Bệnh trĩ hiện nay là một căn bệnh khá phổ biến, thường xảy ra ở nhiều đối tượng trong nhiều độ tuổi khác nhau. Thế nhưng, bạn đã biết các cách chữa bệnh trĩ hiệu quả cho từng giai đoạn bệnh hay chưa?
Bệnh trĩ là tình trạng các tĩnh mạch ở xung quanh hậu môn hoặc ở phần trực tràng dưới (đoạn cuối cùng của ruột già đến hậu môn) của cơ thể bị sưng và kích thích.
Nguyên nhân dẫn đến bệnh trĩ thường là do táo bón, ngồi nhiều trong thời gian dài hay là triệu chứng thứ phát của các bệnh lý rối loạn khác như táo bón mạn tính, béo phì và cuộc sống có nhiều căng thẳng cao độ.
Để hiểu rõ thêm về bệnh trĩ, bạn có thể tham khảo bài viết sau: “Những điều bạn cần biết về bệnh trĩ“.
Nguyên tắc điều trị bệnh trĩ
Bệnh trĩ được xem như là một căn bệnh “khó nói” và gây ra khá nhiều phiền toái cũng như khiến khổ chủ mất tự tin trong cuộc sống. Khi bệnh tiến triển đến mức độ nặng mà không được điều trị kịp thời có thể gây ra các hậu quả khôn lường, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày cũng như công việc. Có vài nguyên tắc cơ bản khi điều trị bệnh trĩ mà bạn cần biết:
- Nếu không có biến chứng, không cần điều trị các triệu chứng trĩ
- Chỉ nên điều trị trĩ khi bệnh gây ảnh hưởng đến sinh hoạt đời sống và công việc hàng ngày. Tùy theo mức độ tổn thương mà bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn những cách chữa bệnh trĩ thích hợp, mang lại hiệu quả cao.
Điều trị nội khoa
Các cách điều trị nội khoa thường áp dụng cho người bệnh trĩ nội ở độ I và II, hầu hết là thực hiện những biện pháp tại nhà và dùng thuốc để giảm bớt các triệu chứng ngứa, rát hay đi ngoài ra máu.
Chế độ ăn có nhiều chất xơ
Bạn nên tuân theo một chế độ ăn có nhiều thực phẩm giàu chất xơ và thực phẩm chưa qua chế biến sẵn, chủ yếu là rau, trái cây, các loại hạt và ngũ cốc để tránh táo bón, giảm bớt áp lực lên trên trực tràng – hậu môn.
Nếu bạn không thể nhận được đủ chất xơ từ thực phẩm, bác sĩ sẽ khuyến khích bạn sử dụng một vài sản phẩm giúp bổ sung thêm hoặc để làm mềm phân. Lưu ý là bạn không nên dùng thuốc nhuận tràng vì chúng có thể gây tiêu chảy và kích thích lên bệnh trĩ, đồng thời dễ khiến bạn lệ thuộc vào thuốc.
Mời bạn tham khảo thêm bài viết “Cẩn thận khi dùng thuốc nhuận tràng điều trị táo bón“.
Ngoài ra, bạn cần bổ sung đủ nước cho cơ thể, hãy uống ít nhất là khoảng 1,5–2l nước mỗi ngày. Nếu bạn là người hay hoạt động hoặc sinh sống tại vùng có khí hậu nóng bức, hãy uống nhiều hơn khi có thể.
Sử dụng các kem bôi tại chỗ
Bạn có thể dùng một vài loại kem bôi ngoài da không kê đơn dành cho bệnh trĩ có chứa hydrocortison hoặc dùng các miếng dán có chất gây tê hay tẩm nước hạt phỉ (witch hazel) để giảm kích thích, ngứa rát hậu môn.
Lưu ý, đừng sử dụng các kem bôi không kê đơn có chứa steroid (corticoid) trong hơn một tuần trừ khi có chỉ định từ bác sĩ vì chúng có thể khiến teo da tại chỗ bôi.
Tắm kiểu ngồi (sitz bath) hay tắm bằng nước ấm
Ngồi và ngâm vùng hậu môn trong chậu nước ấm trong khoảng 10–15 phút, từ 2–3 lần mỗi ngày có thể giúp giảm sưng và kích ứng do bệnh trĩ. Bạn có thể pha thêm vào nước một vài thành phần khác để giảm bớt triệu chứng bệnh trĩ như muối Epsom hoặc giấm táo.
Không nên ngâm trực tiếp hậu môn vào dung dịch giấm táo vì có thể khiến kích thích da xung quanh búi trĩ gây sưng và đau hơn.
Uống thuốc giảm đau
Bạn có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau không kê đơn như paracetamol, aspirin, ibuprofen… để giảm bớt sự khó chịu do bệnh trĩ gây ra. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ kê cho bạn vài loại thuốc điều trị thích hợp với tình trạng bệnh.
Điều trị ngoại khoa
Khi bệnh trĩ phát triển đến mức độ nặng hơn hay có cục máu đông (huyết khối) hình thành bên trong tĩnh mạch của búi trĩ, bác sĩ sẽ đề nghị tiến hành những thủ thuật đơn giản hoặc phẫu thuật loại bỏ búi trĩ để giúp giảm đau nhanh chóng.
Các thủ thuật xâm lấn tối thiểu
Khi bạn bị chảy máu kéo dài hoặc cảm thấy vô cùng đau đớn, khó chịu do bệnh trĩ, bác sĩ sẽ khuyến khích bạn thực hiện một trong những thủ thuật xâm lấn tối thiểu. Những thủ thuật này thường khá đơn giản và có thể được tiến hành tại phòng khám ngoại trú, cũng như không cần gây tê toàn thân.
- Thắt búi trĩ bằng vòng cao su. Bác sĩ đặt hai vòng dây cao su nhỏ xung quanh đáy búi trĩ nội để cắt đứt lưu lượng máu cung cấp đến nó. Dần dần, búi trĩ sẽ co lại và rụng ra. Phương pháp này có thể khiến bạn không thoải mái và gây chảy máu sau 2–4 ngày. Một số trường hợp hiếm gặp, người bệnh có thể gặp phải biến chứng nghiêm trọng. Phương pháp này không áp dụng để điều trị bệnh trĩ ngoại.
- Tiêm (liệu pháp xơ hóa). Bác sĩ sẽ tiêm một dung dịch hóa học vào mô trĩ để khiến nó teo lại từ từ. Mặc dù cách này ít gây đau hơn nhưng hiệu quả mang lại không cao bằng thắt búi trĩ bằng vòng cao su.
- Liệu pháp đông máu (dùng tia hồng ngoại, laser hay đốt lưỡng cực). Kỹ thuật này làm cho các búi trĩ nội cứng và teo lại, ít gây ra tác dụng phụ hay khó chịu cho người bệnh.
Các phẫu thuật lớn
Tỷ lệ người mắc bệnh trĩ cần phải phẫu thuật thường không cao. Tuy nhiên, nếu các cách chữa bệnh trị khác không hiệu quả và tình hình búi trĩ ngày càng xấu đi thì bác sĩ sẽ giới thiệu một vài phương pháp phẫu thuật sau đây.
- Cắt bỏ búi trĩ. Có nhiều kỹ thuật khác nhau để bác sĩ tiến hành cắt bỏ các mô trĩ gây chảy máu quá mức. Trong quá trình phẫu thuật, bạn có khả năng được gây tê tại chỗ kết hợp với gây tê tủy sống hay gây mê toàn thân. Đây là cách chữa bệnh trĩ nặng hoặc bị tái phát hiệu quả nhất. Tuy nhiên, một số biến chứng có thể xảy ra sau khi gây tê tủy sống như nhiễm trùng đường tiết niệu. Sau khi phẫu thuật, bạn có thể sử dụng thuốc hoặc ngâm mình trong bồn nước ấm để giảm đau.
- Phẫu thuật khâu cắt trĩ Longo. Phương pháp này sử dụng công cụ khâu vòng để cắt bỏ bớt niêm mạc trên đường lược và đặt có đinh rập khâu lại. Các mạch máu nuôi búi trĩ cũng bị khâu cắt khiến cho búi trĩ teo nhỏ lại. Cách thức này thường dùng để điều trị trĩ nội và ít gây đau hơn so với cắt bỏ búi trĩ, giúp người bệnh sớm trở lại được các hoạt động thường ngày. Tuy nhiên, khâu cắt búi trĩ có thể mang lại nguy cơ tái phát và sa trực tràng cao hơn. Các biến chứng có khả năng xảy ra bao gồm chảy máu, bí tiểu, đau và hiếm khi bị nhiễm trùng máu.
- Phẫu thuật khâu triệt mạch trĩ dưới hỗ trợ của siêu âm doppler. Mục đích là cắt nguồn cung cấp máu từ động mạch chạy dưới niêm mạc đến các đám rối trĩ, khiến búi trĩ teo lại. Bác sĩ sẽ sử dụng siêu âm doppler để xác định được các động mạch trĩ rồi thắt lại bằng các mũi khâu. Sau đó, búi trĩ được cố định lại trong trực tràng bằng cách khâu vắt dọc theo thành ống hậu môn. Kỹ thuật này tương đối đơn giản, an toàn, hiệu quả, ít gây đau nhưng vẫn có trường hợp bỏ sót các mạch trĩ.
Những lưu ý khi điều trị bệnh trĩ
Khi phát hiện có những dấu hiệu bệnh trĩ, bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa hậu môn trực tràng để được thăm khám sớm và tư vấn kịp thời cũng như loại bỏ trường hợp ung thư. Tùy vào mức độ thương tổn, bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn cách chữa bệnh phù hợp và hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, bạn vẫn phải thực hiện những phương pháp phòng ngừa bệnh tiến triển nặng hơn như thay đổi lối sống, chế độ ăn và thử những cách điều trị bệnh trĩ tại nhà khác.
Những biến chứng cấp tính có thể xuất hiện ở người bệnh trĩ là đau, nhiễm trùng, chảy máu và bí tiểu. Nếu bạn càng chần chừ, không can thiệp, điều trị thì tình trạng bệnh càng ngày càng khó kiểm soát hơn, dẫn đến kết quả không đáng có. Đồng thời, bạn cũng đừng cảm thấy ngại ngùng hay xấu hổ khi đi khám, vì nhân viên y tế luôn tôn trọng và đảm bảo tính bảo mật cho bệnh án của mọi người.