Xét nghiệm HIV

(3.75) - 31 đánh giá

Tìm hiểu về xét nghiệm HIV

Xét nghiệm HIV là gì?

Xét nghiệm HIV bao gồm một số xét nghiệm về máu hoặc dịch trong cơ thể để xác định xem bạn có bị nhiễm virus HIV hay không. Hầu như không thể phát hiện nhiễm HIV ngay lập tức, cơ thể bạn cần phải có thời gian để tạo ra kháng thể hoặc lượng virus đủ để phát triển. Bạn có thể mất khoảng 3–6 tháng trước khi nhận được kết quả xét nghiệm dương tính với HIV. Điều đó đồng nghĩa với việc nếu xét nghiệm sớm, bạn có thể bị âm tính giả trong khi thực tế đã nhiễm bệnh.

Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến khích tất cả mọi người trong độ tuổi từ 13–64 nên thực hiện xét nghiệm HIV ít nhất một lần và xem đó như là một phần của chăm sóc sức khỏe định kỳ. Nếu chẳng may bạn nhiễm virus HIV, phát hiện sớm sẽ giúp bạn chuẩn bị tinh thần điều trị tốt hơn đồng thời có những biện pháp đề phòng lây truyền HIV cho người khác.

Bạn có thể tìm hiểu những dấu hiệu cảnh báo nhiễm HIV thông qua bài viết “10 dấu hiệu cảnh báo bị nhiễm HIV“.

Tại sao bạn cần thực hiện xét nghiệm HIV?

Thực hiện xét nghiệm HIV là cách duy nhất để xác định chắc chắn rằng bạn đã nhiễm HIV hay chưa. Nếu bạn có những nguy cơ cao nhiễm HIV, bạn cần được kiểm tra thường xuyên hơn. Trường hợp bạn đã xét nghiệm và nhận được kết quả âm tính với HIV từ hơn một năm trước nhưng vẫn liên quan đến một trong những hoạt động dưới đây, bạn nên tiến hành xét nghiệm HIV càng sớm càng tốt vì nguy cơ nhiễm virus HIV đã tăng lên:

  • Quan hệ tình dục với người khác mà không có biện pháp bảo vệ (bao cao su)
  • Quan hệ tình dục qua đường hậu môn hay âm đạo với người dương tính với HIV
  • Quan hệ tình dục với nhiều người khác nhau kể từ lần xét nghiệm HIV cuối cùng
  • Sử dụng chất kích thích đường tiêm và dùng chung kim tiêm hay các vật dụng cá nhân với người khác
  • Đã được chẩn đoán hoặc đang điều trị cho một bệnh lây truyền qua đường tình dục khác
  • Đã được chẩn đoán hoặc điều trị cho bệnh viêm gan hay lao

Bạn nên xét nghiệm HIV ít nhất một lần mỗi năm nếu vẫn tiếp tục các hoạt động trên. Nếu bạn đang mang thai, hãy thông báo với bác sĩ khi xét nghiệm HIV và nhờ tư vấn các biện pháp có thể giúp bạn cũng như con bạn không bị nhiễm HIV.

Các loại xét nghiệm HIV

Xét nghiệm HIV bao gồm: xét nghiệm axit nucleic (NAT), xét nghiệm kháng nguyên/kháng thể và xét nghiệm kháng thể. Các xét nghiệm này thường lấy mẫu máu hoặc dịch miệng, một vài trường hợp có thể lấy mẫu nước tiểu.

Xét nghiệm axit nucleic (NAT)

Xét nghiệm này giúp tìm kiếm virus HIV thực sự có trong máu hay không. Xét nghiệm có thể cho kết quả âm tính/dương tính hay cho biết lượng virus có trong máu (còn gọi là xét nghiệm tải lượng virus HIV). Xét nghiệm này khá tốn kém và không được sử dụng thường xuyên với mục đích sàng lọc cá nhân, trừ khi bạn có nguy cơ phơi nhiễm HIV cao hay xuất hiện các triệu chứng HIV sớm.

Xét nghiệm axit nucleic thường khá chính xác trong giai đoạn đầu khi nhiễm HIV. Tuy nhiên, tốt nhất bạn nên làm thêm xét nghiệm kháng thể hoặc kháng nguyên/kháng thể để giúp bác sĩ hiểu rõ kết quả âm tính khi xét nghiệm axit nucleic. Lưu ý, khi bạn dùng thuốc để dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) hoặc điều trị dự phòng sau phơi nhiễm (PEP) có thể làm giảm độ chính xác của xét nghiệm axit nucleic.

Xét nghiệm kháng nguyên/kháng thể HIV

Xét nghiệm này dùng để tìm kiếm cả kháng nguyên và kháng thể HIV. Kháng thể được tạo ra bởi hệ thống miễn dịch khi cơ thể tiếp xúc với virus HIV. Kháng nguyên là những chất lạ xâm nhập vào cơ thể và kích hoạt hệ thống miễn dịch tự nhiên. Khi bạn nhiễm virus HIV, một kháng nguyên được gọi là p24 sẽ xuất hiện sau khi nhiễm khoảng 2–4 tuần.

Xét nghiệm kháng thể

Hầu hết các xét nghiệm HIV nhanh hay các bộ xét nghiệm có thể thực hiện tại nhà là xét nghiệm kháng thể. Xét nghiệm này sẽ tìm kiếm kháng thể HIV trong máu hoặc dịch tiết cơ thể. Tuy nhiên, các xét nghiệm kháng thể sử dụng máu từ tĩnh mạch có thể phát hiện HIV sớm hơn so với các xét nghiệm được thực hiện với mẫu máu hoặc dịch tiết cơ thể.

  • Hầu hết các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm là xét nghiệm kháng nguyên/kháng thể HIV, nhưng xét nghiệm sàng lọc kháng thể cũng có thể tiến hành trong phòng thí nghiệm của trung tâm y tế. Khi đó, bạn sẽ được yêu cầu lấy máu từ tĩnh mạch vào một ống đựng mẫu rồi gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích.
  • Với xét nghiệm sàng lọc kháng thể nhanh chóng, kết quả thường có nhanh hơn (trong khoảng 30 phút). Xét nghiệm này được thực hiện trong môi trường lâm sàng thông thường, lấy mẫu máu từ ngón tay hoặc lấy dịch miệng.
  • Tự kiểm tra kháng thể trong dịch miệng là một cách xét nghiệm HIV cho kết quả nhanh chóng. Bạn chỉ cần tự lấy mẫu dịch tiết cơ thể và sử dụng bộ dụng cụ y khoa để kiểm tra, kết quả sẽ có sau khoảng 20 phút. Bạn có thể thực hiện xét nghiệm này tại nhà hoặc tại các chương trình sàng lọc HIV trong cộng đồng hay phòng khám.

Khi bạn có kết quả dương tính từ bất kỳ kiểu xét nghiệm kháng thể nào, bạn sẽ cần thực hiện xét nghiệm theo dõi để xác nhận kết quả. Bạn có thể tìm gặp bác sĩ để nhờ tư vấn loại xét nghiệm nào là phù hợp nhất.

Sau khi có được kết quả cuối cùng, bạn cần nói chuyện với bác sĩ về các lựa chọn điều trị nếu bạn đã nhiễm HIV. Trường hợp kết quả xét nghiệm HIV âm tính, hãy tiếp tục thực hiện các hành động để ngăn ngừa HIV, chẳng hạn như sử dụng bao cao su đúng cách mỗi khi quan hệ tình dục và uống thuốc để ngăn ngừa HIV nếu bạn có nguy cơ cao.

Bạn có thể tham khảo thêm bài viết “Làm thế nào để phòng tránh nhiễm HIV?” để tìm hiểu những cách giúp ngăn chặn lây nhiễm HIV.

Quy trình xét nghiệm HIV

Khi bạn thực hiện xét nghiệm HIV tại nhà bằng bộ sản phẩm có sẵn, bạn chỉ cần làm theo hướng dẫn sử dụng từ nhà sản xuất để tự thực hiện kiểm tra tình trạng nhiễm HIV. Nếu bạn đến xét nghiệm HIV tại các cơ sở y tế, nhân viên sẽ hướng dẫn bạn các thủ tục cần thiết. Các bước cơ bản bạn thể tham khảo như sau:

  • Sau khi yêu cầu xét nghiệm, bạn được lấy mẫu xét nghiệm tùy theo yêu cầu của từng phương pháp
  • Nhân viên y tế sẽ kiểm tra và xử lý mẫu (nếu cần)
  • Mẫu được chuyển về phòng thí nghiệm để tiến hành phân tích theo quy định
  • Kết quả được điền vào phiếu và rà soát lại
  • Phiếu kết quả được xuất và đưa cho bạn, bạn có thể yêu cầu được tư vấn về kết quả.

Hiểu về kết quả xét nghiệm HIV

Nếu kết quả xét nghiệm âm tính có nghĩa là tại thời điểm xét nghiệm bạn không mang trong mình virus HIV này hoặc xét nghiệm chưa phát hiện được virus trong cơ thể bạn (có thể bạn đang ở trong thời kỳ “cửa sổ”). Nếu bạn thấy mình có nguy cơ bị lây nhiễm HIV và nghĩ rằng mình đang trong thời kỳ “cửa sổ”, bạn nên làm xét nghiệm lại để khẳng định chắc chắn tình trạng nhiễm HIV.

Trường hợp kết quả xét nghiệm HIV dương tính có nghĩa là bạn đã mang virus HIV trong cơ thể. Bạn không nên lo lắng và hãy đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị sớm nhất.

Những thắc mắc cơ bản khi xét nghiệm HIV

Phụ nữ mang thai có cần làm xét nghiệm HIV không?

Tất cả phụ nữ mang thai nên được xét nghiệm HIV để có thể bắt đầu điều trị nếu người mẹ nhiễm HIV. Khi một phụ nữ được điều trị HIV sớm trong thai kỳ, nguy cơ truyền HIV sang em bé thường rất thấp. Thử nghiệm ở phụ nữ mang thai nhiễm HIV và được điều trị sớm cho thấy số lượng trẻ em bị nhiễm HIV từ mẹ của họ giảm đáng kể.

Phương pháp điều trị để ngăn ngừa lây truyền HIV cho trẻ càng có hiệu quả khi bắt đầu càng sớm trong thời gian mang thai. Tuy nhiên, bắt đầu điều trị dự phòng ngay cả khi chuyển dạ hoặc ngay sau khi em bé chào đời vẫn có khả năng mang lại kết quả tích cực.

Xét nghiệm HIV bao lâu có kết quả?

Thời gian trả kết quả xét nghiệm HIV tùy thuộc vào phương pháp xét nghiệm. Đối với những phương pháp được thực hiện trong phòng thí nghiệm thường mất thời gian hơn, bạn có thể mất khoảng 2 tuần để nhận được kết quả xét nghiệm. Tuy nhiên, độ đặc hiệu của các phương pháp đó sẽ cao hơn so với khi thực hiện xét nghiệm HIV tại nhà và có kết quả chỉ sau chừng 20 phút.

Bạn có thể thực hiện xét nghiệm HIV ở đâu?

Mạng lưới cơ sở xét nghiệm HIV ở Việt Nam gồm có: các phòng xét nghiệm khẳng định các trường hợp HIV dương tính và phòng xét nghiệm sàng lọc xét nghiệm HIV. Phòng xét nghiệm sàng lọc HIV chủ yếu tập trung chủ yếu ở đơn vị tuyến huyện và các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh. Phòng xét nghiệm khẳng định HIV thuộc trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, trung tâm y tế dự phòng tỉnh, bệnh viện/viện Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh/thành phố và thí điểm tại một số cơ sở y tế tuyến huyện. Đến nay toàn quốc hiện có hơn 1.000 phòng xét nghiệm sàng lọc và hơn 100 phòng xét nghiệm khẳng định HIV. Bạn cũng có thể đến những cơ sở y tế địa phương để yêu cầu xét nghiệm HIV.

Bạn có nên chia sẻ kết quả xét nghiệm nếu dương tính với HIV?

Kết quả xét nghiệm HIV sẽ được bảo mật tuyệt đối và việc chia sẻ kết quả cho ai khác hoàn toàn nằm ở quyết định của bạn. Nếu bạn dương tính với HIV, bạn nên chia sẻ tình trạng này với “bạn tình” để có thể bảo vệ sức khỏe cho cả bạn và người ấy.

Bạn cũng cần chia sẻ tình trạng bệnh cho gia đình, bạn bè hay những người bạn thực sự thân thiết để có thể tìm thấy sự động viên, khích lệ tinh thần cũng như hỗ trợ bạn trong quá trình điều trị.

Bạn cũng sẽ nhiễm HIV nếu “bạn tình” dương tính với HIV?

Điều đó hoàn toàn không đúng, kết quả xét nghiệm HIV chỉ thể hiện tình trạng nhiễm virus HIV của từng người. HIV không nhất thiết sẽ lây truyền sau mỗi lần quan hệ tình dục. Để an tâm, bạn vẫn nên xét nghiệm HIV để có kết quả chắc chắn.

Bạn sẽ mắc AIDS nếu kết quả xét nghiệm HIV dương tính?

Dương tính với HIV không có nghĩa là bạn sẽ bị AIDS. AIDS là giai đoạn cuối khi cơ thể nhiễm HIV, nhưng đó là trường hợp bạn không được điều trị và chăm sóc sức khỏe thích hợp.

Đánh giá:

Bài viết liên quan

Mù thoáng qua – mù tạm thời

(52)
Định nghĩaMù thoáng qua (mù tạm thời) là gì?Mù thoáng qua, hay mù tạm thời, là hiện tượng mất thị lực ở mắt trong khoảng thời gian ngắn. Bệnh xảy ra do ... [xem thêm]

Dễ tụ huyết khối

(89)
Định nghĩaChứng dễ tụ huyết khối (tăng đông, dễ đông máu) là gì?Chứng dễ tạo huyết khối, hay còn gọi là tình trạng tăng đông hoặc chứng dễ đông ... [xem thêm]

Đau hậu môn

(40)
Tìm hiểu chungĐau hậu môn là bệnh gì?Đau hậu môn là tình trạng xảy ra khi bạn bị đau ở trong và quanh hậu môn hoặc trực tràng (vùng quanh hậu môn). Bệnh ... [xem thêm]

Nang giáp lưỡi

(24)
Tìm hiểu về nang giáp lưỡiBệnh nang giáp lưỡi là gì?Nang giáp lưỡi còn gọi là kén giáp lưỡi hoặc nang ống giáp lưỡi, là một dị tật bẩm sinh do có bất ... [xem thêm]

Thoái hóa điểm vàng AMD

(58)
Tìm hiểu chungThoái hóa điểm vàng AMD là bệnh gì?Thoái hóa điểm vàng hay còn gọi là thoái hóa hoàng điểm (AMD), là một bệnh rối loạn về mắt gây ảnh ... [xem thêm]

Rò luân nhĩ

(70)
Tìm hiểu chungBệnh rò luân nhĩ là gì?Bệnh rò luân nhĩ xuất hiện như một lỗ nhỏ hoặc hố trên da, thường chỉ ở phía trước của vành tai trên, chỗ sụn ... [xem thêm]

Xung nhiệt đột ngột

(98)
Tìm hiểu chungXung nhiệt đột ngột là bệnh gì?Xung nhiệt đột ngột (nóng bừng) là những cảm giác ấm lên đột ngột, thường dữ dội nhất trên mặt, cổ và ... [xem thêm]

Ban xuất huyết

(67)
Ban xuất huyết có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Việc xác định lý do dẫn đến tình trạng này rất quan trọng để đưa ra cách điều trị thích ... [xem thêm]

DANH SÁCH PHÒNG KHÁM BỆNH VIỆN