Sỏi thận

(4.33) - 49 đánh giá

Sỏi thận là gì? Những dấu hiệu và triệu chứng nào cho thấy bạn có thể đang bị sỏi thận? Bệnh lý này có nguy hiểm không? Làm sao để điều trị và phòng ngừa chúng hiệu quả? Tất cả những thắc mắc này sẽ được giải đáp qua bài viết dưới đây.

Tìm hiểu chung

Sỏi thận là gì?

Sỏi thận hay sỏi tiết niệu là những cặn lắng tạo thành từ các khoáng chất và muối kết tinh dính lại với nhau. Sự hiện diện của những hạt sỏi này có thể ảnh hưởng đến bất kỳ phần nào trong đường tiết niệu, từ thận đến bàng quang.

Khi sỏi di chuyển thường gây ra cảm giác đau đớn ở người bệnh nhưng tình trạng này hầu như không gây ra tổn thương vĩnh viễn nếu được phát hiện và điều trị kịp thời. Tùy từng trường hợp, bạn có khi chỉ cần dùng thuốc và uống nhiều nước để giải quyết sỏi thận. Nếu nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như sỏi bị kẹt trong đường tiết niệu có thể gây ra nhiễm trùng hoặc biến chứng khác sẽ cần đến phẫu thuật can thiệp.

Triệu chứng và dấu hiệu nhận biết

Dấu hiệu và triệu chứng sỏi thận là gì?

Người bị sỏi thận có thể gặp khó khăn trong việc nhận biết các triệu chứng ở giai đoạn đầu. Nguyên nhân là do sự hình thành của sỏi thường không bộc lộ dấu hiệu bất thường rõ ràng cho đến khi chúng bắt đầu di chuyển xung quanh thận hoặc đi vào trong niệu quản (đoạn ống nối từ thận đến bàng quang).

Nếu mắc kẹt lại ở niệu quản, sỏi sẽ ngăn chặn dòng nước tiểu và làm cho thận sưng lên, gây co thắt niệu quản và dẫn đến một số triệu chứng như:

  • Đau nhói hoặc dữ dội ở một bên cơ thể và sau lưng, phía dưới xương sườn
  • Cơn đau lan tỏa dần đến vùng bụng dưới và háng
  • Đau theo từng đợt và thay đổi cường độ từng lúc
  • Cảm thấy đau hoặc nóng rát khi đi tiểu

Cơn đau do sỏi thận gây ra có thể di chuyển sang một vị trí khác hoặc thay đổi về cường độ đau khi sỏi di chuyển trong đường tiết niệu.

Ngoài ra, đôi khi người bệnh còn bắt gặp một số dấu hiệu gồm:

  • Nước tiểu có màu hồng, đỏ hoặc nâu
  • Nước tiểu đục hoặc có mùi hôi khó chịu
  • Nhu cầu đi tiểu liên tục, tiểu nhiều lần hoặc lượng nước tiểu mỗi lần ít hơn bình thường
  • Buồn nôn và nôn mửa
  • Sốt và ớn lạnh nếu có nhiễm trùng

Khi nào bạn cần đến gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng nào khiến bạn cảm thấy lo lắng, hãy sắp xếp đi khám bệnh càng sớm càng tốt. Đặc biệt, bạn cần lập tức đến bệnh viện để kiểm tra ngay khi bắt bặp bất kỳ triệu chứng nào dưới đây:

  • Đau dữ dội đến mức bạn không thể ngồi hoặc tìm ra tư thế giúp xoa dịu cơn đau
  • Đau kèm theo cảm giác buồn nôn và nôn mửa
  • Đau kèm theo sốt và ớn lạnh
  • Nhìn thấy máu xuất hiện trong nước tiểu
  • Khó tiểu

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân gây sỏi thận là gì?

Sỏi thận gồm nhiều loại khác nhau. Khi xác định được loại sỏi thận mà bạn đang có, bác sĩ có thể suy đoán ra nguyên nhân và đưa ra những biện pháp điều trị cũng như phòng ngừa khả năng sỏi tái phát.

Nhìn chung, các loại sỏi thận thường gặp có thể kể đến như:

Sỏi canxi

Loại sỏi này chiếm phần lớn trường hợp, thường ở dạng canxi oxalat. Đây là một hoạt chất được tạo ra ở gan hoặc hấp thụ từ thực phẩm như:

  • Một số trái cây và rau quả
  • Các loại hạt
  • Chocolate

Ngoài ra, nồng độ canxi và oxalat tăng cũng có thể liên quan đến việc dùng vitamin D liều cao, biến chứng hậu phẫu nối tắt ruột hoặc bệnh chuyển hóa.

Sỏi struvite

Loại sỏi này hình thành khi có nhiễm trùng đường tiết niệu, có thể phát triển nhanh chóng và đạt đến kích thước tương đối lớn. Sự xuất hiện của sỏi struvite không phải lúc nào cũng có dấu hiệu cảnh báo.

Sỏi axit uric

Nguyên nhân hình thành loại sỏi này có thể đến từ:

  • Yếu tố di truyền
  • Mất nước do tiêu chảy mạn tính hoặc kém hấp thu
  • Chế độ ăn giàu protein
  • Bệnh đái tháo đường
  • Rối loạn chuyển hóa

Sỏi cystin

Loại sỏi này hình thành ở những người bị rối loạn di truyền có tên gọi là cystin niệu, khiến thận bài tiết quá nhiều một loại axit amin.

Những yếu tố nguy cơ của sỏi thận

Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận gồm:

  • Tiền sử bị sỏi thận của bản thân hoặc gia đình
  • Thiếu nước
  • Chế độ ăn giàu muối và protein
  • Béo phì
  • Bệnh đường tiêu hóa và phẫu thuật
  • Các vấn đề sức khỏe khác như nhiễm toan ở ống thận, cystin niệu, cường cận giáp và nhiễm trùng đường tiết niệu
  • Một số thực phẩm chức năng và thuốc, như vitamin C, thuốc nhuận tràng (dùng quá mức), một số thuốc điều trị đau nửa đầu hoặc trầm cảm

Biến chứng

Sỏi thận có nguy hiểm không?

Sỏi thận có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh thận mạn tính. Nếu bạn có một viên sỏi, nguy cơ hình thành thêm những viên sỏi khác sẽ cao hơn. Những người có sỏi thận có khoảng 50% khả năng xuất hiện thêm viên sỏi khác trong vòng 5–7 năm.

Do đó, nếu nghi ngờ các triệu chứng gặp phải liên quan đến tình trạng này, hãy khám bệnh càng sớm càng tốt để được điều trị và phòng ngừa hiệu quả.

Chẩn đoán

Những cách giúp chẩn đoán sỏi thận là gì?

Sau khi nghe mô tả về các triệu chứng và thăm khám sức khỏe, nếu bác sĩ nghi ngờ bạn bị sỏi thận, họ sẽ yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm, như:

  • Xét nghiệm máu.
  • Xét nghiệm thu thập nước tiểu trong 24 giờ
  • Chẩn đoán hình ảnh (chụp CT, chụp X-quang hoặc siêu âm…)

Điều trị

Tùy thuộc vào loại sỏi và nguyên nhân, phương pháp điều trị có thể khác nhau ở mỗi người bệnh.

Điều trị sỏi nhỏ với ít triệu chứng

Hầu hết trường hợp có sỏi thận ở kích thước nhỏ đều không cần điều trị xâm lấn. Người bệnh có thể đào thải viên sỏi nhỏ ra ngoài hoặc làm tan sỏi bằng cách:

  • Uống nhiều nước
  • Dùng thuốc giảm đau như ibuprofen, naproxen…
  • Điều trị nội khoa (sử dụng nhóm thuốc chẹn alpha giúp làm giãn các cơ trong niệu quản có tác dụng thúc đẩy sỏi thận ra ngoài nhanh và ít đau hơn. Các thuốc thường được chỉ định là tamsasmin, dutasteride + tamsulosin)

Điều trị sỏi lớn và gây ra nhiều triệu chứng

Khi sỏi quá lớn đến mức cơ thể không thể tự đào thải ra ngoài, gây tổn thương thận hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu sẽ cần phải điều trị xâm lấn hơn. Các thủ thuật được sử dụng tùy theo tình trạng sỏi, bao gồm:

  • Sử dụng sóng âm để tán sỏi
  • Phẫu thuật loại bỏ sỏi có kích thước lớn trong thận
  • Phẫu thuật nội soi loại bỏ sỏi
  • Phẫu thuật tuyến cận giáp

Phòng ngừa

Nếu muốn phòng ngừa sỏi thận hiệu quả, bạn cần kết hợp giữa việc thay đổi lối sống và sử dụng thuốc phù hợp.

Thay đổi lối sống

Bạn có thể giảm bớt nguy cơ hình thành sỏi nếu:

  • Uống đủ nước mỗi ngày
  • Hạn chế tiêu thụ những thực phẩm giàu oxalate, như củ dền, đậu bắp, rau chân vịt, khoai lang, các loại hạt, trà, chocolate, hạt tiêu đen và các sản phẩm từ đậu nành
  • Xây dựng chế độ ăn ít muối và protein động vật
  • Không cần tránh ăn thực phẩm có chứa canxi mà nên thận trọng với việc bổ sung canxi bằng các thực phẩm chức năng

Nếu bạn muốn sử dụng sản phẩm bổ sung canxi, hãy hỏi ý kiến bác sĩ vì chúng có thể làm tăng nguy cơ hình thành sỏi. Bạn có thể bổ sung canxi cho cơ thể thông qua thức ăn vì lượng canxi trong thực phẩm không liên quan đến nguy cơ tạo sỏi. Một số người có chế độ ăn ít canxi lại có nguy cơ cao phát triển sỏi thận.

Sử dụng thuốc

Một số thuốc có tác dụng kiểm soát lượng chất khoáng và muối trong nước tiểu nên có thể giúp ích cho một số người có loại sỏi nhất định. Bác sĩ sẽ lựa chọn thuốc tùy thuộc vào loại sỏi của bạn, ví dụ:

  • Sỏi canxi. thuốc lợi tiểu thiazide hoặc các chế phẩm có chứa phosphat.
  • Sỏi axit uric. allopurinol.
  • Sỏi struvite. sử dụng kháng sinh liều thấp lâu dài hoặc không liên tục kết hợp với uống đủ nước
  • Sỏi cystin. thuốc giúp tăng khả năng hòa tan cystin trong nước tiểu + uống đủ nước + chế độ ăn ít muối và protein

Đánh giá:

Bài viết liên quan

Hội chứng Asperger

(59)
Tìm hiểu chungHội chứng Asperger là gì?Hội chứng Asperger thường được coi là đoạn cuối trong phổ tự kỷ “chức năng cao”. Trẻ em và người lớn bị ảnh ... [xem thêm]

Ung thư tá tràng

(64)
Tìm hiểu về ung thư tá tràngBệnh ung thư tá tràng là gì?Tá tràng là phần đầu của ruột non. Nó nằm giữa dạ dày và hỗng tràng, phần tiếp theo của ruột ... [xem thêm]

Hội chứng Alport

(67)
Tìm hiểu chungHội chứng Alport là gì?Hội chứng Alport là bệnh gây tổn thương các mạch máu nhỏ trong thận, dẫn đến bệnh thận và suy thận. Bệnh này cũng có ... [xem thêm]

Hội chứng Allan-Herndon-Dudley

(61)
Tìm hiểu chungHội chứng Allan-Herndon-Dudley là gì?Hội chứng Allan-Herndon-Dudley là một rối loạn hiếm gặp về sự phát triển của não gây ra tình trạng khuyết ... [xem thêm]

Hội chứng Banti

(38)
Tìm hiểu chungHội chứng Banti là gì?Lách là cơ quan dạng tuyến lớn, nằm phía trên bên trái của bụng, là nơi tạo ra các tế bào hồng cầu trước khi sinh, ... [xem thêm]

Rối loạn thách thức chống đối

(90)
Bạn đã từng nghe nói về chứng rối loạn thách thức chống đối (Oppositional Defiant Disorder – ODD) ở trẻ em chưa? Đây là một căn bệnh tâm lý khá phổ biến ... [xem thêm]

Suy tim

(99)
Tìm hiểu chungSuy tim là bệnh gì?Suy tim là một thuật ngữ dùng để mô tả tình trạng tim không đáp ứng được với khối lượng công việc của nó và không bơm ... [xem thêm]

Hội chứng chèn ép dây thần kinh

(89)
Tìm hiểu chungHội chứng chèn ép dây thần kinh là gì?Hội chứng chèn ép dây thần kinh xảy ra khi dây thần kinh bị chèn ép hoặc đè nén. Nó thường xảy ra tại ... [xem thêm]

DANH SÁCH PHÒNG KHÁM BỆNH VIỆN