Hội chứng bàng quang tăng hoạt (OAB)

(3.57) - 58 đánh giá

Hội chứng bàng quang tăng hoạt (OAB) là bệnh thường gặp. Các triệu chứng bao gồm tiểu gấp, tiểu nhiều lần, tiểu không tự chủ. Điều trị bằng quá trình tập luyện bàng quang. Đôi khi thuốc có thể được phối hợp vào trong quá trình điều trị nhằm giúp giảm sự kích thích bàng quang.

Hội chứng bàng quang tăng hoạt là gì?

Hội chứng bàng quang tăng hoạt (OAB) bao gồm các triệu chứng tiểu gấp, tiểu nhiều lần, tiểu không tự chủ. Tập luyện bàng quang giúp cải thiện đáng kể triệu chứng. Đôi khi thuốc có thể được sử dụng trong quá trình điều trị nhằm giúp giảm kích thích bàng quang.

Hội chứng bàng quang tăng hoạt xảy ra khi bàng quang bị co thắt đột ngột mà không có sự kiểm soát và khi bàng quang không chứa đầy nước tiểu. Hội chứng bàng quang tăng hoạt là một tình trạng phổ biến mà không có nguyên nhân được tìm thấy cho các cơn co thắt bàng quang lặp đi lặp lại và không kiểm soát. (Ví dụ, không phải do nhiễm trùng đường tiểu tiểu hoặc tuyến tiền liệt lớn.)

Hội chứng bàng quang tăng hoạt đôi khi được gọi là bàng quang kích thích hoặc bất ổn định cơ chóp (cơ chóp là tên gọi của một loại cơ ở bàng quang).

Các triệu chứng của hội chứng bàng quang tăng hoạt là gì?

Các triệu chứng của hội chứng OAB bao gồm:

  • Tiểu gấp. Điều này có nghĩa là bạn bị kích thích phải đi tiểu dù muốn hay không.
  • Tiểu nhiều lần. Điều này có nghĩa là bạn phải đi vệ sinh thường xuyên – hơn bảy lần một ngày. Trong nhiều trường hợp, có thể nhiều hơn nữa.
  • Tiểu đêm. Điều này có nghĩa là phải thức dậy để tiểu nhiều hơn một lần vào mỗi ban đêm.
  • Tiểu không tự chủ xảy ra trong một số trường hợp. Nước tiểu rỉ ra trước khi bạn đi vào nhà vệ sinh, khi bạn có cảm giác tiểu gấp.
Xem thêm bài tiểu không tự chủ.

Hội chứng bàng quang tăng hoạt phổ biến như thế nào?

Trong hai nghiên cứu lớn, khoảng 1 trong 6 người trưởng thành được báo cáo là có triệu chứng của OAB. Với các triệu chứng khác nhau về mức độ nghiêm trọng. Và khoảng 1 trong 3 người có OAB có các triệu chứng của tiểu không tự chủ.

Nguyên nhân gây ra hội chứng bàng quang tăng hoạt là gì?

Nguyên nhân của hội chứng bàng quang tăng hoạt chưa được hiểu biết đầy đủ. Các cơ chóp bàng quang dường như trở nên tăng hoạt và co thắt dù bạn không muốn nó xảy ra.

Thông thường, cơ bàng quang giãn ra khi bàng quang đầy nước tiểu và co thắt lại gây cảm giác muốn đi tiểu khi nước tiểu chứa đầy hơn một nửa bàng quang. Hầu hết mọi người có thể giữ được nước tiểu khá dễ dàng cho đến khi đi vệ sinh. Tuy nhiên, ở những người bị bàng quang tăng hoạt, cơ bàng quang dường như gửi thông điệp sai lệch đến bộ não. Và dẫn đến bàng quang có thể cảm thấy đầy nước tiểu hơn là thực tế.

Bàng quang co thắt quá sớm khi chưa thật đầy nước tiểu và khi bạn không muốn. Điều này làm cho bạn đột ngột muốn đi vào nhà vệ sinh. Trên thực tế, bạn ít có sự kiểm soát khi bàng quang co thắt để đi tiểu.

Trong hầu hết các trường hợp, lý do tại sao bàng quang bị tăng hoạt là chưa được biết rõ và tình trạng này sau đó được gọi là hội chứng bàng quang tăng hoạt. Các triệu chứng có thể trở nên trầm trọng hơn khi bạn bị căng thẳng hoặc do caffeine có trong trà, cà phê, đồ uống có ga, và rượu (xem bên dưới).

Trong một số trường hợp, các triệu chứng của OAB phát triển như là một biến chứng của bệnh liên quan đến thần kinh hoặc não, ví dụ:

  • Sau một cơn đột quỵ.
  • Với bệnh Parkinson.
  • Với bệnh xơ cứng rải rác.
  • Sau chấn thương tủy sống.

Ngoài ra, các triệu chứng tương tự có thể xảy ra nếu bạn bị nhiễm trùng nước tiểu hoặc sỏi bàng quang.

Nói đúng ra, những bệnh trên không được phân loại trong hội chứng bàng quang tăng hoạt vì chúng có nguyên nhân đã biết.

Các phương pháp điều trị hội chứng bàng quang tăng hoạt là gì?

  • Một số biện pháp về lối sống chung có thể hữu ích.
  • Tập luyện bàng quang là cách điều trị chính. Điều này có thể hiệu quả tốt trong một nửa số trường hợp.
  • Thuốc có thể được thay thế, hoặc bổ sung thêm vào quá trình tập luyện bàng quang.
  • Các bài tập sàn chậu cũng có thể được khuyên dùng trong một số trường hợp.

Một số biện pháp về lối sống chung có thể hữu ích

  • Đi vệ sinh. Làm điều này dễ dàng nhất có thể. Nếu bạn gặp khó khăn trong việc đi lại, hãy cân nhắc những điều chỉnh đặc biệt như lan can hoặc ghế nâng trong nhà vệ sinh của bạn. Đôi khi bạn cũng cần dùng một cái ghế để đi tiểu trong phòng ngủ
  • Caffeine có trong trà, cà phê, đồ uống có ga và một phần của một số viên thuốc giảm đau. Caffeine có tác dụng tạo ra nước tiểu nhiều hơn bình thường (lợi niệu). Caffeine cũng có thể trực tiếp kích thích bàng quang gây các triệu chứng tiểu gấp trở nên trầm trọng hơn. Hãy cố gắng không sử dụng caffeine trong một tuần hoặc lâu hơn để xem các triệu chứng có cải thiện hay không. Nếu các triệu chứng cải thiện, bạn có thể không muốn từ bỏ hoàn toàn nhưng hãy giới hạn số lần mà bạn sử dụng thức uống chứa caffeine.
  • Rượu ở một số người, rượu có thể làm cho các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn. Lời khuyên tương tự cũng áp dụng như đối với thức uống có caffeine.
  • Lượng nước uống bình thường. Bạn có thể cắt giảm lượng nước uống để bàng quang không đầy quá nhanh. Tuy nhiên, điều này có thể làm cho các triệu chứng tồi tệ hơn khi nước tiểu trở nên cô đặc hơn, và gây kích thích cơ bàng quang (cơ chóp). Cố gắng uống một lượng nước bình thường mỗi ngày, thường là khoảng hai lít nước mỗi ngày, tương đương 6-8 ly nước, và nhiều hơn nữa khi thời tiết nóng.
  • Chỉ đi vệ sinh khi bạn cần. Một số người có thói quen đi vệ sinh nhiều lần hơn mức bình thường. Họ có thể đi khi bàng quang chỉ chứa một ít nước tiểu. Và họ nghĩ rằng các triệu chứng của bàng quang tăng hoạt sẽ không phát triển nếu bàng quang không đầy nước tiểu và được làm trống thường xuyên. Tuy nhiên, điều này có thể làm cho các triệu chứng trầm trọng hơn trong khoảng thời gian dài. Bởi vì nếu bạn đi vệ sinh quá thường xuyên thì bàng quang sẽ trở nên nhạy cảm và tăng hoạt hơn dù chỉ giữ một ít nước tiểu. Vì vậy, khi bạn cần phải giữ lâu hơn một chút (ví dụ, nếu bạn đi ra ngoài), các triệu chứng sẽ trở nên tồi tệ hơn bao giờ hết.
  • Cố gắng giảm cân nếu bạn thừa cân. Điều này đã được chứng minh rằng ngay cả giảm 5-10% cân nặng có thể giúp cải thiện các triệu chứng.

Tập luyện bàng quang

Mục đích là để từ từ kéo giãn và bàng quang có thể giữ được một lượng nước tiểu lớn hơn. Trong thời gian đó, cơ bàng quang sẽ trở nên ít hoạt hóa và bạn có thể kiểm soát được bàng quang của mình. Điều này có nghĩa là có nhiều thời gian hơn để giữ nước tiểu trước khi phải vào nhà vệ sinh, rỉ nước tiểu cũng ít dần. Bác sĩ, y tá hoặc người cố vấn sẽ giải thích cách thực hiện tập luyện bàng quang. Một số lời khuyên có thể như sau:

Bạn sẽ cần làm nhật ký đi tiểu. Nó giúp ghi lại những lần bạn đi tiểu, và lượng nước tiểu mỗi lần đi. Cần ghi chú những lúc bạn bị rỉ nước tiểu (tiểu không tự chủ). Bác sĩ hoặc y tá của bạn có thể có một số biểu đồ nhật ký in sẵn cho mục đích này để giúp bạn. Giữ một cái bình đo lường cũ trong nhà vệ sinh để bạn có thể đo lượng nước tiểu mà bạn đi mỗi khi bạn đi vào nhà vệ sinh. Xác định lịch trình về đi tiểu của bạn trong 2-3 ngày đầu tiên. Điều này giúp xác định số lần đi tiểu và lượng nước tiểu mỗi lần của chính bạn. Nếu bạn bị bàng quang tăng hoạt, bạn có thể đi vệ sinh mỗi giờ hoặc lâu hơn và chỉ đi được ít khoảng 100-200 ml mỗi lần. Điều này sẽ được ghi lại trong nhật ký.

Sau 2-3 ngày tìm được lịch trình đi tiểu của bạn, mục đích là để giữ nước tiểu càng lâu càng tốt trước khi bạn đi vào nhà vệ sinh. Điều này có vẻ khó khăn lúc ban đầu. Ví dụ, bạn thường đi vệ sinh mỗi giờ, và bây giờ bạn cần kéo dài thêm năm phút. Hãy cố gắng kéo dài thêm, một số lời khuyên sẽ giúp ích cho bạn. Ví dụ:

  • Ngồi thẳng trên ghế cứng.
  • Hãy thử đếm ngược từ 100.
  • Hãy thử làm một số bài tập sàn chậu (xem bên dưới).

Theo thời gian, nó sẽ trở nên dễ dàng hơn và bàng quang có thể giữ được lượng nước tiểu lớn hơn. Với mục đích là dần dần kéo dài thời gian giữa các lần đi vệ sinh và huấn luyện cho bàng quang để căng ra dễ dàng. Nó có thể mất vài tuần để đạt được mức 5-6 lần đi tiểu trong 24 giờ (là khoảng mỗi 3-4 giờ). Ngoài ra, mỗi lần bạn đi tiểu, bạn nên đi tiểu nhiều nhất có thể. (Trung bình, những người không có OAB thường hơn 250-350 ml mỗi lần đi tiểu.) Sau vài tháng bạn có thể thấy rằng bạn có cảm giác bình thường với việc muốn đi tiểu và có thể đi tiểu khi cần thiết.

Khi thực hiện việc tập luyện cho bàng quang, hãy điền vào nhật ký đi tiểu cho một khoảng thời gian 24 giờ mỗi tuần hoặc lâu hơn. Điều này sẽ ghi lại sự tiến bộ của bạn trong mỗi tháng.

Tập luyện bàng quang có thể khó khăn nhưng trở nên dễ dàng hơn cùng với thời gian và sự kiên trì. Nó hiệu quả tốt nhất nếu thêm lời khuyên và sự hỗ trợ từ người cố vấn, y tá hoặc bác sĩ. Hãy chắc chắn rằng bạn uống một lượng nước bình thường khi bạn thực hiện quá trình tập luyện này (xem ở trên).

Thuốc

Nếu không đủ sự cải thiện với việc tập luyện bàng quang đơn độc, các loại thuốc được gọi là thuốc ức chế cơ bàng quang (còn gọi là thuốc kháng Cholinergic) cũng có thể hữu ích. Chúng bao gồm Oxybutynin, Tolterodine, Trospium, Propiverine và Solifenacin. với nhiều tên thương hiệu khác nhau. Chúng hoạt động bằng cách ngăn chặn một số xung thần kinh đến bàng quang, làm giãn cơ bàng quang và do đó làm tăng khả năng chứa của bàng quang.

Thuốc cải thiện triệu chứng trong một số trường hợp nhưng không phải là tất cả. Sự cải thiện thay đổi từ người này sang người khác. Bạn có thể có ít lần đi tiểu hơn, ít rỉ nước tiểu hơn và ít tiểu gấp hơn. Tuy nhiên, nó không cải thiện các triệu chứng hoàn toàn nếu ngưng thuốc. Thuốc nên dùng trong khoảng một tháng hoặc lâu hơn. Nếu nó hữu ích, bạn có thể được khuyên là nên tiếp tục cho đến 6 tháng và sau đó ngừng thuốc để đánh giá. Các triệu chứng có thể trở lại sau khi bạn ngưng thuốc. Vì vậy, việc kết hợp giữ nguyên một liệu trình thuốc với tập luyện bàng quang, có thể sẽ tốt hơn và các triệu chứng có thể ít trở lại hơn khi bạn ngừng thuốc. Vì vậy, tốt nhất là nên sử dụng kết hợp thuốc với việc tập luyện bàng quang.

Tác dụng phụ cũng khá phổ biến với các loại thuốc này nhưng thường rất nhỏ và có thể chấp nhận được. Đọc kỹ tờ thông tin đi kèm với thuốc để biết đầy đủ các tác dụng phụ có thể xảy ra. Phổ biến nhất là khô miệng nên đơn giản nhất là uống những ngụm nước nhỏ thường xuyên có thể chống lại điều này. Các tác dụng phụ khác thường gặp bao gồm khô mắt, táo bón và nhìn mờ. Tuy nhiên, các loại thuốc có sự khác biệt và bạn có thể thấy rằng nếu một loại thuốc này gây ra các tác dụng phụ phiền toái với bạn, thì việc chuyển sang một loại thuốc khác có thể phù hợp hơn với bạn.

Một loại thuốc khác mới xuất hiện gần đây gọi là Mirabegron giúp cơ bàng quang được giãn ra. Thuốc có các tác dụng phụ bao gồm tăng huyết áp, nhức đầu, nghẹt mũi, hắt hơi, đau họng, táo bón và tiêu chảy.

Bài tập sàn chậu

Nhiều người có cả hội chứng bàng quang tăng hoạttiểu són. Các bài tập sàn chậu là phương pháp điều trị chính đối với tiểu són. Điều trị này liên quan đến các bài tập để tăng cường cơ vùng bên dưới bàng quang, tử cung và trực tràng. Tìm hiểu thêm về việc tiểu són và các bài tập sàn chậu.

Xem thêm bài tiểu són của BS. Phạm Bảo Ngọc

Hiệu quả không rõ ràng nếu các bài tập sàn chậu giúp đỡ chỉ áp dụng cho hội chứng bàng quang tăng hoạt mà không tiểu són. Tuy nhiên, các bài tập sàn chậu có thể hỗ trợ thêm nếu bạn đang tập luyện bàng quang (xem ở trên).

Điều trị bằng độc tố Botulinum A

Đây là phương pháp điều trị thay thế cho phẫu thuật nếu các phương pháp điều trị khác bao gồm tập luyện bàng quang và thuốc không giúp cải thiện các triệu chứng của bạn. Việc điều trị bao gồm tiêm độc tố Botulinum A vào hai bên bàng quang của bạn. Nó có tác dụng làm giảm co thắt bất thường của bàng quang. Tuy nhiên, nó cũng có thể làm giảm co thắt bình thường để bàng quang của bạn trống nước tiểu. Nếu làm thủ thuật này, bạn thường cần phải chèn một ống thông nhỏ vào bàng quang để làm rỗng nó.

Lưu ý: Độc tố Botulinum A hiện đã được phê duyệt (được cấp phép) để điều trị hội chứng bàng quang tăng hoạt ở Anh. Nhưng hãy chắc chắn rằng bạn đã thảo luận đầy đủ về quy trình này với bác sĩ của bạn và bạn hiểu tất cả các rủi ro, lợi ích của nó trước khi thực hiện

Kích thích thần kinh

Kích thích thần kinh có thể được thực hiện khi thuốc hoặc độc tố Botulinum A không có hiệu quả hoặc nếu bạn không muốn các phương pháp điều trị này.

  • Kích thích dây thần kinh cùng. Một thiết bị phát xung nhỏ được cấy dưới da của mông để gửi một loạt các tín hiệu điện đến các dây thần kinh kiểm soát bàng quang.
  • Kích thích dây thần kinh mác. Đây là một cách khác để kích thích các dây thần kinh kiểm soát bàng quang.
  • Kích thích thần kinh chày sau qua da. Các dây thần kinh chày sau cũng kiểm soát chức năng bàng quang. Nó có thể được kích thích bằng cách truyền dòng điện qua một cây kim được đưa qua da ngay phía trên của mắt cá chân.

Phẫu thuật

Nếu các phương pháp điều trị trên không thành công, đôi khi phẫu thuật được đề nghị để điều trị hội chứng tăng hoạt bàng quang. Phẫu thuật bao gồm bao gồm:

  • Mở rộng bàng quang. Trong phẫu thuật này, một mảnh mô nhỏ từ ruột được thêm vào thành bàng quang để làm tăng kích thước của bàng quang. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều có thể đi tiểu lại bình thường sau phẫu thuật này. Bạn có thể cần phải đặt một ống thông tiểu để làm trống bàng quang. Phẫu thuật được thực hiện bằng cách mở bụng và đôi khi có thể phẫu thuật nội soi.
  • Dẫn nước tiểu ra ngoài. Trong phẫu thuật này, đặt một ống thông từ thận đến bàng quang (qua niệu quản) và được chuyển trực tiếp ra bên ngoài cơ thể. Có nhiều cách khác nhau để thực hiện điều này. Nước tiểu không chảy vào bàng quang. Phẫu thuật này chỉ được thực hiện nếu tất cả các điều khác đã thất bại

Người cố vấn

Bác sĩ của bạn có thể giới thiệu bạn đến người cố vấn. Người cố vấn có thể đưa ra những lời khuyên về phương pháp điều trị, đặc biệt là về tập luyện bàng quang và các bài tập sàn chậu. Nếu sự không kiểm soát vẫn còn, họ cũng có thể đưa ra rất nhiều lời khuyên về cách đối phó. Ví dụ, họ có thể cung cấp các thiết bị và hỗ trợ khác nhau để giúp đỡ, chẳng hạn như miếng đệm trong trường hợp tiểu không kiểm soát, v.v.

Tài liệu tham khảo

https://patient.info/health/lower-urinary-tract-symptoms-in-women-luts/overactive-bladder-syndrome

Biên dịch - Hiệu đính

BS. Đinh Thị Phương Hoài - TS.BS. Nguyễn Bảo Ngọc
Đánh giá:

Bài viết liên quan

Điều trị tiểu không tự chủ

(68)
Tiểu không tự chủ là gì? Khi bạn có một cơn buồn tiểu đột ngột và không thể ngăn nước tiểu rò ra ngoài trước khi bạn vào nhà vệ sinh, triệu chứng này ... [xem thêm]

Đái tháo nhạt

(76)
Đái tháo nhạt là tình trạng rối loạn khả năng điều chỉnh cân bằng lượng nước trong cơ thể. Thận không còn khả năng giữ nước và điều này gây tiểu ... [xem thêm]

Viêm cầu thận

(16)
Hãy nghĩ về thận của bạn như một bộ phận lọc của cơ thể, một hệ thống đào thải tinh vi gồm 2 cơ quan hình hạt đậu. Mỗi ngày, công việc nặng nhọc ... [xem thêm]

Những điều cần biết về bệnh ung thư thận

(10)
Hầu hết các trường hợp ung thư thận được phát hiện ở những người trên 60 tuổi, đôi khi nó cũng xảy ra ở người trẻ. Triệu chứng sớm nhất là máu ... [xem thêm]

Chứng đi tiểu không tự chủ

(43)
Chứng đi tiểu không tự chủ là dạng bệnh phổ biến nhất của tiểu không tự chủ. Nó có nghĩa là bạn bị són nước tiểu khi tăng áp lực lên bàng quang, như ... [xem thêm]

Thận và hệ tiết niệu

(26)
Thận và hệ tiết niệu là gì? Thận là một cơ quan gồm 2 quả thận nằm ở mỗi bên trong ổ bụng. Thận có một số chức năng quan trọng bao gồm: Duy trì cân ... [xem thêm]

Đái dầm

(10)
Đái dầm là triệu chứng phổ biến. Theo thời gian, hầu hết trẻ đều trở nên “khô ráo” vào ban đêm mà không cần điều trị gì. Việc lựa chọn phương ... [xem thêm]

Giãn tĩnh mạch thừng tinh

(10)
Biên dịch: BS. Đinh Thị Phương Hoài Hiệu đính: PGS.TS.BS. Khánh Giãn tĩnh mạch thừng tinh là tình trạng giãn các tĩnh mạch nhỏ sát hoặc bên cạnh tinh hoàn một ... [xem thêm]

DANH SÁCH PHÒNG KHÁM BỆNH VIỆN