Hội chứng ống cổ tay

(3.6) - 50 đánh giá

Hình minh họa hội chứng ống cổ tay: (1) mạc giữ gân gấp, (2) thần kinh giữa bị chèn ép, (3) xương cổ tay.

Hội chứng ống cổ tay là do một dây thần kinh ở vùng cổ tay bị chèn ép, có thể gây đau và một số triệu chứng khác ở bàn tay. Hội chứng này có thể được điều trị hiệu quả.

Ống cổ tay là gì?

Ở vùng cổ tay có 8 xương nhỏ, gọi là xương cổ tay. Một dây chằng ngang cổ tay (còn gọi là mạc giữ gân gấp) nằm trên phía trước cổ tay. Ống cổ tay là khoảng không gian giữa dây chằng này và các xương cổ tay. Các gân gấp ngón của cơ vùng cẳng tay đi qua ống cổ tay. Dây thần kinh giữa (một dây thần kinh chính của bàn tay) đi qua ống cổ tay trước khi chia thành các nhánh nhỏ vào lòng bàn tay.

Dây thần kinh giữa nhận cảm giác từ ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và một nửa ngón áp út. Nó cũng chi phối vận động của các cơ nhỏ vùng mô cái.

Hội chứng ống cổ tay là gì?

Hôi chứng này bao gồm các triệu chứng gây ra bởi sự chèn ép dây thần kinh giữa trong ống cổ tay. Ở nước Anh, hàng năm có khoảng 1/1.000 người bị hội chứng này, thường gặp ở những người từ 40 đến 50 tuổi, nhưng cũng có thể thấy ở mọi lứa tuổi. Hội chứng này cũng khá phổ biến ở phụ nữ có thai. Phụ nữ thường bị nhiều hơn nam giới gấp 2 đến 3 lần.

Các triệu chứng của hội chứng ống cổ tay?

  • Cảm giác buồn buồn và châm chích: Đây là cảm giác ngứa ran như kiến bò hay nóng rát một phần hay toàn bộ vùng da đã tô xám ở hình trên. Trường hợp điển hình thì đây thường là triệu chứng đầu tiên. Ngón trỏ và ngón giữa thường bị ảnh hưởng trước tiên.
  • Đau: cũng có thể thấy đau ở các ngón tay tương tự ở trên, đau có thể lan lên cẳng tay.
  • Tê: Tê các ngón tương tự, hoặc một phần của bàn tay cũng có thể gặp khi bệnh xấu hơn
  • Khô da: vùng da của các ngón tương tự như mô tả ở trên cũng có thể gặp.
  • Yếu cơ: yếu vài cơ vùng ngón tay hay mô cái có thể gặp trong các trường hợp nặng. Điều này có thể làm người bệnh khó cầm nắm và cuối cùng sẽ dẫn đến teo cơ mô cái.

Mỗi người có các triệu chứng nặng hay nhẹ khác nhau. Có thể bị hội chứng ống cổ tay ở một hoặc cả hai tay. Lúc đầu, các triệu chứng có rồi tự mất đi, thường là sau khi bạn sử dụng bàn tay. Thông thường, các triệu chứng thường nặng hơn vào ban đêm và có thể khiến bạn thức giấc.

Có thể giảm bớt triệu chứng khi bạn đưa tay lên hoặc khi bạn dốc tay xuống. Gõ nhè nhẹ vào cổ tay cũng có thể làm bạn dễ chịu hơn. Khi bệnh đã diễn tiến nặng, các triệu chứng thường không mất đi theo thời gian.

Nguyên nhân của hội chứng ống cổ tay?

  • Đa số các trường hợp không biết được nguyên nhân rõ ràng. Môt số quan niệm cho rằng nguyên nhân là do một vài thay đổi nhỏ của gân cơ hoặc các cấu trúc khác đi qua ống cổ tay, làm tăng áp lực trong ống cổ tay. Sự tăng áp lực này sẽ gây chèn ép và giảm máu nuôi đến dây thần kinh giữa, dẫn đến chức năng của dây thần kinh này bị ảnh hưởng và gây ra triệu chứng. Hội chứng ống cổ tay thường gặp hơn ở những người công nhân làm việc bằng tay, đặc biệt là các công việc vận động cổ tay nhiều như lau chùi hay bóp vặn. Vì thế, sử dụng bàn tay quá mức trong vài trường hợp có thể là một yếu tố tạo nên những thay đổi của các cấu trúc trong ống cổ tay, dẫn đến hội chứng ống cổ tay
  • Cấu trúc gen của bạn có lẽ cũng có một vai trò nhất định. Hội chứng ống cổ tay dường như có liên quan một vài yếu tố di truyền. Khoảng 1/4 số người bị hội chứng ống cổ tay có người thân (cha, mẹ, anh chị em) cũng bị hội chứng này.
  • Bệnh lý xương khớp vùng cổ tay như thấp khớp, gãy xương cổ tay cũng có thể gây ra hội chứng ống cổ tay.
  • Các tình trạng khác có liên quan hội chứng ống cổ tay như: mang thai, béo phì, tuyến giáp hoạt động kém, đái tháo đường, mãn kinh, các bệnh hiếm gặp khác, và tác dụng phụ của vài loại thuốc. Vài bệnh lý gây tình trạng ứ nước (phù) có thể ảnh hưởng đến cổ tay và gây hội chứng ống cổ tay.
  • Các nguyên nhân hiếm gặp như các nang, tăng sinh, tình trạng sưng phù của các gân, các mạch máu đi qua ống cổ tay.

Hình MRI cổ tay của một bệnh nhân bị hội chứng ống cổ tay cho thấy dây thần kinh giữa chia đôi và tồn tại động mạch giữa trong ống cố tay (trong vùng ô vuông màu đỏ).

Hình MRI cổ tay của một bệnh nhân bị hội chứng ống cổ tay cho thấy một khối u xơ mỡ lành tính (fibrolipomatous hamartoma) dây thần kinh giữa (trong vùng khoanh tròn màu xanh).

Bạn có cần làm xét nghiệm gì không?

Khi các triệu chứng lâm sàng quá điển hình, có thể không cần làm thêm xét nghiệm. Tuy nhiên, bạn có thể nên được làm một khảo sát về dẫn truyền thần kinh. Khảo sát này giúp đo vận tốc của xung thần kinh đi qua ống cổ tay. Giảm tốc độ xung thần kinh của dây thần kinh giữa đi qua cổ tay thường giúp khẳng định chẩn đoán.

Xem thêm bài khảo sát dẫn truyền dây thần kinh

Điều trị hội chứng ống cổ tay như thế nào?

Các biện pháp chung

Cố gắng không sử dụng cổ tay quá mức như ép, nắm, vắt quá mức, vv… Nếu bạn đang thừa cân thì việc giảm cân có thể giúp bạn cải thiện tình trạng bệnh. Bạn có thể dùng đến thuốc giảm đau. Nếu tình trạng này là một phần của một bệnh nền (như viêm khớp) thì điều trị bệnh nền có thể giúp cải thiện triệu chứng.

Không điều trị có thể cũng là một lựa chọn!

Có tới 1/4 số trường hợp các triệu chứng mất đi trong vòng khoảng một năm mà không cần điều trị (2 trong 3 trường hợp hội chứng ống cổ tay xuất hiện trong thai kì, các triệu chứng mất đi sau khi bà mẹ sinh con). Vì vậy, không điều trị cũng là một lựa chọn, đặc biệt đối với các triệu chứng nhẹ. Việc điều trị có thể được xem xét lại trong các tình huống này khi các triệu chứng diễn tiến xấu đi. Các triệu chứng hầu như tự mất đi ở những người dưới 30 tuổi.

Nẹp cổ tay

Nẹp cổ tay di động là một điều trị tích cực đầu tiên được khuyến cáo. Lợi ích của nó là giữ cổ tay ở một góc trung lập không chịu bất cứ lực nào tác động lên ống cổ tay để cho dây thần kinh nghỉ ngơi. Đặt nẹp cổ tay vài tuần có thể giúp điều trị hết hội chứng ống cổ tay. Thanh nẹp có thể rườm rà một chút khi sử dụng vào ban ngày. Tuy nhiên, người ta thường chỉ đeo nẹp vào ban đêm, vậy cũng đủ để giảm bớt các triệu chứng.

Tiêm steroid

Tiêm steroid vào bên trong hay gần ống cổ tay cũng là một biện pháp điều trị. Một nghiên cứu đã phát hiện ra rằng chỉ tiêm steroid đơn thuần đã giảm được triệu chứng ở khoảng 3 trong 4 trường hợp. Trong thử nghiệm này, các triệu chứng đã tái phát ở một số người. Tuy nhiên, khoảng một nửa số người được điều trị không có triệu chứng trong một năm sau đó.

Không rõ ràng cơ chế tác dụng của steroid trong tình trạng này. Steroid được biết là thuốc kháng viêm. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp hội chứng ống cổ tay không có tình trạng viêm rõ ràng. Steroid cũng làm giảm ảnh hưởng của các hóa chất có thể có vai trò trong việc tăng áp lực trong ống cổ tay.

Phẫu thuật

Hình minh hoạ phương pháp phẫu thuật điều trị hội chứng ống cổ tay: (1) cắt dây chằng ngang cổ tay, (2) giải phóng dây thần kinh khỏi bị chèn ép.

Một phẫu thuật nhỏ được thực hiện dưới gây tê cục bộ, bằng cách cắt dây chằng ngang cổ tay và giải phóng dây thần kinh khỏi bị chèn ép sẽ giúp điều trị hội chứng ống cổ tay. Bạn sẽ không thể sử dụng bàn tay của bạn để làm việc trong một vài tuần sau đó. Phẫu thuật này để lại một vết sẹo nhỏ ở mặt trước cổ tay bạn. Trong trường hợp rủi ro, phẫu thuật có thể để lại một số biến chứng nhỏ. Ví dụ, sau phẫu thuật, một số ít bệnh nhân có nguy cơ bị nhiễm trùng và tổn thương các mạch máu hoặc thần kinh.

Các điều trị khác

Trong vài năm nay, có nhiều phương pháp điều trị khác nhau còn đang được tranh cãi. Chẳng hạn như thuốc lợi tiểu, tập thể dục, vitamin B6, vật lý trị liệu cổ tay, tập yoga, liệu pháp từ trường, và điều trị bằng sóng siêu âm. Không phương pháp điều trị nào được chứng minh là có hiệu quả, vì thế chúng không được khuyến cáo rộng rãi. Thuốc Steroid uống đôi lúc có thể cải thiện được triệu chứng. Tuy nhiên, uống steroid lâu dài sẽ có nguy cơ bị các tác dụng phụ nghiêm trọng. Steroid tiêm tại chỗ có lẽ là biện pháp tốt hơn. Do đó, điều trị bằng steroid uống không được khuyến cáo.

Biệp pháp điều trị tốt nhất cho tôi là gì?

Nếu triệu chứng nhẹ, chẳng hạn như xuất hiện không hằng định cảm giác tê, châm chích hay cảm giác hơi khó chịu, bạn có thể lựa chọn một phương pháp điều trị không phẫu thuật. Nẹp cổ tay có thể giúp ích, tuy nhiên tiêm steroid có lẽ là biện pháp điều trị không phẫu thuật hiệu quả nhất.

Nếu bạn đang được điều trị bằng một phương pháp không phẫu thuật mà thấy không hiệu quả thì bạn nên gặp lại bác sĩ của bạn. Đặc biệt là nếu như bạn bị tê liên tục bất kì phần nào của bàn tay, hoặc yếu cơ vùng gần ngón cái có nghĩa là dây thần kinh không hoạt động tốt và có nguy cơ bị hư hại vĩnh viễn.

Phẫu thuật là lựa chọn tốt nhất để điều trị lâu dài. Biện pháp điều trị này khá phổ biến hiện nay. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật khi các triệu chứng vẫn còn sau khi điều trị không phẫu thuật khác, hoặc khi các triệu chứng là nghiêm trọng và dây thần kinh bị đe dọa sẽ hư hại vĩnh viễn.

Điều trị lựa chọn khi các triệu chứng nặng

Nếu bạn bị nặng, đặc biệt là teo cơ mô cái, thì bạn cần phải được phẫu thuật. Giải ép nhanh chóng cho dây thần kinh giúp tránh được tổn thương dây thần kinh vĩnh viễn.

Hội chứng ống cổ tay trong thai kì

Các triệu chứng thường mất đi sau khi sanh. Do đó, một biện pháp điều trị không phẫu thuật, chẳng hạn như mang nẹp cổ tay thường được khuyến cáo trước tiên. Phẫu thuật được chỉ định khi các triệu chứng tồn tại dai dẳng.

Tài liệu tham khảo

  • http://www.patient.co.uk/health/carpal-tunnel-syndrome
  • http://umm.edu/health/medical/reports/articles/carpal-tunnel-syndrome
  • http://radiology.casereports.net/index.php/rcr/article/viewArticle/195/517
  • http://www.healthcare.siemens.com/magnetic-resonance-imaging/magnetom-world/clinical-corner/clinical-speciality/neurography/carpaltunnel
  • http://www.bvngoaithankinhqt.org.vn/modules.php?name=News&op=viewst&sid=34
  • Biên dịch - Hiệu đính

    Ths.BS. Phan Hoàng Phương Khanh - BS. Lâm Xuân Nhã
    Đánh giá:

    Bài viết liên quan

    Đột quỵ do xuất huyết

    (19)
    Ở Hoa Kỳ, khoảng 13% trường hợp đột quỵ xảy ra do xuất huyết, tức là do đứt mạch máu bên trong hoặc gần não. Khi xuất huyết xảy ra, máu tích tụ trong ... [xem thêm]

    Nguyên nhân gây tự kỷ là gì?

    (12)
    Tự kỷ không do nguyên nhân đơn lẻ và nguyên nhân thực sự vẫn chưa được rõ. Do sự phức tạp của bệnh và thực tế là các triệu chứng cũng như mức độ ... [xem thêm]

    Rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ em

    (74)
    Định nghĩa Rối loạn tăng động giảm chú ý (Attention-deficit/hyperactivity disorder: ADHD) là một rối loạn mạn tính ảnh hưởng đến hàng triệu trẻ và thường ... [xem thêm]

    Chóng mặt

    (47)
    Chóng mặt là gì? Chóng mặt là cảm giác xoay tròn, bập bênh, hoặc thấy mọi vật đang quay xung quanh mình, xảy ra cả khi hoàn toàn yên tĩnh. Nhiều đứa trẻ ... [xem thêm]

    Tự kỷ được chẩn đoán như thế nào?

    (29)
    Chuẩn bị cho cuộc hẹn với bác sĩ Bác sĩ của con bạn sẽ tìm các vấn đề về phát triển tại những lần khám sức khỏe định kỳ. Nếu trẻ biểu hiện ... [xem thêm]

    Cảm giác mệt mỏi sau đột quỵ

    (65)
    Sau một cơn đột quỵ, hầu hết những người bệnh đều cảm thấy mệt mỏi ở một mức độ nào đó. Những bệnh nhân sau đột quỵ thường phải ... [xem thêm]

    Loạn trương lực cơ và loạn trương lực cơ cổ

    (61)
    Loạn trương lực cơ là gì? Loạn trương lực cơ (dystonia) là rối loạn vận động (movement disorders) đặc trưng bởi những cử động không tự ý, có sự duy trì ... [xem thêm]

    Phục hồi chức năng bệnh Parkinson

    (23)
    Tài liệu sau đây sẽ hướng dẫn các bạn các bài tập phục hồi chức năng bệnh Parkinson. Các bài tập vận động phục hồi chức năng bệnh Parkinson. Biên ... [xem thêm]

    DANH SÁCH PHÒNG KHÁM BỆNH VIỆN