau khi sinh có ảnh hưởng đến vùng nướu bao xung quanh răng khôn. Vùng nướu này sẽ dễ bị viêm, sưng và đau. Ngoài ra, mảng bám tích tụ xung quanh răng khôn cũng có thể khiến bạn bị nhiễm trùng, gây đau đớn. Vì vậy, nếu bị sâu răng, tốt nhất bạn nên nhổ bỏ nó trong thời gian này.
Triệu chứng cho thấy bạn nên nhổ răng khôn khi cho con bú
Dưới đây là những triệu chứng mà bạn có thể gặp phải:
- Đau răng mạn tính
- Sâu răng quá nhiều
- Mủ xung quanh răng
- Răng bị bạc màu
- Đau và sưng má
- Hôi miệng
- Sốt
- Nhiễm trùng ở các mô mềm gần răng khôn
- Răng xung quanh cũng hư hại
- Khối u
- Nhiễm trùng nướu răng hoặc bệnh về nướu
Tùy thuộc vào tình trạng của bạn mà nha sĩ sẽ quyết định khi nào bạn nên nhổ bỏ răng khôn.
Nhổ răng khôn khi cho con bú có an toàn?
Mặc dù phần lớn các loại dược phẩm và thuốc gây mê không ảnh hưởng đến việc cho con bú, bạn vẫn nên đợi khoảng 8 đến 12 giờ sau khi điều trị rồi mới cho bé bú. Bạn cũng có thể tham khảo ý kiến nha sĩ để biết một số loại thuốc an toàn cho bé.
1. Tiểu phẫu
Tiểu phẫu là cách hiệu quả nhất để loại bỏ răng khôn khi cho con bú. Bạn nên trao đổi với nha sĩ về tác dụng của thuốc gây tê sau khi nhổ xong. Ngoài ra, bạn nhớ cho bé bú trước khi đi nhổ răng hoặc có thể vắt sẵn sữa và để trong tủ lạnh cho bé.
2. Thuốc giảm đau
Bạn có thể cần đến thuốc giảm đau để giảm bớt đau đớn sau khi nhổ răng. Hãy hỏi ý kiến nha sĩ về những loại thuốc an toàn đối với phụ nữ đang cho con bú. Đa số các loại thuốc giảm đau đều an toàn nhưng hãy xác nhận lại điều này với nha sĩ. Nha sĩ có thể kê cho bạn Nurofen hoặc Panadol để giảm đau. Hãy cho bé bú trước khi bạn uống thuốc giảm đau.
3. Nghỉ ngơi
Sau khi nhổ răng, bạn sẽ cảm thấy yếu, mệt mỏi và dường như bạn không còn đủ sức để chăm sóc bé. Hãy nghỉ ngơi và nhờ những người thân trong gia đình cho bé bú sữa mà bạn đã chuẩn bị sẵn. Nghỉ ngơi sẽ giúp bạn hồi phục tốt hơn đấy.
4. Chế độ ăn phù hợp
Bạn nên ăn những món mềm và bổ dưỡng. Tránh những món ăn và thức uống nóng. Vài ngày sau khi nhổ, bạn có thể ăn các món lỏng như súp, sữa, sữa chua, bánh pudding… Tránh các loại thực phẩm như hạt, bắp rang, cơm, hạt hướng dương vì nó dễ tích lũy trong ổ răng bạn vừa nhổ. Hãy hỏi ý kiến nha sĩ về một chế độ ăn phù hợp sau khi nhổ răng.
Thời kỳ nuôi con bằng sữa mẹ đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của trẻ. Do đó, bạn cần lưu ý để việc nhổ răng để không ảnh hưởng đến bé nhé.