Ung thư đại trực tràng xảy ra khi các tế bào ung thư xuất hiện ở đại tràng hoặc trực tràng. Đại tràng, còn được gọi là ruột già, là phần cuối của hệ thống tiêu hóa, nó có thể dài đến 1,5 mét. Khi bạn tiêu hóa thức ăn, thức ăn được chuyển từ dạ dày tới ruột non vào đại tràng. Đại tràng sẽ hấp thụ chất dinh dưỡng cần thiết và loại bỏ chất thải (phân) ra khỏi cơ thể. Trực tràng là phần cuối của đại tràng.
Ung thư đại trực tràng có thể bắt đầu từ một cấu trúc gọi là polyp. Chúng được hình thành trên các vách của đại tràng hoặc trực tràng. Bạn phải giám sát và loại bỏ các polyp để ngăn ngừa ung thư đại trực tràng.
Ung thư đại trực tràng là loại ung thư phổ biến thứ ba trên thế giới, mỗi năm có gần 1,4 triệu người mới mắc bệnh.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân nào gây ra bệnh ung thư đại trực tràng?
Cũng giống như nhiều bệnh ung thư khác, ung thư đại trực tràng xảy ra khi các tế bào trong đại tràng và trực tràng tăng trưởng với tốc độ nhanh bất thường, dẫn đến xuất hiện khối u. Trong ung thư đại trực tràng, các tế bào trong lớp lót trên bề mặt của đại tràng bị ảnh hưởng và tạo ra một polyp ở đại tràng hoặc trực tràng. Một số polyp trở thành tế bào ung thư theo thời gian. Ung thư đại trực tràng cũng có thể xảy ra từ một căn bệnh ung thư từ các bộ phận khác của cơ thể và lan rộng đến đại tràng hoặc trực tràng.
Ung thư đại trực tràng có nguồn gốc từ đại tràng hoặc trực tràng được gọi là ung thư nguyên phát, trong khi ung thư lan truyền từ các bộ phận khác được gọi là ung thư di căn.
Hầu hết các bệnh ung thư đại trực tràng là loại ung thư tuyến (ung thư bắt đầu từ các tế bào tạo và giải phóng chất nhầy cũng như các chất lỏng khác). Loại này chiếm hơn 95% ung thư đại trực tràng. Khi các bác sĩ nói về bệnh ung thư đại trực tràng, họ gần như luôn luôn nói về loại này.
Nguy cơ mắc phải
Những ai thường có nguy mắc phải bệnh ung thư đại trực tràng?
Người ta khuyến cáo rằng những người trên 50 tuổi nên đi kiểm tra ung thư đại trực tràng. Có một số yếu tố nguy cơ có thể làm tăng nguy cơ bị ung thư đại trực tràng. Nếu bạn có những yếu tố này, bạn nên bắt đầu kiểm tra trước đó từ khi còn trẻ.
Bạn đã bị ung thư đại trực tràng hoặc đã từng có polyp;
Bạn có người thân trong gia đình bị ung thư đại trực tràng hoặc polyp;
Bạn bị viêm loét đại tràng hoặc bệnh Crohn;
Trong gia đình bạn có hội chứng ung thư đại trực tràng di truyền.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh ung thư đại trực tràng là gì?
Trong giai đoạn đầu của bệnh, cơ thể sẽ xuất hiện các polyp trước và có thể không bị phát hiện vì chúng ít gây ra triệu chứng. Nhưng khi chúng phát triển thành khối u ung thư lớn thì các triệu chứng của ung thư đại trực tràng sẽ xuất hiện, bao gồm:
Tiêu chảy hoặc táo bón;
Cảm giác đi tiêu không hết phân;
Máu (hoặc màu đỏ tươi hoặc sẫm) trong phân của bạn;
Phân nhỏ, dẹt hơn so với bình thường;
Đau bụng, hoặc cảm thấy đầy bụng;
Sụt cân không rõ nguyên do;
Mệt mỏi;
Buồn nôn hoặc nôn.
Những triệu chứng này có thể xuất hiện trong các bệnh khác, bạn nên đi khám bác sĩ nếu có những dấu hiệu sau:
Chảy máu từ hậu môn;
Có máu trong phân hoặc trong nhà vệ sinh sau khi đi vệ sinh;
Thay đổi thói quen đi cầu (chẳng hạn như tiêu chảy hoặc táo bón kéo dài vài tuần);
Quặn đau ở bụng dưới;
Yếu ớt hoặc mệt mỏi;
Sụt cân không rõ nguyên nhân.
Mỗi bệnh nhân có thể có những triệu chứng khác nhau. Bạn có thể không có bất kỳ triệu chứng gì hoặc có triệu chứng ở những mức độ khác nhau. Một triệu chứng phổ biến mà người bị ung thư đại trực tràng hay gặp cảm giác mệt mỏi và có khó khăn trong việc đi tiêu.
Điều cần thận trọng
Liệu có nguy hiểm nào có thể xảy ra hay không?
Các biến chứng thường gặp nhất của ung thư đại trực tràng là ung thư lây lan (di căn) tới các bộ phận khác của cơ thể. Phương pháp điều trị ung thư đại trực tràng cũng có thể dẫn đến một số biến chứng như:
Bí tiểu;
Rò từ chỗ phẫu thuật;
Đau đớn;
Hẹp lòng ruột;
Chảy máu và mô bị hủy hoại do xạ trị;
Buồn nôn và ói mửa;
Bệnh tiêu chảy;
Hệ miễn dịch suy giảm;
Phản ứng dị ứng.
Hãy trò chuyện với bác sĩ để giúp bạn tìm cách giảm thiểu nguy cơ bị biến chứng.
Cách chẩn đoán
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh ung thư đại trực tràng?
Hầu hết mọi người chỉ biết mình mắc bệnh khi các triệu chứng bắt đầu xuất hiện. Tuy nhiên, ung thư đại trực tràng giai đoạn ban đầu thường không có triệu chứng. Vì vậy hầu hết bệnh nhân chỉ biết mình mắc bệnh khi đã ở giai đoạn trễ. Đây là lý do tại sao bạn nên làm các xét nghiệm sàng lọc thường xuyên để kiểm tra tình trạng sức khỏe của bạn.
Khám trực tràng bằng tay
Bác sĩ sẽ đưa một ngón tay đã đeo găng vào trong lòng trực tràng của bạn để xem có polyp hoặc khối u nào không.
Chụp đại tràng cản quang
Các bác sĩ sẽ tiêm chất cản quang vào trực tràng để làm cho đại tràng hiện lên rõ ràng hơn trên phim chụp X-quang. Bác sĩ sẽ xem xét các phim X-quang để xem có bất kỳ điều gì bất thường hay không.
Tìm máu ẩn trong phân
Bác sĩ sẽ cung cấp cho bạn một bộ lấy mẫu phân ở nhà. Sau đó, bạn có thể mang nó đến bác sĩ để kiểm tra xem có máu trong phân không. Bạn có thể cần phải kiêng một số loại thực phẩm nhất định và một số loại thuốc để xét nghiệm có thể chính xác.
Xét nghiệm DNA trong phân
Đây là một xét nghiệm phân để tìm tế bào ung thư trong phân của bạn. Nếu xét nghiệm máu trước đó cho thấy kết quả dương tính, bác sĩ có thể yêu cầu bạn làm xét nghiệm DNA trong phân.
Nội soi đại tràng
Xét nghiệm này sử dụng một ống mỏng, dẻo và đưa nó vào đại tràng của bạn để xem toàn bộ đại tràng. Nội soi đại tràng có thể làm bạn khó chịu, nhưng thường không gây đau đớn.
Nội soi đại tràng ảo
Xét nghiệm mới này sử dụng CT scan để tạo ra một mô hình của ruột già trong máy tính. Nếu bác sĩ tìm thấy các bướu thịt hoặc bất thường khác trong ruột của bạn, bạn sẽ cần phải nội soi theo kiểu truyền thống như phần trên đã đề cập để kiểm tra một cách chi tiết hơn hoặc để loại bỏ chúng.
Điều trị và kiểm soát hiệu quả
Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh ung thư đại trực tràng?
Nếu bạn bị ung thư đại tràng, trực tràng, bác sĩ sẽ trao đổi với bạn về các lựa chọn điều trị khác nhau, bao gồm:
Phẫu thuật
Phẫu thuật thường là điều trị chính cho ung thư đại trực tràng. Bác sĩ sẽ sử dụng phương pháp này để loại bỏ các khối u.
Hóa trị
Phương pháp này sử dụng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư. Hóa trị có thể làm giảm sức mạnh hệ thống miễn dịch của cơ thể của bạn. Do đó, bạn sẽ cần phải sử dụng thêm các biện pháp miễn dịch để ngăn ngừa nhiễm trùng trong quá trình điều trị. Phương pháp điều trị kết hợp này làm giảm sự lây lan của ung thư hiệu quả hơn chỉ thực hiện hóa trị.
Đôi khi bác sĩ sẽ khuyên bạn nên hóa trị sau phẫu thuật để tiêu diệt các tế bào ung thư không thể cắt bỏ hoàn toàn. Hóa trị cũng thường được dùng khi ung thư tái phát.
Nhiều loại thuốc khác nhau có sẵn cho phương pháp điều trị hóa trị và liệu pháp miễn dịch. Bác sĩ sẽ giúp bạn quyết định loại thuốc nào là phù hợp với nhu cầu điều trị của bạn.
Xạ trị
Phương pháp này sử dụng tia bức xạ để diệt tế bào ung thư. Bạn có thể xạ trị trước khi phẫu thuật để làm giảm kích thước của khối u. Đôi khi xạ trị và hóa trị cùng được sử dụng sau khi phẫu thuật.
Bạn nên làm gì để kiểm soát bệnh ung thư đại trực tràng?
Trên thực tế, không có cách nào bảo đảm rằng bạn sẽ không bị ung thư đại trực tràng. Bạn chỉ có thể giảm nguy cơ mắc bệnh bằng cách xây dựng một lối sống lành mạnh. Hãy bắt đầu từ những việc cơ bản sau:
Kiểm tra sức khỏe thường xuyên
Kiểm tra sức khỏe thường xuyên có thể xác định ung thư đại trực tràng sớm và làm tăng cơ hội điều trị thành công. Nếu hiện tại đang mắc bệnh ung thư đại trực tràng, bạn cần kiểm tra sức khỏe thường xuyên để kiểm tra khối u có tái phát hoặc di căn đến các khu vực khác hay không. Một số xét nghiệm thông thường là: CEA (carcinoembryonic antigen), xét nghiệm máu, CT scan.
Ăn uống tốt hơn
Điều trị ung thư có thể gây mệt mỏi và làm cho bạn chán ăn. Ngoài ra, bạn có thể gặp chứng buồn nôn hay ói mửa. Những tác dụng phụ của điều trị có thể làm cho bạn giảm cân thường xuyên. Bạn có thể khắc phục tình trạng chán ăn này bằng cách chia nhỏ phần ăn cách nhau mỗi 2-3 giờ. Bạn cũng có thể gặp các chuyên gia dinh dưỡng để xin các lời khuyên từ họ.
Nghỉ ngơi và tập thể dục
Sự mệt mỏi trong điều trị ung thư có thể dẫn đến giảm mức độ hoạt động và tập thể dục. Nhưng tập luyện lại có thể giúp giảm mệt mỏi. Nếu bạn không vận động trong quá trình điều trị, bạn sẽ mất dần sức khỏe, sự dẻo dai và bền bỉ. Tuy nhiên, những bài tập phải phù hợp với sức khỏe của bạn. Nếu bạn đã không vận động trong một thời gian dài, bạn sẽ phải bắt đầu từ từ, có thể bằng cách đi bộ những đoạn ngắn.
Bất cứ khi nào cảm thấy rất mệt mỏi khi tập luyện, bạn nên nghỉ ngơi. Tuyệt đối không nên cố gắng làm việc hay chăm lo cho việc gia đình quá sức. Điều bạn cần làm lúc này là phải lắng nghe cơ thể mình.
Đánh giá:
Đăng bởi Phongbenh24h.com - Cập nhật
- Ngày đăng - Nguồn: Hello Bác sĩ
Thoái hóa khớp và thoát vị đĩa đệm đều là những bệnh lý liên quan đến xương khớp có thể gây ra những cơn đau khiến bạn cảm thấy khó khăn khi vận ... [xem thêm]
Bạn là một bà mẹ rất chu đáo và quan tâm đến việc đảm bảo nguồn sữa mẹ sạch đầy dinh dưỡng cho trẻ? Con bạn có đang gặp phải các vấn đề liên ... [xem thêm]
Chất chlorine trong hồ bơi là thủ phạm chính gây hại cho làn da. Vì thế, hãy tham khảo 7 bí quyết dưới đây để giúp bạn bảo vệ da khi đi bơi ... [xem thêm]
Việc nghe tin mình bị ung thư vú và chấp nhận nó thật sự là một giai đoạn rất khó khăn đối với bất cứ ai. Vì ngoài việc bạn sẽ gặp rất nhiều bất ... [xem thêm]
Có thể nói dinh dưỡng chính là nền tảng quyết định mọi vấn đề về sức khỏe của con người, trong đó có cả việc sinh sản. Chính vì lẽ đó, nhiều ... [xem thêm]
Việc chăm sóc, nuôi dưỡng một đứa trẻ biếng ăn là nỗi vất vả của nhiều bậc cha mẹ. Khi bé yêu mắc chứng biếng ăn, bạn thường có xu hướng ép con ... [xem thêm]
Chế độ dinh dưỡng hợp lí là một trong những chìa khóa để có sức khỏe tốt. Bạn có thể cải thiện chế độ dinh dưỡng của bạn bằng cách thường xuyên ... [xem thêm]
Dầu mè là một loại dầu thực vật có tác dụng giảm huyết áp cũng như tốt cho sự phát triển của tóc. Hãy tìm hiểu kỹ hơn về các công dụng tuyệt vời ... [xem thêm]