Những người ở độ tuổi 40, 50 hay thậm chí 30 thường phớt lờ những cơn đột quỵ nhẹ – dấu hiệu cảnh báo cho những cơn đột quỵ nặng sắp xuất hiện.
Các nhà khoa học đã chứng minh được cơn đột quỵ nhẹ chính là tín hiệu sớm của bệnh đột quỵ. Theo số liệu thống kê, sau khi gặp cơn đột quỵ nhẹ, có tới 50% bệnh nhân bị ít nhất 1 lần đột quỵ trong vòng 5 năm. Vì vậy, bệnh nhân và người nhà cần hiểu rõ tầm nguy hiểm của đột quỵ nhẹ.
Đột quỵ nhẹ là gì?
Đột quỵ nhẹ, hay còn gọi đột quỵ nhỏ hoặc cơn thiếu máu não thoáng qua, là tình trạng máu ngưng chảy tới não trong một khoảng thời gian ngắn. Tuy nhiên, đột quỵ nhẹ không giết chết các tế bào não như cơn đột quỵ thực sự. Đột quỵ nhẹ cũng gây ra các triệu chứng giống như đột quỵ và là một dấu hiệu cảnh báo những cơn đột quỵ thật sự có thể xảy ra trong tương lai.
Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA), thiếu máu não thoáng qua làm giảm 20% tuổi thọ của bạn. Và bạn cần phải được điều trị ngay lập tức để ngăn chặn những cơn đột quỵ thật sự có thể xảy ra trong tương lai.
Các triệu chứng của đột quỵ nhẹ là gì?
Rất khó để xác định được triệu chứng của thiếu máu não thoáng qua. Các triệu chứng tương tự như đột quỵ thực sự, nhưng nhiều người không đi khám vì các triệu chứng rất ít nghiêm trọng và không kéo dài lâu. Đột quỵ thực sự có thể kéo dài 1–2 ngày, nhưng đột quỵ nhỏ chỉ kéo dài từ một đến 24 giờ.
Một số dấu hiệu phổ biến của thiếu máu não thoáng qua:
- Huyết áp tăng đột biến
- Cơ bắp bị yếu
- Tê một tay hoặc chân
- Chóng mặt
- Đột nhiên thấy chóng mặt
- Bất tỉnh
- Thay đổi tri giác
- Mất trí nhớ tạm thời
- Cơ thể ngứa ran
- Thay đổi tính tình
- Khó phát âm
- Mất thăng bằng
- Mất thị lực.
Rất nhiều bệnh nhân đột quỵ trải qua các triệu chứng này. Hãy gọi cấp cứu nếu bạn nghi ngờ bạn hoặc người thân đang bị thiếu máu cục bộ tạm thời hoặc đột quỵ.
Nguyên nhân và nguy cơ
Tăng huyết áp (cao huyết áp) là nguyên nhân phổ biến nhất của đột quỵ nhỏ. Cao huyết áp cũng là nguyên nhân hàng đầu gây ra đột quỵ thực sự, vì vậy nên một cơn thiếu máu não thoáng qua là dấu hiệu cảnh báo bạn có thể bị đột quỵ thực sự trong tương lai. Kiểm soát huyết áp rất quan trọng trong việc phòng chống thiếu máu não thoáng qua và đột quỵ trong tương lai.
Nguyên nhân phổ biến và các nguy cơ khác bao gồm:
- Máu đông
- Mạch máu bị phá hủy
- Mạch máu trong hoặc xung quanh não bị hẹp
- Bệnh tiểu đường
- Nồng độ choresterol cao
- Di truyền.
Theo AHA, bệnh nhân trên 65 tuổi có nguy cơ tử vong do đột quỵ sau khi bị thiếu máu tạm thời.
Bác sĩ chẩn đoán thiếu máu não thoáng qua như thế nào?
Bạn nên đến bệnh viện cấp cứu nếu đang bị thiếu máu não thoáng qua. Tại bệnh viện, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra để xác định liệu bạn có đang phải trải qua thiếu máu não thoáng qua hay không. Chụp cắt lớp vi tính (CT) và chụp cộng hưởng từ (MRI) đều có thể chẩn đoán được nguyên nhân thiếu máu não thoáng qua. Ví dụ, nguyên nhân có thể được do động mạch tim bị tắc nghẽn hoặc máu đông ở cổ.
Nếu nghi ngờ tim bạn có vấn đề, bác sĩ sẽ đo điện tâm đồ để có được hình ảnh rõ hơn về tim. Quan trọng là tìm ra nguyên nhân sâu xa gây bệnh thì bác sĩ mới có thể điều trị ngăn chặn thiếu máu tạm thời và đột quỵ trong tương lai.
Khi bạn đã có kết quả từ phòng kiểm tra, bác sĩ sẽ lên kế hoạch điều trị cho bạn. Tùy thuộc vào nguyên nhân chính xác của đột quỵ nhẹ, bạn có thể cần đến một chuyên gia.
Bạn nên ngăn ngừa khả năng đột quỵ trong tương lai như thế nào?
Đột quỵ nhẹ thường không gây tổn thương não vĩnh viễn. Tuy vậy bệnh nhân cũng không nên xem nhẹ bệnh này. Thiếu máu não thoáng qua thường là dấu hiệu báo động rằng các bệnh tiềm ẩn trong cơ thể bạn có thể gây ra cơn đột quỵ thực sự trong tương lai. Hơn 10% bệnh nhân đột quỵ nhỏ bị đột quỵ thực sự trong vòng ba tháng sau. Đột quỵ nhẹ nên được chữa trị nghiêm túc để phòng tránh các mối nguy hiểm đe dọa tính mạng trong tương lai.
Phương pháp điều trị cũng sẽ giúp ngăn ngừa đột quỵ trong tương lai, như là:
- Uống thuốc kiểm soát cao huyết áp
- Thuốc hạ cholesterol
- Kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường
- Uống aspirin để ngăn ngừa máu đông
- Phẫu thuật động mạch bị tắc nghẽn ở cổ.
Nếu bác sĩ kê toa thuốc cho bạn, bạn nên tuân thủ trong một thời gian dài để ngăn ngừa đột quỵ. Bác sĩ sẽ thường xuyên theo dõi kiểm soát tình trạng của bạn. Thay đổi lối sống, chẳng hạn như một chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục, cũng có thể bổ sung cho kế hoạch điều trị phòng ngừa đột quỵ.